Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 29/7, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc vay 300 triệu USD để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mới chỉ là đề xuất của Bộ GTVT. Việc có quyết định vay khoản tiền này hay không đang được cân nhắc, đàm phán lại.
.
>> Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Là người đóng thuế, tôi phản đối vay vốn Trung Quốc!"
>> Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói gì về dự án đường vay Trung Quốc 7000 tỷ đồng ?
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 300 triệu USD nói trên là số tiền được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vay để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (96 km) từ ngân hàng Trung Quốc - China Eximbank.
Ông Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn, như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ điều khoản ràng buộc chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc.
.
Trước băn khoăn về những bài học từ vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho một số dự án mà điển hình là đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư xác nhận: “Đó đúng là bài học để Chính phủ cân nhắc, tính toán chuyện có vay hay không. Còn hiện giờ đang để mở chưa quyết định, đang đàm phán tiếp điều kiện vay có thuận lợi hay không. Sau đó mới quyết định có đầu tư vào dự án này bằng nguồn vay ưu đãi từ Trung Quốc hay không”.
Với câu hỏi về lý do Chính phủ không tìm kiếm nguồn tiền nội địa cho dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, vay vốn trong nước thì sẽ phải chịu chi phí vay cao, nên phải tính toán hài hòa giữa các dự án. Vay mà chi phí cao thì hiệu quả đầu tư sẽ thấp.
Ông Dũng cũng đồng tình với phân tích thực tế, vay vốn nước ngoài, thường đi kèm rất nhiều điều kiện, nếu tính cộng những điều kiện này thì có khi giá đi vay không hề rẻ.
Xác định đây chính là vấn đề cần tính toán, vị tư lệnh ngành thông tin thêm: “Điều kiện đi kèm vốn vay ưu đãi thì tùy từng nhà đầu tư. Nhà đầu tư đa phương thì họ không quan tâm việc buộc nhà thầu phải là của họ, phải mua hàng hóa của họ... Nhưng nhà thầu song phương họ lại quan tâm điều này”.
Ông cũng nhấn mạnh nguyên tắc, đảm bảo hài hòa lợi ích người đi vay và cho vay, qua đó giảm thiểu những điều kiện đi kèm và minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí không hợp lý.
Ví dụ như trong dự án này, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư trao đổi, phía Việt Nam đang cố gắng đàm phán để không có điều kiện đi kèm, chỉ định thầu là nhà thầu Trung Quốc. “Cố gắng phải đấu thầu công khai thì sẽ tăng hiệu quả của dự án” - Bộ trưởng đáp.
P.Thảo
-----
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét