Tịnh Sơn
TP - Ông ấy - một CEO nổi tiếng từ rất trẻ từng tuyên bố đến năm 40 tuổi sẽ thành Thủ tướng, nay 46 tuổi, cuối tuần vừa rồi lặng lẽ “vác” vợ cùng 4 con trai qua Mỹ định cư. Phía đông không có gì lạ, phía tây liệu có lạ hơn không?
Xứ mình thì mọi sự có vẻ hết lạ từ lâu rồi? Đến như vinh dự đứng thứ 5 thế giới về chỉ số hạnh phúc, nhiều người còn phẩy tay cười ruồi nữa là. Giới “sâu bít” và các chương trình truyền hình thực tế vẫn đang miệt mài làm trò tung đủ chiêu “lạ”, nhưng vẫn cảnh chợ chiều nhễ nhại phấn son.
Có phải do toàn chuyện lạ, nên chả còn gì lạ nữa? Đến như cậu thí sinh ở Nghệ An vốn quanh năm thi lại, nay vừa ngủ gục vừa “khoanh bừa đáp án” còn được điểm 10 Vật lý kỳ thi tốt nghiệp quốc gia là cùng chứ gì!
Phía tây không có gì la của Erich Remarque, cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp một hồi ký lừng danh, kết thúc bằng cái chết của nhân vật chính - chàng lính Paul Baumer. “Anh ta chết tháng mười, năm một nghìn chín trăm mười tám, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là “Ở phía Tây, không có gì lạ”.
Sực nhớ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tác giả được so sánh với Remarque, được thế giới biết đến nhiều nhất khi nhắc đến văn học Việt Nam cho đến nay, cũng vừa trượt Giải thưởng nhà nước về văn chương nghệ thuật. Cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh của một đất nước chiến tranh mà không được vinh danh thì thôi, nói gì nữa. Lạ gì nữa!
Hết lạ, bởi tất cả đều “đúng quy trình”.
Ông ấy, vị CEO với giấc mơ lớn lao nọ, đã đặt tên cậu con trai đầu hoàn toàn trùng khớp với tên họ của mình. Cũng không hề giấu giếm kỳ vọng con mình sẽ làm được điều ông chưa thể thực hiện. Vấn đề là giấc mơ lạ ấy có nằm trong “quy trình” không?
Như chàng lính Paul Baumer, bao nhiêu khát vọng cùng những niềm tin đẹp đẽ vẫn từng ngày âm thầm ra đi, cả khi mọi thứ đạn bom trên thế giới này vẫn còn ngủ yên “không có gì lạ”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét