Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

"CUỘC CHIẾN SIRIA" CỦA LÊ BÌNH VTV CÓ GÌ KHÔNG ỔN ?


***

CẢM NHẬN THẤT VỌNG SÂU SẮC SAU KHI XEM PHIM “KÝ SỰ SYRIA: GÓC NHÌN TỪ PHÍA TRONG CUỘC CHIẾN”


Là người nghiên cứu, theo dõi hàng ngày về cuộc khủng hoảng Syria ngay từ khi nó bùng phát vào đầu tháng 3-2011 tới nay trong làn sóng biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arập”, tôi nóng lòng chờ đợi để xem bộ phim tài liệu “Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến”. Chờ mãi rồi cũng được xem vào 20g10 ngày 23-6-2016.

Tôi nóng lòng đón đợi xem bộ phim này là có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là để xem những người làm phim mô tả cuộc chiến đó như thế nào, bởi hiện có rất nhiều cách đánh giá khác nhau về cuộc chiến này. Ngay cả giới nghiên cứu và truyền thông Phương Tây cũng bị chia rẽ khi nhận định, hay đưa tin về cuộc chiến đó.

Thế nhưng, trái với sự mong đợi, sau khi xem xong bộ phim này, cảm nhận bao trùm trong tôi chỉ là sự thất vọng sâu sắc. Sự thất vọng đó càng thêm đậm nét khi đọc bài trả lời phỏng vấn Nhà báo Lê Bình của phóng viên VTV về bộ phim này.

NỖI THẤT VỌNG XUYÊN SUỐT VÀ BAO TRÙM LÀ BỘ PHIM KHÔNG NÓI LÊN ĐƯỢC BẢN CHẤT CỦA CUỘC CHIẾN ĐANG DIỄN RA Ở SYRIA

Chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng phương tiện bạo lực. Đó là chân lý muôn thuở mà có lẽ bất cứ ai trước khi muốn tìm hiểu về một cuộc chiến tranh nào đó cũng phải nhận thức rất rõ.

Vậy, cuộc chiến tranh Syria là sự kế tục của chính trị nào?

Theo tôi, đối với Tổng thống Syria Basha Al-Assad, Quân đội Syria và hàng triệu người dân Syria đã từng sẵn sàng xả thân từ đầu năm 2011 tới nay là tiến hành cuộc chiến tranh thiêng liêng để bảo vệ một đất nước vốn rất thanh bình và yêu chuộng hòa bình để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do một số thế lực trên thế giới tiến hành thông qua bàn tay của các lực lượng khủng bố đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Syria Basha Al-Assad đã rất nhiều lần khẳng định trước toàn thế giới rằng, ở Syria không có nội chiến mà Syria đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo và dã man hơn cả tội ác thời trung cổ do các thế lực bên ngoài Syria thực hiện. Nói theo ngôn ngữ quân sự, đó là “cuộc chiến tranh xâm lược qua tay người khác”, còn những kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến đó tự cho mình quyền xưng danh là người “chống khủng bố”, “bảo vệ người dân Syria chống lại chế độ cầm quyền độc tài ở Damascus”.

Rất đáng tiếc, bộ phim được quay công phu này lại không làm rõ được bản chất cốt yếu này.

Nếu không sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước chống lại cuộc chiến tranh khủng bố xâm lược từ bên ngoài, làm sao Chính phủ và người dân Syria có thể đứng vững được trong một cuộc chiến tàn khốc kéo dài hơn 5 năm qua?

Mục đích của bộ phim được VTV giới thiệu là “sẽ mang đến cho khán giả truyền hình những trải nghiệm trần trụi nhất về sự tàn khốc của chiến tranh, gây xúc cảm mạnh”. Tôi nghĩ, nếu mục đích chỉ có vậy thì chẳng cần phải cất công, lặn lội tới Syria, sẵn sàng đối mặt với cái chết để làm bộ phim này.

Trong cuộc trò chuyện với VTV News trước thời điểm bộ phim được phát sóng, nhà báo Lê Bình-Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24, đã chia sẻ những dấu ấn mà chị có khi thực hiện bộ phim đặc biệt này.

Nhận diện về bản chất chiến tranh, Nhà báo Lê Bình nói: “Chiến tranh không chỉ cướp đi mạng sống mà còn có thể thay đổi con người, nó có thể biến những người rất hiền lành trở nên dữ dội, thậm chí là hận thù, khát máu”.

Sao lại có thể đưa ra nhận định mù mờ, lẫn lộn về bản chất chiến tranh đến như thế? Cái này chỉ đúng với chiến tranh khủng bố, trong đó IS tuyển mộ công dân nhiều nước, biến họ thành kẻ sát nhân. Còn cuộc chiến của người dân Syria đâu phải thế! Lẽ nào, có thể gọi một chiến sỹ quân đội Syria mới hôm nào đó là một thanh niên hiền lành, nay sẵn sàng hy sinh để tiêu diệt IS nhằm bảo vệ tổ quốc, lại là người “khát máu”?

So sánh với cuộc chiến ở Việt Nam, nhà báo Lê Bình chia sẻ:“Cuộc chiến ở Việt Nam mang một màu sắc, còn ở Syria nó lại mang màu sắc khác”.

Vậy, sự khác nhau đó là gì? Vì sao đoàn làm phim đã có công lặn lội tới Syria, có điều kiện rất thuận lợi là được tiếp cận từ bên trong cuộc chiến, lại không thể làm rõ “màu sắc của chiến tranh Syria có gì khác so với màu sắc chiến tranh ở Việt Nam?

Theo tôi, sự giống nhau về “màu sắc” (tôi tạm dùng ngôn từ của Nhà báo Lê Bình, mặc dù tôi thấy thuật ngữ này không ổn) chính là ở chỗ: nhân dân Việt Nam và nhân dân Syria đều sẵn sàng xả thân để tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống lại cuộc chiến tranh xâm lược.

Còn “màu sắc” khác nhau giữa hai cuộc chiến này là, trong khi nhân dân Việt Nam đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược được tuyên bố công khai, minh bạch, thì nhân dân Syria lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược được che dấu bằng những ngôn từ rất đẹp như “can thiệp nhân đạo”, “chống khủng bố”, “xúc tiến dân chủ”, ““Mùa xuân Arập”.

Nhà báo Lê Bình có chia sẻ: “Chúng tôi đã rơi rất nhiều nước mắt vì sự đau khổ của những người phụ nữ nông dân, họ căm phẫn và tuyệt vọng khi không hiểu vì lý do gì, người thân, chồng, cha, con mình lại chết một cách oan uổng”. Sao lại chết một cách oan uổng? Lẽ nào, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc lại là “oan uổng?

Khi được hỏi về “màu sáng của chiến tranh Syria”, Nhà báo Lê Bình chia sẻ: “Chiến tranh không thể có ánh sáng và hy vọng”,“chiến tranh có máu, nước mắt, có nỗi đau tận cùng, có những tội ác khủng khiếp, còn với ánh sáng, tôi lại chưa nhìn thấy. Đó là bản chất của chiến tranh”.

Xin thưa Nhà báo Lê Bình: khi nói về bản chất chiến tranh, không thể có bản chất chiến tranh chung chung. Có chiến tranh chính nghĩa, có chiến tranh phi nghĩa. Bản chất của chiến tranh được phân biệt bới tính chất chính nghĩa hay phi nghĩa. Rất tiếc, bộ phim này đã không làm được điều đó.

Sự thất vọng của tôi không thể diễn tả nổi khi bộ phim có câu kết:“Người Syria vẫn đang cầm súng của Nga, Mỹ, Israel bắn vào nhau”.

Quá thất vọng về sự hiểu biết sai lầm đến thế về cuộc ở Syria: đánh đồng cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Syria được nước Nga ủng hộ với cuộc chiến tranh khủng bố phi nghĩa do IS và các thế lực bao che, ủng hộ chúng tiến hành. Chả lẽ, Quân đội Syria được trang bị vũ khí của Nga là để “bắn vào nhau” sao?

Một hình ảnh khác trong phim nói lên sự mù mờ khi nhận diện bản chất cuộc chiến tranh ở Syria. Đó là hình ảnh một họng súng chĩa thẳng vào người xem, kèm theo lời bình: “Trước họng súng này là một con người”. Sao lại mập mờ trắng đen đến thế! Không có họng súng nào không có chủ: nếu đó là họng súng của IS thì trước nó là đúng là một con người- một người dân hay một người lính Syria, còn nếu họng súng đó là của người lính Syria thì nó đang nhằm bắn tên khủng bố, chứ không thể là “con người” được!

Nhà báo Lê Bình hãy lắng nghe ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump nói gì về nguồn gốc của IS!

Chính vì không nhận diện rõ và cũng không giúp khác giả VTV hiểu rõ bản chất cuộc chiến tranh Syria nên Nhà báo Lê Bình không nhìn thấy ánh sáng để thoát ra khỏi cuộc chiến này.
Vậy, ánh sáng đó xuất phát từ đâu? Đó là, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết trong một liên minh chống khủng bố dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc để tiêu diệt IS, mang lại “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” cho người Syria như trước khi bùng phát “Mùa xuân Arập” ở quốc gia này trước tháng 3-2011.


Rất tiếc, có lẽ, cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng thống Syria Basha Al-Assad sẽ làm rõ bản chất của cuộc chiến tranh mà nhân dân Syria đanh tiến hành, nhưng Nhà báo Lê Bình đã bỏ lỡ cơ hội đó chỉ vì do “hèn nhát, sợ chết”


Đúng, tôi chia sẻ với Nhà báo Lê Bình: đoàn làm phim đã “dũng cảm một cách vô ích”. Nếu không muốn nói là dũng cảm một cách mù quáng!

Ảnh: Ánh sáng cho cuộc chiến tranh Syria chính là đây: cặp đôi mới cưới, nhân vật chính của bộ ảnh, là cô Nada Merhi, 18 tuổi, và anh Hassan Youssef, 27 tuổi, một người lính của Quân đội Syria đang chiến đấu để bảo vệ tổ quốc:


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: