Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Văn hóa người H’mong, những điều chưa kể


Thực ra ‘chợ tình’ không phải là ngôn ngữ bắt nguồn từ tiếng H’mong, nó cũng không phải là câu chuyện có thật như cách lý giải của những nhà báo, hay một số nhà văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa mà chưa từng đến Sapa. Thực ra trong tiếng H’mong, hoặc trong ngôn ngữ khoa học của chúng tôi thì không có từ ‘chợ tình’, đấy là câu chuyện do các nhà báo thêu dệt lên mà thôi.

Người H’mong ở Lào Cai, Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Trong chương trình Văn hóa Nghệ thuật tuần này mời quý vị cùng với chúng tôi tìm hiểu một vài khía cạnh văn hóa của đồng bào H’mong tại Việt Nam với những điều có thể nhiều người vẫn hiểu lầm về sinh hoạt truyền thống đặc sắc của họ. Măc Lâm phỏng vấn TS Mai Thanh Sơn hiện đang công tác tại Viện Khoa học Xã hội Cộng đồng Tây nguyên về điều mà báo chí thường giật tít là chợ tình Sapa hay những quan sát của người ngoại quốc khi tới thăm Sapa:

Sống khá cách biệt

Măc Lâm: Thưa TS là người nghiên cứu về văn hóa của những đồng bào sắc tộc miền núi, xin ông cho biết đối với người dân tộc H’mong thì điều gì khiến ông thấy họ có nét khác biệt hơn những đồng bào sắc tộc thiểu số khác?

TS Mai Thanh Sơn: Văn hóa H’mong cũng như các phong tục tập quán khác của họ có rất nhiều điểm khác với những tộc người khác đang sinh sống ở Việt Nam, và đặc điểm lớn nhất, nổi trội, dễ phân biệt nhất giữa văn hóa H’mong với văn hóa của các tộc người khác ở Việt Nam ở chỗ họ là cư dân sống ở trên núi cao, khá cách biệt so với những phần còn lại của mỗi địa phương, địa bàn của mỗi vùng văn hóa.

Đặc điểm lớn nhất, nổi trội, dễ phân biệt nhất giữa văn hóa H’mong với văn hóa của các tộc người khác ở Việt Nam ở chỗ họ là cư dân sống ở trên núi cao, khá cách biệt so với những phần còn lại của mỗi địa phương, địa bàn của mỗi vùng văn hóa. - TS Mai Thanh Sơn


Người H’mong đến Việt Nam tương đối muộn, cách đây khoảng 200 – 300 năm, lúc bấy giờ toàn bộ các thung lũng chân núi cũng như những vùng núi giữa đều đã có chủ, vì thế họ buộc phải cư trú trên những triền núi rất cao, và văn hóa vùng cao là đặc điểm nổi trội của người H’mong với những khó khăn trong việc thực hành kinh tế, giao lưu, đi lại, các quan hệ xã hội khác… đấy là đặc điểm lớn nhất của văn hóa H’mong.

Đặc điểm thứ hai nữa cần phải nói đến là người H’mong vốn là cư dân ở vùng cao, và ở vùng ấy chủ yếu là cây khỏa tử, cho nên văn hóa đồ gỗ của họ phản ánh đặc điểm văn hóa đồ gỗ phương Bắc vùng ôn đới, tức là chủ yếu sử dụng các loại cây thuộc họ khỏa tử như thông, samu trong việc thiết kế các đồ gia dụng, nhà cửa.

Cái đặc điểm thứ ba nữa là do sinh sống trên vùng núi cao, cho nên họ có hệ thực vật, động vật phù hợp với điều kiện sinh thái, và cây ngô là thứ cây trồng chủ đạo của người H’mong, nó tạo nên sự ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa sinh hoạt cũng như mưu sinh của người H’mong ở tất cả các vùng trên cả nước.

Măc Lâm: Thưa TS người ngoại quốc khi đến Sapa du lịch đã rất ngạc nhiên khi thấy người đàn bà H’Mong ngồi bên cạnh chồng khi anh ta say rượu và chờ để mang chồng về nhà. Việc này rất khác với các nền văn hóa khác, ngay cả của người Kinh. TS giải thích sao về việc này?

TS Mai Thanh Sơn: Lần đầu tiên khi đến Việt Nam thì ông Savina gặp người H’mong, ông cho rằng người H’mong có nguồn gốc từ phương Bắc, bởi vì ông ấy dựa vào đặc điểm nhân chủng là người H’mong trắng, người H’mong cao, mắt một mí…ông nghĩ rằng người H’mong có nguồn gốc từ Châu Âu. Nhưng điều quan trọng hơn để ông nói rằng người H’mong có nguồn gốc từ phương Bắc, từ Châu Âu chính là vì đặc điểm trong văn hóa của họ. Các đặc tính như kiên cường, thượng võ nhưng lại rất lãng mạn, trữ tình nó rất giống với phong cách của Châu Âu, đấy là điều ông Savina cho là như thế.

Còn cá nhân tôi khi nghiên cứu về người H’mong thì tôi thấy tộc người này có cá tính rất đặc biệt. Nam giới rất kiên cường, thượng võ nhưng vô cùng lãng mạn, còn phụ nữ thì khá cam chịu nhưng có cái mỹ cảm rất tinh nhạy. Cái thứ hai mà tôi rất thích ở văn hóa H’mong là họ rất coi trọng các quan hệ xã hội, và người phụ nữ không cho rằng việc ông chồng ‘say rượu’ là xấu. Họ nghĩ rất đơn giản là người H’mong sống ở vùng núi cao nên rất cần các mối quan hệ xã hội, rất cần đến anh em, bạn bè. Rất cần những chỗ dựa về vật chất cũng như tinh thần, đặc biệt là những chỗ dựa này rất có ý nghĩa trong những trường hợp xảy ra rủi ro cuộc sống hoặc đơn lẻ.


Người H’mong ở Lào Cai, Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.

Nó có thể có những ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi con người rất rõ, nhất là khi họ nhận nhau là anh em kết nghĩa, nhận nhau là‘lao cấn’ (tức là những người cùng tuổi), rồi những người họ hàng bên chồng hoặc bên vợ. Phụ nữ người H’mong cho rằng chỉ có những người chồng có quan hệ xã hội rộng rãi, có nhiều điểm tựa về mặt xã hội thì đi chợ mới say rượu. Bởi vì chỉ với những người bạn, chỉ với những người anh em đáng tin cậy thì người ta mới chia sẻ tình cảm của mình thông qua những bát rượu ngô, hoặc những câu chuyện bên nồi thắng cố, vì thế chuyện người chồng say rượu chứng tỏ anh ta là người quảng giao. Cái thứ hai nữa là người H’mong với quan niệm về một xã hội phụ quyền tương đối rõ, thì việc người vợ thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ và có phần nào đó cam chịu là điều rất bình thường.

Nhưng trong đấy còn một chia sẻ nữa. Người đàn ông làm việc quần quật cả tuần, một tuần là 12 ngày chứ không phải 7 ngày như bây giờ, người ta làm quần quật cả tuần rồi, người ta đã thực hiện tất cả những nhiệm vụ được quy định bởi giới tính và tự nhiên như thế thì việc người đàn ông xuống chợ xả hơi, say xỉn một ngày cũng không phải là điều gì đáng phê phán cả. Tôi nghĩ rằng đấy là cách lý giải rất nhân văn. Tôi đã chia sẻ câu chuyện này với rất nhiều anh em người H’mong và bạn bè và người ta đều có cách lý giải lý thú như thế, và tôi cũng cho rằng cách lý giải đó rất hợp lý.

Không có từ ‘chợ tình’

Măc Lâm: Người Kinh chúng ta thường nghe nói đến những buổi chợ tình của người H’Mong với những câu chuyện đượm vẻ thơ mộng và đôi khi vượt quá sự tưởng tượng của người nghe, chẳng hạn như trai gái gặp nhau và thoải mái trao tình kể cả trao thân với nhau trong những phiên chợ này. TS cho biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong chợ tình của người H’mong như được báo chí mô tả thưa ông?

TS Mai Thanh Sơn: Thực ra ‘chợ tình’ không phải là ngôn ngữ bắt nguồn từ tiếng H’mong, nó cũng không phải là câu chuyện có thật như cách lý giải của những nhà báo, hay một số nhà văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa mà chưa từng đến Sapa. Thực ra trong tiếng H’mong, hoặc trong ngôn ngữ khoa học của chúng tôi thì không có từ ‘chợ tình’, đấy là câu chuyện do các nhà báo thêu dệt lên mà thôi.

Bởi vì người H’mong vốn sống ở trên vùng núi cao, việc đi lại giao thương rất khó khăn. Việc giao lưu quan hệ bạn bè, và việc tìm sự chia sẻ cộng đồng rất là khó. Vì thế cho nên mỗi buổi chợ phiên, ngoài việc thỏa mãn những nhu cầu trao đổi hàng hóa, thì người H’mong đến chợ còn để thỏa mãn nhu cầu văn hóa và quan hệ xã hội, trong đó có nhu cầu về lễ hội.

Cho nên khi chúng ta đến bất kỳ một phiên chợ H’mong nào của vùng núi Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng… chúng ta đều thấy không khí của một lễ hội. Một phiên chợ nhưng có không khí của lễ hội nhiều hơn. Ngoài việc mua bán người ta còn ăn uống, giao lưu, thậm chí có đám khèn, đám thổi đàn môi. . . người ta giao lưu với nhau như thế thì đấy không phải là một phiên chợ với nghĩa mua bán nữa, mà nó là một nơi để giao lưu tình cảm, giao lưu bạn bè…

Thực ra trong tiếng H’mong, hoặc trong ngôn ngữ khoa học của chúng tôi thì không có từ ‘chợ tình’, đấy là câu chuyện do các nhà báo thêu dệt lên mà thôi. - TS Mai Thanh SơnCó rất nhiều vùng người ta đến chợ rất xa, người ta ở cách chợ nửa ngày đường, thậm chí một ngày đường nên buộc người ta sẽ đến chợ vào ngày hôm trước để hôm sau tranh thủ mua bán, giao lưu với bạn bè… xong rồi trở về nhà, Sapa là một trong những phiên chợ như thế. Nhưng không phải chỉ có Sapa, ở trên vùng cao khác có rất nhiều ngôi chợ như vậy, ví dụ như Lào Cai có chợ Simacai cũng có những người H’mong đến trước một hôm, hoặc là chợ Bắc Hà, những người H’mong vẫn đến và người ta ngủ lại chợ.

Trong những đêm ngủ lại chợ như thế thì người ta uống rượu, giao lưu bạn bè, rồi có chuyện trai gái thủ thỉ, tâm tình với nhau. Nhưng mà không phải chỉ có người H’mong mà còn có những tộc người khác như người Dao, việc giao lưu nó rất là trong sáng rất là thuần khiết, tự nhiên. Lại bị các nhà báo, các nhà nghiên cứu văn hóa ‘sa lông’ thêu dệt lên thành những truyền thuyết, huyền thoại, những gì đó nó có tính chất huyền bí, lãng mãn, và có cả tính chất hơi bị ‘lậu’, bởi vì những phiên ‘chợ tình’ như thế để ‘giao hoan’ hơn là giao lưu.

Đối với chợ Sapa cũng thế, chợ Sapa đầu những năm 1990 – 1992 thì vẫn còn khá yên tĩnh, và cái chợ cũ cái chợ được làm trên nền chợ mới bây giờ xung quanh vẫn còn khá hoang sơ, nó còn có bãi buộc ngựa mà bây giờ bị biến thành sân vận động. Thế rồi phía dưới đó còn có rất nhiều luỹ tre, những chỗ cho thanh niên nam nữ tụ tập để giao lưu vào các buổi tối trước các phiên chợ.

Rồi sau này khi báo chí thêu dệt câu chuyện ‘chợ tình’ thì du khách, và các phóng viên ở các vùng khác đến, rồi bắt đầu can thiệp vào cuộc sống vốn bình lặng của họ bằng nhiều cách. Ví dụ như chụp ảnh, tìm cách ghi lén những câu chuyện của họ, việc đó đã phá vỡ mất cái tính thuần khiết, nguyên sơ của những đêm giao duyên, giao lưu trong sáng của những người H’mong. Sau này khi người ta thiết kế chợ mới, người ta xây dựng cái chợ mới có dáng dấp như một siêu thị nhiều hơn thì câu chuyện về chợ truyền thống Sapa đã trở thành dĩ vãng.

Ở đây tôi muốn lưu ý rằng, Sapa không có chợ tình, người H’mong không có chợ tình, và những câu chuyện lãng mạn rất đẹp, thuần khiết nhất, gần gũi với thiên nhiên của người ta bị thêu dệt lên trở thành thứ gì đó nó hơi hủ lậu, đấy là điều rất đáng tiếc và rất đáng phê phán của các nhà báo.

Măc Lâm: Văn hóa ẩm thực của người H’mong tuy không nhiều như của người người Kinh nhưng món Thắng cố có lẽ được nhiều người biết và thích. Món ăn này ra sao thưa ông?

TS Mai Thanh Sơn: Thắng cố là một cái tên bắt nguồn từ tiếng Quân hỏa, thắng: ‘Hang’ là canh, còn ‘cố’ là cái chảo, thực ra thắng cố có nghĩa là chảo canh. Ở đây chảo canh theo ý nghĩa của người H’mong. Du khách, người Kinh cũng như các tộc người khác đến Sapa hiểu rằng đó là một nồi thịt thập cẩm, mà thường là dê, bò, hoặc là ngựa ở trong đó. Cái món ấy người ta làm một cái chảo to đổ nước, rồi bỏ tất cả các bộ phận của ngựa, dê, bò hoặc trâu (sau khi mổ bụng) vào chảo. Họ sắp thành những rất miếng lớn, rồi người ta bày ra ở chợ, ai đến ăn miếng nào thì chỉ miếng đó, và tính tiền luôn miếng đó.

Cái món đó rất là phổ biến ở cả hai bên biên giới, phía bên Trung Quốc cũng có. Bên Trung Quốc nếu chúng ta đi vào khu vực chợ như chợ Mã Quan, chợ Hà Khẩu thì món đó còn nhiều hơn ở bên mình. Còn ở Việt Nam, tất cả những vùng có người H’mong từ Cao Bằng qua Hà Giang, rồi về Lào Cai tại các chợ phiên đều có món đó. Món đấy cứ hiểu đơn giản đó là một chảo canh, mà canh đấy không phải là canh rau mà là canh thịt, mà thịt ở trong đó thì có rất nhiều loại, có thể là thịt trâu, thịt bò, thịt ngựa, thịt dê. . . và đó là những miếng thịt lớn, ai ăn miếng nào thì chỉ miếng đó và tính tiền miếng đó, đơn giản thế thôi.

Măc Lâm: Xin cám ơn TS Mai Thanh Sơn đã dành cho độc giả Đài Á Châu Tự do buổi trò chuyện thú vị này.

Măc Lâm
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: