Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

TÔI TIN,NGÀY MAI TRỜI LẠI SÁNG


 by kytrung
      TÔI TIN, NGÀY MAI TRỜI LẠI SÁNG – Bình luận



      Về hưu, có điều kiện gần dân hơn, vừa rồi tôi có đi dự một cuộc họp tổ dân phố với nội dung: “ Lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp ( nhiệm kỳ 2016-2020) ”. Tôi vẫn hay suy nghĩ, người dân, nhất là những vùng xa, vùng khó hoặc ở nơi dễ kinh doanh… phần đông an phận, không quan tâm chính trị, chuyện bầu cử, ứng cử đối với họ là chuyện xa xỉ. Thậm chí đến ngay những quyền lợi cơ bản của con người được hiến pháp Việt Nam thừa nhận, họ cũng không biết. Nên thế, chuyện lấy ý kiến “ nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp” chỉ là chuyện cho có!!! Nhưng đến cuộc họp, tôi lầm! Một người trong những người ứng cử đại biểu HĐND qua vòng hiệp thương thứ hai, được HĐND và MTTQ phường giới thiệu gặp ngay sự phản đối quyết liệt, vì người dân quá rõ hoạt động của vị này. Nhiều ý kiến phân tích có tình, có lý của người dân để thấy rằng, không thể đưa một người cơ hội, thu vén cá nhân, biểu hiện tính ích kỷ  không quan tâm đến  lợi ý tập thể vào hàng ngũ lãnh đạo, dù đó là một phường. Một người dân nói: “ Các ông muốn đưa ai vào ứng cử thì trước hết phải lấy ý kiến người dân, phải cho người dân phát biểu. Chỉ có người dân mới đánh giá chính xác người đó có xứng đáng hay không ? Đằng này, đến vòng hiệp thương thứ hai rồi, mang danh là thế nhưng toàn từ trên ép xuống, bắt người dân phải chấp nhận. Cứ làm như vậy, vậy người dân có quyền gì? Lãnh đạo không phải do dân bầu, liệu dân có tin không ?”. Tôi hỏi một người ngồi cạnh: “ Lâu nay vẫn có ý kiến người dân khi bàn vấn đề này à!”. Người đó nói: “ Không phải anh ạ! Chỉ có mấy năm gần đây thôi, người dân biết phát biểu để bảo đảm quyền lợi của mình.”
        Tôi nghe như vậy thì mừng.
         Ý kiến của người dân trong một cuộc họp như trên  chỉ là một tia sáng nhỏ nhoi trong khu rừng rậm ken dày những tán lá già sắp rụng, nhưng cho ta hy vọng, ít nhất đã có người dân thức tỉnh về quyền lợi công dân. Vừa rồi tôi lại tiếp xúc với một cháu gái sinh viên, tuổi chỉ bằng con gái thứ hai của tôi. Ánh mắt cháu thể hiện sự năng động, lối nói chững chạc đàng hoàng, phong thái rất tự tin. Cháu nói với tôi: “  Đọc bài của các chú, các bác, chúng cháu biết các chú, các bác là người yêu nước nhiệt thành muốn đất nước có dân chủ thực sự. Nhưng chỉ hô hào mà không hành động, theo chúng cháu nghĩ, không được.  Mặt bằng nhận thức của người dân lúc này không phải ai cũng suy nghĩ như các chú, các bác…”. “ Thế theo cháu phải làm thế nào?”. Cháu gái sinh viên đó trả lời: “… Phải hành động cụ thể, trước hết là tổ chức, sau đó là vận dụng mọi khả năng, mọi phong trào hợp pháp để tuyên truyền về ý thức công dân, nhất là quyền của người dân được hoạt động trong  hiến pháp như thế nào? Rồi từ đó nhân rộng ra để người dân mạnh dạn thoát khỏi sự sợ hãi, đấu tranh xây dựng được một chính quyền đúng nghĩa với sự dân chủ, tự do…”. “Cháu không sợ bị quy chụp, đàn áp sao?”. “ Chúng cháu thực hiện đúng nghĩa vụ công dân, đúng hiến pháp nhà nước Việt Nam ban hành. Bên cạnh tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước nên không sợ…”. Tôi không đi sâu vào hoạt động của các cháu, sự thành, bại còn ở thì tương lai nhưng sự dấn thân, dám nghĩ dám làm, ở độ tuổi các cháu, chúng tôi không dám, chưa nghĩ tới thì bây giờ lứa tuổi thanh niên trưởng thành hơn lứa tuổi chúng tôi lúc đó rất nhiều.
        Nhìn rộng ra, có lẽ chưa khi nào, phong trào tự ứng cử vào Quốc Hội nhiều như bây giờ. Vẫn biết để đi đến một cuộc bầu cử thật sự dân chủ, thật sự tự do là một quá trình đấu tranh không hề dễ dàng. Gần một trăm vị tự ứng cử, ai cũng biết, số trúng cử sẽ rất nhỏ. Dẫu vậy, chỉ cần đọc chương trình hành động của những vị tự ứng cử này, cũng gieo cho mọi người niềm hy vọng, chi ít đất nước đi vào con đường dân chủ, văn minh cần có một Quốc hội như thế nào? Đại biểu  Quốc hội như thế nào? Dễ gì có một cuộc tuyên truyền dân chủ, tự do đích thực sâu rộng đến như thế. Những điều trước đây chỉ là không tưởng! Sự phá bĩnh, như kiểu ném “mắm tôm”, “kiểm tra đột  xuất”. “phát tờ rơi…” nói xấu, tìm mọi cách để loại các vị tự ứng cử trúng cử… hãy cho chuyện đó là bình thường đi, là bởi, con đường đi đến một nhà nước pháp quyền, với hiện tình đất nước của chúng ta như hiện nay không hề dễ dàng. Nhưng trên thực tế, từ hành động đến lời nói, bài viết của những vị tự ứng cử thể hiện sự vững vàng, tin vào lẽ phải, tin vào chân lý làm cho những người dân như tôi, nhìn vào tiền đồ đất nước phần nào đó hy vọng, bớt bi quan.
       Có người nói với tôi, đừng mơ mộng, các triều đại phong kiến nước ta, khi lâm vào thời suy thoái cũng phải kéo dài cả trăm năm mới chịu sụp đổ, huống hồ…Tôi không đồng tình với ý kiến này. Thời đại bây giờ khác hẳn với thời đại trước kia. Thời này không ai có thể bưng bít được sự thật, không ai ngăn cấm được thông tin. Đây chính là lực đẩy, đẩy xã hội văn minh tiến lên phía trước mà không một thế lực phản động, lạc hậu nào cản lại được. Tôi vẫn tin, trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay, không phải là không có người nhận ra con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Không lẽ, bao nhiêu đất nước, dân tộc trên thế giới, họ cũng trải qua nhiều cuộc cách mạng đớn đau, hiện tìm ra đáp số đúng, duy nhất chỉ có con đường dân chủ tư bản, tam quyền phân lập, chấp nhận đa đảng, tranh cử một cách dân chủ, tự do mới có thể dẫn đất nước thoát khỏi khủng hoảng, gây dựng lại uy tính cho chính phủ, cho những người lãnh đạo, Việt Nam là ngoại lệ!!! Điều này tôi không tin. Tôi nhìn vào thành phần lãnh đạo của chính phủ mới, số người dưới sáu mươi tuổi, chiếm đa số, phần lớn trong số họ được đào tạo ở nước ngoài, có ngoại ngữ, giao tiếp rộng, thế hệ này, dứt khoát có chuyển biến, thúc đẩy xã hội Việt nam đi vào con đường dân chủ như các nước văn minh, thời gian nhanh hay chậm mà thôi.
       Cũng chưa khi nào, người dân được nghe những lời “gan ruột”của các bộ trưởng, ông nghị, bà nghị trước Quốc hội. Những lời nói có thể là dũng cảm, phản biện rất rõ ràng với ý kiến của những người đứng đầu chính phủ. Một điều tôi thấy hiếm,  so với những kỳ họp Quốc hội trước đây. Đây mới là dấu hiệu nhỏ, manh nha của một nghị trường tiến bộ, dân chủ. Dẫu thế, “có” còn hơn “ không”, thúc đẩy đến ý thức độc lập, giám sát thực chất của nhiều nghị sỹ quốc hội khóa tới, để tương lai không xa, Quốc hội phải thực thi được quyền bãi miễn thành viên chính phủ khi thành viên đó không hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội phân công.
         Tôi rất hy vọng điều này sớm trở thành hiện thực.
         Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thử thách, với tôi, tôi cho rằng cơ hội vẫn nhiều hơn thử thách. Cơ hội lớn nhất là lòng dân thống nhất. Người dân đang đồng lòng muốn chính phủ phải mạnh tay với tham nhũng, bất cứ kẻ nào, quyền cao chức trọng đến đâu mà ăn tàn, phá hại đất nước bị đem ra xử trước công lý, người dân đều hoan nghênh, mát lòng, mát dạ. Rồi đến nữa, nếu như lãnh đạo đất nước cùng người dân tỏ rõ thái độ cương quyết với nhà cầm quyền Trung Quốc trước việc họ gây hấn, phá hoại chính trị, kinh tế, văn hóa Việt Nam. Chính phủ đó,  dân ủng hộ đến cùng. Rồi nữa, sự đoàn kết hòa hợp dân tộc trở nên một yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết. Hiện tại cho dù nhà nước Việt Nam chưa có nhiều chính sách cụ thể về hòa hợp, hòa giải, vẫn còn sự nghi ngờ, chưa thật lòng với đồng bào ở hải ngoại thì người dân tự giác không phân biệt kẻ nam người bắc, trong, ngoài nước bắt tay nhau, đón nhau trên tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Lúc này ,nhất là gần đến ngày 30/ 4, ngày đất nước thống nhất (1), chỉ cần chính phủ có một chính sách nhất quán, chấp nhận sự khác biệt để hòa giải thật lòng. Sự đoàn kết dân tộc sẽ là một bức trường thành vững chắc không một thế lực ngoại bang phản động nào có thể phá vỡ nổi. Có hòa giải, hòa hợp thật lòng, khộng nặng nề nhắc lại quá khứ, đó cũng là liều pháp tốt nhất thu phục nhân tâm, tận dụng được những  ý kiến đóng góp của những nhà trí thức lớn, giúp cho những nhà lãnh đạo Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị.
          Còn một điều nữa, tôi muốn nhấn mạnh, với nhiệm kỳ chính phủ vừa rời chức, nhiệm kỳ đó để lại những bài học đau đớn về quản lý kinh tế, về  việc trấn áp những tiếng nói phản biện  của người yêu nước dưới sự truy chụp: “ phản động”, “thế lực thù địch”., “chống phá chế độ”… về một xã hội sa sút nghiêm trọng về mặt đạo đức, về giáo dục hết sức lạc hậu, về nạn tham nhũng tăng lên một cách khốc liệt phá hoại lòng tin của nhân dân vào chính phủ,  vào thực thi luật pháp, về khoảng cách giàu, nghèo độ giãn ngày càng rộng… Nhưng “trong cái rủi cũng có cái may” , nhiệm kỳ chính phủ mới, với những thành viên trẻ tuổi năng động, có hiểu biết… sẽ rút được những bài học cần thiết để không dẫm vào những sai lầm đớn đau đó, đưa đất nước tiến kịp với nền văn minh nhân loại.
     Tôi, một người dân bình thường còn có suy nghĩ đó, huống hồ những vị lãnh đạo, đang nắm vận mệnh quốc gia.
      Hãy lạc quan.
      Tôi tin, ngày mai trời lại sáng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: