Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Tập Cận Bình đốp chát với Obama về Biển Đông


Tổng Thống Barack Obama hội đàm riêng với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31 Tháng Ba. (Hình: Dennis Brack-Pool/Getty Images)
WASHINGTON - Bắc Kinh nhất quyết theo đuổi chủ trương hiếp đáp các nước nhỏ phía Nam để nuốt trọn Biển Đông, người ta đọc thấy điều này trong cuộc gặp mặt của Tập Cận Bình với Tổng Thống Obama.

Hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Tư, 2016, Tòa Bạch Ốc phổ biến bản thông cáo báo chí về cuộc gặp riêng giữa Tổng Thống Barack Obama với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề cuộc họp thượng đỉnh với một số nước về vấn đề hạt nhân ở Hoa Thịnh Đốn. Ông Obama đã thảo luận với ông Tập Cận Bình một loạt nhiều vấn đề từ đóng góp đối phó biến đổi khí hậu, hợp tác về các vấn đề an ninh hạt nhân, đối phó với chương trình phát triển võ khí nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn, và cả vấn đề tranh chấp Biển Đông.

“Tổng thống đã thúc giục Trung Quốc giải quyết những khác biệt với các nước láng giềng về các vấn đề trên biển một cách hòa bình và dựa trên luật lệ quốc tế cũng như ông nhấn mạnh đến lợi ích của Hoa Kỳ trên thế giới khi khẳng định quyền tự do hải hành và bay qua không phận” mà luật lệ quốc tế cho phép. Bản thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc chỉ viết có một câu về vụ việc.

Đối chọi lại quan điểm của tổng thống Mỹ, Tân Hoa Xã thuật lại dài dòng lời của Chủ Tịch Tập Cận Bình đáp trả trong một bản tường thuật, lập lại quan điểm của Trung Quốc không hề thay đổi từng được nói trong nhiều dịp khác nhau những năm gần đây.

“Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Chủ Tịch Tập Cận Bình cả quyết Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành động nào nhân danh tự do hải hành mà vi phạm chủ quyền lãnh thổ của mình cũng như làm tổn hại lợi ích an ninh của mình.” Tân Hoa Xã viết tường thuật.

“Trung Quốc, Tập Cận Bình nhấn mạnh, nhất quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan trên Biển Đông cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực. Đồng thời, bám chặt nguyên tắc các tranh chấp nên được giải quyết bằng phương cách hòa bình giữa các nước tranh chấp xuyên qua đàm phán và tiếp xúc trực tiếp.” Tân Hoa Xã kể.

Tân Hoa Xã còn thuật lời ông Tập Cận Bình kêu gọi Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên quan điểm là không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các nước trong khu vực Biển Đông cũng như đóng vai trò xây dựng để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Đảo nhân tạo Đá Thập ở Trường Sa với phi trường và các cơ sở quân sự được Trung Quốc xây dựng nhằm khống chế Biển Đông. (Hình: CSIS)
Hoa Kỳ từng nhiều lần đả kích Bắc Kinh là cậy thế nước lớn, hùng mạnh về quân sự để hiếp đáp các nước nhỏ ở Đông Nam Á. Hành động bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và mở rộng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, biến những nơi này trở thành những căn cứ quân sự khổng lồ để Trung Quốc khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông, không những tạo bất an cho các nước Đông Nam Á mà còn động đến an ninh hàng hải của các nước khác, trong đó có cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Úc.

Hoa Kỳ không công nhận cái “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, gồm luôn trong đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Bắc Kinh cướp của Việt Nam. Chính vì vậy, một số chiến hạm, máy bay quân sự của Hoa Kỳ đã chạy vào bên trong hay bay trên phạm vi 12 hải lý của một số đảo tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp sự đả kích, đe dọa của Bắc Kinh.

Hai ngày trước cuộc gặp mặt của Tổng Thống Obama với ông Tập Cận Bình, ông Robert Work, phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với báo chí rằng Hoa Kỳ không công nhận “vùng đặc quyền” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông.

Ngày 30 Tháng Ba, 2016, báo New York Times thuật lại cuộc tuần tra của tuần dương hạm USS Chancellorsville mấy ngày trước đó tại khu vực gần đảo nhân tạo Vành Khăn (Mischief Reef) tại quần đảo Trường Sa. Chiến hạm của Hoa Kỳ đã bị một khu trục hạm của Trung Quốc bám theo canh chừng suốt cả thời gian nó quanh quẩn ở khu vực.

Giới chuyên viên phân tích thời sự nhiều lần báo động là sau khi hoàn tất kế hoạch xây dựng và trang bị võ khí trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ tiến đến tuyên bố “khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông. Nếu điều này xảy đến sẽ làm gia tăng căng thẳng an ninh khu vực rất nhiều. (TN)

Người Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: