THANH DANH
Phần nhận xét hiển thị trên trang
(PL)- Những thông tin và bài báo đăng tải từ “Tài liệu Panama” đang tạo một làn sóng biến động tại nhiều nước trên thế giới. Sự nghiệp chính trị của nhiều chính khách và lãnh đạo quốc gia đang đứng trước sức ép khủng khiếp.
Sau quyết định từ chức của Thủ tướng Iceland - ông Sigmundur Davíð Gunnlaugsson, giờ đến lượt Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ trở thành “thương vong chính trị” thứ hai vì “Tài liệu Panama”. Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo phe đối lập - Công đảng, cùng thủ lĩnh phe đối lập tại Nghị viện Anh - ông John McDonnell đã lên tiếng yêu cầu ông David Cameron phải giải trình trước Nghị viện về những thông tin liên quan đến “Tài liệu Panama”.
Sau một thời gian phủ nhận ông có tài sản ở nước ngoài, Thủ tướng Anh đã thừa nhận từng có cổ phần trong công ty hải ngoại của cha ông - Ian Cameron. Ông cũng khẳng định đã bán hết số cổ phần này trước khi trở thành thủ tướng Anh. Tờ The Guardian bình luận những tuyên bố của ông Cameron vẫn chưa giải trình minh bạch toàn bộ nguồn lợi hải ngoại của gia đình ông. Một khảo sát của YouGov cũng cho biết chỉ có 18% người Anh cho rằng ông Cameron đã trả lời thành thực, trong khi đến 56% không tin vào những lời ông nói. Tờ The Guardian cũng cho biết nhiều chính trị gia tại Anh cho rằng vị trí của ông Cameron đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Lãnh đạo nhiều nước khác cũng đang bị thách thức sau khi thông tin từ “Tài liệu Panama” được công bố. Theo trang phân tích chính trị Stratfor, các đối thủ của tổng thống Ukraine đang kêu gọi tiến hành điều tra các tài khoản nước ngoài của ông. Lãnh đạo đảng cực hữu Ukraine thậm chí còn đòi Quốc hội buộc ông Poroshenko từ chức. Tại Argentina, một công tố viên đã yêu cầu tiến hành điều tra mối liên hệ giữa Tổng thống Mauricio Macri và một công ty hải ngoại được nêu trong “Tài liệu Panama”. Đảng đối lập tại Argentina cũng dự định sử dụng cuộc điều tra này làm đòn bẩy trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017.
Trung Quốc và Nga là hai quốc gia bị báo chí phương Tây đăng tải thông tin đậm nhất liên quan đến “Tài liệu Panama”. Đáp lại làn sóng thông tin này, cơ quan phát ngôn cả hai nước đều cho rằng những cáo buộc đưa ra bởi nhóm nhà báo điều tra là xuyên tạc. Ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho rằng “Tài liệu Panama” là một cuộc tấn công vào hình ảnh cá nhân của Tổng thống Putin và nhắm đến mục tiêu gây bất ổn nước Nga. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng các thông tin từ “Tài liệu Panama” là vô căn cứ. Theo những thông tin được ICIJ và tờ The Guardian đăng tải, người thân của ít nhất tám nhân vật lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có mở công ty ở nước ngoài thông qua Mossack Fonseca, trong đó có ông Đặng Gia Quý, anh rể của Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét