"Lần đầu tiên, trong khuôn khổ ngày Sách Việt Nam lần thứ 3, Ban tổ chức (BTC) đưa ra quy chế hoạt động với yêu cầu các đơn vị gửi danh sách tác phẩm dự sự kiện này về cơ quan quản lý để đối chiếu với kho dữ liệu của ngành nhằm kiểm tra, ngăn chặn sách vi phạm lọt vào hội sách".
Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Chu Văn Hòa trong buổi công bố chương trình ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 vào sáng 15-4. Đây cũng là một trong những đổi mới nhằm xây dựng một hội sách "sạch", một không gian văn hóa đọc lành mạnh.
Ngày Sách Việt Nam luôn thu hút rất đông các độc giả. Ảnh: Nhật Nam |
Đổi mới trong nội dung và tổ chức
Là một trong những hoạt động chính của ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 diễn ra tại Hà Nội, hội sách tại Công viên Thống Nhất kéo dài từ ngày 20-4 đến 24-4 được xác định không chỉ là nơi bán sách mà còn là nơi thể hiện văn hóa đọc của cả các đơn vị xuất bản, phát hành và công chúng. Để làm được điều này, cơ quan quản lý đã công bố những đổi mới trong khâu tổ chức và chất lượng nội dung.
Trong đó đáng chú ý là Quy chế hoạt động của Hội Sách lần đầu tiên được đưa ra với những quy định về "Sản phẩm trưng bày, giới thiệu và bán tại hội sách", về "khuyến mãi - quảng cáo"… Cụ thể, "Nghiêm cấm đưa vào hội sách các xuất bản phẩm vi phạm Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ; các xuất bản phẩm đã có yêu cầu xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, xuất bản phẩm có quyết định thu hồi, ngừng phát hành, tiêu hủy; đồ chơi kích động bạo lực, thiếu tính giáo dục".
Đáng chú ý, không chỉ nêu rõ "luật chơi" để cơ quan quản lý, truyền thông, thậm chí bạn đọc cùng kiểm soát, Cục Xuất bản - In và Phát hành năm nay còn yêu cầu đơn vị gửi danh mục xuất bản phẩm trưng bày, giới thiệu và bán tại hội sách về BTC trước ngày 10-4 để cơ quan quản lý "lọc" những đầu sách chưa nộp lưu chiểu hoặc có tên trong danh sách đang phải sửa chữa, thu hồi, chưa được xuất bản… Quy chế này chắc chắn ít nhiều có tính "răn đe", khi thực tế lần hội sách năm ngoái đã phát hiện có những cuốn sách in lậu, thậm chí sách cấm tại một số gian hàng.
Ngoài việc kiểm soát chặt hơn về nội dung, quy chế cũng điều chỉnh một số hoạt động khác liên quan đến tổ chức các sự kiện sao cho khoa học, bảo đảm tính văn hóa của hoạt động ý nghĩa này. Ví như việc quảng cáo hàng hóa, thiết kế gian hàng của đơn vị dù "sáng tạo" đến đâu cũng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị khác cũng như chương trình tổng thể chung của hội sách, như loa bên này "cãi nhau" với loa bên kia, gây ra sự mất trật tự tại không gian văn hóa đọc.
Cũng phải kể đến những động thái khác của BTC trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng đến với hội sách như hệ thống bảng chỉ dẫn khổ lớn về vị trí các gian hàng, các sự kiện giao lưu, quảng bá sách gắn ngay ở cổng vào công viên (đường Trần Nhân Tông). Đây cũng là việc cần rút kinh nghiệm của lần tổ chức trước, khi không gian Công viên Thống Nhất vốn nhiều "ngóc ngách", lắm khi gây khó cho độc giả muốn tìm kiếm một gian hàng, sự kiện quan tâm.
Hướng tới xây dựng quy chế cho các hội sách
Một thực tế diễn ra tại nhiều hội sách, ngay cả hội sách lớn như ở TP Hồ Chí Minh vừa qua là tình trạng một số đơn vị tuồn vào những đầu sách vi phạm, hoặc đang trong thời gian chờ đợi sửa chữa theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Cục Xuất bản - In và Phát hành cho biết, tại Hội Sách TP Hồ Chí Minh năm 2016 có ít nhất 2 cuốn sách của hai NXB được phát hiện là chưa nộp lưu chiểu đã phát hành. Cũng như vậy, còn có hiện tượng những cá nhân, tổ chức vì mục đích xấu đã giả làm khách hàng trà trộn vào hội sách mang theo tài liệu, xuất bản phẩm không hợp pháp cài vào các hàng sách…
Sách cũ lâu nay được xem là nguồn tác phẩm thu hút sự quan tâm, tìm kiếm, trao đổi của nhiều độc giả. Nhiều hội chợ sách cũ trở thành địa chỉ quen thuộc của người đọc Thủ đô và một số nơi khác. Tuy nhiên, các gian hàng sách cũ cũng tiềm ẩn nguy cơ sách lậu, rất khó kiểm soát…
Câu hỏi đặt ra là quản lý các hội chợ sách thế nào một cách hiệu quả mà vẫn khuyến khích được các đơn vị tham gia?
Cục Xuất bản - In và Phát hành khẳng định cần hướng tới việc xây dựng Quy chế hoạt động của các hội sách theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng về nguồn sách, phong phú về các hoạt động cổ vũ văn hóa đọc. Tuy nhiên, Cục không phải là đơn vị đứng ra xây dựng quy chế này cho các đơn vị mà chỉ có thể gửi công văn tới Sở Thông tin và Truyền thông thông báo các vấn đề cần lưu ý trong hội chợ sách để địa phương chủ động xây dựng quy chế phù hợp với đơn vị mình.
Có thể nói việc ngăn chặn sách "rác", sách vi phạm trong các hội sách nói riêng và trong đời sống xuất bản nói chung là việc làm thường xuyên lâu dài. Đây cũng không chỉ là việc của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của chính mỗi đơn vị làm sách, của cộng đồng vì chính môi trường văn hóa đọc lành mạnh của bản thân và xã hội.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành: Chúng tôi xác định không chỉ vì quy mô của hội sách mà quên đi trách nhiệm với xã hội là mang đến cho độc giả những cuốn sách "sạch". Ngoài việc yêu cầu các đơn vị gửi danh sách tác phẩm để Cục đối chiếu, loại các đầu sách vi phạm thì nhiều ngày qua các chuyên gia của ngành đã trực tiếp đọc, kiểm tra các đầu sách đăng ký tổ chức sự kiện giao lưu, tọa đàm, ra mắt… Chúng tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ cùng vào cuộc phát hiện và cung cấp thông tin giúp cơ quan quản lý ngăn chặn sách vi phạm, giữ gìn không gian văn hóa đọc xứng đáng với ý nghĩa ngày Sách Việt Nam.
Theo Thi Thi - Hà Nội mới
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét