Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Ngày tàn của những ‘xóm biệt thự’


   Cách đây 2 năm, đập thủy điện Đăkđrinh sừng sững mọc lên trên con sông Rinh đã phút chốc biến đổi cuộc đời của những người Kadong. Sáng mở mắt dậy, tiền như núi trút xuống đầu họ, những xóm biệt thự mọc lên, bao cuộc ăn nhậu triền miên mút mùa trăng. Nhưng than ôi, giờ đó là dĩ vãng…Thủy điện Đăkđrinh xây dựng ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), là công trình thủy điện có quy mô lớn nhất trên hệ thống bậc thang thủy điện lưu vực sông Trà Khúc. Công trình có tổng công suất 125MW, gồm 2 tổ máy với sản lượng điện hàng năm dự kiến 540,9 triệu KWh.
Dự án khiến 509 hộ dân bị ảnh hưởng ở 3 xã: Sơn Dung, Sơn Liên, Sơn Long. Tổng số tiền đền bù tái định canh, định cư cho những hộ dân này là hơn 186 tỉ đồng, tính trung bình ra mỗi hộ được nhận khoảng 366 triệu đồng. Chính quyền đã tổ chức tái định cư tập trung cho 180 hộ dân. Trong đó, xã Sơn Dung có 58 hộ tái định cư tại thôn Đăk Lang; 25 hộ ở xã Sơn Liên tái định cư ở thôn Nước Trên; 33 hộ dân xã Sơn Long tái định cư ở khu A Nhoi 2, thôn Măng Hinh.
Xóm biệt thự Đăk Lang, xã Sơn Dung đìu hiu đến tội nghiệp - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Những "xóm biệt thự" thực sự làm người ta choáng váng về độ hoành tráng của nó. Trung bình giá xây dựng được khấu trừ từ tiền đền bù cho mỗi căn nhà là 300 triệu đồng. Nhiều người bỏ thêm vài trăm nữa xây nhà to hơn, kiểu dáng hoành tráng hơn. Rồi có người tậu xe ô tô, có người mua sắm dàn karaoke, loa thùng…
Những ngày tháng ăn chơi kéo dài lê thê. Lên Sơn Tây những lúc đó, quanh những thung lũng luôn nghe tiếng nhạc xập xình vang vọng. Đám trẻ nhỏ lè kè điện thoại re ré tiếng nhạc K-Pop, V-Pop xàm xí đế; chúng lắc lư dù có thể chưa hiểu được nghĩa của lời bài hát, với mái đầu cũng móc-lai như ai.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long kể: “Đợt đó, hộ nhiều nhất được đền bù gần 3 tỉ, còn cỡ 300 - 400 triệu thì nhiều lắm”. Người ta còn truyền nhau rằng, có những con buôn ở xuôi phát giàu nhờ lên Sơn Tây thời điểm đó phục vụ cho những người dân nhận đền bù này.
Trở lại kiếp nghèo
Xóm biệt thự Đăk Lang, xã Sơn Dung trưa tháng 3 hiu hắt, không bù cho cái làng gốc cạnh đó nguyên tháng trước rộn rã với mấy đám đâm trâu liên tục. Xóm có 58 hộ tái định cư. Khách vãng lai đi từ trung tâm huyện lên đây khoảng gần chục cây số qua những núi đồi sẽ phải há hốc mồm ngạc nhiên. Cả một dãy dài những ngôi nhà ngói đỏ khang trang, xếp liền kề dọc dài như phố thị. Chỉ có điều, đó là những ngôi nhà rỗng ruột, nhiều ngôi nhà chỉ còn độc mỗi cái tivi.
Ở đầu xóm, anh Đinh Văn Đuôn đang ăn cơm gạo rẫy kèm tí đậu khuôn kho mặn với gia đình. Anh kể, đợt đền bù thủy điện được 500 triệu đồng, vừa tròn tiền xây nhà. Nay còn 2 đám rẫy ở chỗ cũ, chủ yếu trồng keo. Lúc nhàn rỗi đi làm thuê, ngày kiếm 100 ngàn đồng nuôi sống gia đình.
Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở xóm biệt thực Đăk Lang - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Người dân trên này có truyền thống ở nhà sàn nên dù xây nhà gạch khang trang, bên cạnh luôn có một ngôi nhà gỗ che phên nứa. Họ sinh hoạt, ăn, ngủ ở đó. Như anh Đuôn, nhà biệt thự chỉ là nơi để con cái học hành và để vài đồ lặt vặt.
Nhưng còn rẫy chỗ cũ mà làm như anh Đuôn là đỡ lắm rồi. Rất nhiều hộ gia đình khác ở đây giờ trắng tay, khổ hạnh thê thảm như nhà bà Đinh Thị Đù ở cuối xóm. Bà Đù nhận đền bù 400 triệu đồng, không có đất rẫy cấp mới. Bà ở với đứa con trai duy nhất. Đứa con trai và vợ có một đứa con. Mồng 1 Tết Âm lịch 2015, giận hờn chi nhau mà thằng con trai ăn lá ngón tự tử. Đứa con dâu cũng đã theo người mới. Bà Đù ở nhà ôm cháu nhìn trời đất, cạnh bên là đứa con gái út 30 tuổi bị tàn tật bẩm sinh không đi lại được.
“Nhà bà còn tiền không?”. “Hết rồi”. “Lấy chi ăn?”. “Ăn rau rừng, gạo rẫy”. “Cháu nội ăn chi?”. “Không biết. Ăn rứa. Thèm sữa không có. Mẹ nó đi lâu rồi”.
Bà Đinh Thị Đù than thở: "Mình giờ khổ lắm!" - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Đứa cháu đen nhẻm nằm ngủ mê man trong tay bà. Nắng trưa rọi xéo qua mái hiên xuống tóc thưa râm bạc. Ông chồng đã già tuổi đang đi làm rẫy thuê cho người ta kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn chưa thấy về. Mắt bà lé một bên, tưởng nhìn xa xăm nhưng đang đưa theo bàn tay gầy guộc vuốt chân trái bị đau.
“Chân bị ngã 2 tháng rồi. Đi bệnh viện thì họ nói thẻ bảo hiểm hết hạn nên phải về. Đau lắm. Mình giờ khổ lắm”, bà Đù than thở.
Ở cửa nhà đối diện bên kia đường, anh Đinh Văn Kỳ (37 tuổi) cũng đang ôm con ngồi trốn nắng. Quá trưa mà không thấy họ dọn cơm. Người vợ vẫn đang đi kiếm củi, lượm rau rừng về ăn. Anh Kỳ, nhà cũng nhận đền bù vài trăm triệu, cũng xây nhà hết, cũng không có đất làm rẫy, cũng đã hết tiền tiêu, cũng chật vật đi làm thuê ngày kiếm trăm ngàn như nhiều người ở nơi này, cũng đang đối diện nghèo đói…
Bắt con cá, nhậu cả ngày
Ông Đinh Văn Trân, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Dung xác nhận, người dân ở khu tái định cư Đăk Lang đang tái nghèo nhiều. “Một số còn đất ở chỗ cũ thì về lại làm, một số không còn đất thì đi làm thuê. Xây nhà xong, một số thì ở, còn một số thì về nương rẫy ở trên đó”.
Xóm biệt thự ở A Nhoi 2, thôn Măng Hinh, xã Sơn Long cũng không ngoại lệ. Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch xã Sơn Long tâm sự: “Dân về ở khu tái định cư có nhiều thuận lợi về chỗ ở, có điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên bà con đang đối mặt với nhiều khó khăn”.
Người dân ở các khu tái định cư đang đối mặt với sự tái nghèo - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Theo ông Vượt, người dân sau khi nhận tiền đền bù đa phần không sử dụng đúng mục đích, tiêu pha hoang phí nên đến nay đã hết tiền. Những người còn đất ở chỗ cũ, cách 6km, đường sá cách trở, phải đi bộ về đó nên nếu muốn làm thì họ về đó dựng chòi ở cả tháng. Cũng có nhiều người quen tiêu pha nên giờ lười làm. Ngày xưa ở chòi ở rẫy, đói là vào rừng kiếm cái lá cái cây ăn qua ngày. Giờ về ở tập trung, xa rừng, muốn sống qua loa vậy cũng không được nữa.
Trải lòng về cuộc sống của người dân ở các khu tái định cư, ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây cho hay: “Cái khó khăn nhất hiện nay của huyện là hội đồng đền bù dự án thủy điện Đăkđrinh đã giải thể. Chủ tịch hội đồng đã qua đời, Phó chủ tịch cùng 3 địa chính 3 xã vùng dự án bị khởi tố về tội cố ý làm trái liên quan đến đền bù. Hiện tại, tiền hỗ trợ đời sống từ 1 năm rưỡi đến 3 năm vẫn chưa làm. 10.000 m2 đất vườn rừng hỗ trợ cho người dân cũng chưa cấp. Muốn làm được những cái này phải thành lập lại hội đồng đền bù”.
“Mình thương thì thương nhưng nhiều lúc phát bực, phát ghét", ông Đinh Kà Để - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Để trăn trở: “Tái nghèo là do việc quản lý tiền của bà con quá kém, tiêu xài phung phí. Thứ nữa cũng do mấy người tư thương, họ cứ mang bia rượu, mồi mè đến bỏ hẳn trong nhà bà con. Có sẵn thì họ ăn uống. Rồi phải trả nợ. Bây giờ, 10 hộ thì chỉ có vài hộ khôn khéo mà còn giữ được tiền”.
“Mình thương thì thương nhưng nhiều lúc phát bực, phát ghét. Như cái hồ thủy điện đó, người Kinh họ chịu khó lên làm ăn, đánh bắt cá đi bán kiếm sống. Còn người mình thì chỉ xuống bắt 1 con về nhậu cả ngày. Mình khuyên bảo họ còn cãi là bọn tui có xin anh đâu…”, vị Bí thư huyện thở dài, một nỗi buồn vô tận.
Lê Đình Dũng/Motthegioi
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: