Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

CỦA MÌNH KHÔNG MẤT


   Truyện ngắn của HG.

Từ thượng du về dòng sông chảy êm ả, bằng phẳng. Bỗng hẫng một cái.. dòng nước tụt sâu xuống, khỏang hơn một mét.
Không hiểu tại sao?
Có nhẽ dòng sông đến chỗ này bị gẫy, sụt xuống?
Tảng đá lớn bằng cả sân vận động tự nhiên nứt làm đôi, tạo nên cái gềnh, khiến dòng nước thành chảy xiết, ào ạt, tung bờm trắng xóa. Tạo nên cái hàm ếch rất sâu ở bên dưới, chưa ai biết nông sâu thế nào?
Những người từng lặn xuống dưới chân gềnh bảo thế. Bằng chứng là ở phía dưới chỗ đầu gềnh còn nhô lên một tảng to bằng ba cái giường, màu nâu xám. ( Cũng vì lẽ ấy người ta gọi luôn chỗ gềnh này là Gềnh Nâu ).
Ở chỗ hang, có người đã  buộc thử quả cân bằng sát vào sợi dây, thả thử xuống. Sợi dây hàng chục mét vẫn chưa tới đáy. Biết đâu đây là chỗ lòng sông thông với lòng đất, thông với bọng nước ngầm bên dưới cũng nên?
Làng bên này sông cũng được gọi tên theo tên ghềnh là như thế. Kiểu như người ta gọi “Làng Chanh, bởi tại làng đó có giống chanh hồng, thơm ngon rất lạ. Hay làng Gà Luộc do có nuôi giống gà chỉ luộc lên, ăn mới thấy thơm ngon hơn là nướng, hay rang lên..

Năm Huân về Gềnh Nâu khúc sông đó dân vạn chài hay câu được cá anh vũ, cá chiên.
Những giống cá quý, một thời chỉ để tiến vua, hay nhà giàu có mới dám ăn.

Sau thập niên tám mươi, thế kỷ trước là những năm loạn, đói khủng khiếp. Gần như cả nước nghèo, không còn đủ sức, đủ mức để phân chia đẳng cấp. Là khoảng thời gian có nhiều sự ái oăm, có lúc cá anh vũ, cá chiên anh nghèo cũng được ăn, dù ăn theo kiểu nấu cháo với củ sắn. Thứ củ mà thời gian Huân sống ở trong nam, thấy người ta gọi bằng củ khoai mì.

Huân gặp hắn ở một nơi như thế. Lúc đó hắn không giống ai trong vùng về cách ăn mặc
Áo bỏ trong quần, mang đôi dép Tiền Phong mầu trắng đục, cài quai hậu tử tế, trên đầu mũ cối xùm xụp, chóp bọc giấy bạc. Miệng hắn phì phèo điếu thuốc lá dài ngoằng bằng nửa chiếc đũa ăn cơm. Loại thuốc người ta vẫn gọi là “Mo de”. Ngửi thì rất thơm nhưng quả thật Huân chưa hề cầm đến nó bao giờ. Chỉ nghe nói nó rất đắt. Mỗi điếu tương đương nửa cân gạo.
 Hắn đưa, Huân chưa hút ngay, định cài lên vành tai. Hắn bảo:
- Hút đi. Đây vẫn còn, nếu thích tí nữa qua nhà đây cho luôn hẳn bao, hút chơi. Chỉ là bao thuốc thôi mà, có gì quan trọng?
Đây là loại thuốc lúc đó không hiếm nhưng đắt tiền. Anh chả là gì với hắn, sao hắn rộng rãi, xông xênh với mình thế chứ?
Như đoán được ý Huân, hắn tiếp:
- Lính với nhau cả, giữ ý con mẹ gì? Ông chưa biết tôi, chứ tôi thì biết ông từ hồi ông chưa về đây..Cái Nụ là em họ tôi đấy, ông mà lấy nó tức là em dể tôi. Nó có cho tôi xem ảnh và nói về ông rất nhiều. Người như tôi, như ông “có tý học” ở đất này không nhiều. Tôi không quý ông thì quý ai? Ở đâu cũng phải có bạn có bè, không thể sống một mình. Chỗ khác không nói, đất Ghềnh Nâu này mà đơn thương độc mã là chúng cho ăn cứt ngay! Ông có nghe nói: “Đánh nhau Yên Hạc, cờ bạc Ghềnh Nâu” chưa?
Không đợi Huân trả lời, hắn tiếp:
- Đất này đồng rừng, nhưng không đơn giản. Toàn chuột chạy cùng sào, anh hùng hảo hán đến đây cả đấy. Người ta bảo chỗ khúc sông này dữ lắm, xưa không có người đến ở. Thời đã lâu, chiến trận vùng này người chết rất nhiều. Đến nỗi nước sông đặc quánh xác chết, không chảy được. Đêm đêm, trên sông thỉnh thoảng còn nghe tiếng ngựa hí, quân reo. Nhiều bận thuyền bè qua đây, nước không sâu lắm, không phải mùa lũ mà tự nhiên vẫn bị chìm ngỉm, mất tích chả thấy tăm hơi..

Lần đầu gặp nhau, hắn nói hơi nhiều. Người như thế dễ là kẻ ba hoa, phách lối. Nhưng dù sao hắn cũng tỏ ra hiểu biết. Có thể “có tí học” cũng nên. Gì chứ người hiểu biết ở cái nơi, u u, mang mang này không phải là có nhiều, nên trân trọng. Huân nghĩ.
Anh chỉ chưa hiểu hắn ra đây làm gì vào lúc này? Tay hắn vẫn còn xách xâu cá, chắc vừa mua của đám vạn chài câu được. ( Thời đó chưa có đập thủy điện, sông nước chưa cạn khô như bây giờ và tôm cá chưa hề hiếm, dù trên bờ có khi con người có kẻ đói đến hoa mắt ).
Như đoán được ý nghĩ trong đầu Huân, hắn nói:
- Hôm nay nhà tớ có khách. Mấy thằng bạn thợ lặn ở trong quê ra, định sớm mai thám hiểm cái hang hàm ếch dưới kia xem ở dưới có những gì?  Chắc chắn ở dưới đó gỗ quý có nhiều. Bọn thợ bè thường giấu gỗ quý dưới gầm bè, toàn thứ chắc, nặng như sắt dễ bung ra, đến chỗ này tụt xuống.. Bao nhiêu năm rồi có ai dòm ngó đến chỗ ấy đâu? Chắc hẳn không ít.. Không giấu đằng ấy. Giả như có ai biết cũng chả có cách nào xuống  đó mà lấy được. Chính quyền cũng không ngại vì là thứ tận dụng, mày có hiểu không?

Cuối câu hắn đổi cách xưng hô. Những kẻ tự nhiên thay đổi cách xưng hô thường là những kẻ khó chơi, bài học bản thân nhắc Huân như thế. Anh vừa trải qua mấy năm khủng kiếp chỉ vì “tội liên quan”, do quan hệ bạn bè.
Nên khi hắn mời ghé nhà hắn, Huân đã từ chối. Mặc dù câu chuyện của hắn gây chút tò mò. Nhất là chuyện mấy ông bạn xứ “ăn rau má, phá đường tàu”. Xứ ấy lắm người tài, nhưng cũng lắm kẻ tệ hại. Nơi mà sừng tê giác, nhung hươu giả người ta có thể làm giống như thật.
Hắn cũng chả phải hạng “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Có lần sau này, hắn kể làng nhà hắn trong quê là làng chẳng ra gì. Quanh năm cả làng đóng cửa đi ăn mày, có thẻ bài, chứng chỉ hẳn hoi..
Đấy là lần đầu tiên Huân làm quen với hắn từ khi về đất này. Sau hôm đấy, không hiểu bọn hắn có vớt được khúc đinh thối nào từ dưới ghềnh đó không, việc này Huân không rõ, vì bọn này chỉ làm vào ban đêm. Ngay đến người làng cũng không ai hay.
Gặp lại, thấy hắn khoe: “Cũng được mớ khơ khớ”! Huân  không quan tâm.
Thời người ta hay nói một đằng, làm một nẻo, ai biết bọn đó thực ra làm những gì?

Nhà Huân gần đường. Tự buổi quen nhau, qua lại hắn hay ghé vào. Hôm thì khoe sắp tới, hắn dự định sẽ nuôi năm trăm con gà mái lấy trứng. Hôm thì bảo sẽ cho xây một cái ao rộng trên đỉnh đồi nuôi cá chim. Toàn những chuyện khó tin vào thời đấy.
 Nhưng dù sao những câu chuyện nghe như hoang đường, nghe như rồ dại của hắn cũng làm anh thấy hay hay, đỡ buồn ở cái xứ khỉ ho, cò gáy có khi buồn đến nỗi nát ruột này..
Con người sống ai cũng có nhu cầu không thể thiếu được, đó là sự chia sẻ để quên đi những mệt nhọc, nhàm chán thường ngày. Cầu kì quá biết chơi cùng ai? Không lẽ sống đơn độc, một mình nơi nhiều kẻ ưa kéo bè kéo cánh? Huân chấp nhận hắn như lẽ tự nhiên dù trong lòng vẫn thấy cảm giác bất an, thiêu thiếu một cái gì không rõ hình hài..
**
Một sáng mùa đông, sương chưa tan hết ngoài cánh đồng, Huân thấy hắn xuất hiện sớm hơn thường lệ. (Hắn thường ngủ dậy rất muộn vì hằng đêm chúi mũi vào các đám bạc. Hắn chỉ dậy khi người ta đã lên nương, xuống ruộng đã lâu ).
Ngồi chưa ấm chỗ, hắn vào đề luôn:
- Tôi muốn nhờ ông một việc, không biết đằng ấy có chịu giúp không?
- Việc gì?
- Tôi xin được món mỡ của lâm trường, muốn nhờ ông một buổi. Cái nhà tôi ở sắp sụp xuống rồi, không thể kéo dài thêm được nữa..
Gian cửa gian nhà, sửa lại hay làm mới, không ai làm một mình. Dù hắn hay là ai ở làng này cũng đều phải giúp, không thể chối từ. Huân lặng yên, không nói gì. Chỉ có điều anh hơi thắc mắc: Hắn là thế nào mà lâm trường người ta tốt với hắn như thế? Anh đã từng thấy có người chỉ chặt một hai cây bị dân quân, bảo vệ lâm trường dẫn giải lên ủy ban xã như thể trộm bò, trộm trâu. Đằng này nghe hắn nói xin cả nếp nhà hàng chục cây mỡ lớn chứ có phải ít đâu? Hắn móc ngoặc, mua chui hay là có mánh lới gì khác?
Hình như hắn đoán được Huân nghĩ gì, bảo luôn:
- Ông mới về đây, chưa biết chuyện. Gia đình tôi là “gia đình chính sách”. Có xin hơn vài chục cây cũng là chuyện thường. Việc này không thể làm một mình, nên mới đến đây nhờ. Nếu bận tôi nhờ người khác.
Huân thấy khó nghĩ. Người dân, người làng làm gian cửa gian nhà lẽ nào chối từ? Cũng chỉ một hai buổi là cùng, tặc lưỡi.
Rừng mỡ trồng ở sâu trong khe núi đất chỉ có một lối nhỏ đi vào. Đây là rừng mỡ trồng tái sinh, cây thẳng và đều tăm tắp. Nhưng Huân vẫn thấy nó đơn điệu và có phậm tạm bợ thế nào, không như rừng tự nhiên. Hai người vác cưa, rìu vào đến nơi thì trời hửng nắng. Huân nghĩ chắc hắn có “làm việc” thực với chúa rừng, chứ ai lại đi trộm cây ban ngày ban mặt, quang mây tỏ nắng thế này.
Mất gần một buổi sáng, cả hai ngả được ba chục cây. Số lượng thì không nhiều nhưng nhìn cũng ngồn ngộn cả đống. Hì hục róc cành, đục sẹo. Cuối cùng cũng đâu ra đấy.
Huân hỏi:
- Chiều mang trâu vào kéo chứ?
Hắn đáp:
- Chiều chắc vẫn còn nắng, sợ trâu mệt. Kéo hết đám này chết trâu phải đền người ta có mà gáo chả nặng bằng chuôi. Ví lại cũng phải giữ ý cho người ta. Mở lối, kéo gỗ ngang nhiên ban ngày, ban mặt tránh sao khỏi  khó ăn khó nói cho mấy tay lâm trường có ý tốt giúp mình phải mang tiếng?
Huân thấy cũng phải. Mình chỉ là người đi làm giúp, tội vạ đâu hắn lo, việc gì đến mình? Người như hắn thiếu gì cách biến báo, lo gì?

Huân không ngờ sự việc không như anh nghĩ.
Buổi tối ở rừng, đêm đến rất nhanh. Trăng suông mờ mờ tỏ tỏ, sương ướt nhèm hai bên lối đi vừa phát hồi chiều. Hai người vừa mắc trâu, kéo mỡ đi được một quãng thì đồng loạt có tiếng súng nổ từ những bụi cây hai bên đường. Huân vẫn chưa hiểu ra chuyện gì thì thấy nhói bên bả vai. Người nào đó vừa phang rất mạnh vào vai anh. Có tiếng quát, tiếng tù và vang động cả khu rừng. Lố nhố hơn chục người tay lăm lăm súng dài, đèn ba pin chiếu loang loáng. Nếu lúc đó Huân bỏ chạy vào đám bụi cây trước mặt, rẽ lối vào trong rừng có khi thoát. Nhưng không hiểu sao anh vẫn đứng yên một chỗ, mặc cho người ta giằng trói quặt tay về sau lưng. Hắn thảm hại hơn. Không biết có bị đánh hay không, đang quỳ gối, chắp tay vái như cha chết.
Câu chuyện xin xỏ của hắn đến đây là rõ.
Người ta dẫn về nông trường bộ, nơi có cái hội trường lợp ngói, cột vuông, vách trát tooc xi. Thanh minh thanh nga chán một hồi, biên bản được lập. Ông đội trưởng lâm trường nói với cả hai:
- Vi phạm tài sản nhà nước, lý ra phải truy tố các anh về tội phá hoại rừng. Nhưng xét vi phạm lần đầu, chúng tôi chỉ phạt hành chính. Nếu các anh chịu phạt hai ngàn đồng để bồi thường thiệt hại của lâm trường, chúng tôi cho qua. Bằng không chúng tôi sáng mai sẽ giải xuống huyện..
Hắn gật đầu chấp nhận. Huân nghĩ chắc hẳn nhà hắn có tiền. Có thể số dành dụm được từ hôm mò đinh thối, hay thắng canh bạc gần đây?
Không nghĩ đến việc hắn quay sang anh, nói nhỏ:
- Tiền em có, nhưng tạm cho thằng bạn mượn. Phiền anh giải quyết giúp, về em trả ngay!
Phải lúc bình tĩnh, Huân sẽ biết ngay hắn không thực do cách “anh anh em em” ngọt sớt của hắn. Không hiểu sao lúc đó anh lại tin? Phần mình vừa qua cảnh “đoạn trường” sợ không có tiền đám bảo vệ này sẽ làm theo cách họ vừa nói là đưa xuống công an huyện. Điều gì sẽ xảy ra sau đó, Huân là người không cần nghĩ lâu.
Nhưng đó là số tiền quá lớn đối với Huân lúc này. Nó tương đương chục con trâu mụng chứ đâu có ít?
Trong hai người phải ở lại một người để làm tin. Hắn bảo vợ hắn vừa mới đẻ ngại chuyện kinh động này, hơn nữa nhà lại xa ở đây hơn, về sợ lâu.

Huân vừa lo sợ vừa bực mình. Đang yên đang lành nghe thằng một nhát tới trời giờ, mang lụy.
Anh định cứ về, mặc hắn ra sao thì ra.
Về nhà đêm ấy Huân không ngủ được. Hay là lại chân trời gió bay, phiêu liêu lần nữa nơi đất khách quê người?
Nhưng còn mẹ già bao năm tốn nhiều nước mắt mong con, giờ vừa yên được thời gian anh đành rũ áo ra đi? Mà liệu đi có thoát món nợ vô tình người ta khoác lên cổ mình? Đồng tiền quý thật nhưng không quý bằng tự do, yên ổn của mỗi người. Lẽ nào chỉ vì nó lại trốn chui trốn lủi mãi mãi? Đằng nào món nợ này vẫn phải trả nếu anh còn muốn tồn tại, muốn vô sự, yên sống ở đất này!
Gần sáng, Huân giở bọc tiền bao năm dành dụm định đủ thì dựng nếp nhà khang trang mang lên nộp.

***
Ông đội trưởng lâm trường là người có đức. lại là chỗ đi lại tình cảm với gia đình, nhận mẹ Huân là chị em kết nghĩa. Mấy tháng sau, ông đến nhà, rằng:
- Thằng cháu nó bị oan. “Chơi với kẻ xấu chả khác vào hang cá thối”. Em biết vậy, nhưng hôm ấy không có cách gì cứu cháu vì sự việc rành rành ra đấy.. Có đi ăn trộm cũng phải kín đáo, lặng lẽ chứ. Đằng này chúng nó chặt cây xong lại đi phát lối kéo đàng hoàng như của nhà mình. Khác nào loa lên rằng: “Tôi trộm cây đây!”. Đằng nào sự đã đoạn rồi, có nói cũng không lại được nữa. Tiền đã vào nhà nước không thể lấy ra. Chỉ có cách..
Mẹ Huân hỏi cách gì? Lão đội nói như thế, như thế..
***
Chuyện đã qua đi mấy chục năm, có lúc Huân không nhớ nữa. Thằng bỏ mẹ gọi bằng “hắn” vẫn sống ở làng này. Hắn ba lần bán nhà vì tội cờ bạc. May có thằng em trai út, xưa đi học nước ngoài, giờ làm gì to lắm trong Sài Gòn. Thằng em mấy lần giúp mà anh không khá được. Lần cuối nó mua cho anh mảnh vườn, có sẵn cả ngôi nhà xây để ở. Lần này rút “kinh nguyệt”, thằng em đứng tên trong sổ đỏ, anh trai có muốn bán cũng không được.
Dịp tết hắn rinh đâu về bàn cua cá. Định mưu phá lập trình phần mềm của nhà sản xuất, không thành. Vườn cây riêng của người em hắn bán nốt. Lần này tuyệt luôn tình anh em.
Mỗi lần thấy hắn đến nhà là một lần phiền phức. là người làng, Huân tránh không được. Lần hắn nhờ đăng quảng cáo ma ket tinh cho một công ty du lịch nào đó hắn được ăn hoa hồng. Lần nhờ giới thiệu “cao lạc tiên chữa mất ngủ”, lần tìm hiểu kỹ thuật nuôi côn trùng..Tóm lại toàn việc giời ơi, đất hỡi cả. hắn vẫn chỉ là tên hoang tưởng cố hữu. Lạ một nỗi, bậy như vậy mà hắn vẫn sống nhăn ra, lúc nào cũng chân giày chân tất, tay trắng như tay gái đẻ.
Ai gặp hắn lần đầu cũng ngỡ hắn là thầy giáo, hay anh cán bộ tuyên huấn chứ không phải anh dân cày ở cái làng Ghềnh Nâu này!
Lần này hắn đưa cho Huân cái thẻ điện thoại, nói trong đó có ảnh chụp viên ngọc lam nhờ Huân đưa lên mạng hộ. Bán được tiền hắn hậu đãi sau!

Chán chả còn chuyện gì, hắn dở lại chuyện cũ. Hắn bảo Huân trong cái rủi có cái may. Chả phải ngẫu nhiên, lão đội trưởng lâm trường ngày đấy gợi ý cho Huân mảnh đất, sau này cận mặt đường. Mặc dù hồi ấy mảnh đất này ven bìa rừng mọc đầy cỏ gianh, trồng cây không lên được. Ai biết sau này có giá?  Có khi còn gấp trăm gấp ngìn số tiền Huân mất vô lý ngày nào. Đúng là ông giời có mắt, chả ai phải mất không thứ gì của mình.
Huân mặc kệ, không tham gia, để hắn huyên thuyên một hồi.

Hắn về rồi, Huân thấy trong câu chuyện của hắn có một phần có lý, dù là lý vớ vẩn như người ta bảo: “Lý ông mèo”. Nó có một phần đúng, nhưng đúng một cách khốn nạn.
Có nhẽ chừng ấy năm, hắn chưa lần nào băn khoăn, hối tiếc về việc này?
Nếu có, hắn đã thành con người khác, không giả lả, mầu mè, dối trá, ăn nói như bây giờ?

Huân nghĩ vậy và an phận ở Ghềnh Nâu này với những con người hiền hậu có, tai quái có, không thiếu hạng nào. Hình như mỗi ngày điều ấy mỗi diễn biến phức tạp, càng lâu càng khó lường!
Cuộc sống quẩn quanh miếng ăn đồng tiền, mãi không gỡ ra nổi, phải chăng là nguyên nhân nảy sinh ra họ?

===========

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: