Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Có đ/c nhà thơ khen nức nở bài này, rinh về đây đọc sau!

Quyền lực, lý luận và… bánh rán

Lý lẽ của ông chủ
Trong dân gian Việt Nam có câu chuyện vui kể về một ông quan đi ăn cỗ bị tên hầu ăn hết món ngon nên dọc đường về nhà ông ta dở lý lẽ đạo đức ra hành tên hầu. Tên hầu đi trước ngựa thì ông quát “Láo! Sao mày dám đi trước tao?”. Tên hầu đi ngang ông cũng cáu: “Thằng này hỗn thật! Mày lại dám sánh ngang với ông à?!”. Tên hầu vội lùi lại đi sau ngựa, ông càng cáu: “Thằng mất dạy! Ông là tù hay sao mà mày áp giải ông?”.
Tên hầu ức đến phát khóc nhưng vẫn cố nén giận từ tốn hỏi chủ: “Con đi kiểu gì ông cũng nói, con biết làm thê nào cho ông vừa lòng?”. Lúc ấy, ông chủ mới nói toạc cội nguồn những lý lẽ của ông, rằng: “Tại sao lúc nãy mày ăn tranh cái bánh rán của tao?”
Câu trả lời của ông quan bộc lộ cái tâm thế của ông trong lúc đó, cái tâm thế đã đẻ ra những lý lẽ đưa tên hầu vào ngõ cụt. Thực chất của những lý sự mà ông quan đã đưa ra là ông ta đã luôn thay đổi hệ quy chiếu để liên tiếp đặt tên hầu vào vào vị thế của kẻ có tội.
Khi tên hầu đi trước, thì ông đặt quan hệ hai người vào hệ quy chiếu đạo đức để phê phán nó không nhường bước chủ. Khi nó đi ngang ông, ông lại đặt quan hệ hai người vào hệ quy chiếu quyền lực để cho rằng tên hầu dám tự coi mình bằng vai bằng lứa với ông. Khi tên hầu đi sau lưng ông, ông lại đặt quan hệ của ông với nó vào hệ quy chiếu hình sự để kết tội nó coi ông là tội phạm.
Ở đây, quyền lực đã tham dự vào lý luận trong vai trò xoay đảo các chuẩn mực, các hệ toạ độ để xem xét hành vi. Không có lý lẽ nào cãi lại được ông quan vì ông nắm quyền quy định luật chơi!
Trong cảnh huống lý luận trở thành bình phong để che đậy và triển khai tâm thế thì mọi đối thoại trong bình diện lý luận là những lỗ lực vô bổ. Dù tên hầu có tìm ra lý lẽ sắc sảo để bác bỏ sự qui tội đầy suy diễn của chủ thì anh ta cũng chỉ đưa mình dấn sâu vào tình thế bế tắc, vì mọi lý lẽ sắc sảo của anh ta đều củng cố và tăng cường cái ý tưởng xấu về anh ta trong tâm thức ông chủ, làm bùng lên ngọn lửa tâm thế tức giận.
Và xét trên bình diện lý luận thì chân lý của anh ta cũng sẽ bắt gặp quyền phủ quyết của ông chủ bởi một siêu lý là: “Mày lại dám dạy khôn ông ư?”, hoặc trắng trợn hơn: ”Ông sai đấy, thì đã làm sao? Mày định đem lý sự để chống lại ông phỏng?”
Vậy là, trong thân phận kẻ tôi tớ thì dù tên hầu có dùng lý luận xác lập được cho mình một chỗ đứng hợp đạo lý trong không gian thực, thì chính hành vi lý luận đúng đắn đó lại là sự vi phạm luật chơi sâu sắc hơn trong không gian quyền lực. ở đây, cuộc đối thoại không phải là cuộc thẩm vấn trong toà án có luật pháp thẩm định, cũng không phải là cuộc đấu trí trong cuộc chơi có luật chơi bảo đảm công bằng, mà là một cuộc xua đuổi, truy kích của người trên với kẻ dưới, một cách triển khai quyền lực, một hình thức phát lộ tâm thế.
Tâm thế chi phối cách nhìn, cách nhìn tạo ra lập luận và lập luận lại luôn luôn biến hóa khôn lường nhờ quyền lực luôn luôn đứng cao hơn các chuẩn mực thành văn hoặc bất thành văn. Đó là tấn bi kịch hài lý luận mà tên hầu đã bị ông quan đẩy vào. Cái trớ trêu ở chỗ khi tên hầu chân thành suy nghĩ về đạo lý và đối chiếu những chuẩn mực đạo lý với hành xử của mình thì ông quan kia lại chỉ nghĩ về cái bánh rán mà thôi!
Hội giả trang của ý chí và quyền lực
Lý luận kiểu ông quan trong câu truyện trên đây tiêu biểu cho cơ chế hoạt động lý luận trong các xã hội phương Đông – nơi dường như các hoạt động lý luận có xu hướng vượt thoát khỏi những hình tướng ổn định của luật chơi khoa học để vong thân trong những hội giả trang của ý chí và quyền lực. Và như vậy, lý luận khó có thể là chỗ dựa của người dân để đòi quyền sống hay công lý.
Vì muốn phân biệt đúng sai trong các cuộc tranh cãi nơi tòa án hay trên công luận, thì điều tiên quyết là chuẩn mực xem xét vấn đề phải rõ ràng và ổn định. Nhưng trong xã hội trọng tình, cảm tính và linh hoạt như xã hội Việt Nam thì các chuẩn mực xem xét mọi vấn đề phần lớn tùy thuộc vào con người cụ thể trong bối cảnh cụ thể.
Nhưng dù trong xã hội Việt Nam cho con người lý luận có lắc lư chảo đảo đến đâu thì cái quan niệm “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” vẫn là một quan niệm ổn định, giống như hòn bi dưới đáy con lật đật. Trong Truyện Kiều có hai phiên tòa quan trọng thì cả hai đều xử theo tình. Trong phiên tòa thứ nhất xử vụ Thúy Kiều bỏ lầu xanh chung sống bất hợp pháp với Thúc Sinh, viên quan mặt sắt đen sì đã tuyên án trị tội Kiều rồi, vậy mà khi thấy Kiều quả thực có tài, người đại diện pháp luật “mặt sắt đen sì” này không ngần ngại phán quyết ngược lại, tha bổng cho Kiều và tuyên bố một luật chơi văn hóa cao hơn luật pháp:
Đã đưa đến trước cửa côngNgoài thì là lý song trong là tình
Ở phiên tòa thư báo ân báo oán, “chính danh thủ phạm” Hoạn Thư lại được bà lớn Kiều tha bổng cũng chỉ vì Hoạn Thư kể lể chút tình đã giành cho bà lớn.
Chính cái quan niệm coi trọng tình cảm hơn lý lẽ đã khiến người Việt Nam không ưa kiện cáo, nhưng lại sa đà vào những cuộc đôi co vặt triền miên. Câu thành ngữ “kiến kiện củ khoai” chẳng phải và bằng chứng về tâm lý hoài nghi công lý của của cả một cộng đồng đó sao? Cái tính ghét kiện cáo, hơn ghét bất công, ghét kẻ la làng hơn ghét kẻ cắp vẫn là một căn bệnh trầm kha trong tâm lý người Việt chúng ta hôm nay mặc dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc xây dung một xã hội pháp quyền.
Khi thấy dân tình kiện tụng các quan hay khuyên “Sao hai bên không ngồi lại với nhau đi?”. Lời khuyên chân tình đó bộc lộ một quan niệm đầy tính tương đối về chân lý, theo đó, những mâu thuẫn khiến người ta đưa nhau đến tụng đình không phải là những mâu thuẫn về định hướng tư tưởng có liên quan đến số phận của cả một cộng đồng, không phải là những chiến lược khoa học kỹ thuật có thể đưa đất nước lùi lại cả trăm năm…mà chỉ là mâu thuẫn giữa hai cá nhân vì những ấm ức liên quan đến quyền lợi hay danh dự nào đó có thể thu xếp được!
Cái quan niệm đơn giản và dung tục đó khiến người ta cư xử với những vụ kiện lớn vì đại nghĩa, những kiến nghị lớn vì quốc kế dân sinh…một cách vô trách nhiệm. Những người kiên quyết kiện Vedan và các công ty hủy hoại môi trường như Vedan vì họ muốn có một môi trường sống lành mạnh cho hàng triệu con người, muốn các công ty vào đầu tư ở Việt Nam phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định về môi trường của Việt Nam.
Những mục đích cao cả này xuất phát từ sự am hiểu về khoa học và tường tận về pháp lý, muốn thuyết phục họ rút đơn hay bác bỏ đơn của họ phải có sự đối thoại khoa học và pháp lý sòng phẳng, nghiêm chỉnh, không thể hòa giải theo lối khuyên nguyên đơn ngồi lại với bị đơn để thỏa thuận những điều kiện gì đó, trong khi vấn đề môi trường đe dọa quốc kế dân sinh trong những đơn từ kiến nghị kia vẫn con nguyên đấy!
Nghĩa là, không thể phớt lờ khía cạnh khoa học và pháp lý của vấn đề, đem quyền lực ra đẻ xoay đảo chuẩn mực, thay đổi luật chơi theo kiểu ý chí luận, đánh bùn sang ao.
Chiếc bánh rán và siêu giải quyết
Xưa nay, người Việt chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm cái cốt lõi đời sống, cái tâm thế sinh tồn đằng sau những vấn đề phức tạp để giải quyết cái “căn nguyên của mọi căn nguyên” thay vì đối mặt với chính những vấn đề nan giải. Chúng ta hay nói, “rốt cục là”, “cốt tuý vấn đề là” , “thực chất là…”, “chung quy là….” chính là chúng ta đang làm cái thao tác giải mã của ông quan khi nói ra vấn đề cái bánh rán trong bữa tiệc kia.
Chiếc bánh rán tung ra như một siêu giải quyết, đập tan mọi lý lẽ, xóa hết mọi ngụy biện, tên hầu dù đúng đến mấy cũng phải cúi đầu. Đó là dùng bản lĩnh hành động, “dằn mặt” để giải quyết sự bế tắc nan giải của bài toán lý luận mà lịch sử xã hội đặt ra.
Người ta vẫn nói rằng những bế tắc của lý luận chỉ có thể giải quyết bằng hành động lịch sử hành động trong đời sống xã hội là như vậy đó! Triết lý với cây búa đập vỡ các thần tượng của Nietzsche hay tư tưởng nói rằng “Vũ khí của sự phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí” của K.Marx tuy khác nhau về bản chất nhưng có cùng một định hướng ứng xử theo lối siêu giải quyết.
Ta cần hiểu siêu giải quyết trong các tư tưởng của họ là siêu giải quyết trong phạm vi toàn xã hội và ở cấp độ những nhiệm vụ lịch sử của môt thời kỳ. Nếu áp dụng máy móc tư tưởng đó vào các việc cụ thể trong đời sống thì chỉ dẫm đến sự can thiệp thô bạo vào lô gích đặc thù cuả một lĩnh vực, đánh tráo vấn đề, xí xoá vô nguyên tắc dẫn đến những hành vi bạo lực vi phạm luật pháp và luật chơi, tương tự như người chơi cờ bị chiếu tướng, không gỡ được nước chiếu bí thì quay sang tát tai đối thủ hay cầm cả bàn cờ đập lên đầu anh ta.
Tình trạng đơn giản hoá, đánh tráo vấn đề, đánh tráo chuẩn mực, đánh tráo nhiệm vụ đẫn đến đảo ngược công tội, lẫn lộn trắng đen là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay, mà cơ chế ở chiều sâu của tâm thức là thói tuỳ tiện manh mún và thực dụng trong nhận định suy tư và lý luận. Lẽ ra phải bắt kẻ cắp thì lại kết tội kẻ la làng là gây ồn, lễ ra phải xem xét phân minh rành rọt là rõ đúng sai trong các quan hệ mâu thuẫn thì lại kêu gọi đoàn kết, bỏ qua….
Hậu quả của tâm thức ngại lý luận, sợ lý luận, lười lý luận, dùng các hành vi phi lý luận để phủ quyết bản thân hoạt động lý luận sẽ dẫn xã hội đến tình trạng hỗn loạn u mê trong tầng tầng ngộ nhận chân thành và nguỵ biện.
  • Đỗ Minh Tuấn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: