Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Chuyện quái gì đang diễn ra trong giới trẻ?


   Những vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra vừa qua có lẽ đã khiến cho hầu hết các nhà xã hội, nhân văn, những người trưởng thành quan tâm đến giới trẻ hẳn phải đau đầu tự hỏi: Có chuyện gì đang xảy ra cho giới trẻ?
Mâu thuẫn trên Facebook: chém! Va chạm trong giao thông: đâm! Gây gổ trong phòng trọ: tạt a xít… Chuyện quái gì đang xảy ra trong “một bộ phận không nhỏ” giới trẻ vậy, khi “ai làm trái ý chúng là chúng muốn giết ngay người đó”, như lời thoại của một vở tuồng cải lương…?
Nói “một bộ phận không nhỏ” trong chuyện bạo lực và phạm tội của giới trẻ hiện nay thì không phải là cách nói vơ, nói tránh nữa, mà sự thực là vậy. Theo một thống kê vào năm ngoái, có đến 75% số tội phạm hình sự đang thuộc về giới trẻ, có nghĩa là cứ có 4 kẻ phạm tội thì có 3 kẻ là những người còn trẻ.
Một “tương lai” u ám, bận rộn cho các ngành hình luật, bởi theo các nhà tội phạm học, khi trẻ em sớm phạm tội thì nhiều khả năng khi trưởng thành sẽ trở thành những tên tội phạm chuyên nghiệp.
Tội phạm trẻ đang nhiều đến mức… thiếu cả nhà tù để giam giữ. Cũng theo thống kê năm ngoái, cả nước thiếu hàng chục ngàn chỗ để giam giữ. Cụ thể là tạm giam thiếu 14.000 chỗ, tạm giữ thiếu 12.000 chỗ.
Những vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra vừa qua có lẽ đã khiến cho hầu hết các nhà xã hội, nhân văn, những người trưởng thành quan tâm đến giới trẻ hẳn phải đau đầu tự hỏi: Có chuyện gì đang xảy ra cho giới trẻ?
Hẳn phải có chuyện gì, một nguyên nhân sâu xa gì đó ở trong đầu óc, tư tưởng để những kẻ phạm tội trẻ tuổi kia suy nghĩ và chuyển sang hành động phạm tội một cách dễ dàng, hung hãn, tàn bạo thế kia.
Có thể so sánh các thời kỳ để tìm ra nguyên nhân của các “chuyện quái” đó. Như thời chiến tranh với những chuyện bắn giết lan tràn, giới trẻ đa số vẫn là những người mang trong người những lý tưởng cao đẹp. Rồi thời bao cấp khó khăn muôn vàn, những người trẻ vẫn là những người xung phong ra chiến trận, đi đầu trong công cuộc khai hoang phục hoá.
Phải chăng khi cuộc sống đã “no cơm ấm cật” thì còn người lại “rậm rật rững mỡ”? Cái lý tưởng chung, nơi tập hợp mọi con người, đã phai nhạt? Thật dễ có cảm giác con người ngày nay tan rã thành những nguyên tử, thành những “con sói đối với những con sói” như nhà triết học Thomas Hobbes đã từng đề cập, mà vụ án My “Sói” là khá điển hình.
Trẻ con ngày trước có rất nhiều “góc sân và khoảng trời” để chơi những trò chơi dân gian hồn nhiên và hát những bài đồng dao. Ngày nay, chúng chẳng còn lại gì cả ngoài những khoảng trống trước những màn hình trò chơi điện tử hay truyền hình.
Ngày xưa, bà mẹ của Mạnh Tử đã ba lần phải dời nhà để tránh cho con bị ảnh hưởng bởi những bãi tha ma, những phiên chợ hay lò sát sinh. Ngày nay, các bậc cha mẹ không thể dời nhà đi đâu mà tránh được các “lò sát sinh”, vì nó hiện diện ngay trong mỗi căn nhà.
Đó là màn hình trò chơi và điện ảnh. Theo một báo cáo từ nước Mỹ, đất nước cái gì cũng có thống kê, thì một trẻ em Mỹ khi sống đến 18 tuổi trung bình chứng kiến khoảng 200.000 cảnh bạo lực trong đó có 40.000 vụ giết người. Nửa trong số 10 trò chơi bán chạy nhất ở Mỹ có nội dung “Bắn ngay kẻ bạn gặp lần đầu tiên”!
Nước ta chưa có con số thống kê đó và có người sẽ cho là không đúng nếu đổ thừa cho việc giới trẻ bạo hành là ảnh hưởng từ phim ảnh và trò chơi. Nhưng nhà nghiên cứu nổi tiếng về phân tích tác động của bạo lực và phân tích xung đột Jan Arnow cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có thói quen huấn luyện trẻ nhỏ phải biết căm thù và sợ hãi.
Nghiên cứu ở Cuba, bà đã nhận được lời khẳng định ảnh hưởng của màn hình đối với giới trẻ. Những nhà sư phạm của hòn đảo tương đối biệt lập này nói: “Chúng tôi yên bình cho đến khi người ta nhập vào đất nước những trò chơi điện tử chứa đầy bạo lực. Họ giờ đã có thể chứng kiến bạo lực leo thang, bắt nạt và xung đột khó giải trong môi trường sư phạm của mình”.
Làm sao để giải những thai đố nan giải trên? Xây dựng, phát triển những gì đây, thay vì phải xây thêm nhà tù và nâng tuổi trẻ em lên để dễ bề trừng phạt?
Đó là câu chuyện của các nhà sư phạm, các nhà văn hoá, xã hội, tâm lý, hình luật, quản lý…
Chuyện đã đến mức trầm trọng mà các vị đã biến đi đâu mất rồi, sao không thấy xuất hiện…?
Đoàn Đạt 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: