VOV.VN - Nếu không có tình huống phát sinh ảnh hưởng trực tiếp thì cách tiếp cận của Ấn Độ với Biển Đông sẽ là chậm và ổn định.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua không ngừng gia tăng, nhiều người đã đặt ra câu hỏi đối với vai trò của Ấn Độ khi cho đến nay New Delhi vẫn giữ khoảng cách nhất định đối với vấn đề này.
Theo nhận định của giới phân tích, sự thay đổi trong chính sách biển của Ấn Độ cũng như những tuyên bố gần đây của nước này có thể là dấu hiệu cho thấy trong tương lai New Delhi sẵn sàng đóng vai trò trực tiếp hơn ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong thực tế, dường như Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng cho điều này. Đúng là đã có sự thay đổi trong chính sách hàng hải của Ấn Độ và điều này có thể sẽ tiếp tục, nhưng liệu Ấn Độ đã đạt được đến “độ chín” mà qua đó cho phép nước này đóng một vai trò nổi bật hơn bên ngoài Ấn Độ Dương?
Mặc dù điều này vẫn đang được các nhà hoạch định chiến lược Ấn Độ, các chuyên gia quốc tế tranh luận, nhưng rõ ràng, sự can dự của Ấn Độ đối với vấn đề này gần như bằng không. Quan trọng hơn, Ấn Độ cũng có cách tiếp cận tương đối giống với Trung Quốc trong vấn đề thực thi quyền tự do hàng hải quân sự có liên quan.
Dưới đây là những lý do tại sao Ấn Độ không có hành động cụ thể giúp giải quyết căng thẳng ở Biển Đông trong khi nước này hoàn toàn có thể đóng góp tiếng nói cho vấn đề này.
Chính sách đối ngoại và hàng hải
Như đã nói ở trên, chính sách đối ngoại của Ấn Độ sẽ phải trải qua một sự thay đổi chiến lược mạnh mẽ trước khi nước này có thể cam kết phân bổ nguồn lực của lực lượng hải quân cho các hoạt động trong khu vực và ngoài khu vực.
Ấn Độ có truyền thống dành sự quan tâm đặc biệt cho an ninh quốc phòng ở khu vực lãnh thổ trên đất liền và sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này, đặc biệt khi luôn tồn tại những rắc rối dọc biên giới phía Bắc của nước này.
Bên cạnh đó, đương nhiên, Ấn Độ cũng có những thay đổi khi cố gắng thay đổi chiến lược hàng hải để mở rộng ảnh hưởng, đóng góp tiếng nói nhiều hơn vào các vấn đề khu vực. Mặc dù Ấn Độ có thay đổi, nhưng cần lưu ý rằng, Ấn Độ Dương mới chính là ưu tiên hàng đầu của New Delhi và Biển Đông chỉ xếp hàng thứ yếu.
Điều này liệu có phải là vì Ấn Độ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông và Ấn Độ cũng không thể đóng góp vai trò gì để giải quyết vấn đề này? Thực tế là Ấn Độ nhận thức rõ được ý nghĩa của các tranh chấp ở Biển Đông và đang giám sát chặt chẽ những diễn biến ở vùng biển này trong khả năng có thể.
Cũng chính vì thế, Ấn Độ coi những vấn đề phát sinh ở Biển Đông nằm ngoài lợi ích chiến lược của mình và đủ khôn ngoan để không can thiệp vào công việc của nước khác mà thay vào đó tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực biên giới đất liền của mình.
Với năng lực hiện nay, quân đội Ấn Độ không thể dàn trải sức mạnh cho nhiều nhiệm vụ khác nhau mà quên đi nhiệm vụ trọng tâm.
Các vấn đề liên quan đến Vùng đặc quyền kinh tế
Mỹ cho rằng, trung tâm các hoạt động tự do hàng hải chính là quyền được đi lại tự do của các tàu thuyền quân sự qua Vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác. Mặc dù Mỹ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn trong các cuộc tranh luận khi không phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS, nhưng Chính phủ Mỹ khẳng định sẽ luôn tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế.
Có một sự khác biệt trong việc giải thích quyền đi lại tự do của tàu thuyền quân sự. Mỹ cho rằng, tàu quân sự của mọi quốc gia đều có quyền đi qua Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác trong khi Trung Quốc lại cho rằng, quốc gia ven biển có quyền đuổi tàu quân sự của nước ngoài khỏi EEZ của nước mình.
Lý do mà Mỹ không thể xác định tự do hàng hải quân sự trong khu vực là bởi vì hầu hết các quốc gia ở châu Á có cùng quan điểm với Trung Quốc trong vấn đề trên, Ấn Độ là một trong số đó.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi ký kết UNCLOS, nước này khẳng định: “Nước Cộng hòa Ấn Độ hiểu rằng, các quy định của Công ước không cho phép các quốc gia khác có các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và các hoạt động diễn tập trong khu vực thềm lục địa, đặc biệt khi những hoạt động này liên quan đến việc sử dụng vũ khí, chất nổ mà không được sự đồng ý của quốc gia ven biển”.
Trên thực tế, Ấn Độ không thực thi quyền này một cách thường xuyên và cũng không quyết đoán như Trung Quốc, nhưng New Delhi cũng đã đặt ra các hạn chế tự do hàng hải quân sự ở Vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển, tham vọng trở thành một cường quốc đã loại bỏ lựa chọn mở cửa Vùng đặc quyền kinh tế như một quyền để bảo vệ lợi ích chiến lược của riêng mình.
Tham gia với Mỹ trong việc chứng minh tự do hàng hải quân sự có thể gây ra những tranh cãi, ít nhất là trên giấy tờ. Ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ lựa chọn việc coi các hành động đơn phương và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định. Ấn Độ tránh đi xa hơn trong vấn đề này là hoàn toàn dễ hiểu.
Không có lợi ích chiến lược
Giới hoạch định chính sách của Ấn Độ vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề Biển Đông. Liệu việc thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông có giúp ích gì cho Ấn Độ?
Thực tế động thái này không có ý nghĩa về mặt địa lý chứ không phải về năng lực. Ấn Độ có khả năng tham gia tuần tra ở Biển Đông, nhưng chắc chắn, hoạt động này không mang lại bất kỳ lợi ích chiến lược nào cho Ấn Độ.
Ngân sách Quốc phòng của Ấn Độ bị hạn chế và các lực lượng vũ trang sẽ phải ưu tiên cho lợi ích quan trọng hơn khi phân bổ nguồn lực. Biển Đông không nằm trong danh sách ưu tiên của New Delhi. Ngoài ra, đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong xã hội Ấn Độ, nếu Chính quyền quyết định cử đội tàu tuần tra đến Biển Đông, chắc chắn công chúng nước này sẽ không ủng hộ.
Theo nhận định của giới phân tích, nếu không có tình huống phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc thì cách tiếp cận của Ấn Độ với Biển Đông sẽ tiếp tục là chậm và ổn định./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét