Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

“Ai về nước Nam cho tôi về với”


123-1415986615256
Tôn tượng Tuệ Tĩnh – Nguồn: suckhoedoisong.vn
“Ai về nước Nam cho tôi về với” – Đó là lời cuối thống thiết của vị  Đại Danh Y Thiền sưxứ Vìệt: Tuệ Tĩnh. Trước khi gửi nắm xương tàn nới xứ người.
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở làng Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Bá Tĩnh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên 6 tuổi, được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh.
Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người. Ông nổi tiếng với phương châm: Nam dược trị Nam nhân. Trong 30 năm hành nghề thuốc Nam ở quê ông đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Trong trước tác của mình, ông không rập khuôn theo các đời trước, Ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên! Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v. Quan điểm chữa bệnh thông tuệ ấy đã đưa ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam!
Vậy mà ông bị tuế cống cho triều nhà Minh bởi vị vua ngu muội Trần Dụ Tông. Năm đó (1385) ông đã 55 tuổi. Mặc dù ông được vua Minh phong Đại y Thiền sư, nhưng Tuệ tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu hướng về quê hương. Ông chết ở Giang Nam, trên bia mộ của ông ngày nay vẫn còn dòng chữ “Ai về nước Nam cho tôi về với”.
Năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, tiến sỹ Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê Hải Dương bây giờ. Đền thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh được xây dựng vào thời Lê, sau đó được làm lại vào thời Nguyễn và được trùng tu nhiều lần. Các triều Đại phong kiến đều đã coi đây là Di tích quan trọng của Quốc gia. Nhưng dưới thời đại “rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc” đền thờ xưa, nay đã xuống cấp tới mức mục nát trơ dui tróc ngói.
mMgHbBZ
Di tích Đền Xưa, Cẩm Giàng, Hải Dương – Nguồn: camgiang.haiduong.gov.vn
Trong lúc người ta sẵn sang bỏ ra hàng ngàn tỷ để xây dựng các chùa chiền và tượng đài hoành tráng ở khắp mọi nơi. Nhưng, một Thánh Y lớn của dân tộc là Tuệ Tĩnh bị ghẻ lạnh lãng quên. Khi dự án tu bổ khu di tích Tuệ Tĩnh (Đền Xưa và Đền Bia) ở Cẩm Giàng đã được UBND Tỉnh phê duyệt với mức kinh phí 3,2 tỷ đồng mà suốt 8 năm (từ 2007-2015) dự án vẫn đắp chiếu. (Xem ở đây).
Hôm qua, mỗ đọc được một bài trên báo Đất Việt: Người Việt bán dược liệu qúi nhập rác Trung Quốc về chữa bệnh. Thấy cay mắt. Bài báo kể: từ sáng sớm mờ sương, người từ các xã Đắk Pék, Đắk Man, Đắk Choong, Đắk Nhoong, Mường Hoong, Ngọc Linh và TT.Đắk Glei cùng rủ nhau đi vào rừng để tìm thảo dược. Trong các loại cây dược liệu ở rừng Ngọc Linh thì cây máu chó dễ tìm hơn cả. Khi hỏi công dụng của cây máu chó, hầu như những người đi rừng ở đây không ai biết, mà nói là nghe mấy thương lái bảo loại cây bổ máu, chữa khỏi các loại ung thư, làm sạch máu…
Điểm thu mua các loại dược liệu được đặt ở làng Đắk Boi (TT.Đắk Glei), tại đây, các loại dược liệu như cây lông cu ly, rễ na rừng, máu chó được chất thành kho rộng hàng trăm mét vuông. Toàn bộ số dược liệu thu gom được ở đây sẽ chở đến các đầu mối lớn ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất sang Trung Quốc.
nghich-ly-ban-duoc-lieu-quy-nhap-rac-ve-chua-benh_17134214
Cơ sở thu mua thảo dược ở TT.Đắk Glei – Nguồn: baodatviet.vn
Tại Lạng Sơn, thương lái Trung Quốc thu mua các cây dược liệu như hoàng đằng là thực vật quý hiếm thuộc nhóm IIA, cần phải bảo vệ hay các loại nấm lim, nấm chẹo … đều có tác dụng chữa bệnh khiến người dân đổ xô đi tìm để bán. Tại Nghệ An khi người dân tại huyện Kỳ Sơn kéo nhau vào rừng thuộc Khu dữ trữ sinh quyển Tây Nghệ An tìm chặt thân cây kim mao cẩu tích (còn gọi là cây cu li, cây lông khỉ) để bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc. Cây này được xem là vị thuốc chuyên trị đau lưng, gân xương nhức mỏi… Còn tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An), thương lái Trung Quốc thu gom dược liệu chủ yếu lá chua ke – một loại cây chứad ược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất. Các loại cây dược liệu như cu li, cây ba gạc, cây huyết đằng, củ ba mươi dân đổ xô đi săn lùng trong rừng mang về bán cho các thương lái ở địa phương để xuất sang Trung Quốc với giá 1.500 – 30.000 đồng/kg dược liệu khô. Tại Quảng Ngãi, người dân cũng đổ xô vào rừng phòng hộ ở các huyện Sơn Hà, Tây Trà và Sơn Tây cưa chặt cả cây cổ thụ, thu hoạch quả ươi non bán cho thương lái Trung Quốc. Theo đó, có ít nhất 13 cây ươi cổ thụ hơn 40 năm tuổi ở các khu rừng đầu nguồn của Quảng Ngãi bị triệt hạ.
Mỗi khi đau bệnh, như ông Trương Văn Hiền, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết, 90% nguồn dược liệu ở Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch nhưng lâu nay các thương lái Trung Quốc lại đổ xô đến nhiều vùng rừng núi nước ta để thu gom thảo dược đem về nước. “Người Trung Quốc mua dược liệu thô với giá rẻ nhưng sau khi chế biến, họ lại nhập lại Việt Nam với giá cắt cổ.
Trong khi đó, chất lượng dược liệu mua từ Trung Quốc lại không được cam kết, đảm bảo một cách chắc chắn an toàn cho sức khoẻ người sử dụng vì chúng ta không trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình khai thác, sơ, chế biến”.
Còn bác sĩ Lê Hùng- Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM  bức xúc trước tình trạng chất lượng của dược liệu: “Rất nhiều dược liệu bị thả nổi chất lượng, giới lương y đang đau đầu không biết đâu là dược liệu sạch và đâu là rác. Nhiều trường hợp suy thận do uống thuốc đông y có độc chất”. (Xem: ở đây).
nghich-ly-ban-duoc-lieu-quy-nhap-rac-ve-chua-benh_17135971
Thương lái tại H.Quỳ Hợp (Nghệ An) phơi cây dược liệu trước khi xuất sang Trung Quốc – Nguồn: baodatviet.vn
Thay cho lời kết: Một vị đại danh y như Tuệ Tĩnh, tác giả của bộ sách giá trị Nam dược thần hiệu gồm 10 khoa và bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển), trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm – Những tác phẩm của Tuệ Tĩnh không chỉ giá trị trong y học mà còn có giá trị văn học sử bởi vì đây là các tác phẩm ở thời kì đầu của văn học chữ Nôm. Nhưng cũng như Trần Dụ Tông (khước từ “Thất trảm sớ“ của Chu Văn An và tuế cống cho Tàu những người tài đức như Tuệ Tĩnh). Ngày nay người ta cư xử với bậc đại danh y ở nơi di tích của ngài thì thấy việc để người dân phải chết trên đống thuốc mà vẫn ra công cào cấu đem bán dược liệu qúi cho thương lái Trung Quốc để rước những rác độc hại “thuốc Bắc“ về chữa bệnh đã khiến tất cả chúng ta phải tự trách mình.
“Ai về nước Nam cho tôi về với“ – Người đồng hương cùng làng của ông đã đưa được lời nhắn gửi của ông về quê Việt rồi. Nhưng tiếc thay lớp hậu sinh ngày nay đã không biết kế thừa và phát huy được tâm nguyện và thông điệp ông đưa ra. Chắc nằm lại xứ người ông vẫn còn khắc khoải lắm. Cho tới nay, cũng không một ai biết chính xác ông chết năm nào…
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: