Một website quảng cáo đầu tư để nhận “thẻ xanh” định cư tại Mỹ. Nhà giàu Việt đăng ký đầu tư định cư vào Mỹ đứng… thứ hai thế giới! Lâu nay, tất cả đã quen với khái niệm người Mỹ, doanh nghiệp Mỹ tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thế nhưng thời thế vẻ như đang thay đổi, chính nước Mỹ đang “mời gọi” các nhà giàu Việt.
Theo một giám đốc một công ty bất động sản (BĐS) ở quận 7 (TP HCM), chuyên về dịch vụ môi giới mua nhà đất tại Mỹ, trong thời gian qua nhu cầu tìm hiểu, mua nhà ở Mỹ tương đối nhiều, bởi vì khi đã có nhà ở Mỹ, thủ tục xin visa vào nước này sẽ đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, theo người này, nếu không hiểu rõ quy định khắt khe của luật, nhà đầu tư mua nhà sẽ thất bại và không còn cơ hội đầu tư.
Chẳng hạn như mua nhà ở Mỹ có thể đơn giản, nhưng mua là phải ở, nếu không ở sau một thời gian nhất định ngôi nhà ấy sẽ bị thu hồi. Nếu đầu tư chờ “lướt sóng” như ở Việt Nam thì cũng không ổn, vì khi bán nhà bất luận thắng - thua trong kinh doanh, người bán phải nộp tiền thuế.
Anh Nguyên Ninh - Giám đốc một công ty kiến trúc ở quận Tân Phú, cho biết: “Tôi cũng từng có ý định mua nhà bên Mỹ để cho con ở. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thấy kênh đầu tư này có nhiều cái cần phải hiểu kỹ như tiền thuế hằng năm rất đắt. Phải mua nhiều loại bảo hiểm và chi phí bảo trì... Nói chung là không đơn giản như ở Việt Nam”.
Tại cuộc hội đàm về đầu tư định cư Mỹ diễn ra hôm qua, con số do công ty tư vấn USIS (công ty tư vấn cho cá nhân và công ty Việt Nam đầu tư vào thị trường Mỹ) đưa ra khiến nhiều người giật mình: Năm 2015, chỉ riêng với loại hình EB-5 tăng chóng mặt so với các loại hình khác như EB-1, EB-2. Cụ thể EB-5 được dành riêng cho các nhà đầu tư và các doanh nhân đầu tư vốn đáng kể vào nền kinh tế Mỹ, từ 6.418 suất năm 2014, đến năm 2015 đã tăng vọt 17.662 suất.
Trong đó, dẫn đầu là Trung Quốc, và Việt Nam hiện đang đứng thứ hai, và bỏ xa hàng loạt các nước khác như các nước ASEAN hay Ấn Độ…
Giấc mơ Mỹ của người Việt và những rủi ro
Đầu tư EB-5 là đầu tư 500.000 USD hoặc 1 triệu USD vào dự án EB5. Mỗi suất đầu tư phải tạo ra được tối thiểu 10 việc làm cho người lao động Mỹ. Nhà đầu tư và gia đình được cấp thẻ xanh Mỹ vĩnh viễn.
Về vấn đề chuyển ngoại tệ từ Việt Nam qua Mỹ để mua nhà bằng cách nào, theo tìm hiểu của phóng viên thì tại một số công ty môi giới cho dịch vụ này cho hay có nhiều phương thức thanh toán và rất an toàn. Với cách thanh toán thẳng qua Mỹ, bên môi giới sẽ tìm công ty xuất nhập khẩu còn hạn ngạch để chuyển ngoại tệ đi.
Cách thức này cũng giống như chuyển tiền từ ngân hàng Việt Nam qua ngân hàng bên Mỹ chứ không phải chuyển lậu ngoại tệ. Mức phí cho dịch vụ này dao động 1% - 1,5%. Đối với cách thanh toán tại Việt Nam, tức là thanh toán bảo đảm qua ngân hàng tương tự như mở tín dụng thư L/C.
Tuy nhiên, theo lời khuyên của vị giám đốc công ty môi giới mua BĐS ở Mỹ nói trên thì nên suy xét kỹ vì luật chống rửa tiền của Mỹ rất chặt chẽ. Nếu không chứng minh được nguồn tiền mang vào Mỹ có thể mất trắng như chơi. Đặc biệt, việc chuyển tiền trót lọt với số lượng lớn không dễ.
Về diện đầu tư mua nhà ở Mỹ theo diện EB-5, chị Hằng - giám đốc một công ty chuyên làm dịch vụ nhập cư tại Mỹ - cho biết, thời gian gần đây, nhiều công ty và các diện dự án ở Mỹ tới Việt Nam quảng bá, tổ chức hội thảo tư vấn về những chương trình đầu tư và định cư Mỹ theo diện EB-5 với lời mời chào hấp dẫn. Thậm chí, nhiều công ty còn hứa hẹn với nhiều người rằng chỉ cần có từ 500.000 USD vốn đầu tư là có thể tham dự chương trình, đảm bảo hồ sơ đầu tư thành công 100%…
Tuy nhiên, các khách hàng cần hiểu rằng, các chương trình đầu tư định cư EB-5 ẩn chứa các rủi ro. Trong đó, rủi ro thường đến từ việc làm sao để chứng minh 500.000 USD vốn đầu tư ban đầu là số tiền có được từ nguồn hợp pháp theo điều kiện của chương trình.
Nhiều người cứ tưởng là chỉ cần thông báo nguồn gốc của số tiền 500.000 USD, chẳng hạn như có được số tiền này là do bán nhà. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Sở Công dân và Di trú Mỹ (USCIS) thì việc chứng minh nguồn gốc không chỉ dừng ở đó.
Đây là một quá trình phức tạp mà nếu không cẩn trọng có thể dẫn đến tình trạng hồ sơ bị kéo dài thời hạn, thậm chí bị bác bỏ. Nếu hồ sơ bị bác bỏ vì việc không chứng minh được nguồn gốc số tiền đầu tư thì nhà đầu tư có đôi khi mất luôn luôn chi phí quản lý khoảng 50.000 USD - tương đương 10% tổng số tiền cần phải đầu tư.
Có một cách khác nhiều người chọn, đó là các dịch vụ chuyển tiền “đen”, hay kiều hối chui. Chị H (Hà Nội) có nhu cầu chuyển một khoản tiền lớn gửi cho con gái đang sống tại Mỹ để mua nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu chuyển tiền qua ngân hàng, chị H phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục phức tạp và khó khăn. Vì vậy, chị H và nhiều người Việt chọn cách chuyển “đen”, cách thức như sau, tại Việt Nam giao số tiền mặt cần chuyển cộng với phí (50.000 USD mất khoảng 0,4% tiền phí) cho người chuyển. Sau đó, người gửi tiền làm thủ tục sang Mỹ (hoặc ủy quyền cho người khác) nhận tiền tại Mỹ.
Có trường hợp chính các công ty môi giới bất động sản ở Mỹ giới thiệu cho người ở Việt Nam địa chỉ trong nước để chuyển tiền.
Với loại hình kiều hối chui, mặc dù chi phí bỏ ra không quá cao nhưng độ rủi ro lại cao. Chị H cho biết, rủi ro nhất là có thể chuyển tiền qua các công ty “ma” hoặc công ty đang trong quá trình phá sản thì người gửi tiền có nguy cơ mất trắng tiền tỉ mà không biết kêu ai. Trong trường hợp rủi ro nhất, người gửi tiền kiều hối chui thậm chí còn bị khai tên tại tòa án tại Mỹ nếu chẳng may đường dây chuyển tiền đen bị bắt.
Từ một số thông tin, được biết, đa số mục đích chuyển tiền mà người Việt chuyển tiền sang Mỹ thường là phân tán tài sản, mua nhà cho con, đầu tư kiếm lợi nhuận ở thị trường khác...
Cái khó là làm thế nào chuyển tiền sang Mỹ. Pháp luật Việt Nam không cho phép chuyển các khoản ngoại tệ lớn ra nước ngoài để kinh doanh, mua tài sản... Hầu hết các khoản ngoại tệ lớn chuyển ra nước ngoài qua con đường chính thống là ngân hàng thì người gửi tiền phải chứng minh được mục đích thanh toán cho chi phí học tập; Chi phí chữa bệnh; Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; Đi công tác; Du lịch…
Đối với các trường hợp trên, người gửi tiền phải xuất trình được đầy đủ các giấy tờ chứng minh cho mục đích chuyển tiền của mình ví dụ như thông báo học phí; thư chấp nhận của trường; giấy tiếp nhận khám chữa bệnh - giấy giới thiệu ra nước ngoài chữa bệnh của cơ sở trong nước.
Có một cách chuyển tiền hợp pháp, nhưng ít người làm được, đó là chuyển tiền thừa kế. Chỉ những người Việt đã có thẻ xanh (quyền cư trú lâu dài) mới được nhận tiền thừa kế từ trong nước gửi sang. Vì vậy không ít gia đình ở Việt Nam tự dưng hoàn thiện mọi thủ tục hồ sơ chia thừa kế cho con ở nước ngoài. Từ đó các gia đình sẽ chuyển tiền hợp pháp cho con để mua nhà.
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người Việt đang lo chính sách thuế với tài sản thừa kế của Việt Nam có thể thay đổi theo hướng tăng lên như Mỹ. Hiện tượng nhà giàu Việt tìm đường sang Mỹ mua nhà, tính chuyện định cư cũng cần phải được xem xét, thay vì để dòng chảy ngược này hút khoản ngoại tệ khổng lồ từ Việt Nam ra nước ngoài.
http://news.zing.vn/500000-usd-mot-chiec-the-xanh-post640098.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét