( Thế giới ) - (Đại lộ) -Tháng 1/1998, Xu Zengping cầm tất cả các tài liệu cần thiết, cùng hơn 50 chai rượu Erguotou lên máy bay tới Ukraine để đàm phán mua tàu sân bay Varyag (nay là Liêu Ninh).
Tờ Want Daily (Đài Loan) cho hay, Xu Zengping, một doanh nhân Hồng Kông, đồng thời là người đã mua tàu sân bay Varyag (sau này trở thành tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc) gần đây tiết lộ rằng:
Ông đã mang hơn hơn 50 chai rượu mạnh Erguotou (một nhãn hiệu rượu khá nổi tiếng ở Bắc Kinh) đến mời các quan chức Ukraine, trước khi mua được tàu Varyag với giá 20 triệu USD.
Con tàu này đã trở thành biểu tượng cho tham vọng hải quân của Trung Quốc sau khi được tân trang và đổi tên.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ SCMP (Hồng Kông), Xu cho biết vào tháng 6/1996, ông bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch mua từ Ukraine chiếc tàu sân bay thời Liên Xô đang bị bỏ xó.
Tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Reuters
Đầu tiên, Xu lập một công ty ở Kiev và thuê 12 kỹ sư tàu thủy Trung Quốc để tham gia nghiên cứu tại đó.
Từ tháng 1/1988 – 1999, Xu tiến hành đàm phán với các quan chức địa phương.
Theo bài viết, tháng 1/1998, Xu cầm tất cả các tài liệu cần thiết, cùng hơn 50 chai rượu Erguotou lên máy bay tới Ukraine để đàm phán mua tàu sân bay.
Sau khi “bôi trơn” các quan chức Ukraine, nhà máy tại đây đã đồng ý bán con tàu cùng với bản thiết kế.
Khi đó, chính phủ Ukraine ra điều kiện rằng con tàu không được sử dụng vào mục đích quân sự.
“Lúc đó, tôi nói với họ rằng tôi muốn xây một khách sạn và sòng bạc nổi lớn nhất thế giới” – Xu nói.
Tuy nhiên, theo Xu, ngay cả khi vào năm 2012, Liêu Ninh được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc làm tàu huấn luyện thì điều này cũng không vi phạm hợp đồng.
Xu giải thích:
“Theo hợp đồng, tôi không được cải tạo con tàu để phục vụ mục đích quân sự nhưng hợp đồng không đề cập tới việc tôi không thể chuyển nhượng con tàu cho một bên khác vì mục đích đó.
Tôi không phải là người dùng con tàu vào mục đích quân sự”.
Ảnh chụp ông Xu Zengping vào năm 2012, khi tàu sân bay Liêu Ninh được chính thức bàn giao cho hải quân Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Bên cạnh đó, Xu cho biết khi được kỹ sư trưởng đưa đến nhà máy để kiểm tra động cơ turbine của tàu, ông nhận thấy 4 động cơ đều còn mới, được bôi dầu mỡ cẩn thận, mỗi chiếc đều có giá ban đầu là 20 triệu USD.
Tuy nhiên, một nguồn tin nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) rằng, khi ấy, chỉ có nồi hơi và hệ thống trục của tàu là còn nguyên vẹn.
Tất cả hệ thống điều khiển và mạng lưới đường ống dẫn trên tàu đều không hoạt động, giống như “một chiếc máy tính không có bất cứ phần mềm nào, nó chỉ là một đống sắt vụn”.
Theo nguồn tin này, Hải quân Trung Quốc đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để khôi phục lại hệ thống của con tàu.
Về điểm này, Xu cũng thừa nhận, nhiệm vụ khôi phục lại chiếc tàu sân bay có rất nhiều việc cần làm.
“Bạn có biết tại sao số hiệu của Liêu Ninh lại là 16 không? Đó là bởi chúng tôi phải mất 16 năm mới hoàn tất việc khôi phục con tàu (từ khi Trung Quốc thực hiện thương vụ đến khi hoàn thành)” – Xu nói.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét