Năm Giáp Ngọ qua, năm Ất Mùi đến. Gọi nôm na là năm con dê. Ngày đầu năm âm lịch gọi là ngày Tết Nguyên Đán.
Nhưng trước khi vui tết, đêm cuối cùng của năm gọi là giao thừa, người Việt thường làm mâm cúng tổ tiên theo truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, mời tổ tiên ông bà về vui hưởng tết với con cháu..
Người Việt ăn nhiều tết, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu… nhưng tết Nguyên Đán là tết trọng nhất, tết còn mang ý nghĩa thiêng liêng, vì đó là ngày đoàn tụ gia đình. Con cái cháu chắt dù tứ xứ tha hương vẫn cố gắng về quê ăn tết, chúc thọ ông bà cha mẹ. Người thân, hàng xóm láng giềng thăm hỏi chúc nhau những điều tốt đẹp may mắn, rồi tụ tập rượu chè cờ bạc…hoặc tổ chức du xuân lễ hội…
Do mê tín, người ta kiêng kỵ, tránh làm nhiều việc hầu gặp may mắn tốt lành trong năm mới, tránh bất hạnh tai ương, táng gia bại sản…có kiêng có lành. Ngày đầu năm người ta thường chọn những người hợp tuổi với chủ nhà, lại phải vui vẻ hiền lành phúc hậu đến nhà trước tiên, gọi là xông nhà ( miền nam gọi là xông đất). Chẳng may gặp kẻ xông nhà cỡ Thị Nở Chí Phèo ắt xui tận mạng, có khi táng gia bại sản…
Năm con dê mà không bàn về dê hẳn rất thiếu sót. Theo các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về dê, tục gọi là nhà ”Dê Học”…Giống dê xuất hiện khoảng 50,000 năm trước nhưng mới được thuần hóa khoảng ba hoặc bốn ngàn năm.
Người ta nuôi dê lấy sữa hoặc ăn thịt. Sữa dê rất bổ. Theo thần thoại Hy Lạp- La Mã. Hai thần Zeus và Jupiter là chúa tể các vị thần, thuở sơ sinh thường uống sữa dê pha mật ong. Vậy nên sau này khi cúng các thần bao giờ cũng có con dê.
Thiên hạ lại đồn thịt dê cường dương bổ âm. Tương truyền Từ Hi Thái Hậu nhà Thanh khoái món Sơn Dương Trùng, tức loài dê đươc nuôi dưỡng đặc biệt, ăn toàn đông trùng hạ thảo. Bởi thế Thái Hậu rất khỏe, hàng đêm vẫn có trai tân hầu hạ gối chăn…
Bản chất dê ưa phá phách, chạy nhẩy tung tăng. Thiên hạ kể chuyện: Có đàn dê nọ mải miết vui chơi, chạy lạc vào vườn nhà quan lớn thay vì về nhà…Quan nhận ngay đàn dê là của mình. Thế là chủ nhà mất toi đàn dê, chẳng dám kêu nài sợ quan lớn nổi giận quy ngay vào điều này điều nọ, luật này luật kia…Có khi bóc vài quyển lịch là thường!…
Dê tạp ăn, ăn đủ thứ nhưng thích nhất vẫn là lá dâu. Thời Chiến quốc, Tấn Vũ Đế có hàng trăm cung tần mỹ nữ. Hàng đêm, vua dùng dương xa ( xe do dê kéo) vào chốn hậu cung. Cung phi thường hái lá dâu để trước cửa phòng. Xe dê dừng trước phòng nào, cung tần sẽ được vui thú gối chăn, hưởng ơn mưa móc của Hoàng Thượng…Bằng không sẽ chịu cảnh gối lạnh chăn đơn..
Giống dê khả năng tình dục rất mạnh, các nhà Dê Học tính: mỗi sáng, một chàng dê có thể thỏa mãn khoảng 25 nàng dê mà vẫn còn sức chạy nhảy bình thường…và ngày nào cũng cứ thế…
Đàn ông nhiều vợ lắm con, cùng là các vị thấy phụ nữ thì mắt sáng láo liên…thường được đời tặng hỗn danh Dê Cụ. Trong nam lại gọi “người có máu 35″, bởi trong số đề, dê mang số 35.
Nói chuyện lắm vợ nhiều con, trong sử Việt không thể quên vua Minh Mạnh triều Nguyễn. Sử chép vua có tất cả 78 hoàng tử và 64 công chúa. Còn mỹ nữ cung tần bao nhiêu không biết. Chỉ biết năm Bính Tuất 1826, sau khi lên ngôi 6 năm. Thuở ấy thiên tai mất mùa, giặc cướp nổi lên. Vua cho rằng âm khí trong cung quá nặng, truyền tha 100 cung nữ hồi hương…Số còn lại bao nhiêu không biết. Chỉ biết hằng đêm có năm nàng hầu hạ, nàng têm trầu, nàng pha trà, nàng xoa bóp, nàng sai vặt, lại có nàng ca hát cho vua nghe…Làm vua sướng thật.
Người đời truyền tụng sở dĩ vua chiến đấu kiên cường nhờ toa thuốc thần Ngũ dạ ngũ giao sinh ngũ tử…Một đêm chiến đấu 5 phen sinh 5 con. Lại có dư luận cho rằng, sau này vua lại dùng toa thuốc mạnh hơn Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử…Miệng đời đồn đoán, hư thực chưa tường. Chỉ một sự thật vua từ giã cõi thế vừa tròn tuổi 50!! Sống đến thế là quá thọ, lẽ ra vua phải ra đi sớm hơn…
Sau này, một thời dân ta ” ra ngõ gặp gian hùng”. Trong nhiều quán nhậu Sài Gòn, nhan nhản trưng bày rượu Minh Mạng. Lại có cả rượu Càn Long, rượu ngâm 9 loại rắn độc. Nhiều quan lớn dư tiền lắm bạc, sang tận Phi Châu tậu sừng tê giác về pha rượu uống, những mong mạnh như loài dê đêm bẩy ngày ba. Rượu này ông uống bà khen..nhưng có kẻ uống rồi vong mạng…Ấy là do rượu chè quá đáng, hung hăng xung trận nhiều phen, lục phủ ngũ tạng nát bét nên chuyển sang từ trần…Bởi trên dương gian làm nhiều điều tàn bạo nên khi chết hồn sa địa ngục gặp nhiều cụ lớn đang bị Diêm Vương hành hình thảm khốc…nhiều cụ trông cũng rất quen…
Dê đi vào tục ngữ Việt nên có câu ” treo đầu dê bán thịt chó”. Ý chỉ người lươn lẹo gian dối, nói một đàng làm một nẻo. Dê đi vào thi ca. Cụ Nguyễn Gia Thiều trong tác phẩm Cung Óan Ngâm Khúc viết hai câu:
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào…
Hậu sinh lại có Thi sĩ Bùi Giáng. Người dị kỳ vẫn sống, vẫn thở, vẫn ” Đi về trong cõi người ta-Trước là thi sĩ sau là…đười ươi”. Ông một thời làm kẻ chăn dê vùng đồi núi xứ Quảng. Yêu dê như yêu…người tình:
Thôi từ nay em tha hồ mặc sức
Nhẩy múa tung sườn núi vút dòng khe
Thôi từ nay em tha hồ mặc sức
Vang vang đồi núi giọng…be be…
Ngày tết hẳn không quên câu chúc đầu năm…Đầu thế kỷ XX, thời thi sĩ Tú Xương…Nước nhà bị Pháp đô hộ, sưu cao thuế nặng. Vua ươn hèn nhu nhược, tham quan ra sức đàn áp bóc lột. Dân oan than oán thấu trời xanh. Thông cảm nỗi đau, nhà thơ phẫn nộ chúc tết:
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp tất cả trên đời
Vua quan sĩ thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống…người!!
Hóa ra trăm năm sau, bài học làm người mấy ai đã thuộc. Làm người thật khó lắm thay.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét