Để gìn giữ độc lập dân tộc, người Việt Nam sẽ phải tìm cách giữ thăng bằng trên một lằn ranh mong manh, dưới bóng đè của người láng giềng khổng lồ đầy mưu tính.
Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông ngày một gia tăng, nhiều người đã đề cập tới nguy cơ Trung Quốc cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Thậm chí, một số người còn cho rằng việc Việt Nam chần chừ, chưa khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là do e ngại nguy cơ bị Trung Quốc cấm vận.
Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu tập trung phân tích quan hệ thương mại - vốn là lĩnh vực quan hệ kinh tế quan trọng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, qua đó chỉ ra rằng mặc dù việc cấm vận kinh tế của Trung Quốc (nếu có) có thể gây ra những tác động tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ có động cơ mạnh mẽ để vừa tăng cường nội lực vừa đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, nhờ đó giảm sự phụ thuộc kinh tế đối với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ thảo luận ngắn gọn về mối quan hệ chính trị giữa hai quốc gia.
Quan hệ chính trị
Ngoại trừ sự gián đoạn từ năm 1979 đến 1989, đảng - nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì quan hệ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, mối quan hệ này luôn ở trong tình trạng bất cân xứng. Sự trịch thượng của Trung Quốc luôn xuyên suốt, thể hiện qua sự can thiệp sâu và thô bạo vào chính sự của Việt Nam - không chỉ về chính sách, mà còn về cả nhân sự và ngoại giao.
Mới đây thôi, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mô tả chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, sang Việt Nam không chỉ như sự dạy dỗ của một ông giáo kiên nhẫn đối với gã sinh viên ương ngạnh, mà còn như người cha nghiêm khắc đối với “đứa con đi hoang” chưa chịu về nhà. Trong bối cảnh Bắc Kinh luôn nhạy cảm và sẵn sàng can thiệp vào chính sự của Việt Nam, không rõ liệu Hà Nội có muốn và có thể đi trước trong cải cách chính trị hay không.
Mặt khác, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn thì thay đổi chính trị cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc. Những thay đổi căn bản về kinh tế - xã hội ở Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua, đặc biệt là sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong khi dân số đang già đi, khiến cho tham nhũng, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường và sự hà khắc của chính quyền ngày càng trở nên khó chấp nhận. Rõ ràng là hệ thống chính trị của Trung Quốc cần trở nên linh hoạt và đáp ứng hơn trước yêu cầu của người dân. Chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả khi xuất phát từ động cơ chân chính, cũng sẽ chỉ là con dao hai lưỡi nếu không đi đôi với cải cách hệ thống chính trị vốn là nguồn gốc chính của nạn tham nhũng.
Bất kể kịch bản tự do hóa chính trị ở Trung Quốc xảy ra như thế nào thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không những thế, Việt Nam sẽ khó giữ vị thế bảo thủ hơn Trung Quốc vì ở Việt Nam không có một “vạn lý trường thành” để ngăn chặn thông tin từ bên ngoài, nhất là khi Việt Nam có tỷ lệ giới trẻ vào internet thuộc loại cao nhất thế giới. Như vậy, tự do hóa chính trị ở Việt Nam gắn liền với Trung Quốc theo cả hai hướng. Thực tế này cần phải được suy xét thấu đáo trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Bối cảnh xã hội và chính trị trong nước cũng sẽ ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc trong các mối quan hệ song phương với Việt Nam nói riêng và ở châu Á nói chung. Với gần 840 triệu dân (chiếm 62% dân số) trong độ tuổi từ 15 đến 54 - những người hoặc đang trong độ tuổi thanh niên hoặc đã trải qua tuổi thanh niên khi cuộc chiến tranh biên giới 1979 xảy ra - trong đó nam nhiều hơn nữ tới gần 26 triệu, thì ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa có thể bị thổi bùng lên bất cứ lúc nào, không chỉ trên các diễn đàn trực tuyến mà ngay trong chính sách quân sự và đối ngoại của Trung Quốc. Không chính trị gia Trung Quốc nào muốn bị coi là “bạc nhược” trong việc bảo vệ “lợi ích sống còn” của quốc gia, ngay cả khi những lợi ích này không hề có cơ sở pháp lý quốc tế. Hiểu rõ các động lực xã hội và chính trị này của các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể giúp Việt Nam tránh được các cuộc đối đầu đắt giá.
Quan hệ thương mại
Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc quan trọng hơn đối với Việt Nam. Trung Quốc hiện là nguồn nhập khẩu lớn nhất và mới đây vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Kể từ năm 2000, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dao động xung quanh mức 10%. Ngược lại, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 9% vào năm 2000 lên tới gần 28% vào năm 2013.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Kết quả của quan hệ thương mại không cân xứng này là nếu như vào năm 2000, Việt Nam còn xuất siêu nhẹ sang Trung Quốc thì đến năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới gần 24 tỉ đô la Mỹ.
Thoạt nhìn, có vẻ như rất đáng lo ngại khi ngoại trừ sắt thép, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc của cả 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất đều tăng rất nhanh trong thập niên vừa qua (hình 1). Tuy nhiên, ngay cả trong 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất thì mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc cũng không đồng đều (biến thiên từ mức thấp nhất 10,1% đối với chất thải công nghiệp thực phẩm và thức ăn gia súc đến mức cao nhất 41,8% của xơ nhân tạo).
Bên cạnh đó, khoảng ba phần tư hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc ngoài Trung Quốc. Tóm lại, sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc ngày một tăng, và điều này là đáng lo ngại, song mức độ phụ thuộc không đến nỗi làm sụp đổ nền sản xuất trong nước khi có biến cố xảy ra.
Liệu xu hướng gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc có phải là một vấn nạn của Việt Nam? Nó sẽ là vấn nạn nếu thâm hụt có nguồn gốc từ hoạt động thương mại “không công bằng” hoặc do chính sách có chủ đích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, có vẻ như với chính sách phá giá đồng tiền hay trợ cấp sản xuất trong nước, Trung Quốc “không công bằng” với cả thế giới chứ không riêng gì đối với Việt Nam. Tất nhiên Việt Nam cũng cần chuẩn bị trước cho tình huống Trung Quốc chủ tâm thao túng nền công nghiệp và thương mại của mình để có các đối sách thích hợp.
Cũng cần nói thêm rằng nếu Bắc Kinh thực sự duy lý thì họ không những sẽ không cấm vận thương mại đối với Việt Nam mà còn tìm cách thúc đẩy cán cân thương mại nghiêng tiếp về phía họ càng nhiều càng tốt. Logic này không nhất thiết áp dụng đối với các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài hay tín dụng thương mại từ Trung Quốc.
Một vấn nạn tiềm tàng khác là nguồn nhập khẩu tư liệu sản xuất quan trọng từ Trung Quốc có thể bị cắt đột ngột khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Ví dụ như nếu nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc bị cắt thì trong ngắn hạn, chắc chắn việc làm và kim ngạch xuất khẩu trong ngành này sẽ giảm mạnh. Tác động trong trung và dài hạn sẽ phụ thuộc vào tốc độ và mức độ tìm được nguồn cung thay thế, cả trong và ngoài nước. Vì Trung Quốc không phải là nước duy nhất xuất khẩu phụ liệu dệt may - cụ thể là Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 22% thị trường bông, 27% thị trường xơ nhân tạo, và 31% thị trường sợi nhân tạo toàn cầu - cho nên sẽ không quá khó để Việt Nam có thể tìm nguồn cung thay thế. Hơn nữa, vì khu vực FDI ở Việt Nam cũng đã bắt đầu bước vào ngành này nên nguồn cung trong nước sẽ trở nên dồi dào hơn.
Nói tóm lại, mặc dù cần có những biện pháp phòng ngừa cho tình huống xấu nhất - chẳng hạn như bằng cách bắt đầu tìm kiếm và thẩm định một số nguồn cung thay thế, song không nhất thiết phải cắt giảm hay từ bỏ các nguồn cung từ Trung Quốc nếu chúng rẻ hơn hay chất lượng tốt hơn. Logic này cũng áp dụng cho các ngành khác như điện tử, da giày hay xe máy. Cần nói thêm là vì đa số các hoạt động thương mại này là giữa các công ty tư nhân nên ngay cả khi muốn thì Bắc Kinh cũng không thể dễ dàng ra lệnh chấm dứt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu, hay ngăn cấm tuyệt đối việc xuất khẩu qua nước thứ ba.
Khoảng 40% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là máy móc và hàng tiêu dùng. Nếu Trung Quốc chủ động giảm xuất khẩu các hàng hóa này sang Việt Nam thì Việt Nam sẽ luôn có thể tìm kiếm các nguồn nhập khẩu thay thế hoặc phát triển năng lực sản xuất nội địa, nhờ đó đa dạng hóa được nguồn cung, đồng thời giảm tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cho đến thời điểm này, những phân tích của chúng tôi mới chỉ nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực của sự phụ thuộc thương mại của Việt Nam vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa, các mối quan hệ thương mại luôn có tính tương thuộc. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam trong năm 2012 chưa tới 1%, nhưng một số nhóm hàng có tỷ lệ nhập khẩu từ Việt Nam khá lớn, chẳng hạn như trái cây (16,6%), ngũ cốc (19%), rau củ quả (21,7%), cà phê, chè, gia vị (37,2%). Điều này có nghĩa là Trung Quốc cũng sẽ phải trả giá nhất định nếu cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
Không những thế, việc cấm vận thương mại của Trung Quốc với Việt Nam (nếu có) còn đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc trên hai phương diện quan trọng. Thứ nhất, đứng trước nguy cơ bị cấm vận, Việt Nam một mặt sẽ phải nỗ lực tăng cường nội lực, mặt khác tìm cách đa dạng hóa thương mại và đầu tư, chẳng hạn như thông qua TPP. Kết quả là Việt Nam sẽ trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, điều mà Trung Quốc không muốn. Thứ hai, các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, nhất là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không thể coi Trung Quốc là đối tác thương mại đáng tin cậy được nữa, và do vậy cũng sẽ chuyển hướng thương mại ra khỏi Trung Quốc.
Tạm kết luận
Trong những năm tới, Việt Nam không thể tránh được một thực tại khách quan, đó là người láng giềng phương Bắc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế Việt Nam. Đối diện với thực tại này, thay vì tìm cách hạn chế quan hệ kinh tế giữa hai nước, một cách khôn ngoan hơn, Việt Nam cần chủ động tăng cường nội lực, đồng thời đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế. Chiến lược này vốn dĩ đã cần thiết ngay cả khi quan hệ giữa hai nước “bình thường” thì lại càng thiết yếu khi quan hệ giữa hai nước trở nên bất thường.
Bài viết này lập luận rằng trên phương diện thương mại (và tương tự như vậy trên phương diện đầu tư), chính sách cấm vận của Trung Quốc (nếu có) mặc dù sẽ gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tổn thất này chủ yếu có tính ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, sức ép buộc phải điều chỉnh sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam dần thoát khỏi tình trạng “bóng đè”, trở nên độc lập và bền bỉ hơn trước mọi cú sốc đến từ người láng giềng phương Bắc.
Nếu tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục bành trướng, hay Trung Quốc có xu hướng kiểm soát các lĩnh vực thương mại và đầu tư trọng yếu thì Việt Nam cần triển khai những đối sách thích hợp. Ở thời điểm này, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm thích đáng đối với các dự án liên quan đến tài nguyên (khai thác bauxite hay thuê rừng đầu nguồn), năng lượng, và những ngành có sự tham gia của nhiều lao động phổ thông Trung Quốc.
Nói tóm lại, về mặt kinh tế, Việt Nam cần tìm cách để được hưởng lợi từ sự phát triển năng động của Trung Quốc nhưng đồng thời không bị chi phối bởi quy mô và cự ly của nó. Về mặt chính trị, Việt Nam một mặt không muốn Trung Quốc coi mình là mối đe dọa thường trực, nhưng đồng thời vẫn phải tìm cách duy trì sự độc lập và tự chủ. Để gìn giữ độc lập dân tộc, người Việt Nam sẽ phải tìm cách giữ thăng bằng trên một lằn ranh mong manh, dưới bóng đè của người láng giềng khổng lồ đầy mưu tính.
Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét