Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Mấy điều vân vi khi nhớ lại một lời ai điếu vay mượn


Vương Trí Nhàn
Theo Blog Vương Trí Nhàn
Hồi tướng Giáp qua đời, giáo sư Vũ Khiêu có mấy câu khóc thảm thiết bằng văn chương, khiến nhiều người cảm động, trong đó có đoạn:
“Sinh ra tôi là cha mẹ, hiểu biết tôi lại là anh. Tấm lòng tri ngộ ấy tôi biết lấy gì báo đáp? Mấy hôm nay tôi ngồi khóc viết mấy lời trên, từ đỉnh trời cao anh có thấu hiểu lòng tôi?”
Không hiểu sao lúc ấy tôi đọc đã ngờ ngợ, hình như cách nói này mình đã được nghe ở đâu đó.
Cho tới mấy hôm đi lục sách báo cũ ở Sài Gòn, thấy có cuốn Thành ngữ điển tích của Diên Hương, nhxb Tổng Hợp Đồng Tháp 1992, trong đó ở mục TRI KỶ có ghi lại mối tình bạn giữa hai nhân vật thời Đông Chu bên Tầu là Bão Thúc Nha và Quản Trọng.
Bão Thúc Nha là người từ nhỏ đã buôn chung với Quản Trọng sau lại là người giúp Quản Trọng rất nhiều trên đường công danh.
Tổng kết lại, Quản Trọng bảo “Cho nên ta biết rằng sinh ra ta là cha mẹ ta, còn biết ta là Bão Tử mà thôi”.
Lúc lên mạng, ở mục Quản Trọng và Bão Thúc Nha, thấy các bài đều có ghi lại mẩu chuyện trên và cái câu nói có cánh dẫn trên. Đây là một địa chỉ:
Nhìn sự việc dưới góc độ lịch sử văn hóa
Xin phép được bình luận thêm
1/ Đầu tiên tôi chỉ nghĩ cụ giáo sư gần trăm tuổi khinh bọn hậu sinh chúng mình quá. Lại nghĩ cụ khinh thường cả cái dư luận ở xứ mình, nên cũng không lấy gì làm buồn nữa.
Rồi nghĩ tiếp “Tài liệu trên mạng còn ghi Vũ Khiêu sinh 1916. Nay cụ đã già, dễ quên, dễ lẫn”. Có thể nêu một giả thiết như thế về lời ai điếu ở trên chăng?
Cũng đã tuổi ngoại bẩy mươi, tôi muốn chúng ta cùng có một cái nhìn thông cảm như vậy.
Còn như, nếu xét về lý, trong trường hợp này, phải quy trách nhiệm của cả giới làm văn làm báo nước ta. Lẽ nào trong việc công bố một ý tưởng như trên vừa dẫn các nhà biên tập ở đài ở báo đều vô can?
Rộng hơn trường hợp Vũ Khiêu, cần phải nghĩ chung về các bậc thầy văn hóa VN hôm nay. Cả họ nữa, họ cũng phải chịu trách nhiệm về những dốt nát và vay mượn của mỗi người chúng ta.
Từ xưa đã thế, nhiều người Trung quốc, ở cả đại lục lẫn hải ngoại, rất giỏi tiếng Việt và thường xuyên theo dõi sinh hoạt tinh thần ở VN. Anh Tạ Ngọc Liễn ở Viện Sử có lần nói với tôi là riêng ở Đại học Trịnh Châu tỉnh Hà Nam (một tỉnh có các thành phố kinh đô cổ Lạc Dương và Khai Phong), đã có khoảng 500 nhà nghiên cứu Trung quốc chuyên về Việt Nam học.
Đọc những lời ai điếu loại như của Vũ Khiêu, họ sẽ nghĩ về giới trí thức VN, và cả văn hóa VN xưa và nay ra sao? Liệu chúng ta có đủ sức bác bỏ những kết luận của họ không?
2/ Cũng theo hướng suy diễn rộng ra một chút, tôi nhớ tới hai trường hợp.
Một là câu thơ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa của Cao Bá Quát.
Và hai là bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy/
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Khi có người tố lên rằng thật ra đó là những câu thơ Trung Hoa cổ được vay mượn nguyên văn hoặc được dịch lại, thì nhiều người lý sự thế này:
— cỡ như Cao Bá Quát không thể có chuyện vay mượn được.
— nông thôn Việt Nam là thành lũy của tinh thần phi Hán hóa ở người Việt, không thể có chuyện ca dao về làm ruộng lại dịch từ Trung quốc được.
May quá có thêm trường hợp Vũ Khiêu. Đến trong thời đại kỹ thuật tra cứu phát triển như hiện nay mà còn có chuyện nhầm lẫn, thì nhìn vào người xưa, có thấy điều tương tự, cũng không phải lạ.
Anh Dương Trung Quốc có lần bảo tôi, thời phong kiến, có hai thứ hàng các vị quan chức( = các trí thức lớn của đất nước) đi sứ được mang về là sách và thuốc.
Nhưng nhớ có lần đọc Đại Việt sử ký toàn thư, thấy có chuyện có mấy cuốn sách sứ Tầu mang biếu, vua cho các quan mượn xem, có nhiều ông giữ lại luôn làm của riêng. Chắc về làm tài liệu để chọe nhau.
(Lúc này tôi không tra cứu kịp để ghi lại số trang Đại Việt sử ký toàn thư có chép chi tiết trên, xin hẹn dịp khác).
Trong văn học hiện đại, nhà văn Nguyễn Đình Thi của chúng tôi nổi tiếng là người thông thạo văn hóa thế giới, mỗi lần nghĩ tới ông tôi cứ thấy xấu hổ cho các thế hệ về sau.
Nhưng trong một lần hơi say say, nhà văn Kim Lân nói với tôi về ông Thi:
— Ừ thì người anh em ăn nói viết lách Tây cũng phải chịu thật. Nhưng tôi ngờ là có khối thứ bố ấy đọc, bố ấy khoắng luôn, rồi đưa vào thơ vào truyện. Bố ai biết được ma ăn cỗ.
Tôi không rõ đầu đuôi thế nào, chỉ nhân câu chuyện về Vũ Khiêu nên chép lại ở đây.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: