Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Phạm Khiếm Danh - Sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu?

Danh vọng trong làng văn nghệ là thứ danh vọng mà nhiều kẻ nghĩ rằng sẽ làm họ sang trọng hẳn lên khi ghi lên danh thiếp một hoặc vài chữ sĩ gì đó, ví dụ: chủ tịch tỉnh kiêm thi sĩ, giám đốc sở kiêm họa sĩ, thứ trưởng kiêm văn sĩ..., chẳng hạn. Kẻ điển hình và nổi danh nhất trong mẫu người đa năng, đa tài này là ông Trung tướng Hữu Ước, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Xây dựng Lực lượng Công an Nhân dân, kiêm Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân, kiêm nhà văn, kiêm nhà thơ, kiêm họa sĩ, kiêm nhạc sĩ, kiêm kịch tác gia... ông còn được dân giang hồ văn nghệ gọi là một Xuân Tóc Đỏ của Hà Thành hôm nay.
Chúng tôi gọi đùa các vị nghệ sĩ đa năng, đa tài kiểu này là các kiêm sĩ.
Nhưng kiêm sĩ đứng một mình thì chưa thành , mà họ còn có những bệ phóng để nâng bi, thổi hơi, đánh bóng. Chúng tôi gọi dạng người làm bệ phóng này một cách nôm na là các bơm sĩ.
Thơ và họa là hai món thường được các kiêm sĩ và bơm sĩ chuộng nhất, vì không phải mất nhiều thời gian và công sức, trí lực để sáng tác mà cũng có thể sản xuất ra được thứ tác phẩm xập xí xập ngầu.
Có lần, một anh bạn già làm thơ rủ tôi ra quán lai rai. Chúng tôi gặp một người em kết nghĩa của anh ở đó, ông em này lại giới thiệu với chúng tôi một tay đại gia kiêm thi sĩ.
Ông đại gia kiêm thi sĩ này (xin được gom lại gọi chung là đại kiêm sĩ) đi cùng một tay nhạc sĩ. Ông hồn nhiên tuyên bố rằng ông trả lương hậu hĩnh cho anh nhạc sĩ này để anh ta làm một nhiệm vụ duy nhất là phổ các bài thơ của ông thành ca khúc. Sau một vài ly ngà ngà, ông đại kiêm sĩ bảo ông nhạc sĩ ra mở cốp xe hơi mang vào bàn nhậu một túi xách to đùng, mở túi xách lấy ra 16 cuốn thơ, rồi chia 16 cuốn này làm hai bộ, mỗi bộ 8 cuốn.
Ông đại kiêm sĩ trang trọng ký tặng tôi và anh bạn nhà thơ già mỗi người một bộ. Ông tỏ vẻ chân thành và quyết liệt: “Chúng ta là nghệ sĩ, các anh không được từ chối, đừng khách khí với nhau làm gì. Tôi làm thơ để trang trải tấm lòng với người đồng điệu chứ tuyệt đối không phải để bán mua. Hãy mang về đọc cho biết!”
Anh nhạc sĩ đế thêm:“Khí khái, khí khái quá! Báo cáo các anh, em thành thực tin rằng một kỷ lục trong thi ca như thế này thì dứt khoát sẽ lừng lững đi vào văn học sử.”
Ông đại kiêm sĩ bảo anh nhạc sĩ bỏ 16 cuốn sách vào hai cái túi có in logo thương hiệu của công ty do ông làm chủ, anh nhạc sĩ làm theo với những động tác thật thuần thục và nhanh gọn, không để cho chúng tôi có cơ hội từ chối và cám ơn. Ông đại kiêm sĩ không quên nói rằng ông trút hết tâm lực để sáng tác 8 tập thơ này, mỗi tập chừng trên trăm trang, trong đúng một năm! Ông hào hứng khoe rằng một số cuốn trong số 8 tập thơ đó được một nhà thơ có tên tuổi tự tay làm bìa, và viết lời giới thiệu cho.
Cầm sách lên lật xem vài trang, ngay lập tức chúng tôi không nghi ngờ gì về giá trị văn học của hơn 800 bài thơ được liên tục sản xuất trong chừng 365 ngày; cũng như không nghi ngờ gì món tiền có lẽ cũng hậu hĩ mà ông đại kiêm sĩ này trả công cho ông bơm sĩ kiêm nhà thơ, kiêm họa sĩ vẽ bìa, kiêm nhạc sĩ, kiêm chuyên gia viết bài bốc thơm các mầm non văn nghệ, lỡ dịp vắng mặt trong hôm đó.
Chừng 15 phút sau, thấy hai chúng tôi không mặn mà lắm với các công trình thi ca có tầm vóc kỷ lục quốc gia, thậm chí kỷ lục thế giới, tất nhiên là về mặt số lượng, cả hai ông sĩ đồng loạt đứng dậy lạnh lùng chào rồi kiêu hãnh bỏ đi. Hai đứa chúng tôi không biết phải làm gì với hai túi thơ to đùng và nặng ơi là nặng đang ngự dưới gầm bàn. Thiệt là khó xử, vờ bỏ quên lại quán thì không được rồi, còn vác về thì cũng dở, nhưng sau cùng cũng phải vác về tìm chỗ cất rồi tính sau; lạng quạng ông ta quay lại tặng thêm mỗi đứa một bộ nữa thì có mà ná thở!

*

Đó là câu chuyện hồi bốn năm trước, ngẫm lại tôi thấy có chút đồng cảm với ông đại kiêm sĩ.
Ờ, cũng là một trò chơi, danh vọng thì ai không khoái; dư tiền thì in thơ tặng nhau để có cớ cụng ly bắt tay, đóng vai danh sĩ trong giây lát, không hại gì ai; làm thơ dở không phải là cái tội, thậm chí lâu nay có các nhà thơ đang quyết liệt tranh đấu cho quyền được làm thơ dở nữa kìa; nếu không thích thì hãy kiên quyết đừng nhận, vậy thôi. Nếu tình cờ gặp lại, dám mình sẵn sàng mời ổng vài chai bia cho hết buổi chiều lắm à.
Còn không ưa tay nhạc sĩ và tay bơm sĩ kia ư?
Chà, thôi đi Tám à, cũng là một cái job kiếm cơm của họ thôi, quên chuyện chữ nghĩa lăng quăng kia đi cho nó khoẻ!
Tưởng vậy nhưng mà không khoẻ. Hôm nay, tình cờ chúng tôi đọc trên mạng một bài chữ nghĩa leng keng, rổn rảng được xi mạ bằng tình yêu dân tộc, đất nước; được danh gia bơm sĩ trong làng văn nghệ không bỏ lỡ cơ hội bơm hơi và chùi bóng. Nó khác với cái tham vọng hồn nhiên đi vào văn học sử của ông đại kiêm sĩ kia lắm.
Mời quý độc giả xem bài viết dưới đây - ở đường link này:


Tôi nghĩ, đây là một ví dụ điển hình về hai mẫu tâm hồn đồng điệu ký sinh vào nhau: một là dạng cơ hội chuyên múa bút nịnh nọt, bợ đỡ để kiếm chác, nhưng rất khôn ngoan ở chỗ biết chọn các  bi xứng tầm để nâng, để món lại quả không chỉ là dăm triệu bạc lẻ mà có thể là chiếc xe hay miếng đất; y thừa thông minh để hiểu sự bất tài, kém cỏi của kẻ kia, nhưng vẫn cứ kiên tâm bợ đỡ để kiếm chác, trong cái phức cảm vừa cần vừa sợ, vừa khinh kẻ kia vừa khinh chính mình.
Và một là dạng quyền lực, trọc phú háo danh, nhưng không chỉ háo danh văn nghệ mà thôi, mà còn hơn thế nữa, còn cả cái âm mưu dùng cái danh văn nghệ để làm phương tiện thăng tiến trên con đường làm quan của mình -- khả năng văn chương không đi xa hơn những câu khẩu hiệu cũ mèm, được bơm thứ thuốc gây mê thời thượng. Hẳn nhiên hắn cũng khinh cái kẻ mà hắn có thể vung tiền ra mua để xoa vuốt hắn không kém.
Hãy xem thử những câu rổn rảng kiểu: “Qua năm tháng theo chiều dài lịch sử / Đất nước tôi vang mãi bản tình ca / Hồn dân tộc là hùng thiêng sông núi / Là biên cương, biển đảo quê hương...”.
Những câu chữ của bài thơ (sau này thành ca từ) thì ngô nghê, sáo mòn, non nớt trong kỹ thuật, còn nội dung thì vừa lên gân, lên đồng, vừa xa rời với cái thực tại xã hội đang tan nát trước mắt. Còn bài tâng bốc thì với những cụm từ sáo và sến như: đôi cánh của âm nhạc, bay vào bất tử... quả đúng là một thứ tụng ca dễ gây buồn nôn.
Có phải đây là sự “gặp gỡ trong hồn dân tộc” như cái nhan đề của bài viết?
Không, đây là sự lợi dụng lẫn nhau của hai chủ thể: bọn cơ hội, mất nhân cách, cùng với bọn trọc phú, quyền lực, trong vị máu nồng của quá khứ hòa với rượu tây trên bàn nhậu hôm nay.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: