Các lãnh đạo tập tô chữ ở hội khai bút đầu xuân. Ảnh: Vietnamnet
6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết, có nên sáp nhập hơn 8000 lễ hội mỗi năm thành một hội chung, là hội ỏm tỏi?
Hết 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi, một con số thống kê khiến ai cũng giật mình, trên cả nước đã có tới 6.200 người nhập viện vì thương tích do đánh nhau, bên cạnh 317 người chết vì tai nạn giao thông.
Khai hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội), trai làng lại lao vào dùng gậy gộc đánh nhau để tranh lộc. Đỉnh non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) chưa khai hội, nhưng người trảy hội đã phải leo trèo chen lấn nhau.
Có thể nói cứ chỗ nào có hội hè là có lộn xộn, có tranh cướp, chen lấn, xô đẩy. Chắc vì thế nên phải có đánh nhau, cho hả cơn bực trong người. Ngày Tết thêm chút rượu bia, khí thế lại bừng bừng, không đánh nhau đến nỗi nhập viện mới lạ.
Ấy là bức tranh toàn cảnh về người Việt và lễ hội của người Việt dịp đầu năm mới Ất Mùi này. Trong phiên họp Thường trực Chính phủ vào chiều 24-2, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các địa phương không thể coi thường tình trạng người dân đánh nhau đến mức phải nhập viện.
Đây chẳng phải là một kỷ lục mới của người Việt mới lập được hay sao? Báo chí nước ngoài chỉ cần dịch lại tin tức về con số 6.200 người đánh nhau trong dịp nghỉ tết, thế là đã có đủ kỷ lục về Tết của người Việt.
Mà lý do thì toàn là bia rượu, xích mích chuyện không đâu, vài câu nói thiếu kiềm chế, thế là đánh nhau. Có người đi qua đám đánh nhau, rỗi hơi, hiếu kỳ đứng lại xem, cũng “dính đạn” và nhập viện cùng đám đánh nhau.
Du xuân đánh nhau, phải chăng đã trở thành một “phong tục” mới ?
Có phải vì dân mình là một dân tộc thượng võ? Xin thưa tinh thần ấy xưa rồi, khi mà hội làng ngày xưa thường có các sới vật, để các đô vào thi triển các thế võ vật. Còn ngày nay, chả cần sới siệc gì hết, cứ vài đám trai làng rượu bia vào là tức khắc có ngay một đám đánh nhau ỏm tỏi.
Có người nói đạo đức xuống cấp là đây. Hoàn toàn chính xác. Nhưng điều đáng khiến chúng ta lo ngại hơn, đó là con số 6.200 người nhập viện vì đánh nhau ấy phải chăng đanh phản ánh sự thay đổi tâm tính của người Việt.
Từ một dân tộc cần cù nhẫn nại, chịu thương chịu khó, lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân, yêu chuộng hòa bình, một phần chúng ta đang trở thành những con người như thế nào đây?
Những kẻ trộm chó bất chấp tính mạng của mình và đồng loại, những ngôi làng đồng lòng đánh chết trộm chó. Những kẻ hôi bia, những người cục súc chỉ cần chút ít va chạm là rút “hàng nóng, hàng lạnh” ra xử nhau.
Liệu đã đáng để lo ngại quá chưa khi nghĩ về nền văn hóa của người Việt, khi chúng ta còn chưa sống cho ra dáng một con người, thì lấy cái gì ra mà đóng góp cho văn minh chung của nhân loại?
Nguyên nhân sâu xa của tất cả những sự hỗn độn này từ đâu? Nghĩ kỹ một chút ai cũng nhận thấy. Bởi mối ràng buộc sâu xa để giữ lấy trật tự xã hội, những yếu tố làm nên nhân cách con người đã bị bỏ lỏng, bị lung lay. Bởi người làm gương đã quên nghĩa vụ làm gương của mình.
Bên cạnh các số vụ đánh nhau này, còn một hội khác cũng đang gây xôn xao dư luận, ấy là hội khai bút cho các vị lãnh đạo TP Hà Nội được tổ chức ở đền thờ nhà giáo Chu Văn An tại Thanh Trì.
5 vị lãnh đạo cầm bút lông tô mỗi người một chữ theo khuôn đã vạch ra trước như trẻ con lớp vỡ lòng tập tô. Ban tổ chức giải thích là vì các vị lãnh đạo chưa quen viết bút lông nên phải có người viết chữ mờ bằng bút chì trước, chỉ cần tô lại cho đẹp.
Nghe lý do này có thấy… kỳ kỳ không thưa quý bạn đọc?
Khai bút đầu năm là một mỹ tục để thể hiện cái tâm hiếu học, hướng thiện và yêu chuộng cái đẹp của mỗi người. Thế mà tổ chức như một cuộc trình diễn, các vị lãnh đạo ngồi tô chữ như trẻ con, còn gì là đẹp là hay?
Theo Đất Việt
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét