Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Xem lại những bức biếm họa chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 Hình ảnh lịch sử

Nhìn lại những bức biếm họa của một thời, không phải để hận thù, mà thấy quý giá những gì mà thế hệ trước đã làm nhằm bảo vệ non sông đất nước, cuộc sống yên bình của người dân.
Rạng sáng ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc đã bất ngờ nổ súng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, đồng thời xua hơn 60 vạn quân tràn vào vùng biên địa của đất nước. Trong những ngày ấy, các họa sỹ biếm của Việt Nam đã dùng biếm họa như một thứ vũ khí sắc bén để cùng với toàn dân tộc chống lại quân xâm lăng.
Tập tranh biếm họa "Mưu sâu họa càng sâu!", đả kích tập đoàn bành trướng Bắc Kinh đã được Nhà xuất bản Quân Đội nhân dân ấn hành 20.200 cuốn vào tháng 12 năm 1979. Các họa sĩ vẽ tranh gồm có Nguyễn Đạo Hưng, Trịnh Lập, Dương Lê, Nguyễn Nghiêm, Huy Quang, Văn Thanh. Xem lại những bức tranh này thật thú vị, và hơn nữa ta vẫn thấy được tính thời sự nóng hổi của chúng.
Dĩ nhiên, có những bức biếm họa mang không khí, hoàn cảnh của thời đó, có thể không còn phù hợp với hoàn cảnh của ngày hôm nay, và chúng ta không nên xem với tâm thế của những ngày hừng hực máu lửa năm 1979 ấy. Mọi thứ đã khác, bạn-thù cũng chồng chéo hơn và là một thực tế mà mỗi chúng ta ngày hôm nay cần phải thận trọng hơn trong cách nhìn nhận.
”Biên giới của chủ nghĩa bành trướng”: Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán được nuôi dưỡng từ nghìn năm phong kiến, biến tướng qua thời hiện đại vẫn không che dấu được tham vọng mở rộng biên cương lãnh thổ theo bước chân của những đội quân xâm lược. Đất nước nhỏ bé phía Nam luôn là một trong những mục tiêu đầu tiên.
“Mô hình thế giới kiểu 1949 của Bắc Kinh”: Tham vọng bá quyền nước lớn của chính quyền Bắc Kinh không dừng lại ở việc mưu toan chinh phục các quốc gia lân cận mà còn vươn tới tầm thế giới với mô hình “chính quyền trên đầu nòng súng!”, muốn cả thế giới đầy bóng đại cán Tàu. Tham vọng này được cổ vũ bởi việc quân giải phóng của Mao giành chính quyền ở đại lục năm 1949.
“Điên đảo”: Với chính quyền Đặng Tiểu Bình ở thời điểm ấy, những giá trị “bạn”, “thù” quay tít như con thò lò trên hình chữ “vạn” của phát xít Đức, với phương châm thực dụng tối đa: “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột!”.
"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã": Đặng Tiểu Bình và nhà độc tài Pinochet của Chile đang chào theo kiểu Đức Quốc xã trước di ảnh của trùm phát-xít Hitler.
"Cuồng vọng và hiện thực": Hiện đại hóa quân đội để bành trướng xâm lược trên nền tảng của một nền sản xuất lạc hậu?
"Sự cố gằng điên khùng": Trung quốc muốn trở thành siêu cường quân sự như Mỹ bằng "4 hiện đại", nhưng đây chỉ là điều viển vông. Chú ếch Trung Quốc có thể sẽ nổ tung nếu cố gắng thổi phồng chính mình để to bằng chú bò Mỹ.
“Củ cà rốt và cái bóng”: Đó là hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng, hiện đại hóa khoa học và công nghệ. Quá trình “hiện đại hóa” để tăng cường sức mạnh quân đội nhằm gây chiến với các nước láng giềng luôn được chính quyền phương Bắc đậy điệm bằng những ngôn ngữ dân sự hiền lành, như củ cà rốt che đậy linh hồn của một quả bom…
“Bá nghiệp và sức kéo”: Một chính sách thực chất tập trung cho quân đội, trong khi lúc ấy, đời sống dân Trung Quốc còn rất lầm than.
"Miếng mồi không hi vọng": Chính quyền Bắc Kinh dùng miềng mồi "4 hiện đại" để như dân chúng kéo lê cỗ xe bá quyền.
“Mới hiện đại một nửa”: Trong chiến tranh, bao giờ cũng có việc bên này chê bai quân đội bên kia. Họa sĩ biếm Việt Nam giễu quân đội Trung Quốc lúc ấy trông có vẻ được trang bị oách thế nhưng thực tế là chẳng có gì, chỉ bốc phét.
“Hiện đại hóa quân đội”: Quân huy quân đội Trung Quốc có chữ “bát nhất” 八一. Theo họa sĩ, hiện đại hóa quân đội lúc ấy chỉ là đổi thành chữ “vạn” phát xít.
“Đối nội và đối ngoại”: một chính sách đối ngoại bành trướng, hung hãn, xua người nghèo đi lính xâm lược, đi kèm với đấu đá nội bộ.
“Đối ngoại và đối nội”: Đặng Tiểu Bình một mặt xâm lược Việt Nam, một mặt thanh trừng nội bộ để củng cố quyền lực.
“Kế hoạch đột xuất làm thêm 800 triệu cái khóa”: vào thời điểm ấy, dân số Trung Quốc vào khoảng 800 triệu người. Một trong những biện pháp thông thường của chính quyền Bắc Kinh là “khóa mồm” người dân lại, không cho họ được ý kiến ý cò gì, nhất là khi nhà nước tiến hành chiến tranh xâm lược.
“Kẻ kế tục”: “Truyền thống” tàn ác của giới cầm quyền bắt đầu từ thời bạo chúa Tần Thủy Hoàng, cho đến thời hiện đại của Đặng Tiểu Bình đã được mở rộng, “xuất cảng” sang Campuchia cho tập đoàn diệt chủng Pol Pot áp dụng với chính dân tộc mình, sát hại khoảng một phần ba dân số Campuchia chỉ trong vòng hơn 3 năm!
“Có một tỷ dân cơ mà”: Chiến thuật phổ biến nhất của các tướng chiến trường Trung Quốc thực thi trong chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 là “biển người”, xua quân tấn công bất kể sống chết ra sao. Đây cũng là chiến thuật mà Trung Quốc đã áp dụng thường xuyên trong chiến tranh Triều Tiên hơn 20 năm trước. Với các nhà chỉ huy quân sự Trung Quốc, núi xương sông máu nào có ý nghĩa gì!
"Thử lửa": Rồng phương Bắc không bao giờ thắng được Thánh Gióng phương Nam. Lịch sử luôn khẳng định điều này.
"Cũng là truyền thống": Chính quyền Bắc Kinh dẫm lên hài cốt của những kẻ xâm lược đi trước để bành trướng xuống Việt Nam.
"Nối tiếp truyền thống": Người Trung Quốc cần hiểu rằng trong 2.000 năm qua, lưỡi giáo của người Việt đã kết liễu số phận bao nhiêu kẻ xâm lược.
"Bài học xưa cho hôm nay": Hùng hổ tiến đánh nước Việt bao nhiêu thì khi cuốn gói về nước càng ê chề nhục nhã bấy nhiêu, đó là bài học người phương Bắc nên nhớ.
"Cái hung hãn của kẻ chiến bại": Quân Trung Quốc "về đến nước mà vẫn tim đập chân run".
"Gần cạn rồi ngài Đặng ơi": Cuộc chiến tranh năm 1979 là thảm họa cho ngân sách quốc gia của Trung Quốc.
"Chắc là ống đồn Thoát Hoan": Cột đồng Mã Viện có thể chỉ là sự hư cấu, nhưng ống đồng Thoát Hoan thì chắc chắn là có thật.
“Một kiểu giơ tay đầu hàng”: Và đây mới là “quân uy” thật sự của quân Trung Quốc khi bị thất bại trên mảnh đất Việt Nam lúc ấy, không còn thể thống gì cả. Không có vũ khí, binh lính Trung Quốc thực dụng và hèn hạ đến bất ngờ.
“Quân uy của bọn cướp nước”: tấn công Việt Nam, binh lính Trung Quốc không giữ được “quân uy”, thấy lợn, gà… cũng bắt; không từ đàn bà, con trẻ…
"Thế mà nó cũng hiểu": Sau khi Đặng Tiểu Bình bắt tay Nixon thì lính Trung Quốc đã biết thêm một ngoại ngữ mới.
“Chiến thắng trở về”: Khi các quân đoàn chủ lực của Việt Nam được điều chuyển lên biên giới phía Bắc vào đầu tháng 3-1979 thì Bắc Kinh vội tuyên bố rút quân để tránh theo dấu những Thoát Hoan, Tôn Sĩ Nghị xưa kia! Chiến lợi phẩm thu được là lợn gà cướp trên chiến trường và một đội quân “chiến thắng” vội vã lẫn thất thểu trở về.
"Món chả nướng": Đơn giản là họ đã nướng rất nhiều quân ở Việt Nam.
"Sùng hai nòng": Vừa đánh vừa lu loa rằng Việt Nam là kẻ gây chiến với Trung Quốc.
“Mừng đại thắng”: Trung Quốc dĩ nhiên không bao giờ thừa nhận thất bại. Nhưng cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979 của họ đã phải trả giá cực đắt với hàng vạn lính phơi thây trên chiến trường. Băng pháo ăn mừng chẳng khác gì băng đạn nướng thây.
“Còn nỏ mồm chối cãi?!”: Vào tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc che đậy việc xâm lược, âm mưu cướp đất bằng chiêu bài “dạy cho Việt Nam một bài học”. Việc vạch mặt âm mưu ấy tựa như lột trần gót giày Tàu của kẻ vượt đường biên.
"Giấu đầu hở đuôi": Những tuyên bố đẹp đẽ về tình hữu nghị vô sản không thể che giấu được bản chất xô-vanh của chính quyền Bắc Kinh.
"Mặt này khỏi cần mộc": Mặc thế giới lên án, nguyền rủa, phỉ nhổ, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn "mặt trơ chan bóng".
"Bị tấn công bốn phía": Hành động xâm lược của chính quyền Bắc Kinh bị lên án bởi cả dư luận thế giới và nhân dân yêu hòa bình ở Trung Quốc.
"Có áp bức, có vùng lên": Một chân lý của lịch sử.
"Cũng có lúc súng giật hậu": Những người lính Trung Quốc cần thức tỉnh để hiểu rõ bản chất của kẻ đang giật dây mình.
Theo VOZFORUMS.COM / SOI.COM.VN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: