Ông Ren Zhengfei, người sáng lập tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei, từng là sĩ quan kỹ thuật của quân đội Trung Quốc.
Theo tờ Business Spectator, ông Ren là người rất kín tiếng và không thích được phỏng vấn. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông mới chỉ trả lời phỏng vấn báo giới có 5 lần và lần gần nhất là tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos diễn ra vào tháng 1/2015 vừa qua.
Ông Ren Zhengfei người sáng lập tập đoàn Huawei (Ảnh Reuters)
Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Ren, người từng là sĩ quan kỹ thuật của quân đội Trung Quốc, đã trả lời hàng loạt câu hỏi về bản thân, về tập đoàn Huawei cũng như mối liên kết giữa Huawei và quân đội Trung Quốc.
Nhiều câu trả lời của ông khiến giới chức Trung Quốc không khỏi “phật lòng”, trong đó có việc Huawei đã từng phạt hàng nghìn lao động vì gian dối cũng như việc Huawei từng hợp tác với cả quân Chính phủ và phe đối lập trong cuộc nội chiến tại Libya.
Con ngựa thành Troy của Bắc Kinh?
Một câu hỏi lớn liên quan đến Huawei đó là liệu tập đoàn này có liên hệ gì với quân đội Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, cũng không khó để nhận ra rằng mối liên kết này là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành các cuộc “chiến tranh mạng” nhằm vào nước Mỹ và cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cũng đã tiết lộ rằng Bắc Kinh đã cố đánh cắp bản thiết kết chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ. Với sự hỗ trợ của Huawei, điều này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thực tế rằng ông Ren đã phục vụ quân đội Trung Quốc cũng dễ khiến người ta nghi ngờ về “mối quan hệ mờ ám” giữa Huawei và Chính phủ Trung Quốc.
Dù tại Davos, ông Ren đã giải thích về việc mình “tình cờ” trở thành binh sĩ như thế nào.
Theo lời ông Ren, trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc thiếu rất nhiều vải và các mặt hàng khác. Chính vì thế Chính phủ Trung Quốc đã nhập máy móc từ Đức về và xây dựng nhiều nhà máy tại các tỉnh vùng xa của nước này.
Do không có các thợ cơ khí lành nghề tại đó, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu quân đội hỗ trợ việc lắp đặt máy móc và ông Ren đã gia nhập quân đội và trở thành một sĩ quan kỹ thuật điều hành các máy dệt vải nhập từ Đức về.
Sau đó, ông Ren giải ngũ vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi Trung Quốc quyết định cắt giảm quân số để tập trung phát triển kinh tế.
Ông Ren cũng chưa bao giờ ngần ngại nói về việc mình luôn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông luôn nhắc đi nhắc lại rằng: “Chúng tôi là một doanh nghiệp Trung Quốc và hiển nhiên là chúng tôi phải ủng hộ Đảng, và chúng tôi yêu đất nước mình. Tuy nhiên, chúng tôi không làm tổn hại đến các nước khác và luôn tuân thủ các quy định và luật lệ toàn cầu”.
Người sáng lập Huawei còn giải thích về cấu trúc của tập đoàn này để gạt đi những hoài nghi về việc ai là chủ thực sự của tập đoàn này.
Theo ông Ren: “Chúng tôi có 80.000 cổ đông và họ đều làm việc cho Huawei. Tôi là cổ đông lớn nhất với 1,4% cổ phiếu của tập đoàn”.
“Tôi không nghĩ mình phải giải thích thêm gì về việc chúng tôi là ai. Danh tính thực sự của chúng tôi rồi sẽ được sáng tỏ. Chúng tôi không thể ngừng sản xuất, bán hàng và kiếm tiền. Nếu thế chúng tôi sẽ tồn tại ra sao?”, ông Ren nói.
Huawei đe dọa an ninh quốc gia Mỹ?
Huawei là một trong hai doanh nghiệp của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đe dọa an ninh quốc gia Mỹ (Ảnh AFP)
Cục tình báo Hạ viện Mỹ đã coi Huawei và ZTE (cũng của Trung Quốc) là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này.
Thậm chị, ông Michael Hadey, một cựu quan chức tình báo Mỹ còn cáo buộc Huawei là gián điệp cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Ren, một ngươi rất thích dùng các ẩn dụ, đã so sánh vai trò của Huawei đối vơi mang lưới viễn thông toàn cầu như những chiếc ống nước.
“Nước nằm trong ống chính là Internet. Mọi hoạt động tìm kiếm trên mạng là đều dựa vào Internet”, ông Ren nói, “chúng tôi được trả tiền để làm những chiếc ống nước đó”.
Đối thủ lớn nhất của Huawei?
Ông Ren đã trải qua mối quan hệ nhiều thăng trầm với Mỹ và ông là một người rất ngưỡng mộ các công nghệ cũng như phương pháp làm việc kiểu Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi Washington quyết định đẩy Huawei ra khỏi thị trường viễn thông Mỹ, vốn được coi là thị trường màu mỡ nhất thế giới.
Ông Ren thừa nhận rằng Mỹ có thể duy trì vị thế hàng đầu về công nghệ của mình trong vài thập kỷ nữa và Huawei cũng không thể làm gì để thay đổi điều này.
Người sáng lập Huawei cũng tiết lộ rằng, tệ nạn tham nhũng lan tràn trong tập đoàn của ông. Theo đó, khoảng 4.000- 5.000 nhân viên của Huawei đã thú nhận việc họ ăn cắp vặt hoặc làm báo cáo giả.
Chính vì vậy, ông Ren cho rằng, đối thủ lớn nhất của Huawei chính là bản thân họ./.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét