Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

VIẾT HAY KHÔNG VIẾT?



Thằng Chuếch cháu nội lão Đợi gọi tôi bằng ông trẻ, là chỗ họ hàng xa. Nó tướng xà, mình
uốn éo, mắt một mí, con ngươi nhỏ nhưng linh hoạt như mắt rắn. Một tý tuổi nhưng gặp may hết cỡ.
Tuy không phải con ông cháu cha, chả có ai làm quan lớn, quan nhỏ, nhưng nhà nó là đại gia đứng đầu tỉnh. Vừa ra trường xong là đã có việc làm, xế hộp hơn bốn tỷ. Được cái giọng nói dễ nghe, ra dáng con nhà danh gia vọng tộc.
Dưng mờ tôi e, tuổi Tân Mùi của nó về sau sẽ chẳng ra gì. Tuổi ấy thiếu thời còn được, càng về sau chắc khó bề may mắn, sung sướng mãi, ấy là theo tử vi và kinh nghiệm qua một số người lớp trước có tuổi ấy, theo nhận xét của ông nội nó. Điều này Lão Đợi nói nhỏ với tôi hôm ăn mừng nó nhận công tác. Một công việc cử nhân, tiến sĩ con nhà nghèo túng nào đó có nằm mơ cũng không được!
Họ lấy đâu ra năm “củ”? Nửa tỷ chứ phải ít đâu? Chính vì lo lắng cho nó như thế, lão Đợi dặn nó rất kỹ lưỡng. Lão bảo “hiếm có nhà nào phúc hưởng đến ba đời. Đến lượt nó, họ Hoàng đã hưởng đại phú, đại lộc đến lượt thứ ba rồi. Thịnh mãi phải đến lúc suy. Phải lấy chữ đức làm đầu mới mong có được bền vững, trường tồn”.
Chả biết ra ngoài đời nó cư xử với người khác thế nào? Mỗi lần gặp tôi nó vẫn ngoan, ý tứ lắm.

Dự định đến cuối tháng chúng tôi mới về dự lễ khánh thành một công trình nho nhỏ ở đất Tục Lâm, nơi có huyệt đất tốt từ ngàn xưa. Nơi Vua Hùng chả nhớ đời thứ mấy mấy.. đã từng đến thưởng ngoạn cảnh non nước tang bồng. Cả ngay khi hai Vua Bà dấy binh tụ nghĩa cứu nước cũng từng đến đây thành kính dâng hương ở cái am nhỏ, sau này được dựng miếu thờ. Dấu tích còn đến tận thời bây giờ. Huyệt đất ấy xưa kia mấy lần Cao Biền định trấn yểm nhưng không thành vì trong vùng có thầy phù thủy cao tay vốn là con dân đất này hóa giải.

Lão Đợi là nhà tài trợ, góp thêm chút tiền kha khá vào số vốn từ thượng tầng cấp xuống cho địa phương. Người ta đã báo trước lên, mời lão về dự và lão hẹn với tôi hôm ấy, tháng ấy..cùng nhau về, nhớ mang máy ảnh tôn tốt chụp cho lão vài pô kỷ niệm. ( Đương nhiên ở địa phương thợ ảnh không thiếu, nhưng chuẩn bị trước, chủ động từ nhà vẫn hơn, lão bảo vậy).
Ờ đi thì đi, mấy khi được đại gia mời?
Đột nhiên, mới sáng sớm lão gọi điện báo thay đổi là chuyến đi về Tục khởi hành ngay từ ngày hôm nay.
      Khi tôi đến lão Đợi đã đứng ngoài cửa. Thằng Chuếch cháu lão đang vòng xe quay đầu. Xế hộp của nó cỡ nhỏ, đổi hướng không đến nỗi khó, muốn quay đầu chả cần lùi, ra vào chỗ nào cũng dễ, kể cả đường hẹp, lối ngõ quanh co.
Không hiểu tại sao đường ở quê lão tiếng là dưới đồng bằng vẫn nhiều dốc ngoắt ngéo khó đi như thế? Đi rồi mới biết vì sao lão bảo Thằng Chuyếch lấy xe của nó chứ không bảo người khác. Nhà lão đâu có thiếu loại xe gì? Chọn xe nhỏ là có lý của nó. Sau này tôi có hỏi và được lão giải thích: Quê lão có một quy định thành nếp, bất thành văn là giữ truyền thống cũ. Đường xá, bờ tre lối xóm ngày xưa thế nào cứ giữ nguyên như thế. Nhà cửa có anh xây lầu bốn năm tầng, đường vẫn vòng vèo, quanh co vừa dốc vừa hẹp như thời bao cấp. Tôi chả dám bàn gì về chuyện này. Chắc là nó có cái lý của nó. Mình ở xa đến biết gì mà tham gia, ý kiến ý cò?
Lúc chuẩn bị đi lão có vẻ vội. Thậm chí không cả mời tôi vào nhà uống miếng nước. Chưa kịp hỏi lão mục đích, hành trình chuyến đi này? Điều này làm tôi thấy mình bị động và không khỏi băn khoăn.
Chợt hiểu: Người giàu cần phải sang, cần tăm tiếng như thế nào?
     Người ta cần giàu, có thể một đời, có khi gặp nước, chưa đến nửa đời đã giàu. Nhưng để thành sang có khi tốn đến mấy đời mà vẫn chưa được sang. Điều này cả lão và tôi cùng biết, nên lão mới có chuyến đi này.
Tôi chả là cái gì để làm sang cho lão. Một kẻ nghèo, gàn gàn dở dở nếu không có tiết mục hồi ký, hồi kiếc, chưa chắc lão đã để ý, quan tâm. Lão đưa tôi mấy lần về quê là có dụng ý riêng.
     Lão bảo: “ Phần đầu chú viết tương đối được. Nhưng có vài chi tiết chưa chính xác. Thí dụ có mấy chỗ chú nhầm, “Lốm” viết ra “Khốm”, sai tên địa danh, hướng đình quay sang phía đông chú lại xoay sang hướng bắc.. Anh muốn đưa chú về để chú tham khảo thêm, viết cho thật chính xác. Kẻo mai ngày người ta đọc nghĩ là không phải viết về anh, mà là một người khác..”
Thực ra việc này tôi có chủ ý riêng của mình. Tôi đâu có phải viết thuê, chuyên đi bợ đỡ quan trên, nhà giàu?  Bất chấp tất cả để tô vẽ cho cái cuộc đời đôi khi nhem nhuốc này? Chỉ là cuộc trải nghiệm, trinh sát cuộc sống và học hỏi đôi điều chỗ này chỗ kia, những gì mắt thấy tai nghe. Vì sao nó lại như thế này mà không như thế kia”? Có viết gì chăng nữa là do cái tâm, cái muốn của mình, đâu phải vì chút lợi lộc lão hứa hẹn. Lời hứa của lão, nhiều năm rồi tôi biết, nếu muốn tin cũng chỉ có thể tin phần nào, từ từ mà tin, không vội!
“Vốn sống” dù đúng sai hay dở thế nào mới là cái tôi cần. Không có chuyện hồi ký hồi cót nào ở đây cả.
Chỉ là câu chuyện về một con người, một số phận điển hình của cái thời người ta hay gọi vui là “lá diêu bông” này.
Để khỏi rắc rối và đỡ trình bày, tôi ầm ự cho qua chuyện. Tôi là người viết tự do. Không ai có quyền bắt buộc tôi phải như này, như khác, kể cả lão.
Mà tôi với lão đâu có ràng buộc gì? Không có hợp đồng hợp tác gì trong việc này. Mặc dù lão có hứa “ Khi nào sách in ra, được nhà nước giải thưởng, anh sẽ thưởng gấp đôi, gấp ba cho chú”. Điều này lão thật vớ vẩn. Tôi đâu phải con trẻ để không hiểu ý tứ của lão? Tôi thừa biết lão rộng rãi như thể nào. Lão đâu phải như người ta “Ăn chơi không sợ mưa rơi”. Dẫu lão có trăm ngàn tỉ thì tất cả những con voi còn sống sót trên hành tinh này vẫn cứ không chui qua được lỗ kim, điều này tôi không lạ!

Nhưng thôi. Khỏi nói ra điều này. Vừa không cần thiết, lại mất vui mỗi khi gặp nhau. Xét cho cùng điều này cũng chẳng hại gì, còn có cái lợi cho tôi trong công việc. Lão cứ nghĩ theo cách của lão và tôi cứ ngẫm cái sự của tôi cùng một việc, như hai mặt của một vấn đề, thì đã chết ai?

Tất nhiên là thằng Chuêch không biết chuyện này. Nó có vẻ băn khoăn. Loáng thoáng nó biết có chuyện viết lách gì về gia đình nó. Bố nó bảo: “Ông già nhiễu sự. Tự nhiên tự lành muốn thiên hạ chú ý chả có lợi gì cho việc làm ăn của cả nhà..” Tập đoàn lâm, khoáng sản bao lâu nay kinh doanh êm ả, thái bình không ai để ý. Không khéo cái danh hão gây trở ngại lớnsau này cũng nên.
Đã là kinh doanh không mấy ai tránh khỏi có điều khuất tất. Lời lãi thịnh vượng cũng từ đấy mà ra. Ngay thẳng minh bạch được mấy người? Có mà hát chẳng đủ nghe, trò vè không đủ xem! Không  gian lận, lậu thuế, thời buổi này có mà ăn cám! Thương trường là chiến trường. Có chiến trường nào không cần giữ bí mật, yếu tố quyết định thành công hay thất bại, đâu phải chuyện đùa?
Các chú nó cũng đồng ý kiến, không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, để thiên hạ nhòm ngó vào cái sâu kín của mình cho thêm rắc rối.
Một người sâu sắc, kín đáo như ông nội nó, bỗng dưng giở chứng. Thích được người ta chú ý, đến chỗ nào cũng thích người ta gọi là “đại gia”.
     Hình như con người ta trở về già rất sợ đời sau quên mất công lơn của mình, thích đề cao, tô phóng thành quả, thi vị nó theo khuynh hướng riêng cố hữu, thường quá mức của mình.  Con cái khuyên nhủ thế nào cũng không nghe. Chỉ là bằng mặt mà không bằng lòng, đành phải chiều theo ý kiến ông nội nó, đó là thái độ chung của cả nhà.
Chú nó mặc cả trước với tôi: “ Ông viết gì thì viết, mà tốt nhất là không viết. Đừng để ảnh hưởng đến công việc làm ăn của bọn này. Khi ấy đừng có trách..”
 Ái dà, ra cái vẻ đe dọa đây.
Thực ra ban đầu lão Đợi đề nghị, tôi cũng không mặn mà cho lắm với chuyện này. Chuyện nhà lão có gì hay ho để mà viết cơ chứ? Chỉ là kiểu người cơ hội, khéo luồn lách và chút mưu mẹo, mánh khóe vặt, một chút ích kỷ, hà tiện gặp thời, câu kết được với kẻ cần câu kết, gặp may chứ giỏi giang gì?
Các đại gia, tỷ phú nước ngoài không nói. Đa phần nước ta đâu có mấy người giàu lên bằng phát minh, sáng tạo, dành dụm nhiều đời? Mấy người đóng góp gì cho đất nước ngoài việc xâm hại tài nguyên môi trường, đục khoét công quỹ mà nên có, nên giàu?
Biểu dương mấy thứ đó chả hóa ra mình khuyến khích đề cao tệ nạn, tiêu cực xã hội mà cả nước đang có phong trào đẩy lui và triệt tiêu nó hay sao?
Định là bỏ qua, chả muốn mất công vào cái việc mình không có hứng. Nhưng một khi đã đe nẹt, lại là chuyện khác. Cái nghề liên quan đến con chữ có cái lợi hại của nó. Kẻ khác muốn trấn áp, đe dọa cũng khó lòng.
Là chuyện hư cấu, tên khác việc khác, có muốn kiện cũng không căn cứ vào đâu để kiện. Còn như dùng bạo lực, xã hội đen chưa hẳn đã rung dọa được ai. Có lắm tiền nhiều của, cũng không dễ lấy của đè người.
Xã hội dù có điên đảo đến đâu vẫn phải có lề có nếp của nó, không thể lấy thúng úp voi, đảo lộn trắng đen, phải trái. Vậy thì sợ gì cơ chứ? Tôi sẽ viết về gia đình đại gia của lão theo cách của tôi, dù lão nghĩ và nói như thế nào.

Như đã nói ở trên rồi, chả có ràng buộc cóc khô gì ở đây cả. Biết đâu chả thêm một câu chuyện để mỗi khi rỗi rãi đọc cho bè bạn nghe chơi?
 Điên lên, phải viết bằng được. Cầm bút mà hèn, cầu lợi thiếu gì cách kiếm lợi, cần đến viết vung làm gì?
      Tâm tính, thói quen, cách hành xử của cha con lão Đợi mấy chục năm qua lại, tôi không lạ. Điều mà tôi chưa rõ là thế hệ thứ ba, như thằng Chuếch này có ý nghĩ gì trong đầu? Ham muốn tới đâu?
Không thể hỏi trực tiếp như cánh nhà báo phỏng vấn nhân vật được. Chỉ có thể quan sát, ngẫm nghĩ mới có thể tìm ra lời giải câu hỏi này.
Thằng Chuếch không biết cha mẹ ông bà nó có dặn dò nhắc nhở gì không, có vẻ kín lắm.

Xe chạy được mấy chục cây số nó vẫn chả nói câu nào. Đường về quê nó không lạ mà mắt luôn đảo, dán vào màn hình định vị vệ tinh gắn ngay trước mặt. Đường đi tới đâu, hiện rõ đoạn đường tới đó. Khoảng cách từ x đến y, tốc độ..hành trình hướng dẫn.. Kể cả người không biết đường, cũng không cần, không phải hỏi đường. Xe đang chạy quãng song song với một con sông. Màn hình hiện rõ dòng sông xanh uốn khúc như được nhìn thấy từ trên máy bay. Cả ba ngồi trên xe im lặng, không ai nói câu nào. Tôi muốn phá tan sự im lặng:
- Hình như hôm nay đường vắng xe. Thứ bảy mà ít xe đi lại thế này kể cũng lạ?
- Vậy chú không biết à? Nghe nói xăng tăng giá, đám lái xe phản ứng thì phải – Lão Đợi lên tiếng.
 - Không phải đâu ông nội ạ - Thằng Chuếch góp lời – Hai hôm nay có đám tang mẹ bà H. Nên đường mới vắng để nhường đường ưu tiên cho các đoàn thăm viếng. Cơ quan cháu hôm qua cũng vừa mới đi. Cháu chưa bao giờ thấy có đám tang nào lớn như đám tang này. Riêng tiền phúng viếng..
Nghe đến đây, lão Đợi vội cắt lời thằng cháu:
- Chuyện. Người ta là nhân vật lớn, đám làm to là lẽ đương nhiên. Cháu nói với hai ông ở đây thì được, chỗ khác không nên. Đấy là chuyện rất nhạy cảm, không phải lúc nào, ở đâu cũng nhắc đến được, cháu nhớ chưa?
-  Dạ cháu nhớ!

Tôi đỡ lời lão. Rằng thì là ba cái chuyện lẻ tẻ ấy đâu có gì quan trọng. Đám hiếu, đám hỉ thời bây giờ chả ai lạ người “ Có điều kiện” tổ chức linh đình như thế nào. Người ta phúng viếng toàn tiền đô chứ không phải hoa quả, bánh trái với cái phong bì lép như nhà dân thường. Chỉ có điều trong hoàn cảnh chung khó khăn hiện nay, nếu có cũng chẳng nên bày vẽ rênh ranh như thế. Khó vào mắt thiên hạ đã đành, về lâu về dài thực chẳng nên. Nói thực với bác nói gì thì nói, đại gia ở xứ ta nặng về phô phang bề ngoài mà thiếu hẳn cái đầu tư chiều sâu..
- Biết thì biết thế, đâu phải cái “biết” nào cũng đem ra cùng biết? Chú là .. mà không hiểu chuyện này ư?
Tôi ngớ người trước câu nói này của lão. Mặc dù vẫn có ý giữ gìn, vậy mà mình lại sơ hở chuyện chả liên quan gì tới mình. Mình chủ quan cho rằng thời buổi công nghệ thông tin chẳng ai giấu được điều gì. Với lại ngày nay xã hội cởi mở hơn, những chuyện đại loại như trên đâu còn là đề tài cấm kỵ?  Chỉ còn vài nước khắc nhược, chuyện đời tư của những nhân vật lớn mới thuộc “bí mật cuốc gia”. Ở nước ta đâu có tồn tại điều này. Miễn là đừng vu khống, bôi nhọ hay xúc phạm đến các vị ấy, còn thông tin về dững cái khác cứ việc vô tư đi. Nhưng mà thôi. Lại thôi, chả nên tranh luận. Mất vui.
Lão Đợi hình như cũng muốn thế, chuyển sang chuyện khác:
- Hôm nay anh sẽ dẫn chú đến thăm hai người trong số những bạn học thời niên thiếu của anh. Toàn những nhân vật lớn cả. Đúng là đất Tục Lâm không hiếm hiền tài. Hiềm nỗi kết cục cuộc đời chẳng ai giống ai..
Điều này là đương nhiên. Người ta mỗi người một phận. Đến như anh em sinh đôi cuộc sống còn còn chả giống nhau, huống chi người đời? Tôi tò mò muốn hỏi thêm, nhưng lão Đại lại lảng sang chuyện khác.
Có thể lão không muốn nói trước, làm cuộc gặp kém hấp dẫn, hoặc muốn dành cho tôi sự bất ngờ chăng?
Trước khi thăm viếng hai nhân vật lớn, chủ đích của chuyến đi, lão bảo thằng cháu lặp lại hành trình hệt như các bận trước. Thoạt tiên là đến ủy ban xã, thăm chủ tịch bí thư. Mặc dù người ta rất bận nhưng các đồng chí ấy đón tiếp niềm nở vồn vã hơn cả mức bình thường. Không hẳn vì lão là cựu công dân của địa phương này, hay cựu giáo chức từng có năm tháng dạy học ở đây.
Cái mà cả đôi bên không hề nói ra nhưng đều ngầm hiểu. Ngay cả những đại gia còn đang sống, đang cư trú ở đây chưa ai hành xử được như lão. Duy nhất có ông Việt kiều ở Mỹ năm ngoái về thăm quê là đóng góp cho quê nhà số tiền gấp đôi số tiền của lão để tu bổ lại đình làng vừa được nhà nước xếp hạng.
Người định cư trong nước thì chưa hề có ai. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, ai cũng hiểu làm được như thế là một cử chỉ hết sức không bình thường và đáng được ghi nhận với lòng biết ơn. Với tôi tôi nể trọng lão hơn vì một lý do khác. Nửa thế kỷ trước lão là con địa chủ đã từng bị tịch biên hết cửa nhà, của nả, bỏ đất này mà đi. Ở đời lấy ơn trả oán không phải ai cũng làm được. Có thể các đồng chí kia thuộc lớp hậu sinh không biết việc này, nhưng tôi biết.
Có đến chục bận lão nhắc đến điều đó khi có ai đó nói chuyện có liên quan về cái thời thống khổ ấy của gia đình lão.
Lần nào cũng vậy, nhắc câu chuyện đó xong, lão kết một câu nôm na theo kiểu quê kiểng rất đặc trưng:” Hòn đất to bao giờ cũng nổi lên trên, bất kể người ta có cày đi, bừa lại thế nào”. Ở trung tâm xã trở ra bất chợt tôi nhớ lại câu nói này của lão. Nó chính xác một cách kinh khủng khiến tôi lặng người một lúc lâu. Thầm phục con người trí lự, hành sự thật cao tay. Nghĩ đến vận hội vần xoay của đời người, của số kiếp. Nghĩ đến một cái gì đó như một trật tự tự nhiên khó thay đổi. Vẫn là chuyện giàu nghèo, bất bình đẳng giai cấp.. Phải chăng qua một hội sáu mươi năm đồng hồ, bánh xe lịch sử lại lăn qua chỗ nó từng qua? Chỉ có điều tên gọi sự vật đã khác và tâm thế con người cũng khác?
Thực ra năm mươi triệu đóng góp xây dựng cho trường mầm non của xã so với tài sản kếch xù của lão chả thấm vào đâu. Chỉ như cái rơi cái vãi. Nhưng ở đời thiếu gì anh giàu có hơn chả bao giờ làm được việc này? Thậm chí có anh đã nứt đố đổ vách còn tham thêm chút của, tiếc rẻ ngoài đời không cần phân vân vun thêm vào cho mình. So với “Đại gia giường bạc tỷ”, “Đại gia gà mạ vàng” Lão xứng đáng được tôn trọng hơn nhiều. Được đi cùng với lão là vinh hạnh bản thân.
Đột nhiên thằng Chuếch cháu lão hỏi:
- Hai ông có muốn lên Tam Đảo một chuyến nhân thể ngày nghỉ cháu đưa đi?
Lão cười hờ hờ, có ý muốn hỏi tôi. Tôi nghĩ ông cháu lão nói thực chứ không phải có ý muốn thử mình về tư cách qua vụ này. Thời bây giờ nhà nghỉ, khách sạn với thành kiến xã hội không còn như các năm trước. Có nhiều người lắm tiền thì cũng phải có chỗ tiêu tiền chẳng có gì khó hiểu. Tôi bảo thôi. Không phải tôi khách sáo hay sợ chịu ơn lão cho việc vui chơi này. Chỉ là tôi không thích, thế thôi. Tự nhiên tự lành đến cái nơi mình đã đến vài ba bận rồi thực chả có gì hứng thú. Cũng lại toàn người với ngưới, với giá cả cực kỳ đắt đỏ. Mất công ngồi xe..
- Chú chả thích thì ta ra đình, rồi tôi ra mộ viếng các cụ..
Ngoài đình đã có lần tôi kể khá chi tiết chả có gì để nói thêm. Nhưng khi đi thăm khu mộ của gia đình lão, tôi đặc biệt chú ý nhưng chịu không phát hiện được chi tiết gì đáng giá. Cũng như các khu mộ khác trong vùng. Khác chăng mỗi dòng họ có khu vực riêng xây tường bao xung quanh. Năm xưa lão về có tu bổ thêm, xây thêm cây hương ở giữa và cái cổng có hai cánh, khóa đóng mở hẳn hoi. Nếu có gì đặc biệt thì là chỗ ổ khóa này. Cả khu nghĩa trang của làng người ta không đóng không khóa. Muốn ra vào chỗ nào cũng được, duy nhất khu mộ nhà lão cẩn thận như thế. Tìm mãi không thấy chìa khóa theo sự chỉ dẫn bằng điện thoại của ông em, lão lẩm nhẩm xin phép các cụ bước qua tường rào xây theo kiểu tượng trưng. Hình như việc này làm lão áy náy. Dọc đường đến nhà đại gia thứ nhất lão có vẻ trầm ngâm, không nói câu nào.
****


( Còn nữa..)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: