Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Ông Abe dự kiến sẽ có bài phát biểu chính tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Khu vực, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-la. Cuộc gặp thượng đỉnh này được tổ chức tại Singapore, với sự tham gia của đại diện quốc phòng đến từ các nước trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản phát biểu tại hội nghị.
Theo Sankei, ông Abe sẽ tuyên bố rằng Nhật Bản và Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia ASEAN.
“Trong bài phát biểu tại Shangri-la, ông Abe sẽ công bố dự định của Tokyo muốn đóng một vai trò tích cực hơn tại châu Á, với liên minh Mỹ-Nhật làm nền tảng”, theo ông Koichi Nakano, giáo sư chinh trị đại học Sophia (Nhật Bản).
Mặc dù sẽ không chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm gây căng thẳng trong khu vực, ông Abe sẽ kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế trong bài phát biểu tại Shangri-la. Ông Abe cũng sẽ kêu gọi mở “những cuộc đối thoại mang tính xây dựng” để hạ nhiệt căng thẳng gần đây giữa Tokyo và một số nước ASEAN với Bắc Kinh, theo chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga.
Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng sẽ trình bày về lý do ông vận động bãi bỏ những hạn chế về việc Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài, vốn được áp đặt từ sau Thế chiến thứ hai.
Theo nhận định, bài phát biểu tại Shangri-la sẽ là một thông điệp đối với các nước trong khu vực, cho thấy Tokyo sẵn sàng vào cuộc với tư cách một đối tác quân sự hùng mạnh, sẵn sàng thay thế vai trò của Bắc Kinh.
Trước đó, ông Abe cũng đã có sự ủng hộ bằng cả hành động và lời nói đối với Việt Nam và Philippines – hai nước đang có tranh chấp với Bắc Kinh. Thậm chí trong bài phỏng vấn hôm 27.5, ông Abe đã chỉ đích danh hành động đơn phương đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Bắc Kinh đã gây căn thẳng trong khu vực.
Theo giới chuyên gia, sự ủng hộ ngày càng tăng của Nhật Bản cộng với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc có thể sẽ khiến các quốc gia trong khu vực ngả về phía Tokyo, bất chấp những nghi ngại còn tồn đọng từ sau Thế chiến thứ hai.
“Các quốc gia ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Abe – Malcolm Cook, chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định – Với vị thế của mình, Nhật Bản có thể chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hơn khối ASEAN”
Bài phát biểu của ông Abe, người chưa hề đến thăm Bắc Kinh kể từ khi nhậm chức, hứa hẹn sẽ làm “dậy sóng” hội nghị Shangri-la, khi Trung Quốc cũng đang gia tăng những nỗ lực đối phó với Tokyo.
“Sẽ ít có khả năng đại diện của hai nước [Trung Quốc và Nhật Bản] bắt tay nhau tại sự kiện này, vì Bắc Kinh thấy việc đó là không phù hợp,” Hoàn cầu Thời báo viết.
Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đã lớn tiếng dọa rằng ông Abe sẽ “nếm mùi ‘nắm đấm thép’ tại Đối thoại Shangri-la”, ám chỉ đến việc Bắc Kinh đã cử một đoàn ngoại giao đông đảo đến Shangri-la, dẫn đầu bởi cựu thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh.
“Trung Quốc đang muốn tăng cường sự hiện diện ngoại giao của mình tại Shangri-la do lo ngại việc Thủ tướng Abe được mời đến dự hội nghị”, chuyên gia Cook nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét