Sự bình yên của Đất Nước đang bị đe dọa bởi thế lực bành trướng phương Bắc và cảm giác giặc dữ đang ở trong sân nhà ta hiển hiện ngày càng rõ rệt, trần trụi hơn. Cuộc chiến tranh Việt -Trung gần nhất là năm 1979 và có lẽ chưa hoàn toàn đúng thế nếu ta cộng thêm trận đổ máu ở Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Và, mùa hè năm 2014, Trung Quốc lại thêm lần nữa gây hấn bằng cách ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến thềm lục địa nước ta với sự bao bọc, hộ tống của nhiều tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám...Cuộc chiến năm 1979 gắn với tên tuổi Đặng Tiểu Bình, vụ giàn khoan Hải Dương 981 chắc chắn phải đi liền với tên tuổi Tập Cận Bình. Lịch sử giữ nước của dân tộc ta rồi phải nhắc đi nhắc lại hai vị Bình này với nội hàm không khác gì nhau là những kẻ chủ mưu gây ra chiến tranh, xung đột với Việt Nam trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21.
Trước khi xua sáu mươi vạn quân hùng hổ tràn sang biên giới nước ta, Đặng Tiểu Bình cao giọng hăm dọa cho Việt Nam một bài học. Tập Cận Bình sau khi cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam lại trâng tráo véo von rằng người Trung Quốc không có gen xâm lược. Không còn nghi ngờ gì nữa, một Đặng Tiểu Bình nói năng bặm bửa và một Tập Cận Bình ứng khẩu mềm mại nhưng cùng chung tâm địa: muốn khuất phục Việt Nam. Họ muốn lắm Việt Nam phải trở thành công cụ, chư hầu của Trung Quốc như mấy trăm năm trước, mấy ngàn năm trước cha ông họ ước ao đè đầu cưỡi cổ dân Việt ta.
Chưa có gì thay đổi cả cái máu muốn thống trị những quốc gia láng giềng bé nhỏ hơn mình. Cũng vẫn cứ vậy thôi thói quen ngang ngược, cậy lớn mạnh để hiếp đáp, chèn ép người nhỏ yếu, bất chấp đạo lý, tín nghĩa. Nếu như xưa kia, họ đem lý lẽ đặt lên cung tên, gươm giáo, lưng ngựa chiến thì nay con cháu, hậu duệ của những hoàng đế Trung Hoa lại lấy luận điệu cài vào súng pháo, máy bay, tàu thủy...
Xét về hệ tư tưởng thì cả Trung Quốc và Việt Nam hiện nay đang đồng hành trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thế ta với họ mới gọi nhau là “anh em - đồng chí”. Phải chăng chữ “anh em - đồng chí” đã bị họ nuốt trôi xuống bụng rồi nên mới xảy ra những cuộc chiến tranh đẫm máu và vụ việc ngang trái như đã nêu trên. Một điển hình lịch sử của sự bội tín, nói ra thật xa xót, nhức nhối nhưng không thể không nói vậy. Kẻ không giữ được chữ “tín” thì sao? Xin nhắc lại lời Khổng Tử: “ Một người không có chữ tín, không biết có thể làm gì được. Cũng giống như xe lớn không có chốt, xe nhỏ cũng không có chốt, thì làm sao có thể đi được?”
Hèn chi, cỗ xe hữu nghị Việt -Trung cứ ì ạch suốt trên con đường chênh vênh, gập ghềnh trong nhiều thập kỷ qua. Mối bang giao hai quốc gia phải trải qua thử thách này đến thử thách khác, ấm nồng chưa được bao lăm lại chực nguội lạnh và nguy cơ tan vỡ không phải không có.
Lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc ta đã chứng tỏ rằng nguy cơ chiến tranh và xung đột đến từ nước láng giềng phương Bắc lớn hơn và nhiều hơn cả. Một nghìn năm Bắc thuộc cộng với những cuộc dấy binh mịt mờ khói bụi của các triều đại hùng cường Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh nối nhau xâm lược nước ta là minh chứng khó chối cãi về điều tôi vừa nói. Cái vị thế ở cạnh nước lớn, lại là quốc gia luôn coi mình là trung tâm của thiên hạ bao giờ cũng éo le, chông chênh; vô cùng éo le, chông chênh. Tựa như một thân cây mọc dưới chân núi vậy. Bóng núi có thể che khuất mặt trời và đất đá đổ xuống lúc nào khó lòng đoán định được. Nói một cách cụ thể, thì dân ta đã phải hứng đủ mọi tai họa đến từ nước Trung Hoa rộng lớn này. Từ thế kỷ mười ba, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết trong Hịch tướng sĩ: “...ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rộ ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân Nam vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau...”. Đến thế kỷ mười lăm, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo có đoạn: “Quân cường Minh đã thừa cơ tứ ngược / Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. / Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. / Chước dối đủ muôn nghìn khóe, / Ác chứa ngót hai mươi năm. / Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, / Nặng khóa liễm vét không sơn trạch / Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, / Nào lưới bẫy hươu đen, nào lưới dò chim trả ...”
Chiến tranh - Hòa bình - Chiến tranh, dường như số phận dân tộc mình buộc phải gắn với cái vòng định mệnh luẩn quẩn rất tệ hại này. Ngẫm lại, số ngày dân tộc Việt Nam được sống trong hòa bình ít hơn rất nhiều so với năm tháng chịu cảnh binh đao loạn lạc. Nằm ở rìa bán đảo Đông Dương, lưng tựa Trường Sơn trùng điệp mắt nhìn ra mênh mang biển cả, dải đất mỏng cong cong hình chữ S chịu quá nhiều tai ương do chiến tranh. Nhắc đến Việt Nam là nhắc tới những cuộc chiến tranh dằng dặc. Mười năm, hai mươi năm, một trăm năm, một nghìn năm...máu Việt đầm đìa trên từng thước đất, mét nước. Có khi, một đời người phải chịu hai ba cuộc chiến tranh, một người vợ hóa mấy hòn vọng phu vẫn chưa đủ chia ly chờ đợi. Trong cuồng phong biên ải ngỡ vẫn còn vọng tiếng gươm khua, trong mưa tuôn còn lâm râm máu chảy, trong gầm gào bão giông vẫn nghe bom nổ. Có nơi nào, nhân dân chịu nhiều thương đau hơn Đất nước của tôi không? Ở đâu, khát vọng yên bình của nhân dân lớn hơn nơi này?
Dân tộc ta không mong chiến tranh để trở thành anh hùng dũng sĩ. Những bà mẹ Việt Nam, những người vợ Việt Nam chỉ muốn được sống yên ổn bên chồng con của mình. Đàn bà Việt, chẳng ai muốn được vào thi ca trong hình ảnh níu giường níu chiếu đợi chồng haymâm cơm ngồi bên nào cũng lệch. Tôi tin những người đàn bà Việt ấy chỉ muốn mình thấp thoáng trong mộc mạc ca dao với cảnh Trên đồng cạn dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Chẳng ai muốn giặc vào nhà để đàn bà cũng đánh.
Ước ao thanh bình trở thành hiện thực thật nhọc nhằn và cũng hiếm hoi lắm khi chiến tranh cứ triền miên đến với đất nước này. Dẹp xong giặc Bắc lại long đong chống trả giặc Tây, chiến trường chưa tan mùi khói súng lại phải đương đầu với giặc Bắc. Thế hệ này phải nối tiếp thế hệ khác đánh giặc. Lớp người này phải kế tục lớp người khác cầm vũ khí diệt thù. Số phận dân tộc mình là vậy sao, chiến đấu – chiến đấu – chiến đấu? Một câu hỏi rất dễ trả lời nhưng không ai muốn trả lời vì nó nghiệt ngã và cay đắng quá. Chiến tranh không bao giờ là trò đùa cả. Biển Đông mặn thêm bởi máu và nước mắt dân tộc Việt Nam. Hy sinh mất mát do chiến tranh tàn khốc không kể xiết.
Trong những ngày biển Đông dậy sóng này, tôi tin rằng rất ít người không nghĩ tới chiến tranh. Súng pháo trên những hạm tàu của “đồng chí” ta ở Hoàng Sa đã mở bạt. Trước đó, “đồng chí” ta đã từng dùng súng 37 li bắn xối xả vào những người lính công binh Việt Nam ở đảo chìm Gạc Ma năm 1988. “Đồng chí” ta đã từng đầu nhọn đuôi dài ào ạt tràn sang biên giới phía Bắc chém giết tàn sát dân lành không ghê tay năm 1979. Ranh giới giữa “anh em đồng chí” với kẻ thù, quân địch còn bao lăm? Sự phẫn nộ của dân tộc này trong mấy ngày qua đủ làm thêm một biển Đông khác. Không phẫn nộ sao được khi kẻ xấu vào nhà mình vừa ăn cướp vừa la làng. Bởi thế, rất nhiều người dân Việt đã xuống đường biểu tình phản đối hành vi ngang trái đẫm chất côn đồ của Trung Quốc. Cuộc xuống đường yêu nước lần này cũng phải được ghi vào lịch sử như một minh chứng về ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Chúng ta yêu hòa bình, chúng ta mong tình hữu nghị giữa hai nước vững bền thắm thiết nhưng phải trên nền tảng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Mưu toan thôn tính sặc mùi nước lớn của nhà cầm quyền Bắc Kinh cuối cùng cũng bị lộ ra buộc chúng ta phải lên tiếng, buộc chúng ta phải hành động vì sự toàn vẹn lãnh thổ, vì độc lập tự do của đất nước, vì sự tồn sinh và phát triển của dân tộc.
Trong những lúc éo le này mới cảm phục, tự hào thêm khí phách bản lĩnh của ông cha ta biết bao nhiêu. Thời ấy, thế giới chưa “phẳng”, tức dân tộc Việt hầu như không có sự ủng hộ rộng rãi của nhân loại như bây giờ. Thế và lực của ta bao giờ cũng yếu hơn quân xâm lược. Nhưng ông cha ta đã sáng suốt vận dụng quy luật Thiên - Địa - Nhân để tạo ra Thời - Lợi - Hòa, lúc nhẫn nhịn hội đàm, khi dốc sức chiến đấu, lui - tiến tùy cơ, ứng biến khôn lường. Cốt lõi của chiến tranh giữ nước vẫn là lòng dân cố kết thành một khối vững chãi, gươm chém không đứt, giáo đâm không thủng, đạn bắn không tan, trong ngoài, trên dưới,tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Cùng nếm mật nằm gai, cùng dốc lòng đánh giặc, người trước ngã người sau xông lên, vì nước vì dân nên cái chết cũng nhẹ nhàng như giấc ngủ sau khi cày xong thửa ruộng. Đừng nghĩ dân Việt này không ham sống. Thành ngữ Việt có câu: Người sống đống vàng; mạng người mới là quý hơn tất thảy. Nhưng, khi Tổ quốc lâm nguy thì dân Việt này cũng dám Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Xưa đã thế và nay cũng thế thôi. Kẻ mưu toan khuất phục đất nước này đừng quên khí phách, bản lĩnh ấy của dân tộc Việt Nam. Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Đường Trường Sơn, Chiến dịch Hồ Chí Minh...là những bài học lịch sử còn nguyên giá trị.
Tôi nghĩ: giá như đừng có những chiến thắng ấy, chắc chắn sẽ tốt hơn cho dân tộc Việt Nam. Nói thế cũng có nghĩa là, giá như đừng có dấu giày viễn chinh của một số nước lớn dẫm xéo lên mảnh đất hình chữ S này. Chiến tranh là cái bất đắc dĩ nhất của một dân tộc đất không rộng, người không đông và còn nghèo khổ như Việt Nam. Khi có sự cố bất hòa với các quốc gia khác, điều dân tộc này nghĩ đến đầu tiên không phải là huyết chiến. Cơ hội hòa bình dù mong manh nhất, bé nhỏ nhất cũng phải được khai thác tận dụng để đừng cho nạn binh đao xảy ra. Khi mọi cơ hội đã bị dập tắt, kẻ thù ngạo mạn giương cung, múa kiếm, nạp đạn, néo cò rồi thì những người dân Giao Chỉ, dân Đại Việt, dân Nam Việt, dân Việt Nam mới xông trận. Lúc ấy, thì núi lửa đã bùng dậy, giông bão đã nổi lên, sóng thần đã cuồn cuộn thiêu cháy, quét sạch, nhấn chìm quân xâm lược, dù nó đến từ đâu, lớn mạnh tới cỡ nào. Mười năm, hai mươi năm, một trăm năm cũng đánh; đánh từ đời ông qua đời cha, đời cha qua đời con, đời con qua đời cháu..., đánh cho kẻ thù biết rằng khuất phục dân tộc này là điều không thể. Chỉ có làm bạn với nhau mới yên lành, thấm thía mọi chuyện. Chỉ có thực lòng hòa hợp, tôn trọng nhau mới thành điều tốt đẹp. Không nước nào, dù lớn mạnh đến mấy có thể thủ tiêu được một dân tộc. Huống hồ với dân tộc Việt Nam cái sự can trường, bất khuất, dũng cảm và khôn khéo trong những cuộc chiến tranh ái quốc đã được xếp hạng trên thế giới.
Nghĩ về số phận dân tộc Việt Nam trong tôi dâng lên biết bao thương cảm. Cả những nhức nhối xót xa tôi cũng không cần phải giấu diếm ai. Nhưng, ở phía khác tôi vô cùng tự hào về khí phách, bản lĩnh của dân tộc tôi. Tôi tin dân tộc Việt Nam đủ vững vàng và sáng suốt vượt qua khúc đoạn lịch sử chất chứa nhiều hiểm họa không mấy tốt lành, sáng sủa này. Không phải ngày một ngày hai, không phải một năm, vài năm mà có lẽ lâu dài, rất lâu dài. Cảm giác chiến tranh đang gần kề không che khuất hi vọng bình yên như ánh sáng đang tỏa trong ta. Lòng yêu nước phải được đo bằng những hành vi tích cực, rất cụ thể. Đó là, cần gắng sức gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh, dù súng pháo đã được tháo bạt, dù tên lửa đã được lập trình...Hòa bình mới là cái quý giá nhất của mỗi đất nước, của nhân loại bây giờ. Và, khi mọi cố gắng không cứu vãn nổi thì không còn con đường nào khác, dân tộc ta phải thêm lần nữa chiến đấu chống quân xâm lược thôi. Lịch sử lại thêm những trang đầm đìa máu; đó là điều ta không muốn nhưng biết làm sao được: cây muốn lặng gió chẳng dừng...
Hà Nội, tháng 5 năm 2014.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét