Quân đội Trung Quốc chỉ là ... rồng giấy!
Ảnh: Tăng Type 98 Trung Quốc
Cuộc chạy đua vũ trang của Trung Quốc cùng một chủ trương đối ngoại hung hăng đã đánh động phương Tây. Một số nhà hoạch định chính sách Mỹ nhận định Bắc Kinh là “đối thủ gần như ngang cơ” duy nhất của Mỹ, nói cách khác là quốc gia duy nhất có tiềm lực quân sự có thể đánh thắng lực lượng Mỹ trong một số hoàn cảnh.
Nhưng họ sai. Ngay cả sau hàng chục năm tái trang bị tốn kém, Trung Quốc chỉ là rồng giấy, một phiên bản mà Mao Trạch Đông từng nhận định sai về Mỹ hồi năm 1956: “Bề ngoài thì rất mạnh, nhưng thực tế chẳng có gì đáng sợ-đó là một con cọp giấy”.
Sau 30 năm tăng trưởng hai chữ số, ngày nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và sở hữu một lực lượng quân sự ngày càng hiện đại trong số các cường quốc. Khoản chi quốc phòng Trung Quốc tăng gấp 10 lần trong 25 năm. Bắc Kinh đang xây dựng hải quân mạnh, phát triển các chiến đấu cơ tàng hình và cẩn thận thử nghiệm các vũ khí mới.
Bề ngoài ngỡ hùng mạnh...
Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc (PLA) có lực lượng quân sự lớn nhất thế giới, với không dưới 2,3 triệu nam-nữ quân nhân, 800.000 người khác là quân dự bị và dân phòng. Bộ binh PLA có 1,25 triệu lính nam-nữ chia thành 18 tập đoàn quân, mỗi tập đoàn quân giống một quân đoàn Mỹ.
Mỗi tập đoàn quân Trung Quốc gồm từ 3-5 sư đoàn bộ binh và cơ giới-Trung Quốc chỉ có 1 sư đoàn tăng. Bộ binh Trung Quốc có nhiệm vụ chủ yếu là phòng vệ. Để triển khai quân ngoài biên giới, Trung Quốc có 3 sư đoàn không vận, 2 sư đoàn đặc công và 3 lữ đoàn đặc công. Khí tài quân sự chủ yếu gồm hơn 7.000 xe tăng và 8.000 cỗ pháo.
Hải quân Trung Quốc có 255.000 thủy quân và 10.000 lính thủy đánh bộ. Hải quân PLA gồm 3 hạm đội Bắc, Đông và Nam, cùng sở hữu 1 chiếc tàu sân bay Liêu Ninh, 23 khu trục hạm, 52 tàu khu trục nhỏ, 49 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel và 5 tàu ngầm tấn công.
Một chiếc khu trục hạm của hải quân PLA |
Trung Quốc có ít nhất 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin, là lực lượng ngăn chặn hạt nhân trên biển của Bắc Kinh.
Không quân PLA có 330.000 quân nhân tại ngũ ở 140 căn cứ không-hải quân. Không-hải quân có 1.321 chiến đấu cơ và máy bay tấn công, gồm hàng trăm chiếc J-7 cùng 134 máy bay ném bom hạng nặng, tàu tiếp nhiên liệu cùng 20 máy bay cảnh báo sớm. Trung Quốc cũng có hơn 700 trực thăng chiến đấu.
Nét độc đáo của PLA là Tập đoàn quân pháo số 2, một nhánh quân sự phụ trách tên lửa quy ước và hạt nhân trên bộ. Đơn vị quân này có từ 90.000 đến 120.000 quân chia thành 6 lữ đoàn tên lửa. Họ có hơn 1.100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn quy ước (tầm bắn từ 1.000 km trở xuống), khoảng 300 tên lửa đạn đạo tầm trung bình quy ước và khoảng 120 tên lửa đạn đạo tầm xa gắn đầu đạn hạt nhân.
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) ước tính ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc là 188 tỷ USD, chiếm 9 % trong tổng số chi quân sự của thế giới, và chưa đầy một nửa so với tổng chi quân sự của châu Á.
Cùng năm 2013, Mỹ chi quân sự 640 tỷ USD, Nga 88 tỷ USD, Ấn Độ 47 tỷ USD và Nhật Bản 48 tỷ USD.
...Hóa ra “đồ chưng bảo tàng”
Tuy nhiên, dù tăng chi quốc phòng, kho vũ khí Trung Quốc đa phần là “đồ cũ”. PLA sở hữu 7.580 xe tăng, nhiều hơn Mỹ. Nhưng chỉ có 450 chiếc tăng Type 98A và Type 99 gần hiện đại với đại bác 125 ly, vỏ thép, thanh chịu kéo hiện đại và hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến.
Trong khi toàn bộ 5.000 xe tăng M-1 của Mỹ đều hiện đại.
7.130 chiếc tăng còn lại đều là hậu duệ của tăng T-55 Liên Xô thiết kế những năm 1950 mà đến cuối thập niên 1980 đã là “đồ cổ”.
Không quân và hải quân PLA có 1.321 chiến đấu cơ và máy bay tấn công, chỉ ít hơn Mỹ, nhưng cũng là “đồ cũ”. Chỉ có 502 chiếc hiện đại gồm 296 chiếc là biến thể của Su-27 (Nga sản xuất) và 206 chiếc J-10 (sản xuất và thiết kế từ nội địa).
819 chiếc còn lại chủ yếu là J-7, J-8, Q-5 thiết kế từ thập niên 1960 và sản xuất trong thập niên 1970. Chúng khó thọ trong một trận không chiến.
Các khu trục hạm PLA tương đối mới, nhưng tàu sân bay mua lại của Ukraine và do Liên Xô sản xuất hồi thập niên 1980. Sau 8 năm nâng cấp, chiếc này được hoạt động thử nghiệm từ năm 2011.
Liêu Ninh chỉ to bằng một nửa so với “siêu tàu sân bay” lớp Nimitz của Mỹ, chở được ít máy bay hơn. Chiếc này thiếu bệ phóng máy bay nên chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc phải dùng một con dốc hướng lên để cất cánh, khiến máy bay bị giới hạn tải trọng và tầm bay. Liêu Ninh cũng thiếu radar và máy bay tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ bay tầm xa.
Tàu ngầm cũng là một vấn nạn cho hải quân PLA. Chỉ một nửa trong 54 chiếc tàu ngầm Trung Quốc là hiện đại, sản xuất trong 20 năm gần đây, thuộc các lớp Shang, Han, Yuan và Song do Trung Quốc thiết kế-sản xuất, kém chất lượng hơn các mẫu của phương Tây.
Số tàu ngầm còn lại thuộc lớp Ming (sản xuất- thiết kế những năm 1980) hoàn toàn lạc hậu. Hải quân PLA cũng ngưng sản xuất tàu ngầm chạy bằng hạt nhân lớp Shang sau khi sản xuất chỉ 3 chiếc, và đặt hàng Nga bán 4 chiếc tàu ngầm lớp Kalina, phát đi tín hiệu rằng họ không tin tưởng “hàng nội địa”.
Nhìn bề ngoài, quân sự Trung Quốc mạnh với tàu chiến, máy bay, xe tăng và máy bay không người lái mới, ngang tầm với vũ khí phương Tây. Nhưng chưa ai có thể biết chất lượng vũ khí Made in China. Và càng không biết chúng hiệu quả ra sao ?
Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, vào những năm 1980, Trung Quốc củng cố quan hệ với các nhà thầu quốc phòng phương Tây, nhưng đến năm 1989, vì sự kiện Thiên An Môn, Mỹ và châu Âu cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh quay qua Nga, nhưng Nga chỉ bán “đồ cũ” thay vì giúp láng giềng phát triển công nghiệp quốc phòng. Trung Quốc nhận ra họ phải tự lo, nhưng không dễ vì chỉ có Mỹ có công nghệ hiện đại, khả năng chuyên môn để phát triển tất cả các phần cứng quân sự của họ. Dĩ nhiên là rất tốn tiền.
Hiện những vũ khí “mới” của Trung Quốc có mẫu mã do nước ngoài thiết kế và nhượng quyền cho các xí nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Còn có những thông tin rằng đó là “hàng nhái” hoặc “chôm mẫu thiết kế”. Ví dụ chiếc trực thăng Changhe Z-8 có nguồn gốc là chiếc Super Frelon của Pháp. Hoặc trực thăng trinh sát Harbin Z-9 là chiếc Eurocopter Dauphin. Tăng Type 99 là phiên bản mới của tăng T-72 của Liên Xô.
Nói chung, không phải toàn bộ “đồ chơi mới” của PLA đều “ngon” và “hàng nội địa” chưa chắc là “tốt”. Không ai có thể biết rõ chất lượng của chúng.
Ví dụ chiếc chiến đấu cơ tàng hình J-20 đã bay thử nhiều lần sau lần đầu tiên ra mắt hồi cuối năm 2010. Chiếc này được cho là có khả năng bay xa, tải trọng lớn nhưng khả năng tàng hình, kỹ thuật điện tử, vũ khí, bộ cảm ứng và nhất là đọng cơ thì khó mà biết được.
Xem ra các nhà thiết kế J-20 đang chờ động cơ nội địa mới để thay động cơ AL-31 N do Nga sản xuất. Trung Quốc đã thử nghiệm động cơ này từ đầu thập niên 1990 nhưng chưa thể đạt kết quả.
Một điều quan trọng là chiếc F-35 Joint Strike Fighter-mới nhất của Mỹ-đã bay lần đầu tiên năm 2006 và chỉ sẵn sàng chiến đấu từ năm 2016. Mỹ có kinh nghiệm phát triển chiến đấu cơ tàng hình, nhưng Trung Quốc không có.
Nếu cho Trung Quốc 10 năm tính từ bay lần đầu đến sẵn sàng chiến đấu, thì chiếc J-20 chỉ có thể ra trận từ năm 2021 là sớm nhất.
Hàng xóm cảnh giác
Hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến nhiều nước láng giềng xích lại gần nhau hoặc tìm đồng minh, như Nhật đang xây dựng quan hệ với phương Tây và với các hàng xóm bị Trung Quốc chèn ép.
Nhật đang thương lượng với Mỹ, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Canada, Anh và Việt Nam. Các vấn đề trao đổi là hợp tác hậu cần, cùng phát triển khí tài quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung và giúp đỡ liên quan an ninh.
Việt Nam đã xây dựng quân đội hùng mạnh, có chiến đấu cơ Su-27 và Su 30 mua và 4 khu trục hạm Gepard, 6 tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng điện-diesel của Nga và tiên tiến hơn tàu ngầm lớp Kilo của hải quân Trung Quốc.
Việt Nam cũng tăng cường quan hệ đối ngoại: Ấn Độ giúp đào tạo thủy thủ tầu ngầm Việt Nam, và Việt Nam cũng dự tính cho phép hạm đội nước ngoài sử dụng quân cảng Cam Ranh.
Trần Trí (theo War is boring)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét