Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Tại sao các nước láng giềng rất sợ Trung Quốc?

Bài này của nhà báo TQ viết theo quan điểm TQ. Mình thích đoạn này: "Quan hệ quốc tế cũng giống quan hệ giữa người này với người nọ. Nếu có điều gì ta không hiểu, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để mà suy nghiệm. Rồi ta sẽ hiểu ra".
Tại sao các nước láng giềng rất sợ Trung Quốc?
Người Trung Quốc cần suy nghĩ vì sao lời nói và việc làm của mình đang gây nhiều sợ hãi cho nước khác ? Những cuộc bạo loạn chống Trung Quốc tại Việt Nam ít ra đã làm một người Trung Quốc thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Người Hoa địa phương không dám nói tiếng Hoa tại Việt Nam.
Những nước có chung chế độ chính trị và ý thức hệ với nhau không nhất thiết sẽ là bạn của Trung Quốc. Nga ở phía Bắc và Việt Nam ở phía Nam một thời từng “vừa là đồng chí, vừa là anh em,” nhưng qua lịch sử lâu dài, họ cũng là những nước thiếu thân thiện với Trung Quốc, đây là điều chúng ta phải nhớ…

Trên thực tế, Trung Quốc gần như không thể trở thành một bá quyền trên vũ đài quốc tế. Những giá trị và triết lý Trung Quốc không đủ sức thuyết phục đối với nước khác hoặc được họ khâm phục, và Trung Quốc có rất ít đồng minh đáng tin cậy. Xin hãy quên giấc mộng bá quyền đi – mặc dù bề ngoài nom có vẻ hùng mạnh, nhưng bên trong Trung Quốc có nhiều mặt yếu kém, có thể ví như một tên khổng lồ đứng trên hai chân bằng đất sét. Nhưng cái ấn tượng mà chúng ta đã tạo ra với cộng đồng quốc tế là, Trung Quốc là một “bạo chúa”, khiến nhiều nước láng giềng đâm ra vừa sợ vừa ghét Trung Quốc. Trong mấy năm nay, đi qua nhiều nơi trong nước cũng như ngoài nước, tôi cảm nhận điều này một cách sâu sắc.

Hoa Kỳ hô hào “tái quân bình lực lượng tại châu Á”, nhưng họ khá chậm trễ về việc này. Vì sao? Vì họ không cần phải vội vàng – Mỹ nhẩn nha chờ cơ hội! Mỹ chờ Trung Quốc tự làm hư sự. Khi quan hệ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trở nên tồi tệ từ nơi này sang nơi khác, khi các nước châu Á đâm ra “sợ” Trung Quốc, thì cho dù Mỹ không muốn “tái quân bình lực lượng hướng về châu Á” các nước khác cũng sẽ yêu cầu Mỹ trở lại khu vực ấy. Chúng ta phải suy nghĩ về điều này: Chỉ trong vài năm thôi, nhiều nước châu Á đã bắt đầu tin rằng Trung Quốc “có ý đồ bá quyền” và đáng sợ hơn Hoa Kỳ. Liệu chúng ta có thể thực sự tránh mọi trách nhiệm về sự kiện này không?

Oan uổng là, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa làm điều gì sai! Và lãnh đạo chúng ta liên tục “lên tiếng biện minh” cho hành động của Trung Quốc. Nhưng có một lãnh vực chúng ta đang phạm lỗi lầm nghiêm trọng. 

Hãy nhìn vào công luận tại Trung Quốc: từ cư dân mạng đến Bộ Ngoại giao, mọi người cứ mải miết bàn chuyện bảo vệ Quần đảo Điếu Ngư, dạy cho Philippines một bài học, đặt Việt Nam nhược tiểu vào đúng thân phận của nó, hay liên minh với Nga để chọi lại với Mỹ. Khi bàn về chính sách ngoại giao và quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng, mọi người đều tăng cường độ. Nhưng sau nhiều năm đánh giặc miệng, chúng ta đã chứng tỏ được điều gì? Ngoài việc đập nát một vài chiếc xe Nhật (sản xuất tại Trung Quốc và do người Trung Quốc lái trên đất Trung Quốc), chúng ta không những không thu hồi một tấc đất, mà chúng ta chỉ làm cho Hoa Kỳ và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn. Nhật Bản đang tăng cường binh bị, một số con dân khốn khó Trung Quốc bị Philippines bắt giữ và có nguy cơ chịu án tù, và bây giờ, những nhóm bạo loạn ở Việt Nam công khai giết hại người Trung Quốc! Vì sao nên nỗi?

Lần trước tôi đến một đài truyền hình để thu hình một chương trình thời sự quốc tế, tôi hỏi một anh bạn cớ làm sao mà người ta cứ lôi ông này ông nọ lên để bàn về chính sách đối ngoại Trung Quốc. Tôi nói, không những các ông ấy không nắm bắt được tình hình, mà họ còn chất chứa thù hận và bạo động ở trong lòng, hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của đường lối ngoại giao và chính sách đối ngoại Trung Quốc. Nếu tôi là một người nước ngoài xem chương trình họ, tôi sẽ nghĩ rằng Trung Quốc là một nước phát-xít, không chỉ đơn thuần là một bá quyền. Anh bạn của tôi ở đài truyền hình cho biết chương trình của họ đang được điểm cao. Khán giả yêu chuộng nó! Hơn nữa, anh ta nói, tôi nhận xét rằng nếu người ta khuynh tả thay vì khuynh hữu trong các vấn đề đối ngoại, thì dù cho người ta có sai lầm, chính quyền sẽ không lấy đó làm điều. Còn như, nếu chúng tôi mời bạn lên show này, bạn Yang ạ, những điều bạn nói sẽ bị cho là “nhạy cảm” – dù ngày mai Bộ Ngoại giao có tuyên bố một chính sách y hệt.

Vì thế chúng ta thử tưởng tượng một chút: Việc gì sẽ xảy ra nếu Mỹ (một cường quốc hùng mạnh hơn Trung Quốc) có một chương trình TV do chính phủ bảo trợ, trên đó các diễn giả thường xuyên bàn chuyện “gửi quân” và “dạy Trung Quốc một bài học?”. Vị giáo sư từng dạy tôi môn bang giao quốc tế có lần nói rằng quan hệ quốc tế cũng giống quan hệ giữa người này với người nọ. Nếu có điều gì ta không hiểu, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để mà suy nghiệm. Rồi ta sẽ hiểu ra.

Một số chúng ta đơn giản là thiếu hiểu biết. Theo quan niệm của họ, một khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh là ta có thể dùng vũ lực để giành lại lãnh thổ bị tranh chấp và rửa sạch “mối nhục” của mình. Nhưng trên thực tế, những tranh chấp lãnh thổ không mới chỉ bắt đầu từ hôm qua, mặc dù chúng đã thật sự lóe lên trong vài năm gần đây. Có nhiều lý do lịch sử phức tạp đối với những tranh chấp này. Tất nhiên, trong quan niệm của chúng ta, vấn đề nằm ở chỗ, Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc mạnh lên, vì thế họ xúi giục các láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc gây rối để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng đối với nhân dân tại nhiều quốc gia khác, thì hoàn toàn ngược lại: Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh và đang chuẩn bị dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng – Trung Quốc sẽ bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn mình.

Hẳn nhiên, điều này là không đúng sự thật. Nhưng có một điều chúng ta không thể chối cãi: nhiều cơ quan truyền thông do chính phủ kiểm soát đã rõ ràng để lộ lối suy nghĩ đó. Lý luận sau đây có vẻ phù hợp với chúng ta: nếu chúng ta không thể giành lại lãnh thổ của Trung Quốc, tại sao chúng ta duy trì một quân đội? Tại sao Trung Quốc phải mạnh? Nhưng lối tư duy này đương nhiên làm cho nhân dân tại các nước khác lo lắng, và vì thế họ sẽ sẵn sàng liên minh với nhau và thậm chí thúc đẩy Mỹ “tái quân bình lực lượng hướng về châu Á.”

Chúng ta để lộ một “não trạng Chiến tranh Lạnh”: Khi một nước nhỏ nào dám chống cự hay gây khó khăn cho chúng ta, thì chúng ta cứ nghĩ rằng nước đó phải được Hoa Kỳ bí mật hỗ trợ. Cơ hồ chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất trên trái đất thực sự có tinh thần độc lập và không ngại đứng lên thách thức các nước thậm chí mạnh hơn mình. Không hẳn là thế, nhưng chúng ta cứ đinh ninh rằng các nước khác cần phải tìm ra một cường quốc đỡ đầu trước khi có thể đánh đấm với chúng ta. Chúng ta phải trở thành một “bạo chúa” với tầm cỡ nào mới buộc được các quốc gia nhỏ bé phải bám vào Hoa Kỳ để cầu xin hậu thuẫn trước khi họ dám tranh luận với chúng ta? Trên thực tế, trong quan hệ quốc tế hiện đại, thật khó sử dụng tàu to súng lớn như một nguồn hỗ trợ duy nhất. “Có chính nghĩa mới được hậu thuẫn rộng lớn, còn phi chính nghĩa sẽ chẳng có ai đứng đằng sau” – đây là khẩu hiệu chúng ta từng đưa ra và chúng ta cần phải nhớ. Trung Quốc chưa bao giờ sợ hãi khi bị các nước lớn bắt nạt và trên thực tế đã bị các nước khác bắt nạt trong quá khứ. Nhưng các láng giềng nhỏ bé của chúng ta cũng giống hệt như vậy.

Xin trở lại vấn đề: Bạo loạn ở Việt Nam là rất hãi hùng, và điều này khiến chúng ta không thể không nghĩ đến lịch sử đau buồn của tinh thần chống Trung Quốc tại Việt Nam. Chúng ta không thể để bọn côn đồ thoát lưới pháp luật, và Việt Nam phải đền bù mọi thiệt hại kinh tế. Việt Nam còn phải chịu trách nhiệm về thiệt hại nhân mạng. Việt Nam phải trừng trị những kẻ gây bạo loạn và hứa với Trung Quốc những vụ việc tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, trong tư thế một cường quốc đang trỗi dậy, chúng ta cũng phải dành ra một ít thì giờ để suy nghĩ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói, “Trong máu người Trung Quốc, không có gene xâm lược.” Trung Quốc không tìm kiếm địa vị bá quyền; điều này đã được nhấn mạnh nhiều lần. Nhưng trên thực tế, các cơ quan truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội của chúng ta hình như có “gene” nguyền rủa người khác, nếu không phải là có “gene” bá quyền. Các báo đài phải thể hiện đúng tinh thần bài diễn từ của Tập Chủ tịch, thay vì đổ dầu vào lửa trên các vấn đề quốc tế chỉ vì muốn được điểm cao và có thêm nhiều khán giả bật TV lên xem. Hơn nữa, khi tập trung vào những mối quan hệ với các đại cường (như châu Âu, Nga, và Hoa Kỳ), chúng ta không nên quên điều quan trọng nhất sau đây: phải cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Như Tập Chủ tịch đã nói, “Bán bà con xa, mua láng giềng gần.” Trung Quốc phải thực hiện nhiều nỗ lực to lớn hơn nữa với các nước láng giềng, gác qua một bên các thành kiến và hành trang lịch sử, để dần dà thích nghi với vai trò của một nước lớn.

Yang Hengjun, The Diplomat
Trần Ngọc Cư dịch

Bài viết này xuất hiện đầu tiên bằng tiếng Trung trên blog của Yang Hengjun. (Xin bấm lên đây.)
Yang Hengjun là một nhà nghiên cứu Trung Quốc độc lập, một tiểu thuyết gia, và là blogger. Ông từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc và từng là một nhà nghiên cứu thâm niên tại Atlantic Council ở Thủ đô Washington. Yang nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Công nghệ, tại Sydney, Australia. Trang blog tiếng Trung của ông trình bày các vấn đề Trung Quốc quan trọng hiện nay và các cổng điện tử về quan hệ quốc tế. Các bài viết của ông nhận hàng triệu lượt truy cập. Địa chỉ blog của Yang:www.yanghengjun.com.
The Diplomat
Ít ra thì Yang Hengjun cũng thấy một điều mà mọi người – trừ hệ thống truyền thông chính thống của Trung Quốc – đều thấy: Trung Quốc qua lời lẽ của mình, khiến thế giới nhìn đất nước ông Mao như một con khủng long bạo chúa mới trỗi dậy, sẵn sàng ngoạm vào hàng xóm láng giềng. Hình ảnh tồi tệ ấy của Trung Quốc là do Trung Quốc tự gây ra. Tuy nhiên, đâu có phải tất cả chỉ vì lời lẽ. Khi Tập Chủ tịch nói: “Trong máu người Trung Quốc, không có gene xâm lược.” thì ngài đã vội quên lịch sử. Việt Nam đã có kinh nghiệm hàng ngàn năm để chỉ thêm cảnh giác khi nghe câu nói đó của Tập Chủ tịch. Giàn khoan Hải Du 981 đang lừng lững ở vùng biển nước ta, cho thấy thực chất câu nói của người đứng đầu Trung Quốc là như thế nào. Cho nên, không phải như tác giả khẳng định: “Trung Quốc không tìm kiếm địa vị bá quyền”, mà đúng ra là: “Trung Quốc hãy quên giấc mộng bá quyền đi”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: