Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Năm bài học về một lần mất nước


FB Hoàng Tám Bùi
Nếu chọn một tác phẩm hay nhất trong Văn học cổ đại Việt Nam, mình sẽ không ngần ngại chọn ngay truyện Nỏ thần hay còn gọi là Trọng Thủy – Mỵ Châu. Đây là câu chuyện tình bi thảm của đôi trẻ bị lợi dụng bởi mưu đồ chính trị của các bậc vua cha.

Tiếc thay, nếu Việt Nam có một William Shakespeare thì Trọng Thủy – Mị Châu sẽ là một Romeo và Juliet.

Đây là đôi giai nhân tài sắc tuyệt vời.

Nếu nàng Mị Châu ngây thơ, trong trắng, hồn hậu, cả tin và yêu hết mình thì Trọng Thủy là chàng trai đầy đủ trung, hiểu, tín, nghĩa.

Là người con, anh ta đã vâng lời cha xin làm rể An Dương Vương. Đó là đạo hiếu.

Là công dân, anh ta vâng lời vua mà ăn cắp nỏ thần của nhà vợ âu cũng là hành động của kẻ tôi trung.

Là người chồng, hứa rằng sau này đi tìm vợ và khi cuộc chiến kết thúc, thay vì chia chác bổng lộc, anh ta lặng lẽ đi tìm vợ yêu, đó là kẻ giữ gìn chữ tín.

Khi không thấy Mị Châu, bỏ lại tất cả danh lợi với mỹ nữ, cung tần, Trọng Thủy gieo mình xuống giếng Loa thành là việc làm nghĩa khí.

Người có đủ trung – hiếu – tín – nghĩa thế không thể không nể trọng.

Bàn chuyện này thì dài, xin bàn chuyện chính. Đó là sai lầm của Đức vua An Dương Vương và bài học giữ nước.

Trước hết, An Dương Vương làm vua mà không hiểu tâm địa của kẻ làm vua. Cái quan niệm dùng tình cảm, hòa hiếu để giữ nước là tư duy sai lầm trầm trọng, mở đầu cho các sai lầm của An Dương Vương.Lịch sử Trung Quốc đã ghi lại chuyện anh giết em, con giết cha để tranh giành ngai vàng không phải là ít, huống hồ là tình thông gia, gá nghĩa! Dùng cuộc hôn nhân của con gái làm “lá bùa” giữ nước cũng là tư duy bạc nhược.

Sai lầm thứ hai, đó là cả tin khi cho con của kẻ thù đến ở rể thì khác gì “nuôi ong tay áo”, “nuôi cáo trong chuồng gà”? Là người đứng đầu một vương quốc, lơ là cảnh giác đã là không được huống hồ lại cả tin đến mức ngây thơ.

Sai lầm thứ ba là ỷ vào vũ khí hiện đại. Có vẻ như Đức vua An Dương Vương không hiểu rằng giữ nước là nhờ lòng dân. Khi đã không có lòng dân thì một cái nỏ thần chứ triệu cái nỏ thần liệu có giữ nổi giang sơn, đất nước?

Sai lầm thứ tư, đó là bồng bột nên mới chỉ nghe thần Kim Quy nói câu “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy” vội tuốt gươm chém chết con mình mà không suy xét.

Sai lầm thứ năm, một sai lầm “chết người”, trong khi đất nước bị xâm lăng, muôn dân sống lầm than dưới gót giày quân xâm lược, đáng lẽ phải nuôi chí phục thù thì buồn thay, Đức vua An Dương Vương lại trốn chạy mà theo ngôn ngữ thời nay là “di tản,vượt biển”: Rùa vàng ơi! Cứu ta với!

Rất mừng là điều đau xót này, các đức vua hậu thế của ông không ai mắc phải. Ba lần quân Nguyên Mông đến xâm lược nước ta là ba lần kinh thành bỏ trống chờ quân giặc đến…

Nói chuyện cũ không phải để chê trách hay “hạ bệ” ai bởi câu chuyện chỉ là truyền thuyết. Mình chỉ muốn nêu lên như những bài học sai lầm trong công cuộc bảo vệ giang sơn để chúng ta tham khảo.

Hình như 5 bài học này cho đến bây giờ vẫn chưa thấy cũ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: