Thứ Hai, ngày 26 tháng 5 năm 2014
Ngày … tháng … năm …
Gửi Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - Tập Cận Bình!
Lệ đầu thư tôi gửi lời chúc mừng ông trên cương vị mới, người đứng đầu Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chúc ông sáng suốt lèo lái con tàu đất nước đi đúng hướng, phát triển bền vững, xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phần, tầng lớp xã hội ở đất nước Trung Quốc.
Với góc nhìn của tôi thì việc ông gánh lấy trọng trách người đứng đầu đất nước Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội,… đang phân hóa sâu sắc ở trong nước cũng như trên thế giới sẽ là một áp lực không nhỏ cho việc điều hành, quản lý đất nước.
Tôi được biết ông là người ủng hộ nền kinh tế thị trường nhưng lại khá thận trọng đối với việc cải cách chính trị,… Đối với vấn đề biển Đông dường như ông vẫn theo đuổi quan niệm của những người tiền nhiệm.
Nay tôi mạo muội viết một lá thư gửi ông mong rằng ông sẽ lưu tâm đến những vấn đề tôi đã trình bày. Tôi viết thư gửi đến ông với tư cách là một người bạn của người Trung Hoa.
Có lẽ ông cũng đã nhận thức được trọng trách nặng nề khi phải điều hành một đất nước với 1,3 tỷ người trong cơn bão suy thoái kinh tế thế giới. Áp lực dân số tăng nhanh, áp lực duy trì tăng tốc nền kinh tế, áp lực các phong trào đấu tranh đòi ly khai, tự trị,… áp lực lòng người bấn loạn do lối sống thực dụng len lõi vào mọi thành phần xã hội, nạn hối lộ, tham nhũng lan tràn đã làm xấu đi hình ảnh Đảng Cộng Sản Trung Quốc,…
Tôi sẽ vì người Trung Quốc, vì ông mà nhắc lại một bài học quý giá, có giá trị xuyên suốt, đúng mực từ nguồn tri thức cổ của người Trung Hoa xưa. Hiển nhiên là tôi sẽ làm mới cách dịch giải cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại. Dù vậy tôi sẽ khách quan giữ lại ý gốc, không làm sai lạc ý chính của tri thức người xưa.
Đại Học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.
Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.
Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ.
Đạo của người ham học hỏi sự hiểu biết khách quan, sáng rõ nói chung, của người làm chính trị nói riêng là làm cho gốc đức ở con người sáng rõ, khách quan, đúng mực. Muốn làm sáng rõ đức ở con người, của người làm chính trị thì phải đổi mới gốc hay nói cách khác đó là làm mới tư duy, nhận thức con người bằng việc nâng cao sự hiểu biết của con người, khi sự hiểu biết con người đạt đến sự khách quan, đúng mực, rõ ràng thì con người tự nâng tầm hợp tác, việc gắn kết của người dân với thành phần lãnh đạo đất nước sẽ chặt chẽ biểu hiện ở việc chung tay quản lý xã hội - kinh tế - chính trị. Muốn sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa người dân với chính quyền thì phải hướng con người ở mọi thành phần, tầng lớp xã hội đến với nhau bằng sự chân chất, thành thật, bằng vào sự hiểu biết đúng mực và sự đồng điệu cảm thông.
Khi con người ở mọi tầng lớp, thành phần xã hội có sự hiểu biết đúng mực và sự đồng điệu thì xã hội tự ổn định, cân đối hài hòa. Khi lòng người ổn định thì xã hội sẽ không còn rối ren, bất ổn, khi tình hình kinh tế - xã hội - chính trị không còn rối ren, biến động thì lòng người tự an ổn, khi mọi việc an ổn thì lòng người sẽ rộng mở, sự hiểu biết sẽ ngày càng tăng trưởng khách quan, khi sự hiểu biết tăng trưởng thì con người sẽ sống được với sự hiểu biết tổng thể, khách quan, đúng mực, lúc bấy giờ con người mới có thể sống bình đẳng, chan hòa bằng tình người yêu thương chân thành.
Vật có gốc ngọn, việc có đầu cuối, khi con người có sự hiểu biết rõ ràng tuần tự, thứ lớp trước sau ở mọi sự vật, mọi vấn đề,… thì con người sẽ có sự hiểu biết và cách hành xử đúng mực, khách quan, khi đó con người sẽ gần với đạo, nuôi dưỡng đức.
Người xưa muốn làm sáng rõ đức ở con người thuộc mọi tầng lớp xã hội thì trước phải trị quốc yên ổn, thái bình. Muốn trị quốc tốt thì trước phải tề gia, giữ gia đình êm ấm, hạnh phúc, trên dưới thuận hòa. Muốn tề gia đúng mực thì trước phải tu thân, sửa mình. Muốn tu thân, sửa mình thì trước phải chính tâm, giữ cho tâm luôn đúng đắn, ngay thẳng. Muốn giữ tâm ngay thẳng thì trước phải thành ý - gọt dũa, trui rèn cho ý trở nên thành thật. Muốn ý chân thành thì trước phải trí tri - biết tới nơi tới chốn, biết rõ mọi việc. Muốn biết rõ mọi việc mà không phạm sai xót, lỗi lầm thì người tu thân phải coi trọng việc cách vật - phân tích, suy xét sự vật. Khi phân tích, đánh giá, xét đoán sự vật khách quan, đúng mực thì chí tri. Chí tri thì ý thành. Ý thành thì tâm chính. Tâm chính thì thân tu. Thân tu thì gia tề. Gia tề thì quốc trị. Quốc trị thì thiên hạ bình. Muốn bình thiên hạ thì từ thành phần lãnh đạo cho đến người dân chúng, tất cả đều lấy tu thân làm gốc. Gốc loạn mà trị ngọn thì không thể được. Cái dày dặn mà xem mỏng manh, xem nhẹ, cái mỏng manh mà xem dầy dặn thì thật không ổn, thật kém hiểu biết. Đó gọi là biết gốc, là biết tới nơi tới chốn, là hiểu biết sáng rõ. Nếu không rõ biết gốc thì chẳng thể trị ngọn, gốc loạn mà đi trị ngọn thì sao có thể nói là làm việc đúng mực, giải pháp toàn vẹn. Gốc loạn biểu hiện nơi lòng người đang rơi vào thực trạng đức rã, đạo suy,… Gốc loạn mà trị ngọn thì cầm chắc thiên hạ đại loạn, quốc gia suy vong, gia đình đổ vỡ, lòng người ly tán, oán thán.
Thưa ông Bình! Ông nghĩ sao? Tri thức có nơi đạo Khổng hiện còn có giá trị đến ngày nay không?
Phải chăng đất nước Trung Hoa đang rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa thực dụng, lòng người đang rời đạo, bỏ đức, khủng hoảng tình yêu thương chân thành, không vụ lợi trong lòng người ở mọi thành phần, tầng lớp xã hội đang tiến đến cực điểm?
Ông sẽ giải quyết việc khủng hoảng nội tâm trong lòng người Trung Quốc bằng vào giải pháp nào?
Phải chăng lại tiếp tục tham vọng độc chiếm biển Đông với các quốc gia lân cận?
Việc làm chôn vùi khí tiết dân tộc Trung Hoa, việc làm gây công phẫn trong nhân loại về cách hành xử ngang ngược, ngông cuồng, tráo trở của giới lãnh đạo Trung Quốc, việc làm trái đức, vô đạo, bất nhân, bất nghĩa,…
Liệu xác suất độc chiếm được biển Đông của giới lãnh đạo Trung Quốc là bao nhiêu phần % khi lòng người ở mọi thành phần, tầng lớp xã hội đều sống vị kỷ, tự tư, tự lợi,…?
Vì lòng người dân mất niềm tin về khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nên đã liên tiếp nổ ra các cuộc đấu tranh đòi ly khai, tự trị của người dân ở các vùng Tân Cương, Ninh Hạ, Tây Tạng, Nội Mông,… Lẽ nào giới lãnh đạo Trung Quốc lại tiếp tục chính sách độc tài, cực đoan, bảo thủ,… thảm sát những người đấu tranh vì người dân đòi quyền lợi chính đáng, đòi quyền sống bình đẳng, đòi phân chia giá trị thặng dư của người lao động chân chính một cách hài hòa, đúng mực hơn,…
Tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc không xét lại việc “Vì sao người dân bị lôi cuốn vào các cuộc đấu tranh đòi ly khai, tự trị bất kể mạng sống?”?
Phải chăng là việc tham nhũng vượt mức ở một lượng không nhỏ trong hàng ngũ Đảng cộng sản Trung Quốc, trong thành phần lãnh đạo đất nước đã đánh mất lòng tin của người dân đối với việc Đảng cộng sản Trung Quốc?
Nhân dịp đó các tổ chức, lực lượng đối lập mới có thể lôi kéo tạo ra ngày càng nhiều cuộc đấu tranh lớn nhỏ.
Ông Bình! Ông nên nhìn lại xem xem “Có phải phần lớn cán bộ công chức mà nhất là thành phần bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, các vị trưởng phòng,… từ cấp tỉnh thành, huyện xã đều nhà cao, cửa rộng, tài sản trong nước, ngoài nước khó mà tính đếm?”. Con cháu học hành ở những trường danh tiếng, du học nước ngoài,…
Lẽ nào thành phần cán bộ công quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc đều là những người tài giỏi cả về chính trị lẫn kinh tế. Nhưng nếu mà nhận định như thế thì làm sao trả lời câu hỏi “Tại sao người lao động, người dân Trung Hoa lại phần đông sống trong đói nghèo, đời sống quẩn bách, khốn cùng, oán trời, trách đất?”.
Thành phần kinh tế, diễn viên, ca sĩ, vận động viên,… thì giàu sụ với lượng tài sản khổng lồ là những nhà triệu phú, tỷ phú thế giới còn người lao động thì bữa đói, bữa no, chiếu chăn không ấm,… thế hệ trẻ thất học tràn lan, tham gia băng nhóm xã hội đen,…
Thêm nữa, dù là Đảng cộng sản Trung Quốc chịu ảnh hưởng chủ nghĩa duy vật đã từng ra sức triệt tiêu các loại hình tôn giáo mà hiện nay lại có thêm càng nhiều tổ chức tôn giáo mới lạ ra đời. Khi cuộc sống khốn khó, nội tâm bất an con người thường tìm về ngôi nhà tâm linh, nương náu tâm hồn. Người Trung Quốc ngày càng siêng năng cầu nguyện, cúng bái, lễ lạy, mong mỏi tâm linh trong tuyệt vọng. Có không ít tổ chức tôn giáo “mượn đạo, tạo đời” hoặc tổ chức, xây dựng lực lượng đối lập. Khiến xã hội Trung Quốc đã rối càng thêm loạn, phải chăng đây cũng là một bài toán khó mà ông phải giải?
Có lẽ ông cần phải thừa nhận sai lầm của đảng cộng sản Trung Quốc ở thời kỳ đầu khi ra sức đàn áp, xóa bỏ các loại hình tôn giáo. Từ đó, giúp người dân tìm hiểu, nhận biết ngôi nhà tâm linh một cách có khoa học, sáng rõ, tránh rơi vào mê tín dị đoan. Chỉ khi đó thì lòng người dân mới dần thoát ra bấn loạn, yếu đuối, bạc nhược, làm chủ nội tâm của chính mình. Việc làm đó sẽ góp phần giúp xã hội thoát ra khủng hoảng nội tâm, thoát ra vòng xoáy của chủ nghĩa thực dụng, ích kỷ, đánh mất tình người,…
Các khoản vay tới hạn, bất động sản, hệ thống tài chính ngân hàng không có dấu hiệu khôi phục, nền kinh tế đang trượt dốc do khủng hoảng nợ công Châu Âu, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng và khủng hoảng lòng người của người Trung Hoa,… Lại một bài toán khó giải cho ông.
Giải pháp độc chiếm biển Đông không thể là giải pháp tối ưu. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn theo đuổi kế hoạch không tưởng đó thì chỉ e rằng Đảng cộng sản Trung Quốc khó thể tiếp tục lãnh đạo đất nước Trung Hoa.
…
Nay tôi đã vì ông cùng người Trung Quốc chỉ ra không ít sai lầm. Nhận diện sai lầm đã là khó khăn, tìm ra giải pháp toàn vẹn khắc phục sai lầm lại càng không dễ dàng. Tôi mong rằng lá thư này sớm đến tay ông và ông có sự chú tâm đến những điều tôi đã trình bày.
Với sự chân thành góp ý của một người bạn, tôi nghĩ ông nên chuyển giao lại quần đảo Hoàng Sa, những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa cùng những vùng lãnh hải, lãnh thổ đã chiếm đóng về cho đúng chủ. Là một người đứng đầu hàng ngũ lãnh đạo đất nước Trung Quốc ông càng phải nên thể hiện là một người có sự hiểu biết khách quan, sáng rõ, đúng mực, không thể vì bất cứ lý do gì mà làm một việc làm tổn đức, hại đạo. Vì lẽ người lãnh đạo đất nước với 1,3 tỷ người không thể là một người kém đức.
Ông Bình! Ông hãy tự tôn trọng mình và coi trọng khí tiết dân tộc Trung Quốc. Nếu ông cần tôi góp ít lời cho sự ổn định, bền vững đất nước Trung Quốc thì tôi sẽ chân thành gửi đến ông những lời đóng góp đúng mực, khách quan.
Cuối thư tôi chúc ông khỏe mạnh, sáng suốt trong những quyết định quan trọng khi quản lý, lãnh đạo đất nước. Chúc ông đảm bảo giữ được sự lãnh đạo đất nước bằng đảng cộng sản Trung Quốc.
Tái bút:
Hy vọng ông có thể là một người bạn đáng tin cậy của tôi và người dân Trung Hoa. Mong rằng sẽ có người nhận ra chút ít giá trị của lá thư này mà chuyển ngữ cũng như chuyển đến những nơi cần đến. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Một lần nữa tôi trân trọng gửi lời nhắc nhở đến những nhà chính trị, những nhà quản lý xã hội nói chung, ông Tập Cận Bình nói riêng: Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ dựa vào học thuyết chủ nghĩa duy vật và khoa học mà có thể làm tốt việc quản lý, lãnh đạo đất nước, an định lòng người vì đó thật sự là điều không tưởng. Nếu vẫn bảo thủ với quan điểm cứng nhắc, sự hiểu biết phiến diện, kém cõi của một số ít người thì tôi e rằng chiếc ghế lãnh đạo, quản lý đất nước đã đến hồi đổi chủ. Tôi khách quan xác nhận lại điều này vì lẽ thế giới tâm linh, cõi giới vô hình là thật có và quả thật giữa thế giới vật chất và thế giới vô hình có những mối gắn kết, những tương tác không thể tách rời. Nghiêng về bất kỳ bên nào cũng đều sẽ khiến xã hội rối ren, lòng người bấn loạn. Trong khi hiện tại, nhân loại đang rơi vào việc những người theo chủ nghĩa duy tâm đang giành lại sức ảnh hưởng đối với đời sống nội tâm con người. Nếu nhân loại không mau chóng thừa nhận sự tồn tại thế giới vô hình, tìm hiểu thế giới tâm linh dựa trên cơ sở logic, khoa học, cũng như nền tảng duy vật biện chứng thì con người sẽ dễ rơi vào hiện tượng cuồng tín, mê tín dị đoan, từ bỏ lao động, thánh chiến,… Xã hội con người lại thêm một lần chìm nổi trong “Con nước ròng, con nước lớn” của 2 dòng học thuyết chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm.
Người viết thư
Vô Ưu cẩn bút
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét