Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Vươn Ra Biển Lớn (Từ Cậu Bé Chăn Trâu Nghèo Khổ Vươn Lên Thành Đại-Gia Toàn Cầu).


Chân-dung tác-giả Hồ-Văn-Trung trên bìa sách "Gian Truân Chỉ Là Thử Thách"

Giới-thiệu về nhà văn Lệ-Hằng:
Lệ-Hằng là một trong những nhà văn nữ tên tuổi ở Saigon trước năm 1975; chị hiện định-cư tại Sydney (Úc-Châu).   Sáng tác từ năm 1967,  với nhiều tác-phẩm  nổi tiếng như: Thung Lũng Tình Yêu, Tóc Mây, Bản Tango Cuối Cùng, Ngựa Hồng, Mắt Tím, Tình Yêu Như Băng Sơn, Sóc Nâu, Kinh Tình Yêu, Chết Cho Tình Yêu... 
Sau 1975 còn kẹt lại ở Việt-Nam; chị vẫn tiếp-tục cho ra đời những tác-phẩm: Hạnh Phúc Quanh Ðây (truyện phim, Sài Gòn1981), Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn1982). 
Năm 1989, qua Úc định-cư.  Lệ-Hằng cho xuất-bản trên toàn cầu các truyện: Sa-Tăng Dịu-Dàng (1992), Nghề Làm Vua (truyện dài 1992), Năm 2100, Bên Kia Là Núi, Nói Thầm Với Ðá (1998).
Hiện nhà văn Lệ-Hằng vẫn đang cộng-tác với một số tờ báo Việt ngữ nổi tiếng ở Sydney; đôi khi lấy bút hiệu là Cát-Mi (tên cô con út xinh đẹp của chị).
Bài viết dưới đây nói lên tâm lòng của nhà văn Lệ-Hằng sau khi đọc xong tác-phẩm “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” của tác-giả Hồ-Văn-Trung.


M.C Trần-Quốc-Bảo giới-thiệu nhà văn Lệ-Hằng đến từ Sydney (Úc Châu) nói về tác-giả và tác-phẩm "Gian Truân Chỉ Là Thử Thách"

Huế -  Cậu bé không có giấy khai sinh.
Đó là những ngày đất nước chìm trong khói lửa, thời của hỗn loạn và nhiễu nhương, trừ một số đầu nậu hưởng lợi lộc vinh quang từ bom đạn và xác lính, còn lại đất và người đều quằn quại trong đổ nát hoang tàn. Có một người mẹ đang trong cơn đau xé thịt, định mệnh tàn độc trên muôn vàn ác nghiệp mấy ngày hôm trước đã giáng đòn sét đánh, chồng bà đi theo Việt Minh qua đời vì bệnh lao ở một cánh rừng, quan tài mang về nhà chồng đúng vào ngày bà sinh con ở một góc vườn. Cậu bé cất tiếng khóc chào đời trong một túp lều, không có bác sĩ, không có nữ hộ sinh ngoài bà mụ tên Chồn ở gần nhà đỡ đẻ cho bà.
Trong cơn đau tột cùng của kiếp người, trong tối xầm của tuyệt vọng,  ý niệm đặt tên cho con trai không hề có trong đầu người mẹ khốn khổ này. Vậy là, ngay từ lúc sanh ra cho mãi tới sau này, cậu bé không hề được ghi tên vào sổ bộ của làng La Khê, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà.
Cậu lớn lên với mẹ và chị trong túp lều không thể gọi là một căn nhà, dù là nhà tranh vách đất. Cậu bé mới 4 tuổi đã phải  mò cua bắt cá, mót lúa, mót khoai, đẩy xe đất, chăn trâu mướn cho người ta, cậu xứng danh là vô địch nghèo mạt, là bậc thầy của bỉ cực gian nan, là quán quân hàng đầu trên muôn triệu những đứa trẻ nghèo khổ của thế gian này.
Mẹ cậu không có chồng, không có cha mẹ, cũng không có anh em, để những khi tấm thân khô gầy của bà bị đời đè nghiến xuống bà có thể rên lên nửa lời than oán với người thân.  Bà hoàn toàn trơ trọi, trừ một túp lều dựng trên mảnh đất nhỏ xíu của bà nội. Chồng của bà cuồng nhiệt vì lý tưởng, mải mê yêu nước, lấy vợ, sinh con, nhưng không tậu cho vợ được mảnh vườn nào.
Không ruộng, không vườn, cả đời bà nhọc nhằn bán thân cho đất, bán mạng cho trời cũng không mua nổi chăn nệm cho con, trừ một cái ‘giường’ nệm rơm và mền bao bố.
Nghề kiếm sống cơ cực hết mực của bà, thiên hạ gọi là làm mướn, có một thời gian dài  bà phải đi ở đợ chỉ vì bị chủ nhà phỉnh gạt - nếu chịu ở đợ sẽ giúp con trai bà thi đậu vào đệ thất trường công.
Vậy nhưng có một điều phi thường lạ và phi thường rạng ngời đã rực lên như đốm lửa trong đôi mắt của cậu bé. Lạ lùng hơn cái mà thế nhân vẫn gọi là mầu nhiệm, cậu bé con nhà nghèo này, nghèo tới độ mẹ cậu không có được cái dàn mùng tơi để được gọi là ‘nghèo rớt mùng tơi’ theo đúng nghĩa đen bầm, đen dập của bốn từ này, vậy nhưng niềm khát khao được đi học lại vô cùng mãnh liệt trong trái tim của cậu bé, nó bắt cậu thèm có bạn  học, khát khao có thầy cô hơn bất cứ đứa nhỏ nào trên hành tinh này.
Cho nên, cú đánh chí tử đầu tiên trong đời, chính là ngày cậu hớn hở theo mẹ tới trường tiểu học Hương Vinh. Cậu tưởng mình đang bay lên cao vì được đi học như mọi đứa nhỏ khác, nhưng các thầy cô đã đồng loạt lắc đầu không cho cậu vào lớp, vì cậu  không hề có giấy khai sinh.
Cú đánh chí mạng này làm đầu óc của cậu quay mòng mòng, cả trời, cả đất tối xầm lại, kiểu như cậu đang cưỡi cả thế giới trên tầng mây bỗng nhiên có một cơn gió lốc thổi bay xuống đất.
Đến tận lúc đó, cậu mới biết mình không có tên họ. Cậu vừa ngơ ngác vừa hoảng sợ, niềm khao khát được đi học của cậu tan ra từng mảnh. Cậu ngồi khóc, mẹ cậu run rẩy van nài thầy cô cho con bà vào lớp, nhưng hoài công, không có giấy khai sanh, cầm bằng như cậu bé không có mặt trên đời này. Mẹ đành lôi cậu về, nhưng cậu nhất định không chịu, cậu không thể rời bỏ ngôi trường trong mộng của cậu được.
Bất ngờ một ‘ông bụt’ xuất hiện trên đường làng, phương danh của ông là Trần Tiễn Hi,  thấy cậu bé khóc ròng, níu tay mẹ, chân không chịu bước. Vốn là một nhân sĩ trong vùng, ông hỏi, tại sao cháu khóc. Mẹ kể, con trai bà không có giấy khai sinh nên không được đi học. Ông hỏi, tên gì, bao nhiêu tuổi, ba đâu. Cậu không thể trả lời, mẹ của cậu cũng ngẩn người ra, bởi vì bà chỉ biết trong nhà, ngoài ngõ, bà con chòm xóm vẫn gọi con trai bà là Lọ.
Là một hiền nhân, ông chẳng cần nhiều lời, ông dắt hai mẹ con đi làm giấy khai sinh. Ông hỏi bà muốn đặt tên chi cho con, mẹ cậu càng quính quíu hơn, bà vật nài ông đặt tên và chọn luôn ngày sanh cho con của bà. Vậy là nhờ ông bụt Tiễn Hi, từ nay cậu có tên, có tuổi hẳn hòi trên giấy khai sanh, thế là cậu hiên ngang bước vào lớp học như mọi đứa trẻ khác trong làng.
Mẹ của cậu nghèo nhất làng, bà nuôi con vất vả đến mức không còn hơi sức và thời gian để than van, nhưng cậu học rất giỏi, năm nào cũng lãnh thưởng và được học bổng, bởi vì cậu tin như đóng đinh trong đầu, cậu mồ côi cha, mẹ chuyên nghề làm mướn, cậu được đến trường là điều vô cùng thiêng liêng, như ân phước ban xuống từ trời, qua nụ cười hiền từ của ông bụt nói tiếng Huế tên là Thị Hi, người đã thương tình đặt tên Hồ Văn Trung và chọn luôn ngày sanh tháng đẻ cho cậu bé.

Tác-Giả Hồ-Văn-Trung trong tiệc tri-ân bạn hữu tại Emerald Bay Restaurant, Santa Ana.  California.

(Trích: Gian Truân Chỉ Là Thử Thách): “... Mẹ không có tiền mua áo mưa nên tôi phải làm bạn với áo tơi để tránh mưa, phòng bệnh và bảo vệ những bộ quần áo ít ỏi của mình, Ngày ấy phải chắt chiu lắm mẹ mới sắm được cho tôi một bộ quần áo chỉnh tề để đi học vậy nên việc mua áo mưa là quá xa xỉ.
Vì chỉ có đúng một bộ quần áo đi học nên nếu chẳng may bị ướt, tôi phải ngồi học với bộ đồ ấy thế nào cũng mang bệnh vào thân. Vậy nên tôi rất quý chiếc áo tơi, vật bảo vệ bộ quần áo học trò qúi giá của tôi.
Bậc tiểu học tôi học trường làng. Vì dân làng đa số nghèo như nhau nên lũ trẻ mặc áo tơi đi học là việc bình thường.
... Có  hôm, nhìn ra sân trường tôi thấy quá trời ‘áo tơi di động’ vội vã vào lớp. Cuộc sống thật bình dị! Những đứa trẻ mặc áo tơi như những cánh chim bay giữa bão táp, có lúc tưởng chừng như sắp gãy cánh nhưng chúng vẫn vững vàng vì đã có đích đến là lớp học. Cũng có trường hợp học sinh đến lớp thì ngất xỉu, nhưng rất hiếm, vì trẻ em quê nghèo thường có sức chống chọi rất cao do đã quen vất vả và thời tiết khắc nghiệt.
... Cảm giác bình dị thân thương với chiếc áo tơi không còn tồn tại khi tôi lên thành phố học trung học. Ngược lại, nó còn khiến tôi bao phen dở khóc dở cười, bởi trong mắt người thành phố, nó là một vật thể lạ. Tôi cũng bắt đầu lớn rồi, nên cảm thấy ngượng ngùng vô cùng mỗi khi mặc nó. Bạn đọc cứ hình dung, mỗi lần trời mưa, tôi đi giữa trung tâm thành phố với chiếc áo tơi trên mình và nhận được vô số ánh mắt hiếu kỳ của người xung quanh. Người ta thì quần là, áo lụa che chắn cẩn thận trong chiếc áo mưa đẹp đẽ, còn tôi ăn mặc chẳng khác nào người hành tinh. Họ còn thích chí vỗ tay cười cợt mỗi khi thấy tôi xoay cái áo qua lại để tránh mưa. Tôi chỉ biết lầm lũi cắm mặt đi trong sự chế diễu, lòng tràn ngập nỗi tủi thân kinh khủng.
Sự tự ti trong tôi càng nhiều hơn khi học trò nghèo chỉ là thiểu sổ ở cấp trung học. Lần đầu tiên bước vào lớp với chiếc áo tơi trên người, mọi ánh mắt trong lớp dồn vào tôi, kể cả thầy giáo. Có người nhìn thương hại, có người thấy bình thường vì họ giống tôi, có người sẵn sàng chế diễu, cười nhạo tôi. Tôi thấy hơi ngượng, cúi đầu đi vào lớp.
Vào lớp rồi thì một vấn đề nảy sinh là tôi không biết phải để áo tơi ở đâu! Lớp học đã chật chội lắm rồi, mà chiếc áo tơi lại không nhỏ chút nào. Thầy giáo rất thương tôi, nên đã đến bên, cầm lấy chiếc áo và bảo sẽ cất cho tôi. Rồi thầy treo nó ngay sau lưng ghế của thầy, khiến tôi càng ngượng ngùng, sượng chín mặt.
Lớp học ngày xưa cũng giống thời nay: bàn của giáo viên được xếp ở phía trên, bên dưới là bàn ghế học sinh. Thế nên chiếc áo tơi ở sau lưng ghế thầy thu hút bao con mắt trong lớp. Tôi không biết chui vào đâu để trốn những ánh mắt ấy. Nhìn chiếc áo tơi ướt nhẹp, còn rơi rớt mấy lá dừa, tôi vừa buồn tủi, vừa quê. Dù gì, tôi cũng còn là đứa trẻ mà.
Lúc đó, tôi bắt đầu ý thức hơn về cái sự nghèo xơ nghèo xác của mình, sự xa cách giữa tôi và bạn bè. Thật  ra, từ nhỏ tôi đã ý thức được mình nghèo, nhưng khi sống với những thân phận cùng cảnh ngộ, tôi cảm thấy điều ấy không là gì, thậm chí hạnh phúc, bởi ai cũng giống ai, chẳng có nhiều sự khác biệt. Dù trong vùng vẫn có những gia đình giầu có nhưng rõ ràng người nghèo quanh tôi vẫn nhiều hơn. Nhưng khi bước vào cấp trung học, sự chênh lệch giàu-nghèo quá lớn đã khiến tôi thật sự bị sốc và tự ti tột độ.
Tôi vẫn không quên được cảm giác của ngày đầu vào trung học, thứ cảm giác có thể đánh gục con người khiến họ co rút lại, không dám nhìn lên để tiến về phía trước. Có quá nhiều thứ mới mẻ hiện ra trong tôi. những thứ mà ngay cả trong mơ tôi cũng chưa bao giờ thấy. Chúng thật lạ mắt, thật đáng để thèm thuồng biết bao.
Ngày ngày tôi đến trường, và lướt qua những thứ xa xỉ đang hiện diện trước mắt. Cảm giác thua sút thèm khát, thậm chí ghen tị với đám bạn bè nhà giàu vào ngày ấy vẫn còn đậm nét trong tôi - ngay cả khi tôi đang viết những dòng này.” (Ngưng trích: Gian Truân Chỉ Là Thử Thách).

Một ân-nhân của tác-giả Hồ-Văn-Trung: anh Phan-Văn-Thắng; cựu Trung-Tá Tham Mưu Trưởng Lữ-Đoàn 147 Thủy-Quân-Lục-Chiến VNCH.

Sài Gòn - Cú Ngất Xỉu Vì Đói
May mắn quá chừng, cuốn tự truyện mang tên “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” mà tôi đang đọc không có những vị đội mão anh hùng, cũng không có những ông bà quỉ biện, miệng mồm trơn mỡ, chỉ có những  thanh niên bước vào phòng thi, mặt mày tái ngắt như lên đoạn đầu đài, sợ thi rớt sẽ bị bắt lính, bị tống ra mặt trận làm bia đỡ đạn.
(Trích: GTCLTT): “... Vào thời đó người ta hay hát câu:  ‘Anh rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con’ để khẳng định tầm quan trọng của kỳ thi tú tài. Có hai kỳ thi hết sức quan trọng là tú tài bán và tú tài toàn. Muốn tham gia thi tú tài toàn, thí sinh phải vượt qua kỳ thi tú tài bán. Vì vậy mà kỳ thi tú tài bán là bước ngoặc hết sức quan trọng trong cuộc đời mỗi học trò.
Không giống kỳ thi đệ thất, nếu rớt thì có thể vào các trường tư thục, ở kỳ thi tú tài bán nếu không đậu, học trò phải đi lính với cấp bậc trung sĩ đúng như câu hát trên.
.... Do nhu cầu phục vụ cho chiến tranh mà số lượng học trò được tuyển chọn để học tiếp vào đệ nhất  phải giảm đến mức thấp nhất. Trong kỳ thi tú tài bán ngày đó, thường chỉ khoảng 20% thí sinh có điểm cao nhất của toàn tỉnh, toàn quốc được chọn tiếp tục học lên đệ nhất…” (Ngưng trích: GTCLTT).
Thánh thần ơi, trên cõi đời này, có gầm trời nào giám khảo được lệnh trên, cố tình bóp nghẹt hy vọng, cố tình đánh rớt hàng triệu thí sinh như ở Việt Nam không? Thật đáng tởm cho cái trò hiểm độc này, đẩy 80 % thí sinh đang tán đởm kinh hồn vì thi rớt vào tử địa.
Lẽ đương nhiên, cậu học trò Hồ Văn Trung luôn luôn thi đậu, nhưng bạn bè của cậu thì rớt như sung rụng.   Cậu ghi danh vào đại học khoa học Huế, nhưng Sài gòn mới là nơi chứa đựng bao thứ tươi đẹp mà một người trẻ tuổi như Hồ Văn Trung luôn khao khát đặt chân đến. Học xong năm thứ nhất ở Huế, cậu chọn Sài gòn để tiến thân, với hy vọng vừa học vừa đi làm gia sư để làm kế sinh nhai.

Chị và anh Lưu-Ngọc; cựu Sĩ-Quan Cảnh-Sát VNCH; anh họ và là ân-nhân của tác-giả Hồ-Văn-Trung.

(Trích: GTCLTT): “... Ngày nào cũng ‘rập khuôn’ như vậy, tiền cứ vơi bớt từng ngày, dù tôi đã cố gắng tiết kiệm ăn uống tằn tiện lắm. Khi chỉ còn đủ tiền để ăn hai bữa cơm nữa, tôi rất lo lắng nhưng không thể hỏi gia chủ để lãnh lương trước, cũng chẳng có ai để mượn tiền xài tạm.
...Lo lắng tính toán mãi thì cái giây phút không một xu dính túi đúng nghĩa cũng đã đến. Tôi không còn thứ gì đáng giá trong người để cứu đói cho bản thân. Giờ cơm tới, tôi nghe được tiếng cái bụng rên la thảm thiết. Có mùi thơm thức ăn dậy lên từ những quán ăn quanh đây.
... Một ngày, rồi hai ngày trôi qua như thế, tôi chỉ uống nước lạnh để cầm cự. Càng lúc càng thấy trời đất quay cuồng. Vậy mà thời điểm lãnh lương vẫn còn xa quá.
... Chưa bao giờ tôi phải trải qua cơn đói lên đến tột đỉnh như vậy, đã mấy ngày rồi mà bụng tôi chỉ toàn nước lạnh. Nếu theo đúng quy luật tự nhiên tôi sắp chết rồi, chết đói. Bây giờ tôi mới thấm thía đâu là tận cùng của cơn bỉ cực, tận cùng của sự sống. Tôi thấy mình thật sự mong manh, không dám chắc chắn điều gì, cũng không dám nghĩ về tương lai. Lúc này trước mắt tôi bắt đầu nổi nhiều đom đóm. Tôi không còn tỉnh táo nữa. Tôi biết thế nào là đói thật sự, đói đúng nghĩa không có gì để ăn.
... Những ngày ở Huế, dù nghèo khổ đến cỡ nào, hai mẹ con vẫn có thứ gì đó để ăn, hết gạo thì có khoai sắn lót lòng qua bữa, hay nhờ rau củ, bắp ngô để ấm bụng. Có bữa đói, bữa no nhưng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh không có thứ gì cho vào bụng như lúc này. Tôi đang ở Sài Gòn, cách Huế gần một ngày đi tàu, không quen biết ai, không một xu tính túi, ngủ nhờ vào tình thương của những người xa lạ, biết phải làm sao?
Cuối cùng tôi cũng đến được cầu chữ Y, nhà của hai đứa học trò đang ở trước  mặt.
... Sự thật là khoảng thời gian tôi dành để đi được đến đây gấp mấy lần những ngày trước. Tôi mệt mỏi bước vào phòng học để chuẩn bị bài vở, lúc này hai em đã có mặt như thường lệ. Mặt tôi bơ phờ, tay chân run rẩy; toàn thân cạn kiệt năng lượng, thừ ra như một cái thây chết. Biết tình hình không ổn, nhưng tôi vẫn gắng gượng đứng dậy cầm phấn và viết lên bảng. Nhưng tôi đã chạm đến giới hạn cuối cùng của sự cố gắng rồi. Không thể nào tiếp tục nữa. Đầu óc tôi tôi xầm lại, mọi thứ nhòa đi, đom đóm bắt đầu nhảy múa trước mắt tôi. Tôi bắt đầu mất hiểm soát, không còn hay biết trời đất. Ba ngày lả ruột không có gì để ăn, kể cả những thứ khoai sắn bình thường, chỉ có duy nhất nước đang chảy trong ruột tôi... Tôi lịm đi, ngất xỉu! Tôi ngã quỵ ngay trên nền nhà trước ánh mắt ngỡ ngàng của hai đứa học trò, vì đói chứ không phải thiếu ăn, đói theo đúng nghĩa không có thứ gì để ăn. Tôi đã bị cơn đói đánh gục và đầu hàng trước nó rồi.
Hai học trò la lên, các phụ huynh vội vã chạy tới đỡ tôi lên, lau mồ hôi, cho tôi uống nước. Ly nước cam có đường đã tiếp cho tôi chút xíu năng lượng. Tôi tỉnh lại nhưng người vẫn còn run, mọi thứ xung quanh vẫn mờ mờ ảo ảo vì cơ thể vẫn còn yếu lắm.
Chủ nhà rất lo lắng cho tôi và đương nhiên, họ còn lo lắng cho gia đình họ nhiều hơn. Nếu lỡ tôi có bề gì ngay trong nhà họ thì họ sẽ phiền phức lắm. Nhìn thái độ và gương mặt của họ, tôi có thể hiểu được điều đó. Họ đang rất sợ, hai đứa học trò lại càng sợ hơn.
Chủ nhà vội vàng trả lương cho tôi, kèm theo câu  nói: ‘Thầy đang bị bệnh. Thầy lãnh lương trước ra ngoài mua thuốc uống! Khi nào khỏe thì trở lại’ Họ không thể hiện sự xua đuổi nhưng có ý muốn thúc dục tôi phải nhanh lên. Tôi cầm tiền, cảm ơn rồi bước đi. Thật sự tôi thấy rất nhẹ nhàng, thậm chí vui mừng vì cuối cùng thì cũng đã có tiền mua thức ăn lót dạ. Việc khó khăn nhất cũng đã được giải quyết. Tôi ra khỏi nhà chưa đầy 50 mét thì ghé ngay vào một quán cơm với niềm vui sướng tột độ. Ngồi chờ dĩa cơm mà lòng tôi vui sướng khôn tả, tôi vui muốn phát khóc vì mình đã hết đói, những ngày tiếp theo sẽ có tiền để ăn và sống tiếp, để đeo đuổi con đường thênh thang phía trước. Tôi đã có một bữa ăn ngon và có lẽ đó là bữa ăn ngon nhất trong cuộc đời. Một bữa ăn thật sự sau ba ngày đói. Thật là một ký ức hãi hùng đáng nhớ!” (Ngưng trích: GTCLTT). 

Các ca-nhạc-sĩ Thiện-Nguyện-Viên: Thanh-Hằng, Ngọc-Diệp, M.C Trần-Quốc-Bảo, Ti-Vi-Chi-Bảo Phương-Hồng-Quế, Tác-Giả Hồ-Văn-Trung, Thái-Nguyên, Diamond Bích-Ngọc và Thùy-Liêm.

Sau cơn đói hãi hùng này, ông bụt thứ hai xuất hiện. Nhờ lá thư mẹ nhờ người quen viết dùm gửi vào, Hồ Văn Trung trở thành gia sư trong gia đình trung tá  Phan Văn Thắng, tham mưu trưởng Lữ Đoàn  147 thủy quân lục chiến và được vị trung tá tốt bụng này coi như người em trong gia đình.
(Trích: GTCLTT): “... Khu vực Thủ Đức có trung tâm Sóng Thần, nơi đóng quân của thủy quân lục chiến nên ảnh hưởng của anh chị Thắng rất lớn. Dân cư ở khu vực đó ai cũng đinh ninh rằng tôi là em trong gia đình quyền thế, vì vậy mà họ nhìn tôi như người có địa vị cao trong xã hội - cái nhìn ấy khác xa rất nhiều những cái nhìn dành cho thằng bé nghèo rách nát thiếu ăn ngày xưa, từng mang áo tơi đi học. Thật sự có nhiều suy nghĩ về giai cấp, về địa vị, về quyền lực lẩn quẩn trong đầu tôi.
... Khoảng thời gian 1971 -1972 chiến sự diễn ra rất khốc liệt, hai bên Nam Bắc giành giật nhau để chiếm lấy ưu thế trên bàn đàm phán Paris. Sinh viên xuống đường, báo chí xuống đường, đòi hỏi tự do báo chí, đòi hỏi dân chủ, chống liên danh độc diễn. Hồ Văn Trung nhờ uy tín của trung tá Thắng và trung tâm Sóng Thần trở thành  thầy giáo trẻ ở Thủ Đức, có tiền mướn nhà và có tiền gửi  về cho mẹ.
Lúc đó Phong Trào Tân Dân là tổ chức được tách ra bởi những thành viên lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng để thích hợp với tình hình chính trị vào giai đoạn đó. Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt  vào những năm 1973 -1974. Những trận đánh lớn thăm dò ở Bình Long, Phước Tuy làm rung chuyển Sài  Gòn. Tình hình chính trị càng ngày càng hỗn loạn. Những tin đồn đảo chánh liên tiếp được tung ra. Các thành phần đối lập liên kết chặt chẽ hơn để yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Các dân biểu, nghị sĩ, báo chí, trí thức, Công giáo, Phật giáo đồng loạt lên tiếng.
Đại học xá Minh Mạng lúc bấy giờ là nơi đầu não của những cuộc xuống đường, quy tụ những anh hùng hào kiệt tứ phương; nơi những  anh em vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi tá túc  hoạt động cho Việt cộng, nơi những cuộc bố ráp của cảnh sát diễn ra thường xuyên... Tôi đã ở trong môi trường đó, đã có dịp so sánh giữa hai giai cấp: giai cấp giàu có mà tôi đang được anh chị Thắng chia sẻ và giai cấp nghèo khổ của sinh viên từ tỉnh lẻ về Sài gòn học...” (Ngưng trích: GTCLTT).

Từ trái: Anh Nguyễn-Hoàng-Diệu, Nguyễn-Hoàng-Dương và vợ chồng giáo-sư Lê-Đào-Duyến; một người bạn tri-kỷ của tác-giả Hồ-Văn-Trung.

Nhưng mà thôi đi, vạn lần thôi đi, đọc những đoạn văn của cuốn tự truyện đụng vào phe này đảng nọ tôi rất ngại ngùng. Chỉ biết một điều Hồ Văn Trung đã bị bắt, bị nhốt vào sà lim trong những ngày cực kỳ khẩn trương và sôi sục vì tội tham gia đảo chánh.
(Trích: GTCLTT): “... Đó là buổi sáng ngày 30 - 4 - 1975 khoảng 10 giờ sáng, tôi nghe tiếng súng càng lúc dày và gần hơn, tưởng như sát bên tai tôi vậy. Rồi có tiếng chân người chạy lạo xạo bên ngoài xà lim. (Ngưng trích:GTCLTT).
Sau đó anh được thả tự do, trên người chỉ còn độc cái quần đùi ngắn ngủi vì chiếc áo tù đã bị xé rách làm khăn lau mồ hồi. Không một giấy tờ tùy thân, không một cắc bạc, không một người thân ngoại trừ anh chị Thắng ở Thủ Đức, bây giờ đã thành kẻ chiến bại.
Với những diễn tiến ngày càng hiện rõ, việc thành lập chính phủ liên hiệp theo như lời hứa của Đại sứ Pháp và Mặt trận Giải Phóng Miền Nam không còn giá trị nữa. Sau những chuyến đi miền Trung, miền Tây sau những buổi gặp gỡ với những anh em xa gần trong giới chính trị miền Nam, sau bao nguồn tin thu thập được, kế hoạch vượt biên bắt đầu được phác họa.
(Trích: GTCLTT): “...Đúng như những gì chúng tôi tự suy luận, dự đoán; những người gần gũi thân cận trong phong trào Tân Dân hay Quốc Dân Đảng liên tục bị bắt từ người này tới người khác. Cuối cùng đến lượt tôi, khoảng tháng 10 năm 1975 tôi bị bắt đưa về Sở Công An thành phố (trước là Tổng Nha Cảnh Sát) với tội danh  ‘tình nghi làm gián điệp’ Mấy tháng trước, tôi còn ở nơi đó (vì tội tham gia đảo chánh)  rồi được ‘các đồng chí biệt động thành’ giải thoát. Vậy mà giờ đây, không hề mong muốn, tôi lại về chốn cũ.
... Ngày mỗi ngày, khi đã thích nghi với nhà tù, tinh thần chúng tôi càng thêm sắt đá. Những tù nhân dần dần trở thành bạn thân. Ngày ngày chúng tôi biến nhà tù nhàm chán, ứ đọng thành môi trường học tập, thành thế giới thu nhỏ với bao điều mới lạ. Chúng tôi trao đổi với nhau những kiến thức, những hiểu biết, nâng cao vốn ngoại ngữ với sự giúp đỡ của các tù nhân là giáo sư Anh văn, Pháp văn.” (Ngưng trích: GTCLTT).
Vậy là Hồ Văn Trung bị tù dưới chế độ mới gần 5 năm, từ 1975 tới 1979, ra tù anh tiếp tục tìm đường ra đi rồi bị bắt lần thứ ba. Quá chừng thảm thương, một thanh niên 28 tuổi chưa vợ, chưa con, cả hai chế độ đều bị cầm tù.
(Trích: GTCLTT): “... Lần thứ ba ở tù, mỗi  ngày vẫn trôi qua bình thường, tù nhân vẫn kẻ đến người đi, tôi cứ lặng lẽ với những suy tính riêng để chọn thời điểm thích hợp nhất cho cuộc trốn chạy hứa hẹn đầy cam go. Thời gian này, một ngày trôi qua trở nên nặng nề hơn. Tim tôi có lúc như ngừng đập vì lo lắng, đầu có lúc như bị búa giáng bởi nặng trịch suy nghĩ, toan tính. Những hậu quả nếu trốn trại không thành, hoàn toàn có thể lường trước: thân thể sẽ bầm nát bởi những trận đòn, bị biệt giam lâu hơn - thậm chí vĩnh viễn, tệ hại nhất là không giữ nổi mạng.” (Ngưng trích: GTCLTT).
Trời thương, cuộc trốn trại thành công, thoát nạn tù đày, anh lại kiên gan bền chí tiếp tục tìm đường ra đi. Trong cuộc hành trình đầy bất trắc hung hiểm lừa gạt, anh gặp một tiểu thư xinh đẹp con nhà giàu cũng đang lặn lội tìm đường vượt biên như anh. Duyên phận đưa đẩy cô trở thành người bạn đời của anh.

 Cựu giáo-sư Trần-Văn-Ân chào mừng tác-giả Hồ-Văn-Trung từ Sydney (Úc Châu) đến California, Hoa-Kỳ.

Sydney -  Không Buôn Hận Thù Không Bán Máu Xương
Sau bao ngày gian nan nếm đủ mùi khổ ải, sóng gió, hải tặc, hai vợ chồng trẻ đặt chân lên bến bờ tự do. Định cư ở Sydney, vợ rửa chén cho nhà hàng, chồng vừa đi học vừa nuôi con. Bị gạt tiền bị thất bại không biết bao nhiêu lần, nhưng bằng niềm tin sắt đá vào tình yêu của nhau, hai vợ chồng vẫn kiên trì đi tới, mở nhà hàng ở Wollongong rồi mở đường tiến vào các siêu thị hàng đầu của Úc.
Từ đất nước nhiều ơn phước, từ quán ăn, từ những đồng đô la khiêm tốn người vợ hiền mang về. Chỉ trong vòng có 10 năm, Hồ Văn Trung năm nào trốn nhui trốn nhủi ở bến xe, ở ruộng muối để tìm đường vượt biên bắt đầu cuộc đổi đời.

Nhà văn Huy-Phương nói cảm-tưởng quý mến cậu bé Lọ chăn trâu (nhân vật chính trong sách Gian Truân Chỉ Là Thử Thách; người cùng quê-hương xứ Huế).

(Trích: GTCLTT): “... Vào những năm 90 của thế kỷ 20, Thái Lan được ví như ‘nhà bếp của thế giới’ Hầu như các mặt hàng thực phẩm đang bán trên thị trường thế giới đều xuất phát từ Thái Lan bởi giai đoạn này Việt Nam và Trung Quốc còn yếu kém trong việc phát triển sản phẩm, hiểu biết về máy móc và công nghệ chế biến. Tôi chọn Thái Lan là quốc gia đầu tiên để nhân rộng sản xuất và bắt đầu đi Thái Lan để mở đường cho việc phát triển sản phẩm của công ty. 
... Tôi bắt đầu triển khai mạng lưới phân phối ở những quốc gia đang thiếu thực phẩm. Tôi chọn châu Phi là nơi để cung ứng hàng hoá vì nơi đó mọi thứ thực phẩm đều cần thiết. Thành phố Johannesburg của Nam Phi là nơi tôi đặt bản doanh để xâm lấn và khai phá thi trường châu Phi, công ty Trangs Groupe Africa được thành lập!
Nhưng mọi chuyện không thuận buồm xuôi gió cho lắm vì tôi đã xử dụng không đúng người. Người giám đốc tôi gửi qua tên là Aslet có máu cờ bạc nên tất cả tiền đầu tư ban đầu bị anh ta nướng hết vào các sòng bạc.
... Cuối cùng chúng tôi quyết định rút lui khỏi thị trường Phi châu, sau hai năm bám trụ với thất bại khá lớn về mặt tài chính.
Rời châu Phi tôi tiếp tục hành trình xây dựng công ty toàn cầu. Tôi chọn Pháp là quốc gia đại diện cho khối châu Âu vì vị trí thuận lợi cho việc phân phối khắp khu vực. Tôi dừng chân ở Pháp và bổ nhiệm anh bạn Vincent làm giám đốc. Công ty Trangs Group Europe được thành lập với đội ngũ dân bản xứ Pháp.
Vì vốn liếng tiếng Pháp có hạn, để khắc phục trở ngại ngôn ngữ tôi đã trở lại Pháp để học thêm tiếng Pháp vào tuổi đã hơn ngũ tuần. Hằng ngày tôi cắp sách tới trường như thời sinh viên, thời gian còn lại thì hướng dẫn và huấn luyện  cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên về sản phẩm và cách khai phá thị trường.” (Ngưng trích: GTCLTT).

Nhạc-sĩ Thái-Nguyên nói về công ơn những bà Mẹ Việt-Nam cao quý qua đôi gánh quê-hương; tần tảo nuôi con khôn lớn, thành tài.

Hiện nay Trangs group đã có mặt khắp nơi: Thái Lan, Japan, Trung Quốc, Africa, UK, Pháp, Đức, Hà Lan và USA với những  bước đi vững chắc và trên cơ sở có nền  tảng.
Ai cầm được nước mắt khi đọc những hàng chữ in đều tăm tắp chạy trên mặt giấy, ai cảm thấy như chữ vẫn  đang còn thở và đang run lên theo từng nhịp đập của trái tim người viết?! Và ai đó đủ sức để khen ngợi tài năng của tác giả.  Xin để người đọc nhất là những bạn trẻ sẽ đọc và sẽ làm việc này. Phần tôi  trong thinh lặng bồi hồi, tôi chỉ có thể cho phép mình thì thầm với cậu bé Lọ lòng thành của tôi về  một cậu bé sinh ra không có khai sinh, suýt nữa sẽ không bao giờ được đi học, sẽ bị bắt lính nếu học không giỏi, sẽ trở về với mẹ trên cây nạng gỗ.
Tôi không thể và không dám bàn bạc khen chê cuốn tự truyện này, viết về tác giả tôi càng không dám, vì anh đã có tất cả những gì anh muốn có, đó là sự can trường, sự trung tín của anh với bản thân anh, và với những gì anh viết ra.
Từ lâu  lắm rồi, tôi đã biết rõ tôi không thể hối lộ thần thánh, càng không thể hối lộ Thượng Đế như các con chiên ngoan đạo. Nhưng hôm nay tôi xin một lòng thành khẩn  hối lộ và van nài các bà mẹ đang hàng ngày đưa đón con đi học thêm ở các trung tâm dạy kèm, các người cha đang cày trong hãng xưởng để nuôi con ăn học, các bà mẹ có con đang ở tù vì ma túy, xin quí vị nể tình hãy đọc cuốn tự truyện “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” này cho con của quí vị nghe, để nhận ra nếu các em không ham học, hay chưa ham học là vô cùng uổng phí và oan uổng cho các em.
Nước Úc, Mỹ, Php, Anh quốc… Không để một cậu bé nào phải mặc áo tơi lá đi học, lại càng không để một sinh viên nào ngất sỉu vì đói, xin các bà mẹ, xin các ông bố hãy tặng cho con quí vị cuốn tự truyện “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” – (Sẽ cĩ ấn hnh phin bản Anh Ngữ vo giữa năm 2014). Bởi tôi nghĩ chỉ có những người tự tin và can đảm đến tột cùng tâm can mới dám viết những lời thật thà làm người ta chảy nước mắt như thế này.

Gần 100 khách mời lần-lượt đến nhận sách tang có chữ ký của tác-giả Hồ-Văn Trung.

Tôi cũng chưa từng thấy ai khát khao mãnh liệt để được đi học câu bé Lọ, tôi cũng chưa từng thấy ai khổ cực gian nan hết thời này tới thời khác như anh, vậy mà một cậu bé Lọ, hơn năm mươi năm trước từng chết điếng sợ mình mù chữ, ngày hôm nay viết “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách”, thời gian tới đây sẽ là cuốn “Thế Mạnh Của Việt Nam” và năm  2015 anh Hồ Văn Trung sẽ ra mắt cuốn “Làm Thế Nào Để Đột Phá Thị Trường Thế Giới”…
Thời đại hôm nay, có hằng hà sa số tiểu thuyết, có vô số hồi ký của những người mà phương danh và địa vị của họ mới nghe thôi đã rợn người. Những cuốn hồi ký đó, lổn ngổn san hô và đầy xương hóa thạch. Chỉ cần đọc vài trang đầu và ba hồi cuối, đóng sách rồi nhắm mắt lại vẫn thấy rộn lên những lời xỉa xói những câu hằn thù khiến người ta sợ tới teo tóp cả linh hồn.
“Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” đã đánh một cú Trời giáng vào tim tôi, giống như cậu bé Lọ hơn 50 năm trước, đã ngồi thu lu khóc sùi sụt ở một góc thềm, thần trí cậu sảng sốt, toàn thân cậu run rẩy, cậu ngơ ngác và hoang mang đến hãi hùng vì không được đi học. Với cậu bé, không đi học, cùng nghĩa với mù chữ, sẽ chăn trâu, mò cua bắt ốc suốt đời, sẽ không có bạn, không có thầy và không bao giờ được rờ tay vào sách vở ‘thánh hiền’.
Ngày nào đó, năm xưa, cậu bé đã khóc ròng trong ngày khai trường, còn tôi suốt mấy hôm nay đọc “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” với những day dứt khôn nguôi trong hồn mình vì cái tội vô tâm của tôi trước mối nguy của những đứa trẻ bỏ học đi buôn ma tuý, trước mối nguy ngu dốt của hàng triệu đứa bé đang đói ăn, đói sự học hành và đói niềm hy vọng trên trái đất này.
Thoạt đầu mở sách ra, tôi lật từng trang để xem hình, cũng tưởng đâu “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” chắc cũng chỉ là một cuốn tự truyện như hàng ngàn hồi ký khác, tới lúc tôi tò mò nhập mình vào chương một, chương hai, rồi chương ba, tôi ngạc nhiên thấy mình đọc luôn trong ba ngày và không thể buông sách ra được nữa. Tôi bỗng giật mình, bàng hoàng thấy ra từ trang đầu tới trang cuối “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách”, không chỉ là chữ nghĩa, là văn phong trong sáng dễ hiểu là cốt truyện hấp dẫn mà chính là linh hồn của chữ, là rung cảm của lời, là lòng chân thành không vướng víu một chút giả hình, không bôi bác, không xuyên tạc, không buôn hận thù không bán máu xương.

Toàn ban tổ chức và các ca-nhạc-sĩ cùng tác-giả Hồ-Văn-Trung hát chào giã-từ quan-khách bài "It's Now To Say Good Bye!"

Thưa các bà mẹ đang phải nuôi con trong tù, xin bà hãy tặng cuốn sách này cho con trai của bà. Bởi vì “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” sẽ đem hy vọng và niềm tin tới cho con trai của bà. Ngày ra tù con trai bà sẽ vươn ra biển lớn như cậu bé Lọ - Năm xưa suýt nữa không được đi học, thế mà đã trở thành đại thương gia toàn cầu như ngày hôm nay.
Lệ-Hằng (Sydney – Australia)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: