Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

đừng trách người dân coi nhà văn là loài hèn nhát.

Võ Thị Hảo

(1) Trong giới văn học và xuất bản ở Mỹ hiện nay, tuy trong thời đại internet và social media, truyện ngắn không được đánh giá trị cao như truyện dài. Những nhà văn trẻ thường bắt đầu với truyện ngắn như một cách “học nghề,” nhưng sau đó bước chân vào truyện dài như một lẽ dĩ nhiên. Alice Munro, Raymond Carver, Lydia Davis và Lorrie Moore được coi là ngoại lệ, vì đây là những nhà văn nổi tiếng với những cải cách trong thể truyện ngắn. Hiện số mệnh truyện ngắn trong giới văn học Việt trong và ngoài nước như sao? Truyện ngắn có được giới độc giả Việt đánh giá cao hơn truyện dài không? Tại sao?
Tôi nghĩ rằng truyện ngắn mãi còn duyên dù ở VN hay ở nhiều nước trên thế giới. Truyện ngắn gọn nhẹ về hình hài nhưng lại có thể dồn nén một dung tích lớn sự đời, giúp cho người đọc không phải mất nhiều thời gian, nhất là trong thời có quá nhiều thứ quyến rũ người ta ruồng rẫy chữ như hiện nay.
Ở VN, độc giả không đánh giá truyện ngắn cao hơn truyện dài. Mỗi loại có một tài tình riêng. Nhưng để xem sự dài hơi và độ lớn của một tác giả, người đọc và giới phê bình đỏi hỏi tác giả ấy phải thử thách không chỉ qua truyện ngắn mà còn phải bằng tiểu thuyết. Rất nhiều tác giả truyện ngắn đã “ngã ngựa” khi sang thể loại tiểu thuyết vì trong “cuộc chạy đường dài” người viết mới bộc lộ sự “hụt hơi” về vốn văn hóa và tài năng.
(2) Chúng ta có Cung Tích Biền, Trần thị Ngh., Lê thị Huệ, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Xuân Hoàng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trần Vũ, Nguyễn thị Thảo An, Phạm thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Linh Đinh, Lâm Chương (có thể coi Lâm Chương như một nhà văn viết novella – thể truyện giữa “ngắn” và “dài”), McAmmond Nguyễn thị Tú, Lê Minh Hà, Lê Minh Phong, v.v… là những nhà văn đặc sắc ở thể truyện ngắn. Yếu tố nào là yếu tố chung của các nhà văn viết truyện ngắn đã tạo ra sự chú ý từ độc giả? Ngoài ra, yếu tố nào là đã tạo cho họ vị trí cá biệt trên văn đàn? Những yếu tố này có phải cũng là những yếu tố định nghĩa cho sự sinh tồn của truyện ngắn?
Lạ, độc, đa nghĩa, dồn nén nhiều nội dung và tư tưởng trên một tiết diện nhỏ. Theo tôi một truyện ngắn hay không thể thiểu những yếu tố này và đó cũng là những yếu tố định nghĩa cho sự sinh tồn của truyên ngắn.
(3) Có cần nên có ranh giới giữa truyện ngắn và truyện dài? “Ngắn” và “dài” nên là bao nhiêu trang? Một truyện ngắn có thể mô tả một thời gian dài tương đương như truyện dài (10, 20, 50 năm), hay phải ngắn hơn? Nên chú ý việc Alice Munro đã “phá giới” về yếu tố thời gian, không gian, và quan điểm cá nhân của các nhân vật. Trong các truyện “Axis,” The Bear Comes Over the Mountain,” và “Runaway,” Alice Munro cho độc giả trải nghiệm một quãng thời gian dài trong đời sống của các nhân vật chính. Bà không áp dụng một quan điểm (point of view) nhất định trong cách kể truyện, mà di chuyển từ cái nhìn của từng nhân vật, bất kể đàn ông hay đàn bà, làm ta nghĩ đến phim Rashomon của Kurosawa. Trong bối cảnh văn học Việt Nam, đã có nhà văn nào “phá giới” giữa quy luật truyện ngắn và truyện dài chưa? Tại sao chúng ta chưa chịu phá giới thường xuyên hơn?
Một truyện ngắn cũng bình đẳng như bất kỳ thể loại văn học nghệ thuật nào khác, hoàn toàn có thể chơi đủ trò: phi thời gian, phi tuyến tính, và đủ loại chủ nghĩa trong văn học, âm nhạc, điện ảnh và mỹ thuật. Vấn đề là tất cả những trò đó chỉ được thể hiện trên nền tảng ngôn ngữ và phụ thuộc tài nghệ của người viết mà thôi.
(4) Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Paris Review, Alice Munro nói rằng “[Hồi còn trẻ] tôi đã mê đọc Eudora Welty, Flannery O’Connor, Katherine Ann Porter, Carson McCullers. Tôi nghĩ nhà văn đàn bà có khả năng viết về những điều quái dị, hoặc những chuyện bên lề …. Còn tiểu thuyết vĩ đại trong giòng chính về hiện thực là giang sơn của đàn ông.” (“I loved Eudora Welty, Flannery O’Connor, Katherine Ann Porter, Carson McCullers. There was a feeling that women could write about the freakish, the marginal…. [But] the mainstream …. big novel about real life was men’s territory,” http://www.theparisreview.org/interviews/1791/the-art-of-fiction-no-137-alice-munro.) Hiện tượng “nhà văn đàn bà viết về những điều quái dị hoặc chuyện bên lề” và đàn ông “viết về những đề tài vĩ đại” có phản ảnh bối cảnh văn học Việt Nam của ngày hôm nay hay không? Hay hiện tượng này đã được đảo ngược, với một số nhà văn đàn ông Việt viết theo thể magic realism như một cách theo mốt, nhằm tránh bị kiểm duyệt, hoặc do nỗi “cô đơn” trong một thực tại nghiệt ngã của những biến cố xã hội và lịch sử mà Gabriel García Marquez đã đề cập trong diễn văn nhận giải văn chương Nobel năm 1982 của ông?
Theo lịch sử phụ hệ trải dài, do đặc thù cuộc sống của hai giới, đàn ông có rất nhiều lợi thế để tham gia trực tiếp vào các sự kiện, biến cố lớn, những bi kịch cung đình, những câu chuyện chi phối diện mạo thời đại, nên hiện thực văn học đã để lại thực tế chênh lệch lớn về tác phẩm “vĩ đại” giữa người viết nam và nữ như trên đã nói. Không thể là một nhà văn lớn nếu không quan tâm đến những vấn đề lớn của thời đại, mà điều này, thường phụ nữ ít quan tâm hơn nam giới. Sự chênh lệch này theo tôi sẽ còn kéo dài rất lâu, mặc dù càng ngày số phụ nữ viết về “những điều vĩ đại” càng tăng nhanh và vì thể giảm bớt độ chênh.
Đúng như bạn nhận xét, ở VN bây giờ, tôi thấy đa phần đàn ông viết văn tỏ ra quá khôn ngoan và né tránh để được yên thân, suy cho cùng cũng chỉ là lòng tham. Họ biết hết nhưng chỉ để “chém gió” ở quán chè chén hoặc quán bia vỉa hè. Thực ra né tránh như vậy cũng chẳng khác gì việc thấy người đang sắp chết đuối mà không cứu, đã thế còn nói dối rằng tôi không trông thấy không biết có người sắp chết đuối.
Việc hầu hết mọi người đều né tránh không đả động đến thưc tại mỗi ngày đang khiến cho cái ác không được nhận diện và ngăn chặn, người dân ngày thêm càng lầm than khốn khổ, oan khuất ngút trời. Trong hoàn cảnh ấy nhà văn đi vào gậm nhấm nỗi cô đơn hay sự kỳ quái, tình yêu tình dục đơn thuần để gây lạ nhằm nổi danh là quá ích kỷ, cũ mèm, đó chỉ là một cách điệu đàng vờ vịt. Như thế, đừng trách người dân coi nhà văn là loài hèn nhát.
(5) Liên hệ với câu hỏi (4) ở trên. Những điều “quái dị hoặc bên lề” ở vùng Ontario của Alice Munro có còn “quái dị” khi áp dụng vào bối cảnh văn chương Việt Nam hay không? Tại sao một số độc giả Việt Nam nghĩ rằng truyện của Alice Munro có phần “ảm đạm”? Định nghĩa “ảm đạm.” Hiện nay, ai là những nhà văn “ảm đạm” của Việt Nam?
Thực ra tôi chưa thấy nhà văn lớn nào mà không “ảm đạm,” nhất là những nhà văn đã đoạt giải Nobel. Những nhà văn lớn luôn viết về những bi kịch lớn nhất của con người ở mọi thời đại, tìm cách phát hiện nó, phản ánh nó và lý giải nó. Ở VN, những Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp lẽ nào không ảm đạm? Tôi làm sao có thể tránh khỏi ảm đạm, khi con đường của tôi chỉ chăm chăm theo đuổi những bi kịch của đất nước này?!
(6) Yếu tố địa lý – vùng Ontario ở miền Trung của Canada – là bối cảnh chính trong nhiều truyện ngắn của Alice Munro. Yếu tố không gian/địa lý có quan trọng trong truyện ngắn Việt Nam hay không? Tại sao (không hay có)?
Quan trọng hay không, theo tôi tùy cách viết của mỗi tác giả. Nhìn chung là quan trọng, vì chính yếu tố địa lý sẽ quyết định bối cảnh, chi tiết, phong tục, lịch sử và tính cách nhân vật.
(7) Trong cuộc phỏng vấn với Paris Review, Alice Munro cũng thố lộ bà đã bị băn khoăn/phiền não khi đọc D.H. Lawrence lần đầu tiên trong đời. Bà thường bị xáo động bởi cách các nhà văn đàn ông định nghĩa khái niệm tình dục của phụ nữ. (“I was terribly disturbed when I first read D. H. Lawrence. I was often disturbed by writers’ views of female sexuality. “) Bà tự chất vấn “làm sao tôi có thể thành một người viết khi tôi là đối tượng [tình dục] của các nhà văn khác” (“[H]ow I can be a writer when I’m the object of other writers?”). Ta nghĩ sao về những băn khoăn của Alice Munro nếu đối chiếu với đề tài tình dục trong văn học Việt Nam ở hải ngoại và trong nước? Nhà văn nữ viết truyện ngắn về đời sống phụ nữ Việt ở trong và ngoài nước hiện có còn bị coi là “đối tượng” của các cây bút đàn ông khác? Tại sao?
Nhiều đàn ông VN nhìn ngắm và bình luận, hoặc viết về phụ nữ với một sự kẻ cả, tục tĩu và thậm chí thể hiện điều đó một cách rất…khả ố. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến cái nhìn của họ về người viết nữ.
Nhưng cái nhìn của người khác không thể chi phối bản lĩnh của người viết nữ. Nhà văn nữ còn có thể dùng bùa phép nhào nặn ra đàn ông, nhúng họ vào phép màu, và tái tạo họ trong một thế giới khác. Đó là đặc quyền của nghề viết vậy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: