Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng!
|
Đó là nhan đề một bài thơ tôi tình cờ đọc được trên mạng, tác giả là một nữ sĩ, cô ký là Nồng Nàn Phố. Bài thơ như thế này:
Yêu em đừng yêu quá
Lỡ đâu mình chia tay
Lỡ đâu tình không trọn
Lòng ta tan như mây!
Yêu em đừng yêu ít
Thương nhớ sẽ nhạt nhoà
Nụ hôn bỗng chát đắng
Nỗi buồn cũng nhanh qua
Yêu em đừng quá ít
Cũng xin đừng quá nhiều
Chỉ đủ để tha thứ
Hiểu, thương và tin yêu
Chỉ đủ để da diết
Hôn thật sâu thật êm
Đủ rùng mình vì nhớ
Cắn tay ngỡ môi mềm
Em vẫn đang yêu anh
Bằng trái tim con gái
Bằng những điều mất đi
Và cả điều còn lại
Tất cả bài thơ ngũ ngôn, 20 câu, 100 chữ, nồng nàn như cái tên của thi sĩ, dường như đều để biện minh cho lời khẳng định dứt khoát trong cái nhan đề “... em phải dậy lấy chồng”
Dù có nhiều hình dung từ nồng thắm, tươi đẹp, dù “Em vẫn đang yêu anh / Bằng trái tim con gái”, dù thế nào đi nữa, dù sao đi nữa, thì em cũng cương quyết, cũng dứt khoát, cũng dứt áo phải dậy lấy chồng.
Bài thơ dịu dàng nữ tính; nhưng sự độc đáo của nó nằm ở cái nhan đề, nó làm tôi phải tưởng tượng và suy ngẫm về tình huống mà nó đặt ra. Hãy hình dung theo tôi nhé, hãy tưởng tượng như một đoạn phim:
Nửa đêm cuối thu, lành lạnh. Đôi tình nhân nằm bên nhau. Chàng trai choàng tay qua ôm người tình. Cô gái run rẩy hạnh phúc, cô hôn lên mặt chàng. Họ lại quấn vào nhau, lần nữa, mệt nhoài, thoả mãn, rồi ngủ tiếp.
Mặt trời chưa lên hẳn, những tia nắng đầu ngày soi qua rèm, lọt vào căn phòng ngủ nhỏ. Cô gái thức. Cô trăn trở. Cô nghĩ đến ngày mai, cái ngày mai cơm áo gạo tiền, đầy bất trắc và không có chút không gian nào cho những ảo tưởng lãng mạn. Cô cân nhắc. Cô quyết định dứt khoát. Cô thì thầm với người tình, nhưng thật ra là cô tự nhủ với mình. Tất nhiên là cô thì thầm đủ nhỏ để không đánh thức chàng trai dậy,“Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng!”
Cô nhẹ nhàng ngồi dậy, bước thật khẽ vào phòng tắm, thay áo xống, khẽ khàng thu dọn tư trang, bước ra, cúi xuống hôn nhẹ lên trán chàng trai, nụ hôn vĩnh biệt, đẩy cửa. Đi.
Chàng trai trở mình, rồi vô tư quờ tay qua bên cạnh, vơ được cái gối ôm, chàng ôm cái gối vào lòng, ngủ tiếp. Chàng không kịp trối trăn cho mối tình vừa biến mất khi cánh cửa phòng khép lại. Chàng không kịp, không có cơ hội, nói lời từ biệt sầu muộn nhưng thơ mộng: “Ừ, thôi em về / chiều mưa giông tới / bây giờ anh vui / hai bài tay đói...” [1]
Những tia nắng vẫn vô tư len vào phòng, và chàng trai thì vẫn chưa biết số phận đã quất vào mông mình một cú tàn nhẫn. Chàng vô tư há hốc miệng. Chàng ngáy!
Hết phim.
*
Đoạn trên kia là do tôi phóng tác, tôi bịa ra từ tình huống của bài thơ, còn đây là chuyện thật, của tôi, tin hay không tuỳ bạn.
“Anh sẽ đối xử với em như thế nào nếu một ngày nào đó em đề nghị chúng mình chia tay?” Cô bạn gái của tôi hỏi.
Tôi cố nín cười, nghiêm sắc mặt, trả lời dứt khoát: “Anh sẽ tự tử, không phải bằng thuốc sâu, thuốc ngủ, không lao đầu vào xe tăng, xe tải. Anh sẽ treo cổ!”
Nàng nín thở, trợn mắt. Tôi vờ cúi xuống bẻ ngón chân kêu răng rắc để giấu nụ cười, tiếp tục hù nàng: “Từ đó về sau, mỗi đêm khi bóng trăng tà ngả về Tây, có con quạ đen bay trên nóc nhà, lượn mấy vòng rồi xuống đậu trên thành cửa sổ phòng em kêu lên từng tràng thảm thiết. Em giật mình tỉnh dậy, thấy ở góc phòng mờ mờ ánh trăng một xác người treo lủng lẳng, lưỡi lè ra, hai bàn chân trắng bệch đong đưa... Em hét lên, thì nó biến mất... Không chỉ một đêm. Đêm sau cũng vậy. Anh về. Cứ thế...!”
Nàng run lẩy bẩy, thở hào hển, hỏi dồn, “Rồi sao nữa?”
Tôi tự véo vào đùi mình cho thật là đau để khỏi phì cười: “Còn sao nữa! Rồi sẽ có một đêm cô quạnh nào đó, em tự kiếm cho mình một sợi thừng...”
Nàng hét lên, ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt lấy nàng. Nàng thỏ thẻ, vào tai tôi, “Em sẽ không bao giờ xa anh, chúng mình sẽ không bao giờ rời xa nhau...”
Tôi cũng luồn tay vào trong áo nàng, xoa xoa tấm lưng trần mềm mại. Tôi muốn hát khe khẽ, một đoạn nhạc tình ướt rượt, nồng thắm cho nàng nghe, một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, “Đừng xa nhau... đừng quên nhau... Đừng rẽ khúc tình nghèo...” [2]
Sau hôm đó một tuần, nàng thức dậy khi tôi còn ngủ. Nàng để lại cho tôi lá thư từ biệt trên bàn ăn, nàng chép lại nguyên xi bài thơ của cô Nồng Nàn Phố.
Nàng phải lấy chồng. Nàng đã đi lấy chồng. Nàng làm tôi đau lòng quá, nhưng tôi vẫn yêu nàng, yêu xiết bao!
*
Hết chuyện tôi bịa. Hết chuyện thật của tôi. Còn đây là chuyện của họ. Bạn thắc mắc họ là ai ư? Hãy xem ti-vi và đọc báo, nhưng tốt nhất là lên Facebook trong những ngày này, họ có hộ khẩu thường trú ở trên đó.
Mọi người đều hiểu mối quan hệ của họ với nhau theo kiểu đôi bên cùng có lợi, nếu cái lợi của đối tác to đùng mà cái lợi của mình bé tí thì đành chia tay, tìm một đối tác khác khá hơn. Chuyện thường tình là vậy, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Chúng tôi từng thấy họ hôn nhau, ôm nhau, thề nguyền sẽ hôn nhau, ôm nhau như vậy, hết thế kỷ này rồi qua thiên kỷ khác, mãi mãi không rời.
Chúng tôi chứng kiến họ thề thốt rằng mai sau cho dù sóng gió biển Đông, dù biển Đông có lắm tôm nhiều cá, có mỏ dầu mỏ mỡ, thì cũng son sắt một lòng bên nhau.
Rồi, chúng tôi chứng kiến, gã tình nhân to xác và thô bạo kia dang tay thẳng cánh tát vào mặt cô nhân tình bé bỏng đến nổ đom đóm mắt; gã gào lên rằng cô là đồ gái bao hư hỏng, gã sẽ ngưng bao cô, cho cô chết đói; gã phải dạy cho cô một bài học để bỏ cái thói lang chạ, phản trắc. Cô cũng không vừa. Cô bù lu bù loa gọi gã là đồ bạo dâm, đồ tham lam, đồ... bành trướng, rồi co chân tống vào dái gã một cú đau như thiến. Hai đứa lao vào nhau một trận sống mái, sứt tai gãy gọng, buông nhau ra, cùng hét vào mặt nhau rằng không đời nào ngó tới cái mặt chó của nhau nữa.
Nhưng rồi cô đói, cô vạ vật, nhan sắc phôi pha úa nhàu, chẳng ai đoái hoài đến cô. Thằng khốn kia cứ rình rình thấy cô lơ đãng là ra tay nện cô một cú. Cực chẳng đã, cô lại phải cầu cạnh gã, xin làm hoà, lại dọn về cạnh gã. Cả hai lại hẹn thề với nhau. Bản tình ca của họ lại được cất lên ra rả, tha thiết, nồng thắm. Họ mua tranh thêu chữ vàng, treo ở phòng khách của nhà nhau, để ghi nhớ tâm nguyện trọn đời yêu nhau...
?y thế mà thằng vô lại cứ xử tệ với cô hết lần này tới lần khác. Tuần qua gã vừa nện cô một trận. Gã làm nhục cô, hung hãn giật phắt, xé rách váy cô, nhổ nước bọt vào mặt cô.
?y thế mà lần này cô lại cam chịu. Ấy thế mà cô không phản ứng lại. Ấy thế mà không có ai lao đầu vào xe tăng xe tải, hay làm một hơi hết chai thuốc sâu rầy, hay là chui đầu vào sợi dây thòng lọng, cho bớt nhục. Cô tự an ủi rằng cái số mình nó tệ như vậy thì đành phải chịu, biết đâu có ngày thằng khốn nạn hồi tâm; khi hồi tâm thì gã lại yêu cô vì gã cũng là một đứa cô độc trên cõi đời này như cô. Còn bây giờ thì ráng trân mình nhịn nhục cho gã đạp, cho gã nện, cho gã làm nhục. Người ta gọi đó là cái thú mê muội, đau thương. Cô gọi là đấu tranh theo phương pháp hoà bình.
Dù đau lòng lắm, dù muốn lắm, tôi cũng không thể đưa câu chuyện tình hết vỡ lại lành, hết lành rồi lại vỡ của họ vào thơ như thi sĩ Nồng Nàn Phố.
Vả lại, chuyện cho đến nước này thì cô có muốn bỏ gã đi lấy chồng cũng không được, cũng muộn màng rồi. Vì sao ư?
Vì cô sợ rằng mình đã lỡ thì!
Cô nằm mãi bên gã. Cô không dậy. Cô kiên quyết đấu tranh bằng phương pháp hoà bình với gã. Cô không lấy chồng!
Tệ hơn nữa, cô nghiện cái mùi hôi nách rất mất vệ sinh của gã, nghiện đậm, dứt không ra.
_________________________
[1]Thơ của nhà thơ Trịnh Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc.
[2]Ca khúc “Đừng xa nhau” của nhạc sĩ Phạm Duy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét