Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Không thể để họ được đằng chân lân đằng đầu


Thanh Thảo 
Giàn khoan HD 981 - một “quả núi di động” đã được Trung Quốc ngang ngược đặt vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam đúng 119 hải lý, và nằm sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật quốc tế qui định (200 hải lý) là 81 hải lý. Đây rõ ràng là một hành động xâm lấn, nằm trong ý đồ độc chiếm biển Đông qua hình tượng ảo “đường lưỡi bò chín đoạn” mà Trung Quốc rêu rao từ mấy năm nay. Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc, cũng như quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974 tới nay vẫn không phải là quần đảo của Trung Quốc. Dù là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, với dân số đông nhất nhì thế giới, nhưng không phải vì thế mà Trung Quốc muốn làm gì thì làm, muốn ngang nhiên áp đặt ý đồ thôn tính hay lấn chiếm của mình thế nào cũng được lên phần lãnh hải của các nước khác trên biển Đông đã được luật quốc tế minh định. Cách Trung Quốc huy động hơn 80 tàu chiến giả trang tàu kiểm ngư hay tàu đánh cá, lao thẳng đâm vào các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam đang nói “phải không” với họ ở khu vực họ đặt trái phép giàn khoan HD 981, làm hư hại tàu Việt Nam, lại dùng vòi rồng cực mạnh phun nước gây thương tích cho cán bộ và nhân viên Việt Nam, là một hành động côn đồ đã được tính toán trước. Họ muốn uy hiếp tinh thần, muốn gây tâm lý căng thẳng cho phía Việt Nam, tạo áp lực về số đông để Việt Nam phải sợ hãi. Điều đó cũng nằm trong chiến lược tâm lý của Trung Quốc khi muốn uy hiếp các nước trong khu vực có lãnh hải ở biển Đông. Nhưng biển Đông không chỉ là nơi có những vùng biển đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, nó còn là huyết mạch trong giao thông đường biển quốc tế. Trung Quốc không thể dùng cách của bọn cướp biển để độc chiếm biển Đông, ngăn cản mọi hoạt động bình thường trên vùng biển vốn thanh bình này. Bởi đó là hành động không chỉ gây căng thẳng khu vực, mà còn phá hoại hòa bình và lưu thông hàng hải của cả thế giới. Không phải vô cớ mà liền trong 2 ngày 6 và 7-5-2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những phát ngôn chính thức lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Phát ngôn viên Jen Psaki trong cuộc họp báo thường kỳ tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington đã tuyên bố: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại về cách hành xử và hăm dọa nguy hiểm của tàu bè tại các vùng biển có tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hành xử một cách an toàn và thích hợp, giải quyết các yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Bà Psaki cũng nhấn mạnh quyết định của Trung Quốc khi hoạt động giàn khoan là hành động “khiêu khích và vô ích” đối với nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Việt Nam luôn luôn là nạn nhân của Trung Quốc trong các hành động lấn chiếm hay gây sức ép, cậy lớn “ăn hiếp” nhau trên biển Đông. Việt Nam luôn luôn kiên trì với đường lối hòa bình, hợp tác hữu nghị, nhưng không phải với bất cứ giá nào, nhất là khi những cái giá ấy xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Vụ việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đúng 119 hải lý không chỉ là hành động “khiêu khích và vô ích” mà chính là hành động ngang nhiên lấn chiếm, gây áp lực để lấn chiếm, và dùng biện pháp hăm dọa để lấn chiếm. Nhân dân Việt Nam vô cùng phẫn nộ với lối hành xử kiểu “côn đồ trên biển” này của Trung Quốc, và cũng nói thẳng với Trung Quốc là chúng ta không sợ. Trong quá khứ, Việt Nam vô cùng yêu hòa bình đã chưa bao giờ sợ Trung Quốc, thì bây giờ và trong tương lai cũng vậy. Khát vọng sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc không đồng nghĩa với sợ hãi từ phía Việt Nam. Thế giới ngày nay đã khác. Không thể dùng vũ lực, hăm dọa, cường quyền và số đông để áp chế trong các quan hệ từ kinh tế tới chính trị. Không thể “cả vú lấp miệng em” cũng như không thể cứ “được đằng chân lân đằng đầu” như cách Trung Quốc hành xử trong vụ đặt giàn khoan khổng lồ trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng ta nhất quyết không để cho Trung Quốc làm việc này, không chỉ vì chủ quyền lãnh hải của mình, mà còn vì an ninh, hòa bình, sự công bằng trong quan hệ quốc tế trên biển Đông.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: