Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Hạ màn, hết phim, ....đăng bài cuối:

Rằng trong hoạn nạn mới tỏ lòng nhau

Xuân Ba 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino
Đến thời điểm này, các phương tiện truyền thông đã loan tin rộng rãi về kết quả chuyến đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2014, thăm làm việc của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schawab.


 May mắn có một cuộc gặp với Thủ tướng  sau chuyến thăm, người viết bài này muốn nối thêm kết quả ấy bằng vài chuyện bên lề mà Thủ tướng mới vừa chia xẻ…

Về cuộc họp hẹp quá giờ

… Lịch hoạt động dày đặc kín mít của chuyến đi cùng cường độ làm việc vẫn thường thấy của các chuyến công tác nước ngoài vẫn không hề hấn đến phong thái khoát hoạt lanh lẹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như vẫn giữ nguyên vẻ xúc động khi nhắc đến Tổng thống nước chủ nhà B. Aquino. Thủ tướng bộc bạch, mới cách  đây ít  ngày,  ngày 11-5- 2014, trong cuộc gặp riêng với các nguyên thủ ASEAN để thống nhất một âm hưởng chủ đạo việc chuẩn bị  ra một Tuyên bố chung về tình hình căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan HD- 981 ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam,  Thủ tướng rất ấn tượng với Tổng thống Benigno Aquino là một trong những nguyên thủ nhiệt tình tích cực nhất. Tổng thống lại nhiệt tình chia xẻ thông tin, những chi tiết mới nhất với những người đồng cấp ASEAN có mặt khi ấy về vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc ra Tòa án LHQ.

            Tôi chợt nhớ, sau chuyến đi, dư luận quốc tế cho rằng Chính sách nhất quán của Việt Nam là ba không. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự và không cùng với một nước chống lại nước thứ ba. Và tình thế sẽ diễn ra là,  không có tàu dù mạnh tới đâu của một nước thứ ba hoặc của một liên minh quân sự đó có thể đẩy lùi giàn khoan của Trung Quốc. NhưngViệt Nam đã đột phá một bước chưa có tiền lệ là khôn khéo chơi với Philippine, một đồng minh của Mỹ để trực tiếp kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế ( chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer nói với hãng Reuters)

 Nghe vậy thì biết vậy nhưng mối nhiệt tình thiện cảm với hành động chính nghĩa để bảo vệ chủ quyền lãnh hải đối với Việt Nam của Philippine mà Thủ tướng đang chia xẻ đây là có thực. Chợt nhớ đến ca từ trong một ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn rằng trong cơn hoạn nạn mới tỏ ( biết) được lòng nhau…

  Cụ thể, qua câu chuyện với Thủ tướng, tôi cũng được biết thêm duyên do của cuộc gặp hẹp giữa Thủ tướng và Tổng thống nước chủ nhà kéo dài gấp đôi so với thời gian dự kiến mà báo chí của nước ngoài từng đề cập là chưa rõ nguyên nhân?

Dự kiến cuộc gặp hẹp trước thời điểm diễn ra Hội đàm dự định chỉ hơn 30 phút. Nhưng khi Thủ tướng Việt Nam ngồi với Tổng thống Philippine thì không phải ngẫu hứng mà công việc cụ thể trước mắt cũng như lâu dài  phải bàn soạn trên âm hưởng chủ đạo nhiệt thành và tin cậy.  

Sự nhiệt thành tin cậy ấy đã có cơ sở sâu nặng. Tháng 11-2002, hai nước ký Khuôn khổ Hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21. Tháng 10-2011, hai nước ký Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016, định hướng cho quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nhất trí đưa quan hệ lên tầm chiến lược.

Đặc biệt về quan hệ an ninh, quốc phòng, hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký kết: Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng (10-2010); Bản Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines. Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines.

Hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hai nước. Đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Nhóm chuyên gia pháp lý về các vấn đề trên biển để thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề liên quan đến biển.

             Nghe Thủ tướng điểm qua những dấu mốc của quan hệ hữu nghị hợp tác, lại nhớ  thêm cuộc thăm gặp giữa hai Ngoại trưởng Việt Nam và Philippines tháng 8 năm ngoái. Báo chí Philippines đã dẫn lời Ngoại trưởng del Rosario  rằng ông và người đồng nhiệm Việt Nam  đã thảo luận làm sao để thúc đẩ̀y hợp tác, trong đó có cả việc chia sẻ thông tin nhằm bảo vệ lãnh thổ trước các đe dọa ngoại xâm.

            Ngoại trưởng del Rosario cũng cho hay, Philippines và Việt Nam có chung quan điểm không chấp thuận đề xuất của Trung Quốc về khai thác chung trong những vùng tranh chấp.
Rồi cuộc thăm gặp giữa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với người đồng nhiệm Voltaire Gazmin được truyền thông Philippines, tường thuật khá chi tiết. 

Thủ tướng dừng lâu hơn ở mấy cái cùng. Hai nước cùng hợp tác kinh tế ngông nghiệp và biển cùng chia ngọt xẻ bùi trong cộng đồng  ASEAN đangcùng nhau lập một ủy Ban công tác chung và cùng xây dựng đối tác chiến lược. Và bây giờ  lại cùng cảnh ngộ cùng bị bắt nạt về chủ quyền biển đảo. Cùng bị đường lưỡi bò ngang phè thò ra như thòng lọng đe dọa… Trước hiểm họa ấy,  Việt Nam và Philippine cùng hợp tác cùng kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để bảo vệ chủ quyền Biển đảo và lãnh hải chính đáng theo Luật pháp quốc tế. Những việc ấy phải choán nhiều thời gian.

Nghĩ đến Bác

Tôi cũng trao đổi với Thủ tướng ý kiến của nhiều bạn đọc đại loại, chúng ta có chính nghĩa, có cơ sở pháp lý nhưng… cô đơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền? Rằng để phá thế cô đơn Việt Nam nên đứng trong một liên minh nào đó vv và vv…

Thủ tướng không trả lời trực tiếp mà kể lại cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng với Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano J.Belmonte.  
.
Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, ông Belmonte và các Nghị sỹ hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Tổng thống Benigno Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông. Hạ viện Philippines cũng ủng hộ lập trường của hai nhà lãnh đạo rằng hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte cũng chia sẻ với Thủ tướng rằng ông có hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách thức mà Việt Nam giải quyết tranh chấp và xung đột với Trung Quốc để duy trì nền độc lập của mình.
.
Chủ tịch Hạ viện Philippines cho biết không chỉ ông mà ngay cả những nghị sỹ gốc Hoa tại Hạ viện Philippines cũng phẫn nộ trước động thái Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam.

Sự ủng hộ của thế giới với chính nghĩa của Việt Nam, sự đồng thuận trên dưới một lòng là một trong những sức mạnh tổng hợp làm nên các phương án bảo vệ đất nước…

            Cũng nhiều ý kiến hối thúc rằng Việt Nam nên trong một đội hình liên minh nào đó. Nhưng chính sách nhất quán của Việt Nam trước sau vẫn làKhông cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự và không cùng với một nước chống lại nước thứ ba, nói đến đây chất giọng Thủ tướng như trầm xuống, chúng ta có quá nhiều bài học kinh nghiệm xương máu về những liên minh này khác.  Có lẽ ý kiến nào đó đã đúng khi khẳng định, không có liên minh phe phái nào vững bền mà chỉ có lợi ích chủ quyền chính đáng của quốc gia là bền vững.  Trong các mối quan hệ, lợi ích quốc gia là tối thượng là đầu tiên. Hợp tác khác với liên minh. Hợp tác cùng phát triển kinh tế cùng kêu gọi cộng đồng quốc tế để bảo vệ chính nghĩa bảo vệ chủ quyền theo luật pháp quốc tế chứ không phải chống lại Trung Quốc. Nghĩa vụ ấy đối với mỗi quốc gia là thiêng liêng và đều có lợi ích cơ bản lâu dài trong đó.

  Thủ tướng chốt lạị vấn đề với vẻ bình thản tự tin  nhưng chất giọng dứt khoát. 

 Buổi họp báo quốc tế chiều 21-4 tại Phủ Tổng thống Phi Luật Tân của Tổng thống B. Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong điểm nhấn của chuyến thăm.

Có thể nói cấp độ ngôn từ  ở diễn đàn song phương Manila và tại cuộc họp báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  như được gia tăng cường độ và tỷ lệ thuận với hành động gây hấn của Trung Quốc?

Thủ tướng khẳng khái trước các nhà báo, tôi và Tổng thống Philippines cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông…”

 "Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Tôi cũng thông tin lại dư luận và cụ thể là những comment trên báo mạng trong và ngoài nước đã bày tỏ thái độ đồng tình hoan nghênh phát biểu ấy của Thủ tướng. Ông cười, chất giọng bình thản khi tôi hỏi, tâm trạng Thủ tướng lúc ấy? Trước khi phát biểu Thủ tướng đã nghĩ gì? Cứ gì một Thủ tướng mới phát biểu được như vậy?  Và có gì mà phải nghĩ ngợi? Nó nằm lòng lâu nay rồi. Nó  ở trong máu mình, trong máu của người Việt mình rồi…  Thủ tướng bộc bạch thêm, khi ấy mình nghĩ đến Bác Hồ, đến những thời khắc gian nan của đất nước Chúng ta đã nhân nhượng, nhưng cáng nhân nhượng… Nghĩ đến câu nói nổi tiếng của Người Không có gì quý hơn độc lập tự do. Qua sự bày tỏ nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó mình muốn nhắn nhủ những ai đó còn mơ hồ ảo tưởng…

Khi người giúp việc của Thủ tướng xuất hiện, tôi giật mình ngó đồng hồ. Đã qua mười hai giờ rưỡi trưa…

 Vị chủ nhà mến khách
 
Tôi chợt liên tưởng có chút gì na ná giữa tính cách lẫn tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống B. Aquino? Lần thăm Hàn Quốc, trong buổi chuyển giao một số khí tài quân sự cho Philippiness, Tổng thống đã phát biểu thế này 

"Chúng tôi không muốn gây sự với ai, nhưng chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ chủ quyền. Khi chúng tôi tôn trọng quyền của các quốc gia khác thì cũng đòi hỏi họ phải tôn trọng chúng tôi”  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng thẳng thắn Mua tàu ngầm, Việt Nam không đe dọa ai. Chúng ta đang sống trong hòa bình, song nhiệm vụ xây dựng quốc phòng vẫn hết sức quan trọng. Do vậy, quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng hải quân  cần thực hiện nhiều giải pháp sát thực nhằm xây dựng lực lượng thực sự chính quy, hiện đại, đủ khả năng để tự vệ,  bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Tính cách vị Tổng thống độc thân tuổi 54 này khá là độc đáo. Một viên đạn trong những năm tao loạn khi đời sống chính trị quốc gia xáo trộn thời thơ ấu hiện còn đương găm trong cổ dủ để TT Benigno Aquino thấm hơn ai hết giá trị của một quốc gia hòa bình ổn định. Nhưng cũng đủ cái cần cổ vị TT này đủ cứng luôn ngẩng cao đầu trước những kẻ hăm dọa bắt nạt này khác về chủ quyền biển đảo quốc gia. Ông thẳng tay điều tàu hải quân ra xua đuổi tàu quân sự Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippiness ở  bãi cạn Scarborough thuộc Biển Tây chỉ cách đất liền Philip hơn 200 km, nhưng cách Trung Quốc những hơn 800 km mà họ ngược ngạo  là thuộc Biển Nam Trung Hoa!

             Năm 2013, TT Aquino đã làm cả thể giới chú mục lẫn xôn xao với động thái hy hữu. Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án trọng tài của Liên Hợp Quốc.   Nội dung kiện là phía Trung Quốc đã áp đặt cái đường lưỡi bò 9 đoạn quái đản, trái lè lè so với những quy định của Công ước luật Biển 1982 mà Trung Quốc và Philippines là thành viên.

(Chợt nhớ mới đây tại diễn đàn với một số nhà khoa học trẻ, trước câu hỏi có kiện Trung Quốc ra LHQ không, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thận trọng nhưng thẳng thắn rằng,   kiện ra tòa cũng là giải pháp hòa bình. Nhưng cùng cực, không thể nói chuyện với nhau thì mới mang nhau ra tòa. Nhưng đã ra tòa rồi, như bát nước đổ xuống, lấy lại rất khó) và bây giờ giữa thanh thiên bạch nhật Manila, Thủ tướng việt Nam thẳng thắn trước các nhà báo và công luận "Như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế".

            Tổng thống B.Aquino từng thản nhiên mỉm cười thẳng thừng khước từ trước võ… bẩn của nước nhớn rằng phải rút tất tật những khiếu kiện đường lưỡi bò ra Tòa án LHQ thì mới cho sang  dự Hội chợ Nam Ninh ( tháng 9-2013) !?. Rồi ông lại bất ngờ… cảm ơn hãng Xinhua ( từng thóa mạ ông) bằng câu nói nổi tiếng người ta không biết ăn nói ra sao để  trả lời một vấn đề thì người ta thường giở thói lăng mạ. Càng lăng mạ thì càng chứng tỏ lập trường của Philippiness càng đúng! ( trả lời New York Times ngày 4-2-2014)

            Thân phụ ông dường như đã đo lường tính cách lẫn hậu vận  của người con trai khi sau này, có thời điểm phải đứng đầu việc chèo lái con tàu Philippiness bằng di huấn viết năm 1973 như thế này 

Lời khuyên duy nhất cha dành cho con đó là sống tự trọng và có lương tâm.
Không có nơi nào tốt đẹp hơn Tổ quốc của chúng ta. Không ai tuyệt vời hơn nhân dân của chúng ta. Hãy phục vụ họ bằng con tim, ý chí và tất cả sức mạnh của con.

              Với đặc thù địa lý, tạo hóa đã oái oăm bày đặt  những cơn bão nhiệt đới xuất phát từ quần đảo Luzon của Philippiness. Nhưng với vị thế địa- chính trị bây giờ,  từ Luzon, từ Philippiness đang phát đi những tín hiệu lành.  Đã và đang là nơi xuất phát sớm nhất, phát tán rồi hợp thành sức mạnh của những cơn bão khắp Biển Đông với sứ mạng  đòi và khẳng định chính đáng chủ quyền  biển đảo của nhiều quốc gia?

            Dường như những gắng gỏi mềm dẻo khôn khéo đôn đáo ngược xuôi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải, và sự kiện chuyến thăm vừa rồi của TT Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống B. Aquino như đang minh chứng, đang tiên phong cho phẩm chất của các nhà lãnh đạo ASEAN rằng người lãnh đạo giỏi chưa hẳn là người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với người khổng lồ bành trướng hiếu chiến phương Bắc mà là đang biết tránh cho đất nước  các cuộc chiến tranh.

Và nữa, cũng phải biết chuẩn bị cho đất nước đương đầu với các cuộc chiến không mong muốn, nếu nó xảy ra?

23-5-2014
X.B
Bài đã đăng Tiền Phong, đây là bản gốc


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: