Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Những tháng năm cuồng nộ – Chương 1

bia_nhung_thang_nam_cuong_no

Lời mở đầu
Một nơi không ngày tháng 
Tôi chỉ là một công dân hạng hai cầm bút chứ không phải là nhà văn. Lại càng không phải là nhà văn có thương hiệu cho dù là cấp xã hay cấp nhà nước. Tôi viết trước hết cho các con tôi vì chúng rất mù mờ không hiểu cha ông chúng đã sống và đã chết như thế nào trong suốt hơn nửa thế kỷ giông bão vừa qua.
Tôi có người bạn bảo bây giờ viết như Kinh Kha buồn. Nghĩa là biết chẳng tới đâu mà vẫn phải cầm lấy bút như cây chủy thủ. Tôi nghĩ còn hơn Kinh Kha buồn vì sông Dịch bây giờ chẳng những lạnh mà hoang vắng đến rợn người. Chẳng có một tân khách nào dám tiễn đưa. Cái đất Tần ấy lúc này đang ngút trời gươm đao bất trắc.
Từ lúc nạn đói năm Ất dậu đến nay có bao nhiêu triệu công dân hạng hai Việt Nam đã chết? Hai triệu? Năm triệu? Hay mười triệu? Chết vì đói, vì thủ tiêu, vì đấu tố, vì tố cộng, vì Mậu thân, vì cải tạo, vì vượt biên… Cho dù ở bên nào họ cũng chỉ là những nông dân nghèo, cả đời khát khao mảnh vườn thửa ruộng. Chính vì vậy mà họ bị lừa phỉnh, bị lợi dụng, bị sai khiến. Cho đến bây giờ những kẻ sống sót cũng không còn là những nông dân thuần Việt như xưa.
Cái làng An Định không có trên bản đồ Việt Nam nhưng nhất định là có trong tâm tưởng của nhiều người. Và số phận của họ cũng trôi nổi như nhân vật bị thả trôi sông. Con sông ấy là con sông lịch sử.
Cũng như nhân vật chính trong truyện vừa mới sinh đã bị đem thả trôi sông, tôi thả tác phẩm của mình lên mạng. Sống chết thế nào là số phận của nó. Dù sao tôi cũng xin được cảm ơn.
Trân trọng,
K. Đ.
1.
Người đã sinh ra tôi nhưng không dám nhận tôi là con chắc vẫn muốn cho tôi được sống. Bởi vì, mặc dù thả tôi xuống sông, nhưng bà vẫn cẩn thận đặt tôi vào lòng một chiếc nắp bầu có trét dầu rái và đắp lên ngực tôi một chiếc yếm mà mãi sau này tôi vẫn còn nghe phảng phất mùi mồ hôi.
Dòng sông đưa tôi đi vô tình như bao lần đưa những xác súc vật mà người ta vẫn thường ném xuống. Nếu hôm đó không có một người đang đãi cát tìm hến và không có một cơn gió nhẹ bất chợt thổi qua đưa cái nắp bầu tấp vào chân bà thì không biết số phận của tôi trôi nổi đến bờ bãi nào và liệu tôi còn có đủ cơ may để mà sống sót ở đời hay không!

Cô Sáu nói, lúc đầu tao hoảng hồn tưởng là ma da định bỏ chạy lên bờ, nhưng nhìn kỹ thấy cái mặt mày tím ngắt, tao vội vàng mang cái nắp bầu chạy thẳng vào lều. Tao giựt đại một tấm tranh đốt lửa để sưởi ấm cho mày. May quá, nhà có con chó mới đẻ, tao nhét thử cái vú nó vào miệng mày, trời ơi, mày bú ngon lành!
Như vậy, cô Sáu nói tiếp, con chó đó cũng như mẹ của mày. Ừ thì là mẹ của tôi, hay đúng hơn nó coi tôi như một trong bầy con của nó. Ngoài việc phải nằm phơi bụng ra cho tôi bú, nó còn dọn sạch cả cứt đái do tôi thải ra. Nó thường đưa cái lưỡi dài liếm láp khắp mặt mũi mình mẩy tôi. Nhờ vậy tôi trùi trũi lớn lên, không bị ghẻ chóc đầy mình như những đứa con nhà nghèo khác.
Cái ngã ba sông vắng lặng và buồn hiu bỗng trở nên ồn ào khi tôi được đồn thổi là chó đẻ ra người hay tệ hơn là người lấy chó đẻ ra tôi! Không ngày nào là không có người đến xem và mặc dù chẳng ai dám tới gần vì con chó cái canh giữ tôi quá cẩn thận, nhưng khi ra về ai cũng bảo đích thị chính con chó ấy đã đẻ ra tôi.
Khi cô Sáu đem tôi xuống chùa Thiên An xin “bán” cho Phật để lũ ma da ở ngã ba sông không dìm chết tôi, người khắp nơi kéo đến xem còn đông hơn cả đi lễ rằm tháng bảy. Mặc cho con chó nhe hàm răng trắng nhỡn ra gầm gừ hăm doạ, người ta vẫn cứ vạch đít tôi ra xem có cái đuôi như đuôi chó hay không. Người ta còn kéo cả chim vừa cười vừa bảo là giống hệt c… chó!
Cho dù tôi có do người hay chó đẻ ra, ngài hoà thượng vẫn xem tôi là một sinh linh bé bỏng cần được Đức Phật chở che, nên ngài đã nhẹ nhàng bọc quanh tôi một tấm vải màu vàng, vừa niệm Phật vừa luồn tôi vào giữa bụng một cái đại hồng chung, bảo đệ tử nện đúng mười hai chày đến nỗi lúc nào tôi cũng nghe như có tiếng chuông ngân nga ở trong đầu!
Vì đã vắt hết sữa cho tôi bú nên con chó teo tóp không còn đủ sức đẻ đái gì nữa. Nó thành bạn suốt ngày chơi đùa với tôi. Nó thường rít lên những tiếng ư ử, sủa hắc hắc rồi vụt chạy cho tôi đuổi theo. Khi đuổi kịp, nó liền nằm lăn ra đất để cho tôi nằm đè lên. Nó rối rít đưa cái lưỡi liếm khắp mặt tôi như thể tôi vừa đi đâu xa mới về. Chơi chán, tôi và nó cùng nằm lăn ra ngủ. Khi cô Sáu đem tôi xuống sông tắm rửa, nó vẫn chưa thôi cái cơn đùa giỡn. Nó bơi tít sang bờ bên kia đứng chóc mỏ lên mà sủa. Rồi nó lại lộn qua đuổi theo cô Sáu, chạy quắn quít khắp nhà. Cô Sáu phải nện một cán chổi vào lưng, nó mới chịu nằm yên.
Một hôm, tôi và nó cùng chơi và cùng ngủ cạnh nhau như thế, thằng thủ ngữ Đực chuyên ăn trộm chó, đã lén quẳng dây thòng lọng vào cổ nó, lôi đi. Khi cô Sáu tôi tìm được thằng khốn nạn thì “người mẹ” tội nghiệp của tôi chỉ còn lại cái đầu đang bị nó gặm nham nhở!
Cô Sáu, người đã cứu vớt tôi khỏi cái chết của một đứa bé vừa mới sinh đã bị đem thả trôi sông, người đã nuôi nấng dạy bảo nhiều khi đánh mắng tôi, người mà tôi thiết tha muốn gọi mẹ nhưng cô vẫn không cho. Cô nói, tao chưa có chồng sao lại có con được. Mày cứ gọi tao bằng cô, khi nào tìm được người đã đẻ ra mày thì hãy gọi mẹ. Đâu phải bạ ai cũng gọi là mẹ được.
Nhưng biết đến bao giờ! Cứ như lời cô phỏng đoán thì mẹ tôi phải là người ở thôn An Đông chứ không ở đâu xa lạ. Nếu ở xa thì khi vớt được cái nắp bầu lên, là tôi đã chết cóng từ lâu rồi. Và cũng bởi vì chỉ có ở An Đông chuyên nghề làm cốm mới có những chiếc nắp bầu trét dầu rái để tránh nước mưa và giữ cốm cho dòn. Tôi đã đi khắp An Đông, chui vào các lò cốm, để mặc cho người ta đùa cợt sờ nắn, nhưng vẫn không biết ai là người đã đẻ ra mình. Mà dẫu cho có ai đó thì cũng không chắc đã đủ can đảm để nói với tôi rằng, ta chính là mẹ của con để cho tôi đựơc sung sướng gục đầu vào lòng mà khóc gọi Mẹ !
Tuy cô Sáu không cho tôi gọi mẹ, nhưng lòng tôi lúc nào cũng thầm gọi cô là Mẹ. Mẹ Sáu, Mẹ Sáu ơi ! Tôi gọi thế khi tôi ốm đau, khi tôi tuyệt vọng. Người cô thấp nhỏ, đen, một con mắt gần như bị chột vì một cành tre đâm phải. Tôi không biết cô bao nhiêu tuổi, nhưng trông cái dáng người khô đét như trái mướp khô, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm, cô đúng là bà ngoại và tôi là đứa cháu nhỏ.
Nhà cô, thực ra là cái chòi rách của cô, nằm ở địa đầu thôn Trung Lương. Đó là một doi đất mà những cơn lụt mỗi năm tràn qua đã cuốn hết đất màu, chỉ còn trơ lại cát gọi là đồng cây Sanh. Gọi là đồng nhưng chẳng có một cọng lúa hay cây bắp nào, chỉ lơ thơ một vài cây sậy lúc nào cũng nghiêng ngả trong gió như những người say rượu. Vào mùa nắng, những cơn gió nam đuổi bắt nhau trên bãi, tung cát lên cao, uốn lượn một hồi rồi trút cả xuống thôn Trung Lương. Cát trên mái nhà, trong buồng ngủ, trong mâm cơm, cát nhiều đến nỗi cả một xóm đầu thôn phải bỏ đi nơi khác, chỉ còn lại mỗi một chùa Thiên An phơi mình ra chịu trận.
Đồng cây Sanh mỗi năm một phình to ra và cái ngã ba sông càng ngày càng hoang vắng hơn. Khi mùa mưa tới, chỉ trong một vài ngày là cả cánh đồng mênh mông như biển. Cô cháu tôi phải đem nhau vào trú trong mả Thập Miên. Đây là những ngôi mộ cổ nằm san sát bên nhau như những con trâu được ai đó lùa lên gò để tránh lụt. Cô cháu tôi mỗi người chui vào một nhà mồ thấp lè tè, che gió bằng một tấm tranh rồi nằm cuộn tròn trong đó suốt đêm như một con cuốn chiếu. Bên ngoài, gió rít lên the thé, sục sạo từng ngôi mộ như đang lùng kiếm lũ quỷ không đầu cũng đang lẫn trốn đâu đó.
Cô Sáu nói, mấy mươi năm trước dân các làng nổi lên làm giặc. Họ là những người đàn ông trong tay chỉ có mỗi một cây rựa nên gọi là giặc Rựa. Họ cắt phăng búi tó, rùng rùng kéo nhau lên phủ xin giảm xâu giảm thuế. Quan phủ hoảng sợ phải đóng cửa thành. Họ liền tràn vào các vùng phụ cận, gặp ai để búi tó là đè ra cắt phập. Họ tung hoành đến cả tháng. Mãi đến khi quan công sứ cho lính Pháp hợp cùng với lính tập vây bắt suốt mấy ngày mới dẹp được yên. Bọn họ bị triều đình khép tội làm giặc và những ai ở ba làng An Định, An Đông và Trung Lương đều bị đem chém ở đồng cây Sanh. Đầu của họ bị đem bêu trên những cái cọc cắm ven đường, còn xác thì đem chôn ở bãi cát. Chỉ một mùa lụt là bao nhiêu cái xác không đầu đều bị nước cuốn trôi, xương trắng lăn lóc khắp cả cánh đồng, vung vãi tận các khu vườn ở thôn Trung Lương. Hoà thượng chùa Thiên An cho các sư sãi đi thu nhặt, gom thành một đống lớn hoả thiêu rồi lập đàn giải oan.
Mặc dù nhà chùa đã tụng kinh siêu độ đến bảy ngày, nhưng nỗi oan to lớn quá nên những con ma không đầu không thể nào siêu thoát được. Chúng biến thành quỷ cứ rền rĩ khóc than mãi. Trời nắng chúng quay cuồng thành cơn gió trốt, trời mưa chúng biến thành những đám ma trơi lập loè. Một đôi khi chúng biến thành người cùng đi với khách bộ hành, cũng hỏi han chuyện trò, đến khi nhìn mặt mới biết là không có đầu!
Nhưng, vẫn theo lời cô Sáu, những con ma đã biến thành quỷ ấy tuy đáng sợ thật, nhưng những con quỷ sống mới đáng sợ hơn. Đó là những bọn ăn mày chúa. Chúng tụ tập thành bầy đến vài mươi đứa tôn một thằng lên làm chúa. Ngoài việc ăn mặc lôi thôi rách rưới đã đành, chúng còn bó vào chân nào đầu tôm ruột cá để ruồi nhặng bám theo vo ve như đàn sáo. Thằng chúa nằm nghễu nghệnh trên một cái võng rách để cho hai thằng mù khiêng đi xiên xẹo, hai bên lại có hai cái lọng bằng nón cời do hai thằng thọt cầm. Việc đầu tiên khi vào được nhà ai là chúng tìm cách chọc cho chó cắn. Chỉ cần một con chó hung hăng ngu dại nào đó đớp một phát vào một đứa trong bọn là y như rằng bọn chúng trúng lớn. Cả lũ tức thì nằm lăn ra đất, vật vã kêu gào như đang bị ai thiến. Chúng nằm đó suốt ngày, hết khạc nhổ đến ỉa đái cho đến khi chủ nhà chịu hết xiết, phải đem gạo thịt tiền bạc ra van xin hết lời chúng mới chịu đi cho!
Vì vậy, khi nghe tụi ăn mày chúa kéo tới đầu làng, nhà nào cũng vội vàng nhốt chó, đóng chặt cửa như trốn giặc. Những nhà giàu phải đem gạo tiền ra tống tiễn để chúng đi qua làng khác. Cả đám hương lý cũng phải xén bớt quỹ làng, ngọt ngào năn nỉ nếu không chúng tới nằm vạ trước đình làm ô uế đến cả thánh thần. Ngã ba sông là nơi chúng ưa thích dừng chân. Từ đây, chúng đi tới các làng ven sông mà không bỏ sót một làng nào. Chiều tối chúng kéo nhau về bãi cát tháo bỏ những thứ dơ dáy hôi hám, tắm táp kỳ cọ rồi tươi tỉnh ăn uống no say. Chẳng đứa nào câm. Cũng chẳng thằng nào chột, con nào què. Đứa nào cũng mạnh khoẻ béo tốt. Thằng ăn mày chúa lại có cả vợ hầu, cơm rượu xong lại rửng mỡ rúc rích suốt đêm. Có lần chúng đem gạo thịt tới cho cô Sáu nhưng cô không thèm nhận. Cô bảo thà chết đói chứ không bao giờ đụng vào của bất nhân.
Cô Sáu kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện như thế, nhưng không hề nói cho tôi biết một chút gì về gốc gác của cô. Cô bảo, tao cũng là đồ trôi sông lạc chợ như mày, có hơn gì đâu mà nói. Ngay cả tên cô nghe cũng rất lạ đời, đàn bà ai lại đặt tên Chơi. Nhưng cô cười bảo tao ham chơi quá, người ta chửi mãi lâu ngày thành tên.
Nói vậy chứ cô là người rất chăm làm. Sống bằng nghề đi mót, đánh tranh giũ rạ thì chơi thế nào được. Có điều cô làm những việc tẳn mẳn buồn bã ấy một cách rất nhẹ nhàng vui vẻ, làm mà cứ như chơi vậy.
Thường thì bọn đi mót vừa đông vừa gian không thua gì bọn ăn mày chúa. Họ lấy cớ đi mót để rút trộm lúa, bẻ trộm bắp, nên chủ ruộng nào cũng đem theo một cây roi dài để thả sức mà quất lên lưng lên nón. Cô Sáu tôi không muốn bị đánh như đánh chó. Đợi cho lúa được bó xong gánh hết về nhà và cả bọn cướp cạn kia bỏ đi, cô cháu tôi mới xuống ruộng gom hết những hạt thóc rơi trước khi lũ vịt chạy đồng kéo tới. Chúng tôi cũng quét cả lúa rụng trên đường đi mặc dù có lẫn cả đất và phân trâu bò. Nhưng có hề gì, sau đó cô tôi đem hết ra sông đãi, chỉ trong chốc lát là có cả một mớ lúa vàng. Mót như thế thì chẳng ai thèm tranh với cô cháu tôi ngoài một vài con chim sẻ chim cu thỉnh thoảng sà xuống đớp vài hạt. Mùa mưa nước ngập đồng thì chúng tôi lại kiếm khá hơn vì bọn đi mót giả bộ kia không chịu được ướt át lạnh lẽo. Chúng tôi nhiều khi được thợ gặt chừa lại cho cả một vạt lúa ngập trong bùn.
Những lúc không có gì để mót, cô tôi đi giũ rạ đánh tranh để người ta lợp nhà. Cô tỉ mẩn dùng liềm gạt những hạt thóc còn sót lại trong rạ trước khi giũ cho rơm bung ra, chỉ để lại những cọng rạ thẳng và cứng. Sau đó cô dùng những chiếc hom tre và với cách thức trong nghề, cô đan thành những tấm tranh rất đẹp. Tiền công cho mỗi một tấm tranh chẳng được bao nhiêu nhưng cô được rất nhiều lúa, tuy gạo có mùi dầu hơi nhưng vẫn đủ ăn quanh năm.
Sau mỗi mùa lụt, cái bãi cát ở ngã ba sông rất nhiều hến. Cô đem một cái rổ thưa cứ việc xúc đầy cát rồi để nước cuốn đi chỉ chừa lại những con hến vừa ngọt vừa béo mà ai cũng thích. Chính trong một lần như thế cô đã cứu sống tôi.
Cô Sáu tôi như thế đó, rất nghèo hèn cơ cực, nhưng ngoài con chó cái một thời vừa là mẹ vừa là bạn của tôi, thì chính cô là người đàn bà từ tâm mà phước đức lắm tôi mới gặp được trong đời.
Mời đọc tiếp: Chương [2]
Khuất Đẩu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: