Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Người bước lên chuyến tàu số phận...


Một sáng lạnh tê, cái lạnh sau mấy ngày nồm nam ẩm ướt khiến con người như đông cứng lại, tôi gọi điện cho anh. Mới sớm, anh đã đến cơ quan làm việc, rất nghiêm chỉnh, đúng giờ.
Nguoi buoc len chuyen tau so phan
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương
Cầm ống nghe, tôi cố hình dung gương mặt anh lấp sau chồng bản thảo thơ cao ngất được gửi đến cho ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội mỗi ngày. Hình như đó là một gương mặt lầm lầm lì lì, cực ít nói.
Một Nguyễn Bình Phương nhẫn nại chúi mũi vào đọc và lọc trong cả đống bản thảo từ các nơi gửi về để chọn ra những bài in được.
Sau đó là một Nguyễn Bình Phương gò mình ngồi trước máy vi tính cọc cạch gõ ra những điều quái quỷ khiến nhiều người thấy hoang mang, bực bội.
Thiên hạ đồn anh “kiêu ngầm”, “trong mắt không coi ai ra gì”. Tóm lại anh là một nhà văn khó gần, lạnh lẽo, đến mức chưa bao giờ… “rung rinh” với bất kì ai?…
“Chết thật!” - Phương kêu lên trong máy điện thoại. “Tưởng hôm trước em đùa. Lúc ấy đã làm mấy chén, rượu vào lời ra. Em đề nghị thì cứ nhận lời”… Rồi anh quầy quậy từ chối đề nghị viết về anh của tôi.
Nhưng tôi biết Phương có bao giờ rượu vào lời ra? Đúng hơn, hình như rất ít người có dịp thấy anh say. Rượu không làm “hỏng” được anh, như đã làm với một số nhà văn đàn anh của anh và nhiều nhà văn đương thời cùng thế hệ, nhất là từ khi Phương lấy vợ, lập gia đình, từ khi anh chuyển từ xuất bản sang làm tạp chí.
Cũng thật hiếm khi thấy Phương xuất hiện trong mọi cuộc vui chơi, hội hè, gặp gỡ. Anh có đến, thì lại ngồi thu lu một chỗ. Lâu lâu, cần thiết lắm, ai hỏi gì đến anh mới mở lời, chẳng khác nào cậy được… cóc mở miệng.
Mà chỉ mới nói được một, hai câu, mặt đã đỏ bừng lên. Như ngượng nghịu. Như con gái bẽn lẽn sắp về nhà chồng. Đến nỗi người mới gặp một, hai lần còn nghĩ rằng anh nhạt nhẽo.
Đấy là hình dung của không ít người về Phương. Cái hình dung “chung chung” ấy có đúng hay không?
Riêng tôi, trong buổi sáng như là sáng cuối cùng của một mùa đông đang đi gần về với điểm cuối của trái đất ngày một nóng lạnh bất thường ấy, tôi đã được gặp một Nguyễn Bình Phương khác - một Nguyễn Bình Phương nói rất nhiều, hùng hồn như diễn thuyết để bảo vệ những suy nghĩ của mình, quan điểm của mình.
Phương vừa nói, vừa rít thuốc lá liên tục, từ điếu này sang điếu khác. Anh đã bỏ thuốc được 12 năm nay. Và mới quay trở lại với thuốc lá từ sau Tết Đinh Hợi.
Phải chăng khi nào bức bí, không tìm được lối thoát, thì người ta thường tìm đến với một thứ gì đó để tự ma mị, và mụ mị chính mình, rồi từ đó. người ta sẽ sáng suốt hơn ?
Nguoi buoc len chuyen tau so phan
Cây thơ Nguyễn Bình Phương tại Ngày thơ Việt Nam, Văn Miếu 2007 Ảnh: Hữu Việt
Thấy Phương hút lại thuốc, bạn bè kháo nhau tay này có thể đang gặp phải sự xáo trộn nào đó khá trầm trọng. Tất nhiên, Phương cũng chỉ hút khi ra quán nước với bạn bè hoặc khi ngồi một mình trong phòng làm việc. Càng hút, càng nói, càng trầm ngâm, anh càng đắm chìm vào suy tư.
Tôi ủ tay vào bọc áo nhìn Phương rít thuốc lá, uống nước chè chát ngoét, liên tục xin nước ông chủ quán, vừa lặng lẽ “ngắm” anh.
Sau tất cả những khoảnh khắc bất thần làm tôi ngạc nhiên ở góc quán cóc rất nhỏ của Phố Nhà Binh, nay đã được nhiều người đổi lại thành Phố Hitech, hình như, trên gương mặt ấy, tôi đã thoáng bắt gặp một sự mệt mỏi, cái mệt mỏi của người tiếp xúc quá nhiều với chữ nghĩa và giờ thì đang muốn xa lánh nó.
Sự mệt mỏi ấy đã “quy định” cả chuyện ngại đi, ngại nói, ngại gặp gỡ, ngại làm người của đám đông, chứ nó không chỉ là một phần do “thể tạng” của con người anh.
Nó đã làm cho nhiều người hiểu nhầm rằng Phương chỉ yêu cái tài của mình, chỉ chúi mũi vào một xó nào đó, xa lánh cuộc đời để mà viết. Nguyễn Bình Phương mà mệt mỏi thì xem ra khá vô lý. Anh vừa mới ra mắt tiểu thuyết có tên “Ngồi” hồi cuối năm trước.
Từ sau “Những đứa trẻ chết già”, nhẩm tính chưa đầy mười năm, Phương đã có 5 tiểu thuyết. Cuốn nào cũng đầy thử nghiệm. Cách nhìn mới. Giọng văn mới. Thành công hay không chưa bàn. Nhưng đủ biết anh vật vã với con chữ thế nào.
Anh còn có thơ. Những câu thơ đủ để đọng lại trong trí nhớ độc giả một cái tên với giọng thơ lắm khi tưởng rất lý trí, rất tiết chế cảm xúc, nhưng thực ra, lại khá buông thả mình theo một nhịp đi riêng của tưởng tượng. Tóm lại thì Phương đã có cho mình một con đường mà không ít người ước muốn.
Thế mà anh bảo nếu bắt đầu lại từ đầu, chắc chắn anh sẽ chọn một công việc khác, chưa biết là công việc gì, chỉ biết nó sẽ không dính đến chữ nghĩa.
Chữ nghĩa làm cho anh lúc nào cũng phải tỉnh táo. Nhà văn không thể không tỉnh táo để nhìn nhận cuộc đời. Ai bảo nhà văn chỉ biết có đam mê với câu chữ, hâm hấp, dở người, chỉ biết uống rượu, mê gái?
Sai! Sai toét! Nhà văn không tỉnh thì nhìn thế quái nào được vào lòng người, lòng mình để mà viết. Vì vậy, mới nhanh mệt mỏi. Càng mệt mỏi hơn khi phải giữ cho mình không bê tha, không “rung rinh” và bước qua những giới hạn.
Thì ra, Phương cũng có “rung rinh” trước các cô gái. Rung rinh kịch liệt nữa là đằng khác. Nhưng để anh đổ gục thì thật khó. Về điểm này, có lẽ tôi cũng giống anh ?
Hình như người cầm bút nào cũng có điểm giống nhau. Sự bội phản cảm giác của bản thân sẽ chính là điều khiến bạn khó chịu và không thể nào chấp nhận nổi, trong vô số những sự bội phản hoặc buộc phải chấp nhận một vài thực tại cuộc sống mà bạn đang sống.
Điều đó, có lẽ cũng bởi một phần nhà văn là người cực đoan, và quan trọng hơn, họ sống phần lớn bằng cảm giác, cảm giác - nhưng không phải cảm tính, không phải là mù quáng, không lý trí!
Vì vậy, ai nói gì thì nói, tôi tự nhìn cái sự “đóng cửa viết văn”, sự “không bê tha”, “không rung rinh” trước các cô gái của Nguyễn Bình Phương theo một cách riêng.
Phương không đồng ý với chuyện người ta nói rằng anh thuộc số nhà văn “được quân đội nuôi để ngồi viết văn”, anh bảo cũng phải làm việc cật lực như bất kỳ ai để hoàn thành công việc của một biên tập viên.
Tới giờ Phương vẫn đứng ngoài các giải thưởng, đứng ngoài cả những bổng lộc đầu tư, tài trợ sáng tác. Nghiệp cầm bút chẳng mang lại chút “lộc” nào cho anh, đôi khi chúng còn mang tới những tai vạ, phiền nhiễu vì sự mù mờ khó hiểu của một lối viết.
Như hầu hết những nhà văn khác, tuy không nặng nợ chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng anh vẫn phải lao động bên ngoài lao động sáng tạo để duy trì đời sống cho gia đình mình.
Thành công lớn trong đời anh, theo Nguyễn Bình Phương chính là tạo được cho người nhà, người thân thói quen… không bao giờ quan tâm đến những gì anh viết.
Trong con mắt của mẹ, anh chỉ là một cậu con trai đang ở bộ đội và thi thoảng bà hơi lo lắng cho anh khi nghe người ta kháo nhau về những “cuốn gì đó” do con trai bà viết ra.
Là con rể của GS Hoàng Ngọc Hiến, nhưng có lẽ trong mắt ông bố vợ anh cũng như bao người con rể khác, còn ông bố vợ đơn thuần đúng nghĩa… ông bố vợ.
Họ không bao giờ bàn chuyện văn chương với nhau. Vợ anh cũng không bao giờ phải đọc những gì anh viết. Nên anh không có nỗi lo sợ vẩn vơ rằng một ngày nọ người vợ hiền thảo sẽ tra hỏi “em” này, “em” kia ở trong thơ, trong văn của anh là những em nào.
Cứ tha hồ mơ mộng. Đấy là cõi riêng của anh. Là… văn chương. Hơn nữa, chắc chắn vợ anh đủ “đẳng cấp” để chẳng thèm ghen với những “thứ” ấy.
Nếu ví cuộc đời con người giống như một cái sân ga, lúc bạn mở mắt chào đời tức là đã mua vé để lên chuyến tàu của mình, thì ai trong đời cũng có một chuyến tàu để đi suốt với hành trình số phận.
Trong chuyến tàu lớn ấy, bạn sẽ đáp thêm nhiều chuyến đi nhỏ. Hoặc có thể, một chuyến đi nhỏ cũng là một hành trình lớn xuyên suốt cả cuộc đời bạn.
Với Nguyễn Bình Phương, chuyến tàu gắn bó và ảnh hưởng lớn với số phận đời anh đã khởi đầu ở nhà ga Đồng Quang (Thái Nguyên).
Một đêm mưa tầm tã. Hai anh lính binh nhì, một gầy gầy trăng trắng ra dáng thư sinh hơn là người của quân đội, người gầy gầy trăng trắng ấy là Nguyễn Bình Phương, một nhỏ thó, đen như củ súng, rất hồn nhiên và yêu bạn, người lính cùng làm công vụ tên Giang đã trốn thủ trưởng đèo bạn bằng xe đạp ra ga, để bạn đáp chuyến tàu xuôi về Hà Nội thi thố.
Phương khi ấy tuổi trên hai mươi một chút. Còn quá trẻ để tràn trề ước vọng. Ước vọng trong anh còn nhiều hơn, dường như nồng nhiệt hơn cả những bạn cùng niên lứa của mình.
Bởi anh đã sửa soạn trong hành trang của mình một truyện ngắn đầu tay được in trên báo Tiền phong. Truyện có tên là “Chuyện tình nghe lỏm”. Hồi đó, có một truyện ngắn in ở báo Tiền phong là một “vinh dự” rất to lớn, có thể làm cho người viết “sướng” âm ỉ đến vài ba tháng.
Với một anh lính binh nhì của Quân khu I, đóng quân ở rừng núi, đảm trách khá nhiều “chức vụ”: kẻ vẽ pano, khẩu hiệu của Quân khu, chiếu video, làm công vụ, giữ thư viện…thì cái sự “sướng” kia càng ngầm được nhân lên gấp bội, kéo dài gấp bội.
Anh cũng đã có thơ đầu tay được in trên báo Văn Nghệ hẳn hoi. Đằng sau anh, lại có sự “cổ động”, hối thúc của nhà thơ Đặng Vương Hưng, có thể nói là cầu nối duy nhất lúc bấy giờ giữa anh với giới văn nghệ sỹ Hà Nội đã khiến anh quyết định “liều một chuyến”: trốn đơn vị đi thi vào Trường Viết Văn Nguyễn Du.
Khi Nguyễn Bình Phương nhận được giấy báo mời nhập học của Trường Viết Văn, thì ông thiếu tướng Chủ nhiệm chính trị Quân khu lúc bấy giờ kịch liệt phản đối:
“Đi thế nào được mà đi! Một mình nó đảm nhận nhiều công việc như thế, nó đi thì ai thay? Quân khu không cần người viết văn”.
May sao, ông Chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh Thái Nguyên Hà Đức Toàn đã biết tin Phương đỗ. Ông chạy sang tỉnh ủy, báo cáo đồng chí bí thư: “Cả tỉnh Thái Nguyên có mỗi một người thi đỗ vào trường Viết Văn Nguyễn Du thôi. Không cho nó đi thì thiệt thòi cho tỉnh!”.
Bí thư tỉnh ủy chỉ đạo “nếu Quân khu không cho đi thì đề nghị giải quyết cho ra quân sớm để tỉnh nuôi đi học”. Cuối cùng Phương cũng kẽo kẹt đáp được chuyến tàu trở về Hà Nội lần thứ hai.
Nhập học muộn một tuần, nhưng điều đó không gây cản trở gì cho anh “đầu quân” vào khóa IV - khóa cuối cùng của Trường Viết Văn Nguyễn Du, để có thêm những người: Tạ Duy Anh, Nguyễn Lương Ngọc, Y Ban, Phạm Khải…
Phương bảo mỗi chặng đường anh có thêm một vài người bạn, cũng như cuộc đời quân ngũ đã cho anh nhớ nhiều cái tên với lòng biết ơn vì sự giúp đỡ vô tư của họ, như ông Đinh Xuân Dũng, ông Phạm Hoa, ông Tạ Xuyện, ông Phạm Gia Đức...
Ra trường, đi làm việc, Nguyễn Bình Phương ở trong một căn hộ nhỏ 24 m2 ở khu Tập thể Thành Công. Đó là nơi ra vào, điểm hẹn của các thi nhân, nhà văn tương lai. Những người đã thành danh cũng góp mặt ở đó.
Nếu ai trong đời đã từng nhìn thấy Nguyễn Bình Phương say, thì chắc đã thấy một đôi lần ở ngày đó.
Những đêm khu tập thể mất điện, cái bóng đèn cuối cùng đã bị cháy, những bậc cầu thang như được làm bằng bùn nhão, thời ấy, nhà văn chưa giàu có để sử dụng điện thoại di động nhiều, để dùng nó làm ngọn đèn sáng ở trong tay như trong thơ của Phan Thị Vàng Anh, nhưng những nhà thơ, nhà văn lớn tuổi hơn Phương, những Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến…mỗi khi đi chén chú chén anh về sợ… vợ mắng, vẫn “bò” lên tầng bốn căn hộ ấy để ngủ.
Không biết bao lần Phương cùng các ông bạn quý của mình nửa đêm về sáng say khướt cò bợ còn cố kịp đun đẩy xe máy lên tận tầng 4, mở cửa phòng rồi mới… lăn quay.
Tôi không sao hình dung được với bộ vó chẳng mấy ấn tượng, khả năng “tán tỉnh” hầu như không có, vì chưa mở lời đã đỏ mặt… anh lại “cưa đổ” được một người con gái con của một nhà văn hóa nổi tiếng - nghĩa là một bóng hồng trong giấc mơ của không chỉ các chàng trai ở trường Viết Văn Nguyễn Du bấy giờ.
Thế mà chị Mai thầm lặng với mối tình cùng anh những 8 năm và đến tận hôm nay. Có lẽ cái 8 năm dài đằng đẵng ấy cũng chưa thể đi đến một “happy end” (cái kết có hậu), nếu không có một ngày đẹp trời, người con gái ấy bảo: “Anh ơi, mình cưới thôi!”. “Ừ, thì cưới”.
Thế là Phương hết độc thân. Hết đi mây về gió với các nhà văn. Hết những đêm đun đẩy xe máy lên mấy tầng cầu thang như được làm bằng bùn nhão, trong bóng tối đen thẳm không nhìn thấy nổi mặt bạn mình.
Vậy là anh bỏ hết bạn bè ư? Không phải. Tôi cũng đã từng chứng kiến anh nhiệt thành với bạn bè như thế nào. Ai nghĩ anh yêu tài của mình mà đóng cửa làm văn chương, ai bảo anh kiêu ngầm thì không biết, nhưng Phương là một con người hết lòng với bạn.
Anh sống trước khi viết. Một nhà văn muốn trở thành nhà văn bao giờ cũng phải sống đã rồi mới viết. Không phải sống, nghĩa là cứ lăn xả vào cái đề tài mà mình sẽ cày xới, như có nhiều người nghĩ rằng để viết được “Làm đĩ”, “Lục xì”, Vũ Trọng Phụng đã phải đi qua hết mọi nẻo đường thập thành son phấn và đủ các thứ ăn chơi xa xỉ khác của những năm đầu thế kỉ trước đầy biến động.
Nhưng ở một nghĩa nào đó, cũng đúng, là nhà văn thì cứ phải lăn xả vào cuộc đời, phải “làm người” trước khi cầm bút. Nguyễn Bình Phương cũng chọn lối ấy.
Anh muốn làm một nhà văn tốt, trước hết, phải là một người chồng tốt, một người cha tốt, phải kiếm sống nuôi đủ gia đình, vợ, con. Mà một nhà văn trong đời sống này, giữa thời buổi này cũng chỉ đến thế thôi.
Vì vậy, Nguyễn Bình Phương được coi là người khá “ngoan”. Có một vài lời đồn đãi về anh, vài ba cô, có cả cô chưa từng gặp mặt, nói chỗ nọ chỗ kia rằng là thế này, là thế kia của Phương.
Nghe được Phương chỉ gãi đầu gãi tai cười khì. Hệt như những khi anh ngồi với bạn bè thân, một nhóm rất ít người, ai chê “Thoạt kì thủy” hành văn kém, ai chê “Người đi vắng” cấu trúc thể nghiệm hỏng, ai mắng xơi xơi vào mặt vì viết khó hiểu, mắng cả “tội” dạo này ít nhậu nhẹt, ít chơi bời, uống rượu cầm chừng không chịu say, anh cũng chỉ cười khì vậy.
Tôi không nghĩ anh “coi thường” sự khen chê của mọi người hay quá yêu cái tài của mình tới mức không thèm biết đến ai. Nhưng đôi khi, anh cũng khiến tôi thấy vô cùng kì lạ.
Làm sao mà một nhà văn sống giữa lòng thành phố Hà Nội, ở tại một tòa tạp chí được xem là có uy tín văn chương thế mà anh nhà văn ấy vẫn lơ ngơ, lớ ngớ, không sao quen được với những đám đông ồn ào.
Hôm Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây có ý định tổ chức buổi giới thiệu về tiểu thuyết “Ngồi” chỉ với một yêu cầu duy nhất: tác giả có mặt và kí tặng sách.
Phương từ chối ngay. Không phải anh không thèm nổi danh, không thèm được người ta biết đến những gì mình viết, không thèm được sống giữa không khí bạn bè chúc tụng, mà là anh... ngại.
Ngại đỏ mặt, ngại làm người của đám đông. Anh có thể bỏ tiền mua rượu, tặng sách cho mọi người, nhưng rất ngại làm “trung tâm cho người ta tý toáy”.
Nếu nhà văn sinh ra phải có đôi chút ảo tưởng về bản thân để nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, tất nhiên, cũng có những nhà văn ảo tưởng cả đời về bản thân không thể nào thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, thì Nguyễn Bình Phương có lẽ thuộc vào loại nhà văn chỉ ảo tưởng trong chính phút giây anh viết.
Sau viết, sẽ là sự tỉnh táo. Sau viết, anh không có chút gì của nhà văn cả, anh chỉ là một công chức bình thường, hơi rụt rè, hơi khép kín.
Những lúc tếu táo, Nguyễn Bình Phương thường đùa sở dĩ anh dám viết cả văn và thơ, vì anh tài. “Người tài ít thì chỉ viết một thứ, người tài to thì mới viết được cả thơ lẫn văn”.
Nhưng tếu táo chưa hết một câu, anh lại trở về ngay với cái vỏ cẩn trọng của mình. Thực ra thì tất cả các nhà văn đều làm thơ và tất cả các nhà thơ đều viết văn, chỉ có điều ít người đủ tự tin và tài năng để đi với cả hai.
Trên chuyến tàu văn xuôi hiện đại Việt Nam, anh bảo, ở nước ta, chỉ có ba nhà văn là đã cầm chắc vé của mình, đó là Nguyễn Huy Thiệp của truyện ngắn, Bảo Ninh của Nỗi buồn chiến tranh và Lê Lựu với Thời xa vắng.
Hỏi anh nếu tự xếp chỗ cho mình thì sao. Anh cười bảo anh không có chỗ vì chỉ là người viết nghiệp dư, viết chơi, viết khi rỗi rãi cho nên đừng chấp với anh.
Anh có thể bỏ bút bất cứ lúc nào. Đó cũng là một phần lý do giải thích tại sao tới giờ anh chưa là hội viên hội nhà văn. Anh ngại rằng cầm cái thẻ hội viên rồi, lại không viết nữa thì ngượng.
Nguyễn Bình Phương bảo “biết mình đang ở đâu cũng mệt, không biết cũng mệt”. Anh không quan tâm mình đang ở đâu, chỉ cặm cụi với công việc: biên tập thơ, làm báo thu nhập thêm, rỗi rãi thì “viết nhăng viết cuội” cho vui.
Nhưng tôi vẫn cố hình dung ra gương mặt anh trên sân ga văn chương nhốn nháo và trùng điệp người đi, người ở, trùng điệp những ảo tưởng và khát vọng chữ nghĩa.
Trên sân ga ấy, hình như có một Nguyễn Bình Phương đang lặng lẽ nép mình ở một góc, gầy gầy, trắng trắng, cực lầm lì ít nói, chờ đến lượt mình mua vé. Sau Phương, còn dằng dặc người…

Lê Mỹ Ý

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: