Truyện thứ
nhất A
25/8/ 013
Mình ghét nhất là lặp lại, dù bất cứ là chuyện gì. Thế nên lần
này, chuyến đi Tây Bắc, mình chọn con đường theo hướng khác. Không theo hành
trình các lần trước: Hà Nội, Hòa Bình, Mai Châu..
Ông Trần và ông Triệu lúc
đầu có vẻ còn lưỡng lự, sau rồi một phần do ngại sự lúng túng khi về Hà thành
nhốn nháo không quen, một phần chưa từng đến điểm tập kết, chưa biết đường đi
thế nào, cũng đồng tình. Ba người sẽ qua ngả Thu Cúc, Minh Đài, ngang qua vườn
quốc gia Xuân Sơn sang Phù Yên, Bắc yên.. Đỗ ở ngã ba Kò Nòi, rồi lộn xuống
Châu Mộc.
Ai đã từng qua đây hẳn biết đó là con đường hiểm trở, khó đi.
Phải men theo đèo Lũng Lô quanh năm mây mù che phủ. Kể cả khi tiết trời đã vào
mùa hanh khô, đỉnh đèo vẫn lãng đãng cơn
mưa.
Không thể không nhắc mấy chục cây số quanh co đường lò xo vượt
đèo Chẹn. Mấy mươi năm trước thổ phỉ, tặc khấu thường rình rập, cướp của giết người hay xảy ra, an ninh cực
kỳ không đảm bảo.
Cũng là con đường bọn maphia, ma túy, buôn gỗ lậu thường hay qua lại.
Khu “tam giác đen”: Nghĩa Lộ, Yên Bái, Sơn La một thủa chính là chỗ này.
Con Đèo này còn có tên nữa gọi là đèo “Đẹn”. Người xưa kinh
nghiệm rằng đàn bà con gái qua đây khó sinh nở. Đẻ con hay bị đẹn. Thai nhi khó
giữ, có sinh ra hay bị “đẹn”chưa chắc đã nuôi được.
Đường đi hàng chục cây số vẫn thưa thớt bóng người. Chỉ nhìn thấy
xa xa trên sườn núi đá lờ mờ vài nóc “nhà chuồng” của người Khơ Mú, người Mông.
Rất hiếm khi thấy những ngôi nhà sàn của bản người Thái đông vui, sung túc.
Vẫn là rừng đại ngàn, nhiều loại gỗ quý. Chim chóc thú rừng nhiều
vô kể. Không hiếm và khó tìm. Thợ săn thỉnh thoảng vẫn bắn được hươu nai, hổ
báo. Cao hổ bán còn rẻ hơn cao xương ngựa bây giờ. Còn phong lan rừng có chỗ
chờm ra cả lối đi, chỉ cần ngồi trong xe, thò tay ra là với được. Lại muôn màu muôn vẻ, “hồ điệp”,
“thạch thảo”, “đuôi chồn” bảo là lan quý so với nhiều chủng loại hồi ấy chả là
cái chất quái gì!
Mình có một kỷ niệm buồn mấy chục năm trước, một nghi án không
hồi phân giải, một lần qua đây. Chuyến xe đặc cách xuyên qua rừng âm u vắng
bóng con người. Lúc đó tâm sự vừa hoang mang vừa buồn,chẳng để ý mấy cảnh vật
xung quanh. Lại lâu ngày chỉ nhớ loáng thoáng. Không có nhiều ấn tượng để so
sánh. Nhưng rõ ràng cảnh vật đổi khác rất nhiều.
Không cần nhìn, nhắm mắt lại cũng biết. Tiếng xe. Tiếng phố thị.
Cả tiếng hàng rong rao bán trên đường.
Mở mắt ra lại càng ngỡ ngàng. Rừng đại ngàn năm xưa hầu như hoàn
toàn biến mất. Họa chăng chỉ còn sót lại vài ba đám ở những nơi chênh vênh hiểm
trở, người ta không thể khai thác. Hai bên đường bạt ngàn nương ngô, bẹ đã
chuyển màu vàng. Ngô miên man, tít tắp. làm như chỉ toàn ngô là ngô dưới gầm
trời, lên mãi tới đỉnh non cao. Áp lực dân số tăng cao lấn át rừng.
Đã có nhiều dự án “tái cấu trúc, bảo vệ rừng” vẫn chưa thành hiện
thực. Những vạt rừng trồng xem ra có vẻ ngơ ngác, lạc điệu chưa ăn nhịp với núi
rừng cũ của miền tây. Người ta kể đã có đợt nhà nước phải dùng đến máy bay trực
thăng rải hạt giống cây, mong phục hồi rừng vô cùng tốn kém, mà hậu quả kể như
con số không.
Có một ẩn số chung cho toàn xứ sở cần giải đáp. Đó là dân trí, dân sinh cho người dân sống
dựa vào rừng. Chừng nào bài toán này chưa được giải, công cuộc tái thiết rừng
bảo vệ rừng vẫn còn nan giải. Đời sống người dân còn khó khăn, người dân chưa
hiểu rõ, hiểu đúng giá trị của rừng với môi trường, sinh thái, chừng đấy rừng
vẫn còn lâm nguy! Muốn giữ được rừng, tái cấu trúc lại rừng, ngoài việc tuyên
truyền ý thức bảo vệ rừng ra, việc trước tiên là cái ăn cái mặc cho đồng bào
các dân tộc. Hợp với tập quán, phong tục của họ.
Chưa bao giờ ở Việt Nam lực lượng Kiểm Lâm mục đích là nhằm bảo
vệ rừng, kiểm soát và ngăn chặn nạn phá rừng được chính quy, trang bị đầy đủ
như hiện nay. Hầu hết các địa bàn có rừng đều có trạm kiểm soát. Cả một hệ
thống đồ sộ từ dưới lên cao, chuẩn mực và bài bản, tiêu tốn ngân sách nhà nước
số tiền thuế của dân đóng góp không nhỏ. Vậy mà rừng mỗi ngày mỗi cạn kiệt,
tiêu hao dần mòn. Còn chưa kể đến việc tiếp tay, bao che, chống lưng cho các
việc làm sai trái của lực lượng này cho lâm tặc. Nói hết sẽ là câu chuyện buồn,
khiến người ta bi quan. Nhưng cũng không thể bỏ qua, quay mặt nhìn ra chỗ khác,
lẩn tránh hiện thực.
Cần có cái nhìn tỉnh táo, khách quan của người thầy thuốc. Đừng
sợ đắng, sợ đau, người bệnh mới mong khỏi bệnh.
Người ta không chuẩn bị từ cái gốc, nặng lo phần ngọn. Đừng đổ
tất cả lỗi lầm của “mặt trái kinh tế thị trường”, ý thức của người dân. Căn
nguyên sâu xa nhất vẫn là bát cơm, manh áo, sự học của dân mà ra. “Đói thì đầu
gối phải bò” Câu ngạn ngữ này cho đến thời điểm hiện nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Nhà nước có cấm đoán thế nào chăng nữa, người dân vẫn phải lo cái ăn cái mặc
hàng ngày. Vẫn đốt rừng làm nương. Vẫn khai thác gỗ trái phép để lo cho con ăn
học, chạy theo tiện nghi của lối sống đề cao vật chất đang là cơn sốt li bì bao
trùm đời sống cộng đồng.
Chưa kể đến đám “đại gia bạch tuộc” bòn rút tài nguyên rừng mà ở
tỉnh nào cũng có. Đây mới là tác nhân ghê gớm nhất, “ác tinh” nặng nề, khốn nạn
nhất của rừng.
Phải tính đến chuyện giúp người ta xóa đói giảm nghèo bắt đầu
bằng cách nào? Từ những việc cụ thể như thế nào? Thực ra chuyện này chỉ như thò
tay vào túi áo với sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu nó không phải từ trên trời
rơi xuống, mà từ những nhu cầu bé nhỏ, thiết thực.
Mình có anh bạn quê Trạm Tấu kể cho nghe công cuộc xóa đói giảm
nghèo ở quê anh. Nhà nước cấp không cho dân làng mỗi nhà một cái ti vi. Mỗi xóm
một máy xay xát giã gạo. Có nơi đầu tư
cả thiết bị chạy năng lượng mặt trời!
Chuyện không thể tin được: Ti vi dân mang về vất ở góc nhà vì
không có nguồn điện. Máy xát gạo chạy được đôi ba lần, bị “e” dầu không có thợ
biết sửa, lại đắp chiếu bỏ đấy, người ta lại giã gạo bằng tay. Còn thiết bị
năng lượng mặt trời vẫn nguyên đai, nguyên kiện như khi mới chuyển về.Thậm chí
hòm bao bì đã mục nát mà chưa có “tí
điện” nào!
Lại nữa, chuyện trẻ con đi học đúng là câu chuyện “bây giờ mới
kể”! Con cái đi học bố mẹ hàng tháng đến ủy ban nhân dân xã lãnh tiền, như kiểu
lãnh “lương học” mà con trẻ vẫn bỏ học không chịu đến trường vì đường xá đi lại
khó khăn, trường lớp sơ sài, nắng thì nóng, mưa thì dột. Nhớ nhà, nhớ cha mẹ,
thiếu người làm là hiện tượng, là nỗi khổ phổ biến của con trẻ vùng cao!
Mình tin là bạn nói thật. Khi anh bảo: “Ngoài thị trấn không nói.
Làng người H’Mông hầu như làng nào cũng buồn, cũng vắng. Con trai ngoài ba mươi
tuổi đã lọ khọ như ông cụ vì nghiện từ ngày trước, uống rượu “thì” bây giờ. Có
khách đến nhà, cứ cho chồng nó “ăn rượu”, muốn ngủ với vợ nó cũng được. Nó yếu,
“bất lực” từ lâu rồi, có làm gì được đâu mà giữ?
Đàn bà người H’Mông xưa có tiếng là thương chồng, thủy chung nhất
mực, mà bây giờ nhiều vợ chồng không ở với nhau được trọn đời, trọn kiếp. Con
gái mới mười ba, mười bốn tuổi đã bỏ nhà đi đâu không biết?
Vận động giải thích mãi cũng thế thôi!” ! Đúng là “Chảy máu chất
gái” ở vùng cao đã trở thành vấn nạn. Mình nghĩ mà buồn cho câu chuyện của bạn,
mặc dù khi kể anh vẫn hồn nhiền cười nói như chẳng có chuyện gì!
Người H’Mông ngày trước sống nhờ trồng và buôn bán cây thuốc
phiện. Nhà nước cấm là chuyện đương nhiên và nhất thiết phải làm. Nhưng chuyển
đổi thói quen này bằng canh tác trồng cây khác, xem ra còn lắm vấn đề.
Liệu có cần và nên bắt đầu từ con đường đi, ánh sáng điện, trang sách học, bát cơm ăn,
viên thuốc uống khi có bệnh hàng ngày?
Những thứ mà ở thế kỷ hai mươi mốt này,
không nói các nước văn minh hiện đại nữa, ngay Việt Nam mình, đâu có còn là việc quá khó khăn??
**
..Chiều hôm trước ba anh em được đãi cơm một nhà hàng mới mở,
trên con phố mình mới đến đây lần đầu. Ông nhà văn già từng qua ngành an ninh
chả hiểu sao lại chọn nhà hàng này? Quán có tên rất lạ : “Mạnh Hoạch quán – Gà
sạch”?
Chủ quán là một doanh nhân trẻ, có công ty “ẩm thực” liên tỉnh. Ở
tỉnh nào cũng biển hiệu đề tên như thế cả.
Giới trẻ bây giờ giỏi làm ăn, ít đọc sách chăng?
Sau này mình mới biết ý nghĩ này của mình là một sai lầm.
Lúc vào mâm anh chàng thay mặt chủ quán đến chúc rượu. Nhân tiện
mình hỏi y về chuyện này.
Chàng ta kể vanh vách “Mạnh Hoạch” là ai, từng bảy lần bị Gia Cát
Lượng bắt rồi lại tha, cuối cùng mới chịu quy thuận Lưu Bị thời Tam Quốc như
thế nào? Hóa ra anh chàng cố ý đặt tên nhà hàng như vậy, chả hiểu có dụng ý gì?
Hay là muốn học tập nghĩa cử phục quốc của Việt Vương Câu Tiễn thời Chiến quốc
xuân thu. Nếm mật nằm gai, nếm cả cứt miễn rằng được việc? Hay dở đã nhiều người
bàn. Chẳng nên “tham” luận làm chi cho thêm mệt, phải không bạn?
Lại còn cái tên đường, tên phố cũng còn lắm vấn đề. Đây là con
đường mới mở từ ngày cơi nới thị xã bé nhỏ này lên thành phố rộng rãi như ngày
hôm nay.
Đã có Lê Lợi 1 rồi, lại Lê Lợi 2, Lê Lợi 3? Chả nhẽ không còn tên
nào nữa sao, hay tiện đâu đặt đấy?
Vinh danh người anh hùng dân tộc đánh đuổi giặc Minh cứu nước rất
là nên làm. Không có nghĩa cứ “tiệm tiến” đặt tên như thế. Nó thành ra mất hay,
thêm khó quản lý hành chính địa dư. Vừa khô khan vừa khó hiểu!
Lúc ngồi trên xe mình đem thắc mắc này hỏi ông Trần. Ông vốn là
nhà giáo dạy sử, cổ kim đông tây làu làu. Lịch sử nước Nga, nước Mỹ, nước Trung
Quốc qua các thời đại như thế nào, ông rõ như lòng bàn tay.. vậy mà ông cũng chịu
chết, không hiểu ý tứ cái “dị danh” ấy ý tứ ra làm sao, vì sao mà có?
Thiếu gì tên danh nhân, anh hùng dân tộc, tên địa danh, lại lấy
cái tên quái gở của thủ lĩnh “Nam man”, từng cai quản một vùng suốt tỉnh Vân
Nam, Quảng Tây Trung quốc bây giờ để đặt tên cho một nhà hàng mới khai sinh?
Sao không đặt tên cho con đường mới, con phố mới này là “Lan Khai”?
“Nhà văn đường rừng” sinh ra ở đây, gắn
bó với quê hương mình, có những đóng góp đáng kể cho văn hóa, văn học nước nhà?
Ông giáo kiêm nhà văn lảng sang chuyện khác. Nhân nhìn thấy góc núi
sạt lở một đống đất đá choán ngang đường, ông nói:
“Mô hình Trung Quốc không
phải cái nào cũng hay cả. Thậm chí nếu áp dụng ở ta có cái sẽ có tác dụng rất
tai hại. Nhưng riêng kinh nghiệm làm đường miền núi của họ rất hay. Không hiểu
ở ta sao chưa có ai nghiên cứu, áp dụng thử?” Mình hỏi ra làm sao? Ông rằng:
“Người ta bây giờ không xẻ núi mở đường như ngày trước. Phàm là đường rừng, cứ “kẻ
chỉ”, bắc “cầu cạn”, vượt mà đi, kiểu như “Cầu vượt” của ta ở những nút giao
thông”. Mình nói: “Như vậy tốn kém lắm?”. “Tất nhiên là đầu tư ban đầu rất tốn
kém. Nhưng xét về mặt tổng thể lâu dài lại là ưu điểm, giảm chi phí hơn rất
nhiều”. Ông dẫn giải cho mình nào là giữ được môi trường không bị xâm hại. Rừng
cây chịu ít ảnh hưởng. Không có nạn sạt lở núi tắc đường. Khi duy tu và bảo
dưỡng đỡ vất vả. vv
Mình không phải là nhà đầu tư. Kiến thức về giao thông đường bộ
chỉ hạn chế trong cái khung tàm tạm của điều lệ “Giao thông đường bộ”. Nói thực
ra, chỉ là thằng mù ngắm voi, nên chẳng thể tranh luận với ông về việc này!
Còn dùng đến óc tưởng tưởng thì mình hình dung tham gia giao
thông theo cách khác. Hoặc là dùng đường hầm như con đường xuyên biển bắt chước
người Anh, người Pháp từ thế kỷ trước. Hoặc dùng đường không, cứ bay nhảy trên
mấy từng trời. Phương tiện lớn như máy bay yêu cầu cảng hàng không phức tạp
mình không nói.
Chỉ cần một kiểu xe bay cỡ nhỏ lên xuống bất kỳ chỗ nào là khắc
phục được chuyện đi lại vất vả của khách bộ hành. Ý tưởng này của mình liền bị
ông Triệu bác bỏ. Ông xuất thân từ nhà báo “chuyển” sang làm văn nên cơ chế,
chính sách luôn là cái ưu tiên hàng đầu trong ý nghĩ. Ông bảo: “Điên à? Nói như
ông nhà nước quản lý mọi mặt sẽ ra làm sao? Chưa nói đến an toàn lãnh thổ, biên
giới quốc gia. Chỉ quản lý trong nước, cơ quan chức năng làm cách nào để quản
lý xã hội khi mà vù một cái là “đương sự” cất cánh biến mất?. Chính phủ có ba
đầu sáu tay, “huyền diệu” thế đâu mà nói như vậy?
Mình bảo ông đừng có lo bò trắng răng! Nhà nước vẫn có cách quản
lý. Khi xưa xuất cảnh ra nước ngoài khó khăn là thế, bây giờ ra vào lãnh thổ dễ
hơn rất nhiều, vẫn quản lý tốt có sao đâu?
Ông lại nói: “Nhưng mờ “Khắc nhập, khắc xuất” vẫn có nơi chốn quy
định, kiểm soát vẫn duy trì được. Còn kiểu như đằng ấy nói, búa xua khắp nơi,
có mà loạn”.
Mình ngẫm cũng phải. Mà thực ra mình chưa nghĩ sâu vào chuyện
này. Thế nào chẳng có một cơ chế mới? Có cái gì sinh ra ở đời mà không có cách
khả ứng, đối phó được bao giờ đâu? Nhưng mà thôi. “Chuyện con cá dưới sông”. Có
tranh luận “Đến rằm tây đen” cũng chẳng thể kết thúc!
Đã được nửa chặng đường.
Đây đó phơi ra những hồ nước rộng hai bên đường. Hỏi lái xe anh
ta bảo “Không phải hồ của thủy điện Sơn
La. Đây là hồ chứa nước của những thủy điện nhỏ tư
nhân”.
Năm 2005 mình có lên dự khởi công thủy điện Mường La. Nhưng chưa
khi nào mình lại nghĩ có những thủy điện “mi ni” tư nhân làm như thế này.
Đúng là “nhà nước và nhân dân cùng làm” hay và tài thật!
Chuyện thủy điện lợi hại, tác động đến môi sinh, xã hội như thế
nào không phải câu chuyện bàn ở trang này. Có lẽ phải ít năm nữa mới có thể
được chứng kiến, hiểu sâu và cặn kẽ hơn!
Truyện Thứ hai
Xe đang chạy ngon trớn, bỗng dưng chựng lại..
Một gã trung trung tuổi vẫy xe, theo kiểu lạ lùng!
Gã không đứng bên trái, cũng không bên phải. Chắn ngay giữa
đường. Bác tài gân mặt đã nổi lên, rần rật. cặp lông mày trợn ngược báo hiệu trước
một cơn tá hỏa..không rõ vì sao, tự dưng cặp lông mày giãn ra, những đường gân
trở lại trạng thái hài hòa?
Hẳn là ông ta đang định vung ra một câu chửi rất tục, kịp dừng lại..
thôi. Cử chỉ này khiến mình chú ý đến kẻ vừa lên xe.
Hẳn đây là một “nhân dân” quan trọng. “Nhân” này lẳng lẳng lên xe
như sự mặc nhiên phải thế, chả cần trình bày, chào hỏi với ai. Cách ăn mặc của
y thật chẳng thể đoán được y là đẳng cấp, giai tầng nào trong xã hội?
Y mặc chiếc áo màu gạch non, màu áo cảnh sát giao thông vẫn mặc,
cộc tay, có đủ hai túi ngực. Bên bả vai cánh tay phải có phù hiệu màu xanh chữ
đỏ : “Bảo an Setu cutes”. Mình chả hiểu ngoài hai chữ tiếng việt ra, mấy chữ
tiếng anh kia có ý nghĩa quái gì? ”Biểu hiệu” nhà nước hay công ty quỷ nào
trang bị cho y, hay là y tự chế? Chịu!
Đang thời có nhiều nhân viên đặc biệt, “công tác ngầm”, sự chưa
hiểu biết của mình và cả số đông “nhân xã” như vậy, âu cũng là sự ”phình
phường”!
Nhìn kỹ khách mới lên có cái trán của người quen đeo gùi, bộ ngực
thợ “kéo cưa lừa xẻ”, cánh tay có bắp của ngư dân biển. Cơ nào cơ nấy cuồn cuộn,
săn chắc. Nếu là cán bộ, mình đoán tay này nếu có làm “nhiệm vụ” hay “công tác”
chi đó thì chủ yếu nhờ vào hai cánh tay hơn là
nhờ vào cái đầu.
Nhất là đôi mắt một mí, bên trên vạch đậm đám lông mày dài và hơi
bị rối không toát ra thông điệp nào. Chút tinh quát che phủ bên ngoài chút đờ
đần giả tạo. Mình chưa từng được nhìn vào đôi mắt kiểu như thế bao giờ..
Thoảng nghĩ: “Cũng là gặp gỡ ngẫu nhiên. Trong cái thế giới “xà
bì” này, sức đâu để tâm đến những chuyện dửng dưng?”
Mình quyết định không chú ý đến hành khách vừa lên.
Một hai giờ nữa, anh đường anh, tôi đường tôi. Có gì đâu để ý nhau
cho thêm mệt xác, sau cuộc hành trình trong gió mưa một ngày như thế này?
Ông Triệu có riêng cái số đào hoa. Khác hẳn tôi và ông Trần. Cả
xe có nhõn hai em xinh tươi lại cứ xoắn lấy ông mà chuyện. ( Các em ý hình như
từng thấy ông xuất hiện trên “tàng hình” vài ba bận). Câu chuyện đang lên đến
cao trào của một “ngụ ngôn mới”. Ai nấy mở hết cửa tâm hồn, cười hết cỡ miệng.
Sự kiện này làm cho “Bảo an” viên nọ chú ý. Anh ta mở lời làm quen.
Ông Triệu lúc đầu còn giữ kẽ, không mặn mà lắm. Sau rồi “Bảo an
viên” “bật mí”:
- Tôi vừa trong Nghệ An ra. Sắp tới có sự kiện trọng đại ở Mộc
Châu, xếp lệnh cho phải khẩn trương lên đây ngay!
- Việc gì vậy? – Ông Triệu e dè hỏi, ( có lẽ một phần máu nghệ
được khơi gọi?).
- Ra ông không biết có sự kiện mới sắp xảy ra ở địa phương thật
này à?
- Không. Quả thực là tôi không biết – Ông Triệu thành thật!
Đang ngồi, “bảo an viên” lập tức đứng lên, như đang trước một cử
tọa đông người:
- Tết “Độc Lập” của người Mông tổ chức nay mai, ông không biết thật sao?
- Không biết..
Bảo an viên bèn một tràng dài. Những là đoàn nghệ sĩ do viên “Bảo
vệ” gồm những ai sẽ có mặt trong ngày hội y vừa nói: “Đoàn vừa trong thành phố
Hồ Chí Minh ra công diễn phục vụ lễ hội trong ba ngày góp vui cùng với đoàn
Xiếc nghệ thuật của Mianma, Đoàn ca sĩ lừng danh Thái Lan và một số nghệ sĩ Hà
Nội. Năm ngoái tổ chức cũng to. Mộc Châu pháo hoa bắn sáng cả vùng trời. Tiền
treo giải thưởng cho những trò “vui chơi có thưởng” kể cũng vài trăm triệu..
Năm nay có khi quy mô còn hơn.”
Máu “báo” của ông Triệu được kích thích, hỏi:
- Sơn La là tỉnh khó khăn,
kinh phí đâu để tổ chức “hoành” như thế?
Viên “Bảo an”, mủm mỉm cười, vẻ bí mật:
- Cái này khó nói.. mà ông là ai? Lên đây có việc gì, hỏi nhau cứ
như hỏi cung vậy?
- Tôi cũng người của “Gió bốn phương”. Trung ương mời lên Mộc
Châu chơi, không phải “địch” đâu bố trẻ ạ. Đã nói thì nói rành mạch, lấp lửng
kiểu như bố trẻ nghe ấm ức lắm!
- Vậy cứ đến nơi, tìm hiểu sẽ biết. Trên xe nói không tiện, ông
thông cảm!
Có tiếng chuông điện thoại. Viên nọ vội xin lỗi nghe máy..
Không rõ đầu bên kia nói gì?
- Sắp đến nơi. Em cứ yên tâm. Sao? Sao?
- Gửi tiền về à? Anh đã rút được đâu? Trên này không có điểm ATM.
Với lại súng của anh hết đạn rồi. Chưa biết ngày nay, ngày mai sống bằng cách
gì? Em xem có ai ở gần chỗ anh trên này bảo “khâu tạm cho anh mấy mũi”? Thế
nào? Không được à?
“Bảo an viên” cau có ngồi phịch xuống ghế. Mặt cau có. Ông Triệu
ngờ ngợ điều gì quay sang hỏi:
- Hết tiền thật à?
- Đi gấp quá không kịp gặp thủ quỹ. Cứ nghĩ lên trên này chuyển
qua tài khoản, rút thẻ.. Ai ngờ đâu..
Mặt anh ta điêu điêu. Chỉ nghe mấy lời trên đã thấy đầy rẫy rối
trá. Cái này là “Ngửi” thấy mùi sự thật. Nhưng mình vẫn thấy băn khoăn. Nào đã
lên tới nơi đâu mà biết không chuyển được tiền? Hay là năm ngoái lên rồi năm
nay sực nhớ? Mâu thuẫn và nhiều vô lý quá?
Lại gọi điện thoại. Lần này không biết đầu kia nói gì. Thấy “nhân”
ấy bảo:
- Thế thì được, đến “khu Gốc Đào” bảo nó mang ra nhớ!
Chúng tôi xuống ở ngã ba Cò Nòi nơi có tượng đài chiến thắng hồi
chín năm. Viên “Bảo an” cũng xuống.
Lại phải chuyển xe một lần nữa mới về đến Mộc Châu.
Tôi bảo ông Trần và ông Triệu đứng cho “Chộp” một pô làm kỷ niệm.
Hàng năm hàng đời các ông ấy mới lên đến đây, chẳng phải như mình “đi lên, đi
xuống” năm ba bận.
Không ai mời, viên kia cũng ghé vào đòi chụp. Đúng là đồ dở hơi
con dơi dơi bay loạng quạng, thích chụp ảnh! Nhưng đuổi y ra khỏi khung hình
không nỡ, đành “Chộp”! ( Thêm đoạn chú thích dưới bức ảnh như sau: “Nhân viên
công vụ đang gọi về trung tâm”. Mà có có công vụ mẹ gì? Đùa tý như mọi sự đùa
đang xảy ra. Ai không thích thì thôi, nhóa)
Vào quán gọi nước uống, viên cũng thản nhiên bóc một lon nước,
như cùng đoàn. Mình đã cảm thấy khó chịu. Không phải vì tiếc lon nước, vì cái
gì đó không rõ rệt ề con người này. Nhìn kỹ anh ta chả có đồ đoàn gì ngoài bộ
quần áo mặc trên người. Ngay đến cái nón đội đầu cũng không luôn. Chả nhẽ lại
có “công ty vệ sĩ” nào có loại nhân viên bụi bặm kiểu này sao? Lúc ở trên xe
mình nghe rõ y khoe với ông Triệu “lương tháng mười lăm trệu”. Sao lại đi đôi
giày như vừa nhặt được ở đâu thế này?
Thực ra anh ta là hạng người nào? Trộm cắp, lừa đảo, nạn nhân của
đợt suy thoái trầm trọng, kéo dài? Có hàng ngàn doanh nghiệp sụp tiệm, hàng
trăm kiểu giám đốc công ty vỡ nợ đang lẩn trốn con nợ đến kỳ? Hay chỉ đơn giản
là một gã dở hơi lang bang nay đây mai đó, ăn chực ngủ nhờ?
Chưa có thời kỳ nào ngoài đường gặp nhiều nhân vật như ngày nay.
Nếu là người cầm bút, khỏi phải mất thời gian “đi tìm nhân vật”. Hàng ngày hàng
giờ “Nhân vật” lù lù ngay trước mũi mình.
Lạ một cái văn đàn vẫn phẳng như tờ, không một chút áy náy nhân
duyên. Chưa thấy nỗi đau thổ lộ đúng tiếng kêu của nó? “ Chuyện lạ phố phường”
của Thiệp chưa là cái gì. Thời ông ấy viết, diễn tiến câu chuyện còn chậm, chưa
nhanh, chưa chóng mặt như bây giờ! Có lẽ cái tâm, cái tài của người cầm bút thời
nay hạn chế. Hoặc “các anh ta” hoang mang bối rối trước các câu chuyện đời sống
mỗi ngày!
MÌnh không cần đoán nữa. Lên chuyến xe xuống Mộc Châu được một
quãng, “Bảo an viên” lộ rõ nguyên hình khi anh lơ xe hỏi tiền vé?
Viên bảo xuống đến khu “Gốc đào” sẽ có người ra trả tiền! Lơ xe
không nghe, viên ấy rút trong túi ra đưa cho anh cái thẻ ATM nói là sẽ chuộc
lại vào ngày hôm sau, ngay trên đường này.
Lơ bực:
- Không! Tôi chỉ nhận tiền mặt. Ai biết thẻ của ông thật giả thế
nào, còn nhiều ít bao nhiêu tiền?
Lại bốc máy. Lại gọi. Đầu kia không có tín hiệu.
Ông Trần từ đầu nghe rõ câu chuyện, hỏi lơ tiền của tay kia bao
nhiêu? “Tám mươi ngàn đồng”. Ông lẳng lặng đưa cho lơ, không quên đòi cái vé.
Yên ổn rồi.
“Bảo an viên” cứ ôm lấy ông chồng khóc như cha chết. “Đời này
kiếp này, con biết lấy gì trả nghĩa bố ơi”. Ông Trần chả biết vì giận hay vì
ngượng trước của chỉ của viên, gạt tay y ra: “Mày đúng là thằng điên. Không có
tiền mà dám lên xe của người ta. Bận sau đừng có dại thế nhé”!
Mình quên, không nói rõ ngay từ đầu: Ông Trần là một nhà thơ. Thế
mà có kẻ bảo: “ Phàm là bọn nhà thơ chỉ vần vè, vớ vẩn, vô tích sự. Thường là
lũ ích kỷ chỉ biết yêu mình và bủn xỉn hạng nặng”.
Đúng là thiên hạ có một số kẻ nhầm, đáng lên án! Nhà thơ Việt Nam
đâu có như vậy?
Nếu họ không có lòng trắc ẩn, chút từ tâm, có gì để viết? Và họ
còn viết lách gì được nữa? Phải không bạn?
****
Truyện thứ ba
Lúc đầu mình cứ ngỡ gã còn trẻ, chỉ trên dưới tuổi “băm” là cùng.
Thân hình rắn chắc, cao lớn. Khác hẳn món con trai người Mông mình từng gặp
thường thấp bé, nhẹ cân. Có anh có vợ con rồi người vẫn choắt cheo như học sinh
tiểu học. ( Người ta đổ cho Người Mông lấy vợ lấy chồng thường hay cận huyết
thống. Mình nghĩ điều này có can hệ ít nhiều, nhưng không phải tất cả. Có lẽ do
chế độ dinh dưỡng kém, lao động vất vả hàng trăm năm nay mới là cái nguyên do
tạo nên vóc dáng hình hài. Kiểu như dáng người hơi đổ về phía trước bởi thường
xuyên leo dốc cao, bàn chân thô và to để bám đất.. Tính cách có chút e dè vì
chưa quen chỗ đông người vv..)
Nhưng Lầu A Sang khác hẳn:
Khuôn mặt rám nắng, đôi mắt hắn to, sáng và lồi, mũi sư tử, hơi
gồ lên, bóng ở quãng giữa. Nhất là cặp môi hơi dày, tươi tắn tự nhiên, khi nào
cũng như đang hoặc sắp cười.
Gã hát, thanh điệu vút cao, mượt mà nghe cứ mê mẩn cả người.
Giọng cao át gần hết cả bè đông đảo hát theo.
Còn rượu thì thôi, khỏi nói. Bữa rượu nào xong cũng cắp một chai
mang theo về phòng. Động tác này nhắc mình nhớ đến một người bạn vong niên,
đúng hơn là là một người anh kết nghĩa, giờ đã ra người thiên cổ. Ông ý vui.
Đời luôn chả có cái gì đáng gọi là quan trọng. “Quan trọng nhất là cái tình con
người ta sống với nhau khi qua cuộc đời này”. Ông ấy mình rất quý. Vài kẻ nào
đó diễu nhại cái tật “hay rượu” của ông mình rất ghét và chẳng khi nào đồng
tình.
Cảm tình về cái “sự hát” đối với
Lầu A Sang, ( tên gã ) chỉ là cảm tình ban đầu.
Gặp gã, phong cách y hệt ông anh, “bạn” mình như thế mình lại
càng mến hơn. Cứ như thể quen nhau từ kiếp trước, duyên nợ thế nào rồi!
Càng ở thêm với gã ngày
nào, càng cảm thấy quý tính bộc bạch,
cởi mở và sự thông minh, hóm hỉnh của gã. Nếu có nhầm cũng chỉ duy nhất chuyện
nom gã còn quá trẻ so với tuổi trời có thực của hắn. Nom gà hóa quốc là cái
nhìn của những kẻ thích “nghĩ bằng tim” như mình.
Có một nhà “Dân tộc học” gần đây nói với mình: “Người ta có nhiều
ý kiến chủ quan khi cho rằng chỉ số thông minh ( IQ ) của người Mông và một số
dân tộc khác so với người đa số có chút kém hơn. Đó là ý kiến sai lầm. Chẳng
qua ở môi trường đời sống khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, mặt bằng dân trí thấp
cộng với hạn chế khung cảnh giao thông, giao lưu khó khăn nên trình văn hóa
thấp. Nếu được đào tạo chăm sóc bài bản, họ sẽ không thua kém dân tộc nào. Thậm
chí có mặt còn hơn”. Mình hỏi cụ thể, ông ta nói: “ Nghiên cứu gần đây cho
biết: Chỉ số IQ của người Do Thái là 102, người Trung Quốc là 96, người Việt là
97..Trong khi đó người H’Mông là 97.5!
Đúng là những con số biết nói, thay cho những kết luận vội vã
mang tính hàm hồ.
Câu chuyện với “nhà” này mới chỉ cách đây ít ngày. Gặp gã trong
chuyến đi Tây Bắc lần này mình có ý quan sát xem điều ông chàng kia nói có đúng
hay không?
Các công trình nghiên cứu ngày nay, lắm cái rất buồn cười. Động
cơ thì nay vì cái này, mai vì cái khác nhiều sai lạc bởi cái “động” của các nhà
“Nghiên”, một số thiếu đứng đắn. Chỉ qua
vài câu chuyện, ở với nhau vài ngày, mình đã “đọc” được qua gã kết luận của ông
“Nghiên “ này là trung thực, vô tư!
Gã bảo hắn người Trạm Tấu, một huyện cực tây bắc tỉnh Yên Bái.
Một huyện nhiều rừng Pơmu, thảo quả mà lại đặc biệt nghèo, đặc biệt khó khăn,
vô số những cái đặc biệt khác nữa.. Dân cư vùng này quá bán là người H’Mông cư
trú. Một vùng thuốc phiện trồng bạt ngàn và thổ phỉ nhiều như muỗi mấy mươi năm
trước kia. (Giờ thì muỗi cũng ít bởi môi trường hanh khô Trạm Tấu. Thổ phỉ
không còn lấy một tên nào! )
Hỏi chuyện gia đình, Lầu nói nhà có bảy anh em trai. Ông bố là
một trong “Tứ đại” của tỉnh Y.B. Các anh em khác đều làm ngành tư pháp, an ninh
cả. Có ông sắp sửa lên tướng phụ trách an ninh cả vùng Tây bắc.
- Sao mày không theo nghề nòi của gia đình, vừa lương cao, vừa có
quyền có chức, theo đòi văn nghệ vớ vẩn, ít tiền này làm gì?
Gã cười, hỏi lại mình. Mình tắc.
Ờ thì cái nghiệp. Có phải cái gì thích cũng đều có được cả đâu?
Có cái được lại không thích thì sao?
Rượu rồi gã mới kể. Quả thật có một thời đi học rồi làm an ninh.
Nhưng bản tính ham vui, bốc đồng nên không trụ được lâu.
Một lần “nể” bạn áp tải chuyến pơ mu về xuôi, không may bị bắt,
ra khỏi ngành. Sẵn có năng khiếu âm nhạc, đi học rồi thành nhạc sĩ như ngày
nay!
-“Lâu lâu đi “trại” sáng tác thế này ông anh giai trước khi đi
vẫn triệu về tỉnh dặn dò mọi nhẽ cứ làm như mình còn bé lắm. Nhưng được cái ông
ấy hay cho tiền, nên có khó chịu một chút vẫn phải đến”.
Người Mông con trai anh nào chả ham vui? Lại trực tính, hay tin
người, vi phạm này nọ là cái dễ mắc phải.
Mình quen đến mấy ông “sĩ” “khu Thái Mèo”. Có ông “thơ sĩ” tương
đối nổi tiếng, diện ưu tiên tộc người có vài ngàn người. Ông này lớ khớ thế nào
dính cả án thuốc phiện. May chỉ tạm giam mấy tháng, nhờ sự can thiệp của ông
nhà thơ nhớn ở trung ương, không thì bóc lịch dài dài.
Dù sao nhà nước vẫn phải nghĩ đến tài năng hiếm hoi nơi khỉ ho cò
gáy, vùng sâu vùng xa. Đào tạo một kỹ sư, một bác sĩ người dân tộc ít người, đã
không phải dễ. Nuôi dưỡng một “tâm hồn thơ” nơi cuộc sống muôn vàn khó khăn này
càng khó gấp nhiều lần!
Trường hợp của Lầu cũng không ngoại lệ. Có thể một “sĩ” người
Kinh mắc các chuyện ấy đều giấu như mèo giấu cứt. Sống để dạ chết mang đi chứ
không bộc lộ với người khác, lại là người mới quen, dễ như Lầu.
Chỉ riêng chuyện này mình đã phục gã rồi.
Làm người dám nhìn nhận công khai cái tật, cái hạn chế của mình
không phải ai cũng có can đảm như vậy.
Văn giỏi, thơ hay nhưng giả tạo chưa chắc đã bằng người lỡ dại mà
không cần tránh chối như Lầu!
Nhìn thân thể rắn rỏi của gã chắc ai cũng nghĩ anh chàng ăn ngủ,
tập tành đều đặn mới được thế. Những ngày ở đây tôi cứ thắc mắc Lầu ngủ vào lúc
nào?
Buổi tối Lâu thức rất khuya. Không viết hay đọc cái gì đấy, thì
cùng với anh bạn làm “sưu tầm văn hóa dân gian” chuyện suốt đêm.
Những câu chuyện của gã thật ấn tượng. Về một quốc gia của người Tam
Miêu thời xa xưa bên này sông Dương Tử, sau này vong quốc, con cháu phải di dời
xuống phía nam, rồi tới nhiều quốc gia khác. Bây giờ khắp thế giới, chỗ nào
cũng có hậu duệ Tam Miêu cổ. Ngày tết Độc Lập bây giờ đúng ra nó là tết “Tìm
bạn” có từ lâu đời của người Miêu Việt tứ tán. Ly loạn muôn nơi, người Mông có
một ngày hẹn tìm gặp nhau.
Ngẫu nhiên trùng vào tết độc lập mùng 2 tháng 9. Nhà nước nâng
thành ngày hội hàng năm của Người Mông tổ chức tại Mộc Châu bây giờ. Quy mô còn
rộng hơn cho cả các dân tộc khác. Có năm đoạn đường số 6 qua Mộc Châu tắc
đường, len chân đi bộ rất khó trong ngày này.
Lầu còn kể cho tôi nghe về tấm bia kỷ niệm bài thơ “Tây Tiến”,
cái hang một vị lãnh đạo ở trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” chỉ đạo
chống chiến tranh phá hoại. Rồi chuyện một dạo đời sống gặp khó khăn, gã từng
theo một người địa phương ở đây sang Lào buôn chó. Nói chung các mặt hàng khác,
Lào gần như bên ta nếu không nói là đắt hơn, chỉ có chó là rẻ. Mỗi chuyến đi xe
máy về trong ngày cũng kiếm đôi triệu mỗi người.
Hỏi thăm, bây giờ biên phòng phía Lào không cho mang chó qua biên
giới như trước. Lầu cười: “ Bây giờ mình cũng hết buôn chó rồi”.
Ừ thì gian nan có độ, phải đâu khổ mãi suốt đời, mình cũng mừng
cho gã.
Gần đến ngày lễ hội, Lầu sáng nào cứ ăn sáng xong là mất hút. Có
hôm không về cả cơm trưa. Cái áo của
người Mông vạt sau rất ngắn, chỉ dưới bả vai một chút luôn mặc trên người. Cây
sáo cài cổ áo nom rất điệu nghệ, Gã tự nhiên, tươi tỉnh như đang ở nhà mình.
Lại rất lắm bạn. Chốc chốc lại có anh Mông nào đó xa lắc xa lơ gọi về. Anh thì
ở Điện Biên, anh mãi trong Đắc Nông. Có người gọi về từ bên Mỹ. Mình quả thật
khâm phục tài chơi bạn của Lầu.
Sáng mùng 1 tháng chín, tự nhiên lầu nổi hứng rủ đình đi chơi phố
huyện. Không phải đến nơi đang đông đúc mở hội chợ, đến một nơi hơi khuất phía
sau, khu phố cũ ngày trước. Có một anh bạn nào đó vừa bẫy được một con chim ưng
khá lớn muốn để lại cho Lầu.
Nghe nói thế mình rất háo hức.
Hồi bé ở quê mình từng xem người ta giả chết bắt quạ như thế nào?
Có hôm người bắt quạ phải nằm phơi nắng gần ngày trời trên bãi cát ven sông
Hồng. Ông ta phải đặt một con chó con bị chết có mùi ngay dưới chân để quạ thấy
mùi. Rồi phải kiên nhẫn chịu đựng khi bầy quạ dạo lượn chán chê, ỉa cả lên đầu
để thám thính chúng mới chịu đỗ xuống. Bấy giờ người ấy mới giật sợi giây cho
lưới ụp xuống. Thịt quạ không ai ăn, vì tanh và hôi, nó quý ở cái mật. Mật quạ
có khi giá trị còn hơn cả mật gấu, chữa được nhiều bệnh.. Bắt quạ là thế, nhưng
bẫy chim ưng như thê nào mình chưa được nghe, được thấy khi nào?
Hai anh em đi tắt con đường nhỏ phải qua một con suối. Thấy mình
đi giày còn đang lúng túng, Lầu ghé vai bảo cõng qua luôn. Chỉ cử chỉ này thôi
mình đã thấy cảm động. Gã làm như một điều tự nhiên, chẳng chút gượng gạo.
Đi qua mấy ngôi nhà vô chủ, tường rêu mốc meo bên cạnh có cây đào
ra hoa trái mùa. Lầu đưa Ipon bảo chụp cho gã mấy kiểu.
Mình ngỡ gã thích hoa đào, hóa ra không phải. Hóa ra chủ nhà là
một người quen, cả hai vợ chồng dính án ma túy đều bị tử hình. Nhà bỏ không
mấy năm rồi. Mặt gã người Mông rầu rầu.
Đi cả quãng dài không nói câu gì, khác hẳn bản tính mình biết về gã mấy ngày
nay.
Tự nhiên gã thở dài: “ Chim chết vì mồi, người chết vì tham”.
Không mắc cái án ấy ngôi nhà này đâu có lạnh lùng như thế?”
Ý tứ triết lý ra phết, đâu phải chỉ sôi nổi bề mặt như mình nghĩ
về người ta? Lại thêm tiếc cho cây đào hiếm quý, ra hoa vào mùa này mà chẳng có
ai thưởng lãm vì vắng chủ!
Hóa ra “mục đích chim” định hướng của Lầu chỉ là chuyện phụ. Bạn Lầu muốn nhờ anh ta xem giúp mấy đồng bạc mới mua từ hội chợ về. Đấy là đồng
bạc có niên hiệu năm “ông cụ”,
( 1890). Anh ta bảo sẽ mang về Hà Nội bán cho nhà bảo tàng. Thể
nào cũng có tiền. Nhưng không biết thật giả ra sao?
Đây là lần đầu mình thấy thử bạc kiểu này. Lầu để đồng bạc lên
đầu ngón tay giữa, thổi mạnh một cái, đưa vội lên tai nghe, bảo: “được, không
phải của giả”. Không làm như mình từng thấy là cho vào miệng cắn thử, hoặc thả
xuống sân gạch, sân xi măng để xem tiếng.
Hỏi đến chim ưng, bạn Lầu dẫn ra sau nhà xem. Chụp ảnh chán mới
hỏi giá. Chủ chim hét cả chục triệu bạc, mình tròn mắt, Lầu vẫn thản nhiên như
không.
Anh ta bảo cần một con như thế mang về Trạm Tấu.
Lầu có nghề luyện chim ưng chuyên dùng cho đi săn. “Chim, thỏ
rừng mà gặp chim ưng luyện tốt chả cần dùng đến viên đạn nào. Bây giờ ở đâu nhà
nước súng đạn quản cũng rất chặt, lấy đâu ra súng?”
Ngoài thú mê âm nhạc, Lầu rất thích đi săn. Dòng máu Mông giỏi
võ, ưa săn bắn, nếp sống hoang sơ vẫn rất đậm trong huyết quản.
Gã bảo trại xong gã sẽ ra tìm, đem con chim về.
Thật là “châu về hợp phố”, cười rưng rưng, sưng cả môi!
Còn mấy câu chuyện nữa về gã trai này. Nhưng chỉ nên thoang
thoảng thế chút. Nói nữa, hỏng, phải không bạn?
=======
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét