Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

“Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”

NGUYỄN ĐÌNH BỔN


“Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng” là câu nói của người dân để chỉ ra một thực trạng đau lòng từ thời phong kiến xa xưa khi mà bọn tham quan ô lại ra sức vơ vét của cải người dân rồi đem tiền đó cung phụng vào việc ăn chơi sa đọa, dâm ô của mình. Nó cũng còn một nghĩa khác đó là chính sách vơ vét bằng thuế khóa đối với người nghèo trong khi lại thực hiện những ưu đãi cho tầng lớp giàu có, thế lực.

Với nghĩa một, ngày nay, nước Việt của thế kỷ 21, nếu các quan tham xưa sống lại, hẳn há hốc mồm kinh ngạc trước trình độ ăn chơi của các trọc phú mới nổi, trong đó không hề thiếu bóng dáng các quan thời hiện đại. Ai cũng biết, cái dục vọng trong mỗi con người đều có, và chỉ có những ràng buộc đạo đức cùng với một nền pháp quyền minh bạch mới giúp chúng ta vượt qua những biểu hiện sai trái, vượt quá qui tắc đạo đức của con người. Với một số tham quan ngày nay nói về đạo đức vó vẻ hơi… xa xỉ, bởi ngay từ những bước hoạn lộ đầu tiên họ đã phải vượt qua nó, câu chuyện dùng những số tiền lớn để vào các ngành Hài quan, Hàng không… hay dùng tiền mua bằng giả để thăng tiến chứng minh rằng những con người ấy chỉ có một cách duy nhất: quên đi cả chữ Đạo lẫn chữ Đức!

Tất nhiên một khi đã ngồi vào những vị trí “đắc địa” thì số tiền đã chi phải được thu về bằng mọi cách, mọi thủ đoạn. Dù tham nhũng, nhận hối lộ, “cố ý làm trái”… hay gì đi nữa, suy cho cùng tiền vẫn là của nhân dân đóng góp vào ngân sách từ thuế và sức lực lao động của họ. Đất nước chúng ta là một nước nghèo nên cái giàu của quan chức vượt xa hàng trăm lần so với đồng lương được qui định có thể dễ thấy đó là do họ “bòn”từ nơi “khố rách” của tuyệt đại đa số dân nghèo. Chính đồng tiền đó là “tiền bẩn” chứ không phải của cha ông để lại hay mồ hôi, nước mắt, tài năng… làm ra nên họ đâu biết biết tiếc. Con cháu đã thành đạt tận trời Tây, quant ham vẫn cứ tiếp tục bòn, và bòn để tiếp tục chơi!

Những kẻ ngày hôm qua vừa ra trước vành móng ngựa là những ví dụ rõ ràng vì nó đã “lộ sáng”. Dương Chí Dũng bòn rút nhiều nhiều tỉ và đãi vào cái “quần hồng” xuất thân là một tiếp viên, nhưng ra tòa vẫn mặt trơ mày tráo cãi rằng đó là “bạn gái” trong khi ông at đã có gia đình vợ con đó thôi. Trước Dương Chí Dũng, thì một cái tay tên Dũng khác cũng là kẻ thích úp mặt vào quần hồng của gái từ đồng tiền bòn rút dân nghèo. Đó là Tổng GĐ PMU18 Bùi Tiến Dũng. Tay này chơi bời trác táng một cách bệnh hoạn và thường tổ chức những “bữa tiệc của quỷ” tại một nhà hàng sang trọng tại Hà Nội, với những món mà người dân lao động bình thường không thể tưởng tượng ra như “bia ngâm gái”. Nhưng cái cách chơi bệnh hoạn, tàn nhẫn, dâm ác này của Bùi Tiếng Dũng còn thua xa những quan lại Hà Giang ngày nào một bậc. Dũng dù sao cũng chơi gái nhà hàng, các cô dù cũng biết đau nhưng đã dày dạn phong trần. Tay chơi nguyên chủ tịch tỉnh Hà Giang tên Nguyễn Trường Tộ thông qua hiệu trưởng Sầm Đức Xương mới là kinh tởm: chỉ chơi nữ sinh còn đang học phổ thông. Khi Xương bị bắt, báo chí mới dám khui ra chuyện hắn ép buộc và dụ dổ các em nữ sinh là học trò mình để thỏa mãn dục vọng và dâng các em cho hầu hết các quan đầu ngành để kiếm chác, trong đó tay chủ tịch tỉnh là một tay chơi gái trinh vị thành niên khét tiếng. Vậy nhưng khi vụ án này bùng nổ, trong khi chỉ có Sầm Đức Xương đi tù cùng với các em vì phạm tội “môi giới mại dâm”, 14 người là các quan chức, trong đó có các quan chức cấp cao của địa phương này có hành vi mua dâm người chưa thành niên đều “không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự”.

Nhìn ra bên ngoài, chuyện đàn ông giàu có “mua vui” bằng xác thịt phụ nữ không hiếm, nhất là ở những nước chưa minh bạch về tài sản của quan chức mà Trung Quốc là một ví dụ. Đã có hằng loạt quan chức cao cấp nước này bị tống giam, thậm chí bị kêu án tử hình. Và khi bị “ngã ngựa”, báo chí cũng khui ra hằng loạt những ông quan “mặt sắt đen sì” nhưng lại toàn chơi gái nơi tửu điếm, lầu hồng! Liên quan đến các quan chức châu Á, trong vụ in tiền polymer mà Việt Nam là một trong những nước liên quan, mới đây tại Úc, đã có tám cựu lãnh đạo của hai công ty, Securency và Note Printing Australia, đang hầu tòa vì cáo buộc lập quỹ đen và chi hàng triệu đôla để có hợp đồng in tiền ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam. Một trong những nhân chứng này cũng đã tiết lộ một thông tin rất quan trọng. Đó là một trong những quản lý cao cấp nhất của Securency đã yêu cầu ông ta tìm gái mại dâm người châu Á cho Phó Thống đốc của một Ngân hàng Trung ương nước ngoài. Nhưng danh tánh của người này là ai, thì nhân chứng này không đề cập.

Ở ý nghĩa thứ hai, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sự phân biệt giàu- nghèo tại Việt Nam đã lên gần đỉnh điểm. Chỉ cần đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, chứng kiến khẩu phần ăn của  công nhân tại đó chúng ta mới biết họ đã “khố rách: đến chừng nào. Mới đây nhất, đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, trong bữa ăn trưa, nhiều công nhân Công ty THHH Yak-Jin Sài Gòn (khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) phát hiện có dòi và trứng dòi trong lòng đỏ trứng gà (món gà kho tàu) làm hằng loạt công nhân kinh hoàng, bỏ bữa, ngất xỉu. Hay sau đó chục ngày, vào ngày 20-3, nhiều công nhân Công ty TNHH Oriental Garment An Giang (hay còn gọi là Công ty may mặc Thái Lan), thuộc Khu công nghiệp Bình Hòa, Châu Thành bất ngờ nôn mửa, ngất xỉu, tay chân co rút sau giờ ăn trưa vì thức ăn ôi thiu. Họ là ai? Họ là người đóng thuế! Còn nhớ vào tháng 9/2013, báo chí đã khui ra vụ  4 công ty công ích tại thành phố Hồ Chí Minh có đến 8 cá nhân gồm các giám đốc, chủ tịch nhận một mức lương khủng khiếp là 2,6 tỷ đồng/ năm, nghĩa là chênh lệch gấp nhiều nhiều lần người lao động trực tiếp, đó là một dạng của “bòn nơi khố rách đãi nơi lầu hồng” trong một xã hội mà chúng ta thường tự hào tất cả vì người lao động!

Ngay cả trong một lĩnh vực tác động trực tiếp đến đồng lương hằng ngày của người nghèo là ngành xăng dầu cũng vậy. Các công ty xăng dầu chưa bao giờ công bố những con số minh bạch. Ngày nay bất kỳ ai có mạng internet cũng dễ dàng tìm kiếm giá xăng dầu tại các nước trên thế giới để so sánh. Và chính vì cái giá cao luôn tăng nhiều hơn giảm của xăng dầu cùng với những ưu đãi giành cho nó, đã khiến người dân đăt câu hỏi rằng cơ chế điều hành này đang phục vụ cho ai? Câu trả lời tất nhiên không phải là người tiêu dùng!

Có rất nhiều ví dụ cho đề tài này. Thời gian qua, khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về nhà đất, tài sản khổng lồ của cac quan chức đã về hưu hoặc đang tại vị đã gặp những phản ứng bất mãn từ người dân. Không ai bắt buộc rằng quan chức không được giàu hơn dân, nhưng chính sự thiếu minh bạch về thu nhập thật và thu nhập công bố trên giấy tờ (lương một cán bộ không cao hơn một lao động bình thường nhiều lần) đã làm người dân tin chắc rằng họ có nhà to, đi xe hơi xịn, con học nước ngoài là do tham nhũng. Họ nỗi giận không phải họ ghét nhà giàu, mà họ nỗi giận bởi họ không biết tại sao cán bộ lại giàu. Trong khi đó, những cán bộ bị nêu tên, chỉ… tài sản lại lúng túng, đưa rra những lý do quá mơ hồ, thậm chí hoang tưởng như có “một ông anh” hay “một cô em giàu có” tặng tiền, tặng xe, tặng biệt thự!

Minh bạch. Đó chính là liều thuốc chính để trị nạn tham nhũng. Việt Nam luôn bị xếp cuối bậc về nạn tham nhũng theo cách xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency Int ernational) và được cho rằng nó đã gây thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ, ước lượng trên 30% của đầu tư hạ tầng và những hệ lụy xã hội khác.

Tại các nước tiên tiến, người đứng đầu chính phủ như Tổng thống, Thủ tướng đến các quan chức cao cấp đều phải công khai toàn bộ tài sản của mình và bất kỳ người dân nào cũng biết rõ họ thu nhập và chi tiêu, đóng thuế… ra sao. Trong khi đó, trả lời trên các phương tiện truyền thông thời gian qua, có nhiều quan chức Việt Nam cho rằng tài sản (và cả  thu nhập) của họ là chuyện riêng, nếu có kê khai thì chỉ lãnh đạo cơ quan của họ được biết, nghĩa là người dân, dù mang tiếng là làm chủ, cũng không cần thiết tìm hiểu chuyện “nhạy cảm” này!

Chính trong bối cảnh xã hội này, khi mà đặc quyền đặc lợi vẫn là mảnh đất dung dưỡng cái xấu, người dân có quyền nhìn những cán bộ giàu có bằng ánh mắt giận dữ và câu nói “bòn nơi khố rách, đãi nơi lầu hồng” vẫn còn giá trị mai mỉa như đúng thời điểm ra đời của nó!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: