Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Bắc Giang: Công bộc đánh giấy bảo dân đấu tố nhau


Theo GDVN
Thứ hai ngày 3
(GDVN) - Cụ thể là không xác minh lý lịch kết nạp Đảng, gửi công văn yêu cầu nhà máy, xí nghiệp, cơ quan cho cấp dưới nghỉ việc để “vận động” gia đình nhận tiền đền bù.


Đó là những “thủ đoạn” mà chính quyền huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã và đang dùng để gây sức ép lên người dân nhận tiền đền bù, bồi thường thu hồi ruộng đất.

Không giao đất thì… nghỉ việc

Muốn thuyết phục người dân thuận theo một chủ trương nào đó thì phải đến tận nhà trò chuyện, khuyên nhủ, giải thích… đó là cách mà người ta hay gọi là vận động. Thế nhưng, chính quyền huyện Hiệp Hòa lại nghĩ ra một cách để người dân nhận tiền bồi thường do thu hồi đất một cách rất… khác người, in đậm “cái tôi của người có quyền”.
Công văn ép cô giáo dạy tiểu học phải nghỉ việc ở nhà đề "vận động" chồng nhận tiền đền bù, giao đất cho dự án.

Để thu hồi đất nông nghiệp của gần 200 hộ dân, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã ban hành Quyết định số 651/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho công tác xây dựng khu dân cư số 3. Theo đó, mức giá bồi thường do thu hồi đất là 277 nghìn đồng/m2. Với giá đề bù như vậy, mỗi một sào ruộng (tương đương 360 m2) người dân được nhận 100 triệu đồng.

Với giá đền bù cho người dân chỉ vài trăm nghìn đồng/m2, nhà đầu tư chỉ san ủi làm mặt bằng và sau đó bán lại ngay với giá cắt cổ: 4-5 triệu/m2. Người dân vừa mới bị thu hồi đất muốn mua lại thửa ruộng của mình cũng phải trả một cái giá không hề rẻ.

Bên cạnh đó, nông dân Hiệp Hòa không được hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm sau khi thu hồi đất. Chính những bất cập này khiến người dân không đồng tình với dự án. Để dự án được triển khai êm thấm, thay vì thương lượng, tìm phương án giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý thì các cán bộ huyện Hiệp Hòa lại không từ bất cứ thủ đoạn nào để ép người dân phải nhận tiền, giao đất.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hợi có hơn 5 sào ruộng nằm trong diện bị thu hồi để phục vụ dự án khu dân cư số 3. Tháng 6/2013, bất ngờ ông nhận được giấy mời lên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đức Thắng (huyện Hiệp Hòa) để nhận tiền bồi thường do bị thu hồi ruộng. Đến lúc này, gia đình người nông dân này mới hay về dự án và việc mình bị thu hồi đất ruộng.

Không chấp thuận mức giá đến bù quá thấp, gia đình ông Hợi quyết không chấp thuận nhận tiền bồi thường. Bị ông cự tuyệt tiền bồi thường, chính quyền nơi đây tìm đủ mọi cách để ép ông phải nhận. Một mặt chính quyền cho người vận động, mặt khác cho đơn vị san lấp xới tung những thửa ruộng của nhà ông.

“Thấy tôi nhất quyết không nhận tiền đền bù, chính quyền nơi đây tìm cách ép tôi bằng mọi cách. Tôi có một người con trai tên là Nguyễn Trọng Nghĩa, đang công tác tại Nhà máy phân đạm Bắc Giang. Vừa qua, trên huyện có gửi công văn đến nơi con trai tôi làm việc yêu cầu cơ quan cho nó nghỉ làm một thời gian để về nhà vận động gia đình nhận bồi thường thu hồi đất” - ông Hợi nói.

Cũng rơi vào hoàn cảnh éo le, nhiều tháng qua, anh Nguyễn Văn Quỳnh phải sống trong lo âu, dằn vặt giữa công việc của vợ mình và những thửa ruộng nuôi sống gia đình bao năm qua. Theo lời kể của anh Quỳnh, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hương hiện đang làm giáo viên tại Trường Tiểu học Hùng Sơn. Gia đình anh bị thu hồi 3 sào ruộng, do mức giá quá thấp nên anh quyết không nhận. Không thuyết phục được anh nhận tiền, chính quyền nơi đây quay sang ép vợ anh.

Ngày 12/3, cô giáo Nguyễn Thị Hương nhận được một công văn của Trưởng phòng Giáo dục huyện gửi cho lãnh đạo nhà trường với nội dung yêu cầu cô thuyết phục gia đình mình nhận tiền đền bù thu hồi ruộng. Đồng thời công văn này cũng yêu cầu hiệu trưởng cho nghỉ việc, bố trí người khác thay thế cô để cô "tập trung thực hiện nhiệm vụ thuyết phục vận động gia đình nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng".

Trước đó, cô đã nhiều lần bị Trưởng phòng Giáo dục huyện mời lên phòng để... "uống nước". Sau đó đích thân Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Chính cùng với ông Nguyễn Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Sơn làm việc trực tiếp với cô.

Điều đáng nói thêm, cô Hương không phải là nhân vật chính trong việc nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà là chồng cô. Thuyết phục không được anh Quỳnh, chính quyền huyện gây áp lực lên cô.

“Họ làm đủ cách để gây áp lực lên vợ tôi. Nếu cô ấy không đồng ý thì trường sẽ bị cắt thi đua. Họ còn bắn tiếng sẽ chuyển công tác vợ tôi đi xa. Bây giờ tinh thần cô ấy rất mệt mỏi” - anh Quỳnh nói.

Không chỉ những trường hợp trên phải nhận tiền đền bù theo kiểu “đè đầu cưỡi cổ”. Con trai và con dâu của ông Nguyễn Văn Châu đang công tác tại Điện lực Bắc Giang cũng bị huyện Hiệp Hòa gửi công văn lên cơ quan đề nghị cho nghỉ việc ở nhà vận động bố nhận tiền bồi thường.

“Biết tôi không đồng ý nhận bồi thường nên họ cũng chẳng vận động tôi chấp thuận. Nhiều khi thấy hai vợ chồng chúng nó về thăm bố mẹ mà mặt nặng mày nhẹ. Làm cha, làm mẹ ai không thương con, nhưng nhận số tiền đó rồi mất ruộng vĩnh viễn, không nghề nghiệp lấy gì để tồn tại” - ông Châu nói.

Không chỉ dùng phương pháp ép từ nơi con cái của những người nông dân đang công tác, làm việc, theo phản ánh của người dân, chính quyền nơi đây còn có những động thái không được minh bạch cho lắm, coi thường nông dân.

Để thông báo mức giá đền bù và phương án đền bù, chính quyền Hiệp Hòa in bằng một tờ giấy bé bằng bao thuốc lá. Là dự án xây dựng khu dân cư với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, thế mà gần 200 hộ dân bị thu hồi đất lại nhận được thông báo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng bé tẹo. Tờ giấy ghi 2 phương án bồi thường để người dân lựa chọn, ngoài ra không có bất kì thông tin gì về cơ quan phát hành thông báo, chữ ký của người có thẩm quyền…

Thông báo coi thường người dân của chính quyền huyện Hiệp Hòa.

Công khai “dùng vợ ép chồng, dùng con ép cha”

Để làm rõ các vấn đề trên, chiều ngày 19/3/2014, nhóm phóng viên có mặt tại trụ sở UBND huyện Hiệp Hòa để làm việc với bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch và một số lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn huyện Hiệp Hòa.

Một cô giáo tiểu học, một công nhân nhà máy phân đạm chẳng liên quan gì đến dự án, vậy mà họ cũng bị chính quyền huyện Hiệp Hòa lôi vào cuộc. Để rồi nảy sinh bi kịch phải lựa chọn giữa công việc và tình thân máu mủ.
Rất nhiều công văn "gây sức ép" được gửi đến nơi công tác của những người dân không nhận tiền đền bù.
Để yên ổn làm việc, họ phải ép buộc người thân trong gia đình nhận tiền bồi thường, nhiều người đã rớt nước mắt cầm tiền vì con cái. Nhiều người quyết giữ đất, họ phải đối mặt với chuyện “tình máu mủ bị sứt mẻ”, bố con cãi nhau, vợ chồng cãi chửi… Ấy vậy mà các “ông” trên huyện vẫn bảo “đó là chủ trương chính sách”. Như lời ông Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Chính quả quyết: “Chúng tôi vận động theo đúng pháp luật chứ có phạm pháp gì để phải tù tội đâu mà sợ”.
Về những “quái chiêu” này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chính thừa nhận đã có những công văn gửi đến các cơ quan của người dân để các cơ quan này có trách nhiệm yêu cầu những người này thực hiện chủ trương của chính quyền. Tuy nhiên, ông cho biết: “Đây là vấn đề đạo lý để vận động người nhà mình phải có trách nhiệm với chủ trương, nhất là các Đảng viên. Gửi công văn là một trong những biện pháp mà chính quyền huyện dùng để tác động cho người dân chấp nhận tiền bồi thường”.

Lý giải về việc, những người bị gửi công văn không liên quan trực tiếp đến mảnh đất giải tỏa, ông Nguyễn Văn Chính cho biết, tuy những người này không phải là chủ thể trực tiếp, nhưng họ phải có trách nhiệm thuyết phục người nhà thực hiện chủ trương của chính quyền. Những người này dứt khoát phải có trách nhiệm. “Nếu không gửi công văn cho nghỉ việc để ở nhà vận động gia đình nhận tiền đền bù thì chúng tôi biết làm thế nào”.
Khu đất 12 hecta của dự án

Liên quan đến công văn đề nghị cho cô giáo Hương nghỉ dạy để vận động chồng nhận đền bù, ông Phạm Văn Nghị - Trưởng Phòng Giáo dục đào tạo Hiệp Hòa khẳng định: “Đây là chủ trương, chính sách của huyện nên phòng phải chấp hành. Sau khi nhận được công văn của UBND huyện về việc tạo điều kiện cho cô giáo Hương nghỉ dạy để có thời gian vận động chồng nhận đền bù, tôi đã mời cô Hương lên phòng nói chuyện 3 lần. Chính tôi là người yêu cầu Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Sơn cho cô hương nghỉ dạy một thời gian”.

Như vậy, qua buổi làm việc với phóng viên, chính quyền Hiệp Hòa đã công khai việc họ ép dân. Để người dân chấp thuận bán ruộng với giá rẻ mạt 277 ngàn đồng/m2, các cán bộ nơi đây đã không từ một thủ đoạn nào

Trần Nhương .com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: