Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

QUAY LƯNG VỚI LỊCH SỬ LÀ BỘI NGHĨA, VONG ÂN !

 Bùi Hoàng Tám (Nguồn: Dân trí )
(Dân trí) - Học môn Lịch sử là để hiểu truyền thống của dân tộc để từ đó, nuôi dưỡng lòng yêu Tổ quốc. Dân tộc nào mà thế hệ trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng với lịch sử sẽ là một bi kịch của tương lai. Đặc biệt là dân tộc Việt Nam, với những trang lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng thì việc quay lưng với lịch sử còn là sự “vong ân, bội nghĩa” với tiên tổ, phải không các bạn? 
>>  Xuất hiện trường đầu tiên không có học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Sử

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Một thông tin rất đáng lo ngại, tất cả học sinh tại một trường trung học nổi tiếng ở Hà Nội đã không có bất cứ em nào chọn thi môn Lịch sử trong số 6 môn tự chọn trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Đó là Trường THPT Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Việc này phần nào cho thấy thực tế môn Lịch sử trong nhà trường đã không còn hấp dẫn, thậm chí bị học sinh quay lưng. Đây là một bi kịch của bất cứ dân tộc nào bởi lịch sử chính là tấm gương phản chiếu tương lai của mỗi quốc gia.
Vì thế, điều này đã đặt ra một loạt các câu hỏi cho không chỉ các nhà giáo dục mà cụ thể là ba câu hỏi lớn sau cần được trả lời.
Thứ nhất, đối với các nhà biên soạn lịch sử. Câu hỏi đặt ra là việc chép sửcó trung thực không? Có khách quan không? Có bị chi phối không và có bóp méo, xuyên tạc hoặc bỏ quên lịch sử hay không?...
Thứ hai là đối với các nhà xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa có đủ năng lực và trình độ không? Chương trình có khoa học và phù hợp không? Những sự kiện đưa vào sách giáo khoa có thỏa đáng không? Có hay không việc xơ cứng với các con số vô cảm đã “cứng hóa” một bộ môn đầy sự hấp dẫn và sinh động?...
Thứ ba là đối với những người truyền tải mà cụ thể là các thày cô có thật sự là những người yêu mến môn lịch sử không? Có yêu và tự hào về nghề không? Có đủ trình độ không? Bài giảng có đủ sức hấp dẫn không? Có sự áp đặt tư duy không?...
Theo mình, đây là những yếu tố cơ bản, chỉ cần thiếu một trong số các yếu tố này đã đủ không thành công và nếu thiếu cả ba thì việc tất cả học sinh trong một nhà trường bỏ không thi, thậm chí tẩy chay môn Lịch sử là điều bình thường. Dẫn đến việc hàng ngàn học sinh bị điểm 0 như trong kỳ thi đại học 2011 cũng là điều bình thường.
Không thể nói khác, để các em yêu mến, tự hào về lịch sử nước nhà thông qua học môn Lịch sử trước hết là trách nhiệm của những nhà viết sử. Họ phải thượng tôn tính khoa học của lịch sử bằng sự trung thực, khách quan và nhiều khi cần cả lòng dũng cảm bảo vệ chân lý.
Việc không đưa sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa và Chiến tranh vệ quốc 1979 vào sách giáo khoa vừa qua là bài học cần phải được rút kinh nghiệm một cách sâu sắc. Lịch sử luôn tồn tại khách quan và khoa học, không bao giờ bị chi phối bởi ý muốn của bất cứ ai vì bất cứ lý do, mục đích gì.
Đối với những nhà giáo dục, cần phải xem lại toàn bộ qui trình từ biên soạn chương trình, sách giáo khoa đến việc giảng dạy của các thầy cô trực tiếp trên bục giảng. Lịch sử là sự công bằng, chính xác nên dạy và học môn Lịch sử không có nghĩa là “bảo sao nghe vậy” hay áp đặt một cách nhìn. 
Học môn Lịch sử là để hiểu truyền thống của dân tộc để từ đó, nuôi dưỡng lòng yêu Tổ quốc.
Dân tộc nào mà thế hệ trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng với lịch sử sẽ là một bi kịch của tương lai.
Trong tác phẩm nổi tiếng “Đaghextan của tôi”, Nhà văn Ra-xun Gam-da-tốp từng viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta…”.
Đặc biệt là dân tộc Việt Nam, với những trang lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng thì việc quay lưng với lịch sử còn là sự “vong ân, bội nghĩa” với tiên tổ, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: