ĐƠN
GIẢN..
Truyện ngắn của Hồng Giang
Tôi
bị mắc kẹt giữa hai ông, “Đơn Giản” và “Phức Tạp”. Nhiều khi rất khó xử. Được
lòng đất, mất lòng đò. Được lòng ông này thì mất lòng ông kia. Muốn tránh mà
không được, vì hai ông đều là hàng xóm, lại là sếp của tôi.
Một
ông ăn thế nào cũng được, mặc thế nào cũng xong. Công việc cơ quan miễn là đừng
sai nguyên tắc, vi phạm chính sách, kết quả thế nào cũng không gây khó khăn.
Với ông mọi thứ trên đời đều là vật “ngoài thân” chả nên tích góp nhiều, “soi”
kỹ quá.
Thiên
hạ xây nhà năm bảy tầng, ông chỉ xây hai tầng, cửa rõ rộng, lại thêm nhiều cửa
sổ. Cốt có nhiều ánh sáng lọt vào, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Bản thiết kế tự
mình, cứ nghiền ngẫm thiên hạ, về vẽ lấy, thuê thợ làm. Vậy mà nom khá đẹp!
Một
ông cầu kỳ đón kiến trúc sư tận Hà Nội lên thiết kế. Mẫu nhà vẽ xong rồi, sửa
đi sửa lại, ông vẫn chưa yên tâm. Ông đón thêm một nhà kiến trúc nữa, vẽ thêm
một bản. Có hai bản rồi vẫn thấy sao sao.. Tay
trợ lý mách nước:
-
Theo em, anh nên cho hội thảo, lấy ý kiến đa số, sau đấy hãy làm. Khi đã làm
xong rồi mới tìm thấy thiếu sót, sửa lại rất khó!
Ông
bảo:
-
Chú xem, như thế có lạm dụng tín nhiệm, sợ thiên hạ đánh giá mình thế nọ thế
kia không? Dù gì cũng là việc riêng của nhà mình?
-
Có gì mà phải ngại hả anh? Mình làm bằng tiền của mình. Có phải tiền nhà nước,
tiền nhân dân đâu? Có hội thảo quanh năm cũng chả chết thằng tây, thằng tàu
nào! Chả sợ ảnh hưởng gì, anh việc gì phải ngại?
Vợ
ông Phức Tạp cũng chen vào:
-
Chú ấy nói phải. Gian cửa gian nhà là việc hệ trọng cả đời. Có bàn một tý cũng
là việc nên làm..
Thế
là hội thảo. Không tổ chức ở cơ quan vì là việc nhà, chỉ làm tại tư gia.
Trợ
lý lập tức, ngay hôm đó thông báo cho các bộ phận, những “nhân” chủ chốt.. Tất
cả chừng hai chục mạng. Mỗi ông một ý tốt. Lời hay lẽ phải như mưa móc trên
trời, thật là “quá mĩ mãn” thể hiện đường lối sáng tạo tập thể.
Xong.
Cả bọn được mời ra nhà hàng. Năm người một mâm. Tất nhiên là ông Phức Tạp mở
hầu bao vì là việc riêng của nhà mình. Nhưng bù lại tiền “lì xì”, “phong bao”
của khách đến dự trả nhà hàng rồi, vẫn còn dư ra quá nửa.
Thời
buổi lịch sự, kinh tế “thị trường định hướng”, chả ai dại gì vác mồm đến ăn
không để bị mang tiếng là người mất lịch sự, thiếu “nhân văn, văn hóa tính”và
nhất là sợ bị hiểu nhầm là không tôn trọng lãnh đạo.
Nhà làm xong. Vẫn là có ý khiêm tốn, chỉ năm
tầng. Nhưng là kiểu nhà độc đáo có một không hai ở thành phố này.
Về
quy mô, về hình thức, bề ngoài, về cả nội thất bên trong, chưa từng có ngôi nhà
hay tòa biệt thự nào trong thành phố sánh kịp.
Về
thiết kế kiểu dáng đã đành, chất liệu để xây dựng cũng không đơn giản. Gỗ thì
mua mãi ở bên In Đô. Gạch Y ta Ly, nói
chung toàn loại quý và hiếm cả.
Biệt
thự mặt tiền kiểu Thái, hậu kiểu Pháp. Hội đủ “tinh hoa kiến thức” của Đông Tây
kết hợp.
Riêng
bên trong nội thất vẫn “giữ vững truyền thống bảo tồn văn hóa dân tộc”. Đồ đạc
toàn gỗ tứ thiết nội địa. Đặc biệt khác
là gian phòng trung tâm ốp gỗ Pơmu, kê bộ sa lông Tàu, gỗ Thạch Am. Một loại gỗ
quý, ngay ông Đơn Giản là người hay đi đó đi đây cũng chưa thấy bao giờ. Đó là
một loại gỗ mọc trên núi đá cao có từ hàng trăm năm trước. Gỗ này trong một
biến thiên không rõ động đất, hay núi lửa gì đấy, bị vùi dưới bùn sâu, hay nó
mọc, phát trển ngầm dưới lòng đất đến giờ vẫn chưa ai dám chắc. Người ta phải
trục vớt nó lên, gian nan như trục vớt một con tàu đắm.. Đặc điểm của loại gỗ
này là nó vô cùng bền vững, ngàn năm sau chưa chắc đã hỏng. Hơn nữa lại có
hương thơm rất đặc biệt từ thớ sâu trong lòng gỗ tỏa ra hăng hắc nhẹ nhàng. Nhà
có bộ ghế này đảm bảo không bao giờ muỗi dãn dám bén mảng. Chuột bọ các loại
không dám lại gần. Đặc biệt hơn nữa, ngồi lên đấy cảm giác cứ lâng lâng như
đang được mát xa không cần đến máy móc thời hiện đại vậy. Thỉnh thoảng có công
việc, tôi đến cũng được mời ngồi. Về nhà tự nhiên bệnh đau lưng viêm khớp của
tôi đỡ hẳn cả tuần. Thật không đơn giản chút nào!
Tôi
chả có lý do gì để ngó vào buồng nhà sếp để ngắm cái giường của ông. Như thế là
không được phép. Một là thiếu tôn trọng sếp, hai là không đúng với sự “tôn
trọng riêng tư”, một trong mấy cái quyền sinh ra ở đời của người khác. Điều này
tuyệt đối không.
Họa
lớn có thể xảy ra bắt đầu từ những chuyện cỏn con như thế này!
Nhưng
thấy anh em trong cơ quan bảo cái giường của sếp nằm còn đặc biệt hơn thế nữa. Nó
bằng loại gỗ còn quý hơn Thạch am. Nằm trên đó chả bao giờ gặp ác mộng. Toàn
những giấc mơ đẹp “trên cả tuyệt vời”, khi thức dậy nảy ra nhiều ý tưởng sáng
tạo hoàn toàn mới mẻ, kẻ khác có được lọc sóng ý thức như cha Thọ điên cũng
không nghĩ ra được.
Chả
thế sếp luôn có những ý kiến rất hay, rất chi xác đáng, người thường không bao
giờ có. Thật không đơn giản chút nào!
Hai
sếp của tôi cứ như bắc và nam cực, tuy vẫn “đồng tâm phục vụ cách mạng” theo
một “trục địa cầu”, nhưng tính cách khác hẳn nhau như bắc và nam vĩ tuyến.
Ông
Đơn giản chả giống ông Phức Tạp tý nào.
Bà
vợ ông Đơn Giản nghe bên nhà ông Phức Tạp có cái giường như thế, thì thầm với
chồng:
-
“Đêm nằm năm ở”, nhà mình cố lấy một cái cho nó bõ ngày gian khổ năm xưa?
Phụ
nữ vốn vậy, chả chịu thua chị kém em. Ông chỉ cười:
-
Ồi dào, cũng chỉ nằm qua đêm. Bà có thấy ai nằm cả ngày không? Chỉ có bệnh nặng
mới nằm liệt một chỗ như thế. Vậy cầu kì làm gì? Có là giường bằng vàng, đêm
cũng chỉ ngủ trên một cái. Có họa điên mới đêm nằm hai, ba cái giường!
Đến
bàn ghế trong nhà cũng vậy. Các con ông bảo:
-
Phòng khách là bộ mặt, nên sắm bộ ghế tôn tốt bố ạ!
Ông
lại cười:
-
Vẽ. Một đời ta muôn vàn đời nó. Hỏng cái này thay cái khác. Miễn là vững chãi,
sạch sẽ là được. Người ta trọng là ở cái ăn ở, cư xử với mọi người. Đâu phải
trọng vì bộ bàn ghế kê ở trong nhà?
Đơn
giản đến thế, còn nói gì được nữa? Con cái cứ phụng phịu, không bằng lòng. Thời
buổi này mọi thứ đâu có thiếu?
Cơ man nào là kiểu dáng chất liệu. Cứ có tiền
là có tất, đâu có khó khăn gì? Bộ gỗ Thạch am như bên nhà ông Phức Tạp e rằng
khó, chứ bộ sa lon giả cổ Đồng Kỵ đâu có khó khăn?
Thấy
vợ con không bằng lòng, ông chỉ bảo:
- Người
ta sống ở đời cần nhất là cái Tâm, cái Trí.. đừng nên quan trọng hóa đồ đạc lên
làm gì. Mọi phương tiện dù quý đến đâu cũng chỉ là vật dụng, phục vụ con người.
Chả nhẽ mình lại làm nô lệ cho nó, vì đồ đạc mà lao tâm khổ tứ để cố sắm cho kì
được?
Lại
nói đến ăn mặc, hai sếp của tôi cũng hoàn toàn khác nhau. Một ông lúc nào cũng
comlê, cavát đến sở, giày bóng lộn không một tý bụi. Một ông chỉ đơn giản áo bỏ
trong quần, đi dép da. Mùa rét thêm cái bơludon bên ngoài, cổ quấn cái khăn len
cũ. Chủ trương “đồng phục hóa” cơ quan khi tới công sở vì ông này, mà mãi tới
nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Phức Tạp rất không bằng lòng vì “sự kiện” đó,
nhưng không nói. Biết đâu nói ra “phức tạp hóa vấn đề”, gây xáo trộn, mất đoàn
kết nội bộ trong cơ quan?
Một
hôm nhân cả hai sếp vắng nhà, có buổi họp quan trọng gì đấy “ở trên”, chúng tôi
bàn tán với nhau. ( Thường thì bây giờ chỗ nào chả thế? Vắng chủ nhà gà vọc niêu
tôm. Ngồi phòng máy lạnh, anh thì vào Phây Búc chít chát. Anh tò mò chơi Gêm,
xem báo mạng. Một số chụm đầu lại với nhau đến phòng “tổng hợp” của tôi uống
trà vặt, chuyện gẫu ).
Đồng
chí Tân nói:
- Này
không hiểu có anh nào phòng ta nói gì, sếp có ý nghi hoặc, cứ gặng hỏi tôi mãi
“Phòng mình có anh nào không vừa ý tớ, có nói gì không?”. Tôi bảo làm gì có!
Sếp đối với anh em như thế, khác nào như anh em trong nhà.. không có ai nói gì
đâu ạ!
Đồng
chí Cựu nói:
-
Chẳng qua sếp hay phức tạp hóa vấn đề. Có ai dại gì mà bàn luận chuyện riêng
hay bất cứ chuyện gì của sếp? Giả dụ như sếp có bồ bịch, mình có biết mười mươi,
khi vợ sếp hỏi, mình cũng bảo “không”. Sếp ghét có nước độn thổ cũng không
thoát!
Cái
phòng tôi nó vậy.
Thật
chả chuyện gì ra chuyện gì. Hễ vắng sếp y như rằng có chuyện. Anh nào cũng tỏ ý
khôn ngoan, sắc sảo hơn người, ra cái vẻ “cách tân, đổi mới” thế nọ thế kia. Nay
bàn cải tiến cái này, mai luận cải cách cái khác..
Nhưng
hễ có mặt sếp anh nào anh ấy nhũn như con chi chi. Hỏi, chả biết thật hay giả
vờ, cứ ấp a, ấp úng.
Lắm
lúc tôi cứ tự nghĩ: Thực ra cái phòng mình thật sự có cần thiết phải có nó hay
không? Đóng góp cụ thể với xã hội được những gì?
Lương
hàng tháng chúng tôi vẫn lĩnh đều. Công việc nhìn bề ngoài luôn có vẻ quan
trọng, nhưng thực ra chả việc gì ra việc gì.
Mang
tiếng là “Phòng tài nguyên môi trường”, chả mấy khi chúng tôi ra đến bên ngoài.
Chẳng “điều nghiên, sáng tạo” mới được cái gì.
Công
văn trên đưa xuống, dưới đưa lên, chủ yếu lại chuyển từ phòng này sang phòng
kia. Luẩn quẩn vài ba vòng mới thực sự được giải quyết.
Đã
từng có bài báo nói rằng “Đến ba mươi phần trăm công chức đến sở chủ yếu đợi
hết giờ mà không làm việc gì cả”?
Dạo
đó phòng tôi cứ xôn xao, ồn xồn cả lên.
Đồng
chí Cựu bức xúc quá, nói: “Tớ về sẽ viết lại một bài “đập” cho tay này một
trận. Làm gì có chuyện công chức đến công sở ngồi chơi? Sáng cắp ô đi, tối cắp
về, phải không các đồng chí?”
Nhưng
rồi chả thấy có bài báo nào của đồng chí ấy “phản biện” lại được ra mắt thiên
hạ. Một là sự việc người ta nêu ra không sai. Hai là “trình” của đồng chí Cựu
viết không lại người ta, nên tòa báo không đăng. Ba là đồng chí ấy quá bức xúc
mà nói vậy, về nhà lại quên?
Là
đầu đề để chúng tôi nghị đàm hơn cả tuần giời, mỗi lúc các sếp đi vắng!
Chuyện
về các sếp thì có nhiều, nhưng nói chung chúng tôi “hài hòa” và yên ổn chung sống
với nhau.
Trừ
khi sếp không thích, muốn thử thách anh nào đấy mới cử đi cơ sở. Những lúc ấy
cực kỳ vất vả. Không những phòng máy lạnh không được ngồi, lại phải nắng nôi,
mưa gió. Có hôm ăn uống thất thường vì ở cơ sở đâu có được đầy đặn như ở trung
tâm?
Ghét
nữa, sếp giao hẳn cho phụ trách một dự án. Lại nát óc ra mà mày mò. Anh nào
cũng có “bằng cấp đầy mình”, thực ra “lỏng”và “hổng” kiến thức. Có va chạm thực
tế mới lòi cái đuôi dốt của mình ra. Thời buổi “giỏi giang không bằng khéo léo”.
Sếp không ưng ý thì liệu cái thần hồn. Dự án, dự iếc có cẩn thận, chu đáo, tính
toán kỹ đến đâu cũng không hết thiếu sót..
Nói
thế để biết, chả ai dại gì “phức tạp” tình hình, cứ “đơn giản”ngoan hiền cho nó
lành..
Trong
muôn cái “hãi” ở đời, phải công nhận “Hãi sếp” là cái hãi đứng hàng thứ nhất!
Khổ
cái hai ông sếp tính cách như đã nói, khác biệt nhau, thành ra chả biết đâu mà
lần. Sợ nhất là để một trong hai vị mất lòng.
Hễ
các sếp đi vắng, chúng tôi thường chụm lại với nhau, thầm thì to nhỏ, để vừa
lòng cả hai.
“Công
vụ” đáng lý ra là việc chính, luôn phải “nung nấu” trong đầu, hóa ra là chuyện
phụ.
Điều
chúng tôi quan tâm lại chả dính gì đến công việc của cơ quan.
“Ứng
xử” với các sếp “như nào” vẫn phải là mối quan tâm hàng đầu!
Đang
bận rộn với nhau về vấn đề “đơn giản” hay “phức tạp”, ông nào hơn ông nào trong
phòng tôi như thế, chợt có tiếng điện thoại.
Sếp
gọi đích danh tôi và đồng chí Tân ra ngay ngã năm “có việc đột xuất”. Cả phòng
ngẩn ngơ không ai biết việc gì? Lại đoán non đoán già?
Tôi
và đồng chí Tân vội lấy xe máy đi ngay. Sếp đã gọi thì giá nào cũng không được
chậm trễ, mặc dù chưa biết có việc gì, dù có bão chết cò vẫn phải có mặt!
Từ
xa chúng tôi đã thấy xe các sếp đỗ ven đường, cạnh đó một đám đông đứng vòng
trong vòng ngoài, xúm xít bên một vụ tai nạn xe máy. Lạ một nỗi, chưa hề có ai
động tay? Lòng nhân và thiện tính ở đám đông hình như chưa kịp khởi động?
Thôi
chết, lại có tai nạn giao thông rồi? Các sếp đi đứng thế nào, loạng quạng đâm phải
người, gọi chúng tôi hỗ trợ giải quyết hậu quả đây?
Tôi
nghĩ thế, hóa ra không phải. Xe của các sếp không hề hấn gì, người cũng chả bị
làm sao!
Hỏi
kỹ mới biết đầu đuôi câu chuyện..
Giá
như hai sếp không đi với nhau, sự việc đã khác, chưa chắc có ai gọi đến chúng
tôi!
Người
bị nạn đi ngược chiều với các sếp, cách xa một quãng. Thủ phạm gây ra tai nạn
thấy vắng người bỏ chạy, người bị nạn vẫn nằm, gần như bất động. Người đi đường
xúm lại nhưng chưa ai quyết việc gì, vì sự việc có thế sẽ khá“Phức tạp”.
Đã
có không ít người “làm phúc phải tội”. Đưa nạn nhân vào viện còn bị xét hỏi lôi
thôi, làm chứng làm chung mất thì giờ. Có lẽ vì thế người ta ngại?
Lúc
bấy giờ sếp “Đơn Giản” đang cầm lái. Sếp “Phức tạp” bảo: “Thôi cứ đi, không nhỡ
mất cuộc họp!”. Nhưng sếp Đơn Giản không nghe. Ông lại nói: “Ở lại bây giờ là
phức tạp lắm, phiền phí đấy.. ông có hiểu?”
Sếp
phó bảo: “ Tôi biết, nhưng đơn giản mà nói, không thể thấy người bị nạn mà làm ngơ.
Như thế quá tàn nhẫn! Nếu có đến muộn mình cũng có lý do cơ mà?”
Sếp
“Phức Tạp” cằn nhằn: “Ông phức tạp bỏ xừ.. Đến bệnh viện là phải làm thủ tục
nhập viện cho người ta, có ai là thân nhân của người ta ở đây đâu? Lại còn phải
ra hiện trường làm chứng cho công an lập biên bản. Rồi còn gọi tới, gọi lui để
giải quyết sau này.. Ông tưởng đơn giản, ít thời gian đấy à?”
Sếp
phó gãi gãi đầu: “Không. Sẽ có cách, đơn giản thôi mà.. Ông cứ để tôi!”
Nói
xong sếp Đơn Giản rút điện thoại, gọi cho chúng tôi.
Tất
nhiên, việc còn lại là của tôi với đồng chí Tân, không cần kể!
Chỉ
có điều về cơ quan buổi sáng hôm ấy, cả phòng chúng tôi cứ tranh luận mãi. Thực
ra, trong hai sếp ông nào đơn giản và ông nào phức tạp, ông nào hơn ông nào?
Không
ngã ngũ. Ai cũng có cái lý đúng của mình!
Đến khi đồng chí Cựu phát biểu:
- Các
cậu muốn đơn giản hay muốn phức tạp đây? Chuyện của các sếp “ai hơn ai” thì
việc gì đến các cậu? có mà rỗi hơi hay sao mà cứ bô bô cái mồm?
Lúc
bấy giờ, tất cả mới chợt hiểu ra. Im khe. Chút nữa cả bọn đã trở nên phức tạp, rồi
thì.. mọi sự từ đây sẽ không đơn giản chút nào nếu đến tai sếp những câu chuyện
đại loại như thế này!
Sếp
“Đơn Giản” thì không nói, chứ sếp “Phức Tạp” thể nào chả có “Ăng ten” trong đám
chúng tôi?
Người
ta bảo “nhịn ăn mới chết”, chứ nhịn nói xưa nay đã có ai chết bao giờ đâu? Ai
hay thì ấm thân mình, bận rộn gì đến mình, mà lo?
=======
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét