Khóc, cười ở Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước
PGS,TS Mai Hảo
11/03/2014
Kì I: Xin ông Phạm Hiến “chớ trèo lên thơ”
Tạp chí Văn nghệ Bình Phước số 12/2013, ông Phạm Hiến (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước) “dạy” bạn đọc rằng: “Làm báo văn nghệ cần có phong cách tinh tế về văn nghệ”. Thường người ta chỉ nói “cái nhìn tinh tế”, “ửng xử tinh tế”, nhưng ông Phạm Hiến đòi hỏi rất cao ở người làm báo văn nghệ phải có “phong cách tinh tế” tức là người đó phải có trình độ tri thức một cách hệ thống chuyên biệt và độc đáo, tinh tế khi làm báo văn nghệ.
Lời tuyên ngôn của ông Phạm Hiến đã cuốn hút tôi buộc phải đọc lại chuỗi bài của ông đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Tạp chí Văn nghệ số 4/2011, ngay trong phần sa-pô (chapeau) bài “Làng bên phố – Hoài niệm của người lính giàu cảm xúc” ông viết: “Thú thật, ở tỉnh Bình Phước (theo phỏng đoán của tôi) có một người viết văn và làm thơ với những tác phẩm có chất lượng đồng thời mang phong cách riêng; giàu vốn ngôn ngữ diễn đạt, giàu hình tượng; giàu cảm xúc hoài niệm về một thời đã xa như Lê Viết Liệu là không nhiều. Đầu tháng 3/2011 tập thơ “Làng bên phố” của anh đã ra mắt công chúng (Nhà xuất bản Thanh Niên), hình thức đơn giản nhưng nội dung đã làm nhiều bạn đọc quan tâm và rơi nước mắt!”.
Thứ nhất về cái tít của bài viết: Chưa nói đến nội dung, ngay cái tít bài “Làng bên phố – Hoài niệm của người lính giàu cảm xúc!” đã thể hiện chả có gì là “tinh tế” vì muốn có thơ hay người làm thơ phải “giàu cảm xúc” là chuyện đương nhiên. Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ giàu cảm xúc nhất, dễ lay động lòng người nhất. Cái tít dễ dãi, sáo mòn này chẳng đưa lại thông tin gì mới mẻ cho người đọc vậy thì “tinh tế” ở đâu?
Thứ hai, phần sa-pô: Ông viết “…những tác phẩm có chất lượng đồng thời mang phong cách riêng; giàu vốn ngôn ngữ diễn đạt, giàu hình tượng; giàu cảm xúc hoài niệm”…
Tác phẩm có “chất lượng” đương nhiên là phải có “phong cách riêng” rồi. Vế “đồng thời mang phong cách riêng” trở nên thừa. Thơ hay thì nhất thiết phải giàu vốn ngôn ngữ diễn đạt, giàu hình tượng; giàu cảm xúc… Vấn đề này không phải là phong cách riêng mà là những tố chất chung bất luận nhà thơ nào cũng phải có. Bạn đọc chỉ mong ông vạch ra được cái phong cách riêng độc đáo, tinh tế trong thơ Lê Viết Liệu cụ thể như thế nào thôi. Ông hạ câu: “hình thức đơn giản nhưng nội dung đã làm nhiều bạn đọc quan tâm và rơi nước mắt”. Câu này tôi e hơi sáo và chủ quan, vì thời buổi này làm thơ để bạn đọc “rơi nước mắt” theo kiểu cải lương là hơi khó. Tập thơ “Làng bên phố” của Lê Viết Liệu giàu chất triết lí suy tư và nỗi niềm trăn trở trước hiện thực đời sống chứ không phải hay theo kiểu “rơi nước mắt” cải lương như ông Phạm Hiến thẩm định và bình luận.
Thứ ba, phần thẩm định và bình luận: Tôi xin trích nguyên một đoạn văn chỉ có 2 câu nhưng có tới 114 chữ. Riêng câu thứ 2 có tới 82 chữ, sử dụng hai lần dấu hai chấm (:) trong một câu. Ông Phạm Hiến viết sai ngữ pháp và diễn đạt hết sức rối rắm: “Sự hấp dẫn của tập thơ ngoài tính đa dạng của các mảng đề tài sáng tác, lối viết giàu hình ảnh, biểu cảm còn phong phú cả thể loại sáng tác. Người đọc dễ nhận diện những mảnh vỡ của cuộc đời hay nhát cắt của lịch sử gắn với từng số phận và khi xâu chuỗi những nội dung của tác phẩm chúng ta như có được một truyện kí sắp đặt bằng lộ trình thời gian là thước đo của cuộc đời: cũng có điểm xuất phát, sự trưởng thành và những mất mát đau thương, rồi tổng hợp tích lũy vốn sống: Lời mẹ; Tìm lại tuổi thơ; Ngày ấy; Xuân người; Cổng làng; Người chiến sĩ ra đi; Kỉ vật thời son trẻ; Hoài niệm chiến khu; Niềm tin theo Đảng; Tâm sự đêm tân hôn; Thơ tặng bạn già; Đời nghệ sĩ; Khinh đời; Thọ Trường cảm tác”…
Tôi không hiểu ý ông định nói gì. Thơ của Lê Viết Liệu là những tứ thơ và cảm xúc bất chợt chứ sao lại “xâu chuỗi những nội dung của tác phẩm chúng ta như có được một truyện kí sắp đặt bằng lộ trình thời gian là thước đo của cuộc đời”!(?)…
Thứ tư, thẩm định sai bản chất nội dung thơ: Ông Phạm Hiến viết: “Tình yêu cuộc sống trong thơ Lê Viết Liệu dạt dào, trữ tình, tự sự, ngoài sự trải nghiệm của tác giả còn có vốn hiểu biết rộng đa chiều, đa diện, đôi khi còn dí dỏm – hài hước để nói lên cái bi kịch… “Để anh hát ru em ngủ!/ Nuôi con không quản tháng ngày/ Muộn màng đôi lần sinh nở/ Dị hình, coi như trắng tay!”…
“Tình yêu cuộc sống trong thơ Lê Viết Liệu dạt dào” là đúng rồi, còn “trữ tình, tự sự” thuộc về phương pháp sáng tác không thể bổ nghĩa cho vế trên được. Cách diễn đạt trên cho thấy ông Phạm Hiến nhầm lẫn khái niệm, thiếu tri thức căn bản và khả năng thẩm định văn chương.
Về nội dung đoạn thơ trên mà ông bình là “dí dỏm – hài hước” ư!(?). Có lẽ các em học sinh tiểu học cũng thấy nỗi đau của tác giả trong bi kịch do hậu quả chất độc da cảm để lại: “Muộn màng đôi lần sinh nở/ Dị hình, coi như trắng tay!”…
Một bài viết như vậy mà Ban Biên tập đã cho in hai lần. Ngoài tạp chí Văn nghệ Bình Phước, bài này còn được đăng trong “Tuyển tập Văn học Bình Phước 2006 – 2011”.
Thôi ông Phạm Hiến ạ, nhà thơ Tú Xương đã dạy: “Yêu sông yêu núi thì trèo/ Yêu thơ xin chớ có trèo lên thơ” ông nhé! (Kì sau tiếp)
PGS,TS Mai Hảo
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét