Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Tôi suýt thành Chí Phèo


Phạm Minh Giang

Chuyện của tôi xảy ra đã lâu lắm rồi, nhưng tôi muốn kể lại để nhớ lại một thời trẻ trai hay lầm lỗi. (Bây giờ tôi đã thành một ông già, không làm gì dám mơ tưởng những chuyện linh tinh nữa).


“Anh Chí!”
Tôi quay ra thấy Linh. Ôi, người con gái sao mà dịu dàng đến thế! Linh năm nay hai mươi lăm tuổi, người cao dong dỏng, mắt sáng, nụ cười tươi tắn, trong trẻo, đặc biệt là tiếng nói. Ôi, cái tiếng nói sao mà đằm thắm thiết tha làm vậy? Cái tiếng nói làm cho lòng ta ấm lên mỗi khi lạnh lùng. Cái tiếng nói như luồng gió mát thổi vào lòng ta mỗi khi ta bức bối khó chịu. Hiếm có người nào có tiếng nói như thế.  Thật hạnh phúc cho chàng trai nào lấy được người con gái ấy làm vợ.
Linh là cô bạn hàng xóm của vợ chồng tôi. Linh đã tốt nghiệp đại học, đang chờ phân công công tác. Hàng ngày Linh vẫn sang nhà tôi, nhất là từ khi thấy tôi có nhiều thơ đăng báo, Linh lại càng hay sang nhà tôi chơi hơn trước. Linh học đại học văn. Linh sẽ là cô giáo dạy văn. Linh yêu thơ. Linh vẫn thường gọi tôi là thi sĩ của em. Còn tôi? Tôi thấy ở Linh một người phụ nữ lý tưởng: xinh xắn, dịu dàng, nết na và thật ... đáng yêu!
Vợ tôi thì khác hẳn. Là công nhân nhà máy cơ khí, hơi một tí là cảu rà cảu rảu. Nhưng được cái vợ tôi rất chịu khó. Hết giờ làm việc buổi chiều, vợ tôi về ngay nhà trẻ đón con, qua chợ mua thức ăn rồi về cơm nước chu đáo. Cái khoản chịu khó thì không thể nào chê vợ được. Nhưng ăn nói cộc lốc, cục cằn, cảu rảu thì quả thật nhiều phen làm tôi phát ớn.
Mà tôi cũng có phải là lười đâu! Nếu người ta kết nạp những người tập tọng viết lách như tôi vào “làng văn”, “làng báo” thì tôi cũng đã được kết nạp vào “làng” mấy năm nay rồi. Tuy không phải là cây bút chuyên nghiệp nhưng tôi đã có những bước tiến đáng kể trong “sự nghiệp viết lách”. Mỗi lần lĩnh tiền nhuận bút, tôi lại mời bạn bè “chiến hữu” nhậu nhẹt một bữa ra trò tại nhà mình hoặc tại một nhà hàng nào đó. Vừa ăn uống, vừa ngâm ngợi thơ...thẩn.  Cứ thế lai rai, say bí tỉ có khi thâu đêm, suốt sáng. Những lần như thế, tôi thường là bị lỗ. Nhuận bút có một nhưng tôi phải chi ra đến hai, ba, bốn, năm lần. Nhưng mà vui. Nhà thơ mà lại! Văn nghệ sĩ mà lại ! Cứ nghe những câu nói ấy tôi sướng tai lắm.
Vì vậy, tôi nào có tiếc gì. Lỗ thì lỗ, tôi cũng mặc. Vợ con muốn lo gì thì lo. Tôi cũng mặc. Sau những ngày liên hoan chia vui như thế là những ngày dài ăn uống khem khổ và một không khí buồn rầu ảm đạm bao trùm lấy gia đình tôi. Tôi có hơi buồn một chút. Nhưng rồi những tác phẩm mới lại vẫy gọi tôi. Tôi lại quên đi cái nét mặt lo âu của vợ và nét mặt ngây thơ mà ỉu xìu của đứa con gái lên năm của tôi, tôi lại lao vào trận chiến đấu với những luật bằng trắc, những ngôn từ, đánh vật với những con chữ, theo đuổi đến cùng những mảnh đời, những tính cách của các nhân vật qua muôn nghìn diễn biến phức tạp của đời sống. Tôi thức trắng nhiều đêm, ăn uống thất thường. Và tôi hút nhiều thuốc, uống nhiều rượu. Không có khói thuốc thì tâm hồn không thể bay lên mây mà tưởng tượng được. Không có rượu thì không thể hít thở hết mình cái phóng khoáng của trời đất mà từ đó nhìn rộng ra mãi phía chân trời, không thể săn lùng, kiếm tìm được cái đẹp vĩnh cửu của tự nhiên và cái đẹp luôn luôn biến động của con người. Và vì thế, tôi mặc cho vợ tôi muốn đi thì đi, muốn về thì về.
Bây giờ nhìn Linh, tôi tìm thấy ở Linh một nhân vật lý tưởng trong câu chuyện của tôi, và cũng là con người lý tưởng nếu như cuộc đời này còn cho phép tôi được lựa chọn.
Tôi định bụng rằng ngày mai tôi sẽ nói chuyện với Linh. Vợ con tôi thường đi vắng cả ngày. Tôi rất có điều kiện để nói hết với Linh. Dù Linh có đồng ý hay không, tôi vẫn cứ nói. Tôi sẽ ôm lấy Linh và nói rằng “Anh yêu em. Em là mơ ước của đời anh. Em là cái đẹp lý tưởng của anh...” Những ý nghĩ ấy cứ miên man trong đầu tôi. Tôi lao vào viết, viết thật nhiều. Tôi tưởng tượng. Tôi ước mơ... Đến gần sáng, tôi thiếp đi trong một giấc mơ trên mây, trên gió.
Tôi mơ màng tỉnh dậy vì một cơn gió lạnh. (Lâu nay tôi ngủ một mình trên gác hai trống trải). Đầu tôi đau ê ẩm. Toàn thân mỏi nhừ. Tôi cố mở mắt ra nhưng mi mắt tôi sao nặng như đá. Tôi thấy mình như đang chơi vơi trên đống lửa...Tôi hét to...
Vợ tôi chạy lên, sờ tay lên trán tôi. Tôi nóng, tôi rét run cầm cập. Nàng lấy khăn ướt đắp lên trán tôi, xoa bóp cho tôi, đánh cảm cho tôi. Tôi thấy người dễ chịu. Và thiu thiu ngủ...
Mùi cháo hành làm tôi bừng tỉnh. Vợ tôi bưng bát cháo hành đến cho tôi. Nàng ân cần bảo “Anh ăn bát cháo hành cho toát mồ hôi ra là khỏi...”.
Tôi bưng bát cháo hành húp một húp. Mùi gạo thơm ngậy. Mùi hành ngọt và thơm hăng hăng. Hai mùi ấy quyện vào nhau thành một mùi thơm quyến rũ, mùi thơm ngon của hương đồng gió nội quê hương...
Ăn xong bát cháo hành, mồ hôi tôi toát ra như tắm. Tôi thấy mình nhẹ nhõm, khoẻ khoắn hẳn ra, đầu không còn đau, mắt không còn hoa nữa. Tôi tỉnh táo, khoan khoái lạ thường. Vợ tôi ân cần lau mồ hôi cho tôi, nói với tôi những lời thật nhẹ nhàng, đầm ấm. Đến bây giờ tôi mới phát hiện ra một điều mà trước đây vì bận mải hay vì hờ hững tôi không thấy – đó là vợ tôi thật có duyên. Ánh nắng sớm soi vào bể nước ngoài hiên hắt ánh sáng lung linh vào nhà, trông vợ tôi đẹp lạ lùng. Nàng ngước đôi mắt vốn rất đẹp lên bảo tôi “Lần sau anh đừng thức khuya quá, anh đừng làm việc quá sức, anh mà ốm thì chỉ khổ mẹ con em...”
Tôi ứa nước mắt. Nghĩ lại những ý nghĩ sai lệch hôm qua của mình, tôi ân hận lắm. Tôi nói nhỏ “Anh xin lỗi em”... Hình như nàng không nghe thấy. Nàng tươi cười bưng chén nước  cho tôi. Ôi, nàng dịu hiền, duyên dáng làm sao! Nàng là người phụ nữ đẹp nhất.
Lạ lùng thay! Bát cháo hành như một vị thuốc quý kỳ diệu đã giúp tôi khoẻ khoắn trở lại, đã đưa cánh buồm yếu ớt chao đảo sắp lạc bước của tôi trở lại dòng sông của mình.
Có tiếng gọi “Anh Chí! Anh Chí!...” (Chắc là tiếng gọi của Linh ở ngoài cửa)...
Vâng! Thưa các bạn! Tôi là Chí. Nhưng may mắn làm sao, tôi chưa thành Chí...Phèo!
Bát cháo hành (của Thị Nở) làm cho Chí Phèo lương thiện được có một đêm. Nhưng bát cháo hành của vợ tôi đã làm cho tôi sống khoẻ khoắn, sống đẹp cả một đời...

PHẠM MINH GIANG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: