Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Phiên tòa xét xử năm công an dùng nhục hình, khiến anh Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, Phú Yên) mất mạng

(PLO) – Phiên tòa xét xử năm công an dùng nhục hình, khiến anh Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, Phú Yên) mất mạng bắt đầu từ sáng sớm ngày 10-3. Tuy nhiên, đến hơn 10h , 19 trong số 23 nhân chứng được tòa triệu tập vẫn không đến dự phiên xử. HĐXX nhận định việc vắng mặt quá nhiều nhân chứng sẽ bất lợi cho việc xét xử nên quyết định tạm hoãn phiên tòa đến 26-3. 

10g10, Hoãn phiên tòa để triệu tập thêm nhân chứng
Sau gần một tiếng đồng hồ HĐXX thảo luận, hội ý, thẩm phán Lý Thơ Hiền, chủ tọa phiên tòa, công bố quyết định hoãn phiên tòa. 

 Năm bị can dùng nhục hình đánh chết anh Kiều trước vành móng ngựa. Ở bàn bên cạnh, chị Tâm - vợ của nạn nhân, người phụ nữ khốn khổ giờ đây không biết nương tựa vào đâu để nuôi dưỡng hai con còn rất nhỏ
Theo đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập thêm các nhân chứng. Phiên tòa sẽ mở lại vào lúc 8g ngày 26-3. Thẩm phán Lý Thơ Hiền cũng cho rằng yêu cầu của LS Võ An Đôn (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại) về thay đổi chủ tọa phiên tòa là không có căn cứ nên tòa bác yêu cầu.

 Lực lượng chức năng có mặt để giữ an ninh cho phiên tòa
10 giờ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội), bào chữa cho bị cáo Thành cho biết cáo trạng đã được thay đổi mà dựa vào bất cứ căn cứ nào  là một điều rất bất thường.
Theo đó, toàn bộ nội dung vụ án không có gì thay đổi, mà chỉ thay đổi điểu khoản truy tố đối với 4 bị can được tại ngoại (Quyền, Quang, Mẫn và Huy) từ truy tố theo khoản 2 Điều 298 Bộ luật Hình sự
thành khoảng 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự. Như vậy, khung hình phạt cho bốn bị can này được giảm từ hai đến bảy năm tù xuống còn từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Ông Lê Ngọc Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), luật sư thứ hai bào chữa cho bị can Thành, cho cũng biết khi gia đình vào trại tạm giam thăm bị can Thành đã phát hiện bị can này bị giam không có lệnh từ tháng 8-2013 đến ngày 13-1-2014. Trước đó, lệnh tạm giam Thành đã hết hiệu lực từ tháng 8-2012 nhưng không có quyết định gia hạn.
9h15 phút
Trong phần làm thủ tục, hai bị cáo Thành và Quang đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập thêm các nhân chứng vì phiên tòa hôm nay vắng đến 19 trong 23 nhân chứng được tòa triệu tập.
Chị Ngô Thị Tuyết, chị ruột anh Kiều cũng đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa do thẩm phán chủ tọa Lý Thơ Hiền nhiều lần gây khó khăn cho luật sư bên bị hại. Chị Tuyết cũng lo ngại HĐXX này xét xử không khách quan. Ngoài ra, chị Tuyết muốn cung cấp thêm băng ghi âm lúc khám nghiệm tử thi anh Kiều để tòa xem xét.

 Chị Tuyết (chị nạn nhân-bên phải) và chị Tâm (vợ nạn nhân) tại tòa. 
LS Võ An Đôn (Đoàn Luật sư Phú Yên), người bào chữa miễn phí cho bên bị hại, cũng đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa do đã nhiều lần bị vị thẩm phán này gây khó khăn. “Tôi đã hơn 10 lần đến tòa nhưng thẩm phán Hiền không cho đọc hồ sơ. Thẩm phán Hiền luôn gây khó khăn. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng không có tên LS bên bị hại.

 Năm bị can là cán bộ công an trước vành móng ngựa
Bà Ngô Thị Hồng Minh, đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa tại phiên tòa đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa vì hai bị cáo Thành và Quang đề nghị tòa triệu tập thêm nhân chứng. Việc vắng 19 nhân chứng sẽ không đảm bảo việc xét xử.

 Chủ tọa phiên tòa
9h 
Cáo trạng nêu: Năm sĩ quan công an chuẩn bị ra hầu tòa, gồm Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45, Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy), Đỗ Như Huy (trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy, đều là cán bộ điều tra, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa). 
Bốn bị can là cán bộ công an tại tòa. Ảnh: T.Lộc 
Trong đó, bị cáo Thành bị bắt tạm giam từ ngày 15-1-2013, bị Viện KSND TP Tuy Hòa truy tố tội dùng nhục hình theo quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự, có mức án từ 5 năm đến 12 năm tù; các bị cáo còn lại bị truy tố tội dùng nhục hình theo quy định tại khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự có mức án từ sáu tháng đến ba năm tù. 
8g35: HĐXX bước vào phòng xử án
Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Lý Thơ Hiền công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, phần lớn trong 23 nhân chứng là cán bộ Công an Phú Yên và Công an TP Tuy Hòa đều vắng mặt. Tòa đang thâm tra lý lịch 5 bị cáo. Ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng, cũng không có mặt. 

 Rất đông người dân quan tâm đến vụ án đã có mặt tại phiên tòa. Ảnh: T.Lộc
 7h30: Theo luật sư Võ An Đôn (Đoàn Luật sư Phú Yên), mặc dù người nhà anh Kiều đã mời ông bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình người bị hại nhưng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP Tuy Hòa không đưa luật sư này vào tham gia tố tụng. Cách đây mấy ngày, tòa chỉ gọi điện đề nghị Luật sư Đôn đến tham gia phiên tòa. Luật sư Đôn cũng xác nhận gia đình bị hại và luật sư không hề nhận được cáo trạng của Viện KSND TP Tuy Hòa.
6h30 sáng 10-3: Nhiều người quặn lòng khi thấy chị Trần Thị Tâm (29 tuổi, vợ anh Kiều) đưa hai con nhỏ đội khăn tang đến theo dõi phiên tòa. Chị Tâm bế đứa con nhỏ đứng ở một góc sân tòa; đó là cháu Ngô Thị Kim Oanh, chào đời ngày 1-6-2012, tức 17 ngày sau khi cha cháu bị công an đánh chết. Đứa con lớn của anh chị là cháu Ngô Thị Thanh Thảo (8 tuổi) ngơ ngác nhìn mọi người xung quanh. “Con tôi ra đời mà không thấy mặt cha vì họ đã cướp đi mạng sống của cha nó rồi!”- chị Tâm nói trong nước mắt.


Chị Tâm và hai con nhỏ trước tòa. Ảnh: Tấn Lộc 
Thảm cảnh của gia đình nạn nhân bị công an đánh chết:
Chị Tâm cho biết hôm nay chị xin chủ quán nghỉ một ngày rửa chén thuê để đi dự tòa. Sau khi anh Kiều chết, chị Tâm sinh con một mình trong hoàn cảnh hết sức khốn khó. Khi cháu bé được ba tháng, ba mẹ con về ở với ông bà nội các cháu. Hàng ngày, chị Tâm đi rửa chén thuê cho các quán ăn, đến 9-10 giờ đêm mới về, mỗi tháng chỉ kiếm được 1,2 triệu đồng.

 Hai con anh Kiều còn quá nhỏ để hiểu hết mất mát mà các em phải chịu.  Ảnh: Tấn Lộc
Thấy các cháu thiếu ăn, thiếu sữa, ông Ngô Văn Cộ (cha anh Kiều) dù đã 70 tuổi, thường xuyên đau bệnh đã cố gắng đi làm phụ hồ để kiếm tiền thêm nuôi các cháu. Từ khi anh Kiều mất, bệnh tim của mẹ anh ngày càng nặng nhưng hàng ngày vẫn chăm giữ hai cháu nhỏ để chị Tâm đi làm thuê.

 Người cha già cầm di ảnh những vết thương  trí mạng của con mình.  Ảnh: Tấn Lộc
Chị Ngô Thị Tuyết (45 tuổi, chị ruột anh Kiều) kể: “Phải nhiều ngày sau khi em tôi chết, gia đình mời bác sĩ đến nhà rồi mới dám nói cho mẹ tôi biết sự việc. Từ đó, mẹ tôi suy sụp hẳn”. Chị Tuyết là người phát hiện những bất thường về cái chết của em trai mình. Suốt nhiều tháng liền, chị là người đại diện gia đình gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng, yêu cầu điều tra, xử lý hành vi đánh người các cán bộ công an. “Nếu em tội phạm tội thì có luật pháp xử lý. Tại sao giữa đêm khuya, dù không có lệnh bắt, họ lại ngang nhiên đến nhà còng tay bắt em tôi đi, rồi họ tự cho mình cái quyền được đánh đập người khác”- chị Tuyết uất ức.

 Gia đình người bị hại  và những hình ảnh cuối cùng đầy đau đớn của anh Kiều. Ảnh: Tấn Lộc
Ngồi đợi đến giờ tòa xử, chị Tâm bức xúc cho biết trong suốt quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan chức năng không cho gia đình biết gì cả. “Tôi nghe nói viện kiểm sát có hai cáo trạng về vụ án này nhưng đến giờ gia đình tôi không thấy, không biết vì họ không gửi. Gần một năm nay, gia đình tôi đã gửi rất nhiều đơn đến các cơ quan chức năng, kể cả TAND Tối cao, yêu cầu làm rõ vì sao họ không đưa vụ án ra xét xử. Bây giờ, gia đình tôi chỉ mong tòa xét xử công minh, đúng người, đúng tội; đừng vì những người phạm tội là cán bộ công an mà thiên vị, giảm nhẹ”- chị Tâm nói. Chị Tuyết cho biết thêm, tại phiên xử này, gia đình chị sẽ yêu cầu tòa buộc những cán bộ công an trên phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi hai đứa con của anh Kiều đến khi trưởng thành.

 
Ngày 13-5-2012, trong quá trình xét hỏi, năm công an trên đã dùng nhục hình, đánh chết anh Ngô Thanh Kiều (ngụ thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên), nghi can của một vụ trộm. 

TẤN LỘC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: