GS Trần Lâm Biền khẳng định: "Rất nhiều trường hợp chúng tôi tư vấn một đằng thì thi công làm theo một nẻo. Tôi không thích con hổ này".
Sau 6 tháng thi công, các hạng mục mới được tu bổ ở lăng Ngô Quyền, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã có nhiều chi tiết bị sai so với ban đầu, đặc biệt là việc xây mới một bức bình phong chắn lối vào của lăng khiến gia tộc họ Ngô bức xúc phản đối.
Bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi thì dân làng và dòng họ Ngô cho biết “tác giả” của bức bình phong là giáo sư Trần Lâm Biền. Phóng viên tìm đến hỏi, ông cũng tỏ ra rất ngỡ ngàng và bức xúc về câu chuyện này.
PV: Hiện nay bà con dòng họ Ngô đang kiến nghị dừng xây lăng vì có những bất đồng trong tu bổ đền và lăng Ngô Quyền. Trong đó có một hạng mục là xây hoàn toàn mới một bình phong trong lăng có hình một con thú xấu xí, dữ dằn. Người dân cho biết đây là ý tưởng của giáo sư, có phải không ạ?
GS Trần Lâm Biền: Văn hoá không chỉ đóng chết ở cái thời ấy, mỗi thời gian sau có đóng góp để phát triển hơn. Tôi không bảo làm hình này. Tôi chỉ khuyên nên làm bình phong. Vì trong tất cả những ngôi đền và lăng mộ thì bức bình phong giúp chống quỷ dữ tác động đến chỗ ngồi của thần. Chỉ có chùa không bao giờ có bình phong. Để giữ sự trong sáng cho thần thì đền, đình thì phải có bình phong. Tuỳ theo ông thần là ai.
Với cụ Ngô Quyền đánh quân Nam Hán thì phải nhìn quân Nam Hán như giặc như quỷ sẽ quấy rầy và bức bình phong đó chống quỷ quấy rầy.
Mình chỉ nêu như vậy trong buổi họp góp ý kiến tu bổ đền và lăng Ngô Quyền được tổ chức công khai trước dân làng là nên có bức bình phong vì trước đền có cái đầm thì dễ có thuỷ quái. Sau đó, người ta thực hiện như thế nào thì tôi không biết.
Sau khi được phóng viên VOV online cho xem bức hình chụp con thú trên bức bình phong gây tranh cãi, phải mất một lúc giáo sư mới nhận ra đó là con hổ. GS Trần Lâm Biên tỏ rõ sự thất vọng và nói:
Trước bình phong thường có con hổ. Con thú trong bình phong là sự sáng tác của người ta chứ tôi chưa nhìn thấy cái này. Hôm nay, bạn cho tôi nhìn tôi mới biết. Từ hôm góp ý kiến đến giờ tôi chưa lên kiểm tra lại xem họ làm thế nào.
Đây là sự sáng tác của thợ và nó chưa đạt được giá trị nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật của nó là con hổ và nó là thần linh cai quản mặt đất có khả năng trừ tà sát quỷ cho nên nó ngồi chồm hỗm, mặt quay ra để chống quỷ. Còn đây là hiện tượng họ tưởng con hổ chỉ là con hổ nên họ làm như thế chứ nếu hỏi mình thì mình sẽ bắt làm hổ ngồi hoặc mình sẽ giới thiệu mẫu rõ ràng. Trong việc thực hiện chẳng ai hỏi cả nên mình không có cơ hội tư vấn. Nhìn xa nó như con chó. Tôi không thích con hổ này.
GS Trần Lâm Biền: "Tôi là dân mỹ thuật nên không chịu được cái con hổ xấu thế này...Làm lấy được để lấy tiền, làm theo chủ quan và thiếu hiểu biết là không được".
PV: Theo Luật Di sản thì không nên thêm bớt bất cứ vật gì. Sao giáo sư lại tư vấn xây thêm bình phong trong khi phía trước lăng Ngô Quyền đã có bức bình phong tự nhiên là dãy núi phía xa?
GS Trần Lâm Biền: Dãy núi ấy đến cái đầm rồi mới đến cái lăng. Nếu dãy núi ngăn cách cái lăng với cái đầm thì là chuyện khác. Nhưng dù sao cũng nên có bình phong để giữ yên như vậy. Cái lăng có niên đại muộn. Ở đấy có cái ngược. Thông thường người ta đến đền vào lăng thì thông thường sẽ vào đền trước rồi mới ra lăng.
Nhưng cái sái ở đó là để lăng trước rồi đền sau. Trước đây không có con đường đi ở giữa bởi người xưa cũng tránh cái đó nên họ đẩy cái lăng vào với nhiều cây như cái rừng. Tức là người ta vẫn vào đền trước rồi ra lăng sau, người ta đi vòng ra.
Mình yêu cầu bỏ con đường đó đi vì không ai đi từ cái chết đến cái sống. Bởi đi vào thế giới của người chết là phải đi từ đền sang lăng. Tôi khuyên nên bố cục lại. Tôi tư vấn thế thôi còn không biết người thực hiện ở địa phương sẽ thế nào chứ sau đó họ không gặp lại tôi để tư vấn khi có thiết kế.
PV: Vậy là giáo sư chỉ tư vấn đúng hôm góp ý xây dựng chứ không tư vấn mẫu thiết kế cho bình phong?
GS Trần Lâm Biền: Tôi chỉ có mặt đúng hôm họp mặt toàn dân và mọi người ở cuộc họp xin ý kiến xây dựng. Hôm nay mình mới nhìn thấy bạn cho xem con hổ đó. Tôi là dân mỹ thuật nên không chịu được cái con hổ xấu thế này. Bình phong để chống quỷ dữ tác dộng. Đây là mình nói về chuyện tâm linh còn từ khi nói xong chưa ai hỏi mình nên làm thế nào. Chứ nếu hỏi mình sẽ giới thiệu những mẫu đẹp.
Đây là câu chuyện giữa người thực hiện và người công đức. Thứ nhất chúng ta tu bổ di tích chứ không trùng tu. Từ trước đến nay không có chuyện trùng tu bởi chúng ta không làm được. Chúng ta có tu bổ tôn tạo, chúng ta không đem nhà hai tầng đặt vào đấy mà chúng ta tôn tạo để cho nó nghiêm chỉnh hơn, kính trọng hơn, có vậy thôi. Nguyên tắc đi vào một ngôi đền hay một lăng mộ là người ta không đi xộc thẳng vào giữa như thế. Nhiều khi phải có bức bình phong, nhiều khi thay bức bình phong bằng một hòn non bộ để tránh đi xộc thẳng và cũng để cho kính cẩn.
Việc làm đại khái là không kính cẩn, như thế là không được. Làm theo chủ quan và thiếu hiểu biết là không được. Rất nhiều trường hợp chúng tôi tư vấn một đằng thì thi công làm theo một nẻo.
PV: Xin cảm ơn giáo sư./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét