Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Ý hướng tính văn chương ( Nguyễn Hoàng Đức ):

Khi cầm bút viết cuốn sách này tôi không khỏi rụt rè xao động khi đứng trước dãy Hy-ma-la-ya văn chương kỳ vĩ và đồ sộ: chỗ thì tràn ngập ánh mặt trời suy lý chói chang, chỗ thì bịt bùng những đám mây u hoài bao phủ, bên sườn núi những lớp tuyết tinh thần kỳ cựu tan băng vĩnh cửu thời gian hoà quện vào những nguồn mạch tu từ pháp, cú pháp, lôgíc, hình ảnh và nhịp điệu từ khắp các hang hốc réo rắt sục sôi tuôn chảy. Thật là vĩ đại! Thật là huyền nhiệm! Thật là mênh mông! Thật là sâu thẳm!

Quả vậy đứng trước toà núi văn chương mà các nhà văn lão luyện, các thi sĩ phiêu du, các học giả đầy uyên thâm đã phải thốt lên: “Thi ca dẫn tới cuộc tranh luận không ít hơn cuộc tranh luận của toàn nhân loại” (Poem are amenable to discussion no less than the uniquely human person. – sdd ‘Encyclopedia New Catholic’, P-457) thì ta không thể tránh nổi nỗi xao xuyến đến ngộp thở khi bị cái bóng ngễu nghện đồ sộ của nó choàng xuống khắp mênh mông. Nhưng, vì lý do gì khiến tôi cầm bút, phải chăng ngòi bút của tôi sẽ như một bông lau mảnh dẻ não nuột khua múa giữa bút trường đã đầy ắp bóng dáng giá trị hiển hách hay dấu vết của vinh quang? Chính tiên sinh F. Bacon đã gợi lên cho tôi ý chỉ cầm bút. Tiên sinh nói: “Sản phẩm của tâm trí và cơ bắp có vẻ như tràn ngập trong sách vở và kỹ nghệ. Nhưng tất cả sự chế biến đó nằm trong một khía cạnh sáng láng và phần phái sinh của quá ít đối vật đã được hiểu biết” (The productions of mind and hand seem very unmerous in books anf manufactures. But all this variety likes in an exquisite sibtly and devivations from few things already known. – Stuart Hampshire ‘The Age of Reason’, Mentor 1956, tr.24).

Có phải vậy không? Toàn bộ vũ trụ bao la, từ nàng trái đất miệt mài nhẫn nhục, đến gã mặt trời ngỗ ngược đầy lửa, rồi cô Hằng đỏng đảnh giữa những vì sao nhỏ bé thích đùa nhấp nháy, tất cả có nằm trong nguyên lý vũ trụ như nhất không? Còn dãy Hy-ma-la-ya kỳ vĩ uẩn khúc và huyền nhiệm thì sao? Liệu nó có là một ngoại lệ của nguyên lý: lửa thoát khỏi vòng tay của nước vươn lên thành đá, và tại tầm cao nghễu nghện nó tự nạo vét mình tuôn chảy xuống dòng sông một nguồn mạch biết ơn tha thiết. Và cũng vậy, cho dù có bao la kỳ vĩ hay lung lạc mê hồn đến bao nhiêu, văn chương có lẽ cũng chỉ được khai sinh từ vài nguyên lý, và nhất là bằng vẻ duyên dáng huyền ảo của mình, nó có tìm cách lách khỏi nguyên lý mà Hegel đã tìm cách thao túng sau đây không: “Những tư tưởng dẫn dắt thế giới” (Les idees menent le mond.- sdd ‘Histoire de la Philosohie’, tr.82).

Chắc là không! Chính vì thế mà tôi đã cầm bút, song cuốn sách của tôi không có nhã ý tham gia vào “cuộc tranh luận thi ca của toàn nhân loại” trên bình diện tổng thể, bởi chưng lạc vào mê hồn trận tu từ - cú pháp của lịch sử văn chương quả là công cuộc khai sơn phá thạch, tìm kiếm châu Mỹ mới không dễ thở chút nào.

Ở đây bằng cách riêng của mình tôi sẽ đề cập đến ý thức, hoặc khiêm nhường hơn là chỉ đề cập đến “ý hướng tính”; bằng cách này tôi muốn lần theo dấu vết khai lộ của những bộ não “tiền ý thức” còn rọi bóng lại cho toàn thể ý thức nhân loại như: Socrate, Platon, Aristote, Descartes, Kant, Hegel, Bergson, K.Marx, Nietzsche, Spinoza, Schopenhauer, Saint Augustine... những tên tuổi này không định gợi ra cuộc rủ rê vào triết học, bởi ít ra tôi luôn luôn dè chừng khi ngước nhìn một tuyên xưng đóng cửa tuyệt đối “Thơ là Thơ”. Ở đây tôi chỉ rút tỉa ý tưởng thuần tuý qui hướng văn chương nghệ thuật hoặc rộng hơn nữa là mỹ học; thêm nữa tôi cũng tham chiếu những nhà văn lỗi lạc, sự lỗi lạc tôi nhắm đến không phải chỉ dừng ở những thành tựu như giải Nobel, Pulitzer hay Goncour mà là sự lỗi lạc của những bộ não bề thế trí tuệ luận lý. Tóm lại những tiên sinh vừa “ăn” vừa nói được như Dostoievski, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Henry Miller, William Faulkner, Andre Gide...

Viết đến đây tự nhiên tôi muốn gào vào chính mình: như vậy văn chương là ý thức, thứ ý thức tàn tạ cằn cỗi khô trụi kia làm sao có thể đang là một cây đời xanh mơn mởn ru giỡn gió khiến cả thế giới của trần gian lung lạc. Không, văn chương là văn chương, nó chính là cuộc đời này, hẩm hiu, sóng gió, vinh quang và da diết. Gân cốt tôi gào thét: hãy vứt bỏ ý thức, vứt bỏ triết học, vứt bỏ tư tưởng, vứt bỏ thứ văn chương cao ngạo sạch sẽ khỉ gió ấy đi. Hãy lắng nghe đây tiếng gió cuồng vọng đến! Hãy lắng nghe lời tuyên xưng toàn thể phương ngôn hành động của chúng ta, những cây bút: “Chúng ta chỉ tôn sùng người nghệ sĩ của cuộc đời ‘Artist of life’. Người giúp chúng ta sống cuộc đời toàn diện” (Henry Miller).

Vâng! Có thể là vậy, nhưng hãy khoan đã, tôi không định sớm bước vào cuộc bút luận đã đeo đuổi toàn nhân loại. Nhà văn là ai? Họ chẳng là cái gì khác hơn là tác phẩm của mình. Họ chính là tác phẩm của mình! Kinh Thánh Matheus có nói “Cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu, xem quả biết cây”. Tác phẩm của nhà văn chính là thành quả, là trái ngọt mà họ tận hiến cho đời bằng cách vắt kiệt ý chí của họ, tâm linh của họ, trái tim của họ, và cuộc đời của họ đầy lạc thú và ưu hoạn, cuộc đời toàn diện bay bổng trên đôi cánh siêu việt của thần linh nhưng cũng dò dẫm trên đôi chân bản năng của muông thú, một cuộc hành trình tam đoạn luận: Ngợm, Người, Thượng Đế, một khung cửa vị kỷ úp lại mở tung đôi cánh đón lấy tha nhân, vân vân và vân vân.

Hình ảnh trọn vẹn của một nhà văn là đời sống toàn thể của một thân cây đung đưa trong gió trần gian, rung rinh cánh tay dâng quả ngọt cho đời. Nhưng đó là giá trị tràn ắp sự biểu lộ, còn nhựa sống của cây thì sao? Nó có minh nhiên rỡn gió trước mắt chúng ta? Không! Nó chỉ âm thầm chảy, nhưng nó đấy, nó có đấy, nó đang chảy đấy, nó chẳng mảy may có nổi một thoáng vẻ õng ẹo nào trong con mắt khả giác của chúng ta. Nhưng nó là sức sống! Nó mặc khải toàn bộ cuộc đời này, nó là Ý THỨC.
Chungta.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: