Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Đức điên mà không phải điên!

Dễ vay vốn doanh nghiệp phá sản /Nhiều bao cấp văn thơ phá bỉnh



Nguyễn Hoàng Đức

Đã sang năm mới nhưng dường như ngành văn thơ vẫn chưa hề làm công việc “tống cựu nghinh tân”. Mỗi cơ thể sống, mỗi ngày phải thanh toán cả triệu tế bào da để giúp cho làn da tươi tắn. Không dọn nền cũ thì chẳng ai có thể xây cất một ngôi nhà mới. Không dọn mặt đất thì cũng chẳng ai có thể đào xuống những vỉa quặng đã lộ thiên. Ở nước ta đã từng có chuyện, mỏ than kia chỉ bới đất lên để lấy than, thời gian đầu năng xuất rất cao, nhưng càng xuống sâu thì lớp đất bới vội vàng phía trên cản trở việc lấy than bên dưới, rút cục năng xuất ngày càng xuống thấp, chính vì sự cản trở của việc làm qua loa cẩu thả. Tống cựu nghinh tân không phải chuyện của một năm, mà là của mỗi ngày như phương ngôn của người xưa “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Điều ấy vô cùng dễ hiểu và giản dị như mặt trời làm mới trái đất mỗi ngày với ban mai tinh khôi và hoàng hôn xán lạn.
Kinh tế là mối quan tâm sống còn của mọi người cũng như toàn xã hội, như phương ngôn của người Việt “đồng tiền liền khúc ruột”. Có nghĩa đồng tiền là nuôi sống ngay từ giữa dạ dầy, và nó còn có thể nâng cánh con người lên tiên như “có tiền mua tiên cũng được”, hơn thế còn có thể đảo điên cả luật pháp như “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Nhưng kinh tế của chúng ta đang lâm vào khủng hoảng rất nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng ở đây, không chỉ là thiếu vốn, mà còn nghiêm trọng gấp bội khi nó không bao hàm bất kỳ thứ nguyên lý nào để níu giữ nó. Triết gia Hegel nói “Khi dựng nhà, người thợ đều phải dựng đứng cột vuông góc với mặt đất, có thế tòa nhà mới đứng vững”. Nhưng nền kinh tế của chúng ta liệu có dựng lên những nguyên tắc để đứng vững, hay nó chỉ là cách lướt sóng ăn ngay?! Bới đất lên moi vốn tự có, rồi thì trơ ra cả một đống rác ùn ùn xung quanh, giờ làm sao giải quyết đống rác tồn động đó mà không mất tiền để trả công?
Cụ thể mới đây các chuyên gia kinh tế nói: vì được ưu tiên vay vốn quá dễ dàng, nên các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, vu vơ, đầu tư ngoài ngành, xuất hiện các thứ “lỗ giả lãi thật”, vốn ảo, vốn chéo… chẳng khác gì một công trình bị ăn bớt thập diện tứ phía, làm sao ngôi nhà không bị lung lay? Và từ đó người ta thấy không thể nào sống sót nếu không tái cơ cấu, muốn làm ăn có lãi thì các doanh nghiệp phải tuân thủ qui chế thị trường, đầu tư, xây dựng. Phải cổ phần hóa, để thoát khỏi tình trạng “cha chung không ai khóc”…
Hình ảnh hàng vạn doanh nghiệp phá sản cho chúng ta một bài học quá rõ ràng, đó là: khi hưởng quá nhiều ưu tiên về vốn, người ta đã ỉ lại, dễ dãi làm ăn, tạo ra những sản phẩm “nhanh nhiều tốt rẻ” để rồi rút cục: mọi thứ đều rơi về trọng lượng thật – tiền nào của ấy. Của rẻ thành của ôi, của thối, không bán được. Thành phá sản.
Nhà văn, nhà thơ  bao cấp của chúng ta cũng vậy. Tại sao các cây bút lại ào ào chen lấn vào cửa Hội Nhà văn? Đơn giản vì muốn được hưởng ưu tiên. Thôi thì được quyền leo vào rân rồng văn nghệ, có khác gì mấy con cua con ốc được bày bán trong sạp “chợ Đồng Xuân”, tiện thể được xét giải, khéo chạy chọt thập thò một chút dễ ẵm giải như bỡn. Còn nếu không vào Hội thì sao? Của mình là kim hoàn chắc gì có chỗ bày bán để người ta biết đến? Còn mơ đến giải thưởng ư? Khác nào gỗ quí tận thâm sơn cùng cốc kiếm cơ hội vào cung vua phủ chúa?!
Mới đây, khi trò chuyện với nhau, mấy nhà văn cán bộ thừa nhận: Hội nhà văn hàng nghìn người ư, liệu có được mấy cây bút biết viết văn? Có một bài viết rất nghiêm túc chỉ ra: số cây bút Việt nổi tiếng nhiều hơn tác phẩm. Vậy có nghĩa là gì? Những người nổi tiếng này, nhiều khi chỉ là một bài thơ hay không có, cuốn sách càng không, tiểu thuyết cũng không… vậy họ nổi tiếng bằng cái gì? Tất nhiên là bằng tất cả những gì thuộc tâm lý nghe hơi nồi chõ, bày đàn, truyền miệng. Bây giờ là thời xum xuê công nghệ truyền thông, thì số lượng tác giả không tác phẩm lớn nổi tiếng lại càng tăng vọt.
Xu thế tự túc, tự giác, cổ phần hóa để chịu trách nhiệm về số vốn của mình, cũng như trách nhiệm về lối đầu tư và phát triển của mình đang là xu thế tất yếu của thời đại. Điều này đã được minh thị quá rõ ràng ở Việt Nam khi hàng vạn doanh nghiệp được ưu tiên vốn đang ngắc ngoải trong cơn phá sản. Vậy mà trớ trêu thay hàng năm vẫn thấy cảnh cả trăm cây bút đang thập thò lách vào cửa Hội Nhà văn, rồi tưng bừng đánh trống ghi tên, điểm danh như học trò. Có một phương ngôn chọc cười rằng: “Trung quốc có Tào Ngu mà không ngu. Việt Nam có Đoàn Giỏi mà không giỏi”. Có người còn bình: trời ơi làm sao người giỏi mà lại có một đoàn kia chứ?
Tại sao có tình trạng này? Chỉ có mỗi một cách trả lời: vì người ta yếu ớt quá mới phải chạy chọt tìm kiếm sự ưu tiên về vốn. Và càng ưu tiên về vốn người ta càng chỉ có tác phẩm nhanh nhiều tốt rẻ bất tài mà thôi. Thiết nghĩ, nền văn chương muốn tiến bộ cũng nên nghĩ đến “cổ phần hóa” cũng như giải thể để cơ cấu lại, sao cho mỗi cây bút biết tự lực tự cường, đi trên chính đôi chân của mình, cũng như viết văn bằng chính cái đầu, quả tim và bàn tay của mình. Hãy nhớ dù hát to vẫn chỉ là tốp ca. Còn hát hay dù bé vẫn cứ là đơn ca. Giọng đơn ca hay mới khó, còn tốp ca thì gom đâu chẳng thành, từ nông trường, đến hợp tác xã, cứ gom người lại bắt nhịp là thành tốp ca thôi.
Nền văn học bao cấp quá lâu làm cho chúng ta chỉ thấy người ta khoe tài bằng cách: túi của tôi có nhiều tem phiếu, nhiều giải thưởng mậu dịch hơn anh. Còn khoe giọng đơn ca ư, xin lỗi chúng tôi chỉ quen hát tốp ca?!
NHĐ  06/02/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: