Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

‘thế giới phẳng’


Cuốn Thế giới phẳng: Lược sử thế kỷ 21 của Thomas Friedman – nhà kinh tế được giải Nobel - tới nay đã xuất bản được gần 9 năm.

Cuốn sách trong nhóm bán chạy nhất trên khắp thế giới này phân tích về hiện tượng toàn cầu hoá của thế kỷ 21, được tác giả gọi là “toàn cầu hoá 3.0”. Khác với toàn cầu hoá 1.0 (chủ yếu do các chính phủ của các quốc gia thúc đẩy), và toàn cầu hoá 2.0 (chủ yếu do các công ty đa quốc gia thúc đẩy), toàn cầu hoá 3.0 được thúc đẩy bởi các xu thế của ngành công nghệ điện toán.

Friedman liệt kê ra 10 nhân tố mà theo ông đang làm thế giới “phẳng” ra, theo nghĩa nó xoá bỏ các rào cản mang tính “địa phương”, và đẩy mọi người vào một cuộc chơi bình đẳng mang tính toàn cầu. Trong mười nhân tố ấy, chủ yếu là các nhân tố trực tiếp liên quan đến công nghệ, thí dụ như:

Sự xuất hiện của Hệ điều hành Windows (trùng hợp với ngày bức tường Berlin sụp đổ - 11/9/1989),
Sự xuất hiện của Netscape (8/9/1995) biến internet từ chỗ là công cụ của riêng giới chuyên gia thành công cụ của đại chúng,
Sự xuất hiện các chuẩn ngôn ngữ cho phép máy móc có thể giao tiếp với nhau mà không cần con người (như SMTP hay HTML),
Sự xuất hiện khả năng “upload” cho phép nhiều người ở nhiều nơi có thể cùng lúc làm việc với nhau trong một dự án chung (thí dụ cùng phát triển các phần mềm mã nguồn mở, hay cùng viết wikipedia),
Sự xuất hiện của các công cụ tìm kiếm thông tin nhanh chóng như google search,
Sự xuất hiện của mạng không dây và việc số hoá tất cả các dữ liệu, từ âm thanh đến hình ảnh, và sự xuất hiện của các phương tiện cầm tay như điện thoại thông minh.
Thời điểm năm 2004-2005 khi Friedman viết cuốn Thế giới phẳng là thời điểm đã có nhiều thành tựu về công nghệ (mà ông đã liệt kê), cho phép Friedman có cơ sở để tin rằng thế giới đang ngày càng phẳng.

Dĩ nhiên, góc nhìn của ông, với tư cách là một nhà kinh tế, tập trung chủ yếu vào khía cạnh thị trường lao động nói riêng và môi trường cạnh tranh toàn cầu nói chung. Công nghệ làm mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn, một doanh nghiệp có thể đặt chi nhánh ở bất kỳ đâu, thuê mướn lao động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới sao cho rẻ nhất, vì thế, một người lao động ở Mỹ ngày nay không chỉ cạnh tranh với người Mỹ, mà còn phải cạnh tranh với người lao động ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…

Nhưng “thế giới phẳng” không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế, và có lẽ nó không tác động mạnh nhất đến cuộc chơi kinh tế. Thay vào đó, nó tạo ra hàng loạt các cuộc cách mạng về giáo dục, về lối sống, văn hoá, khả năng giao tiếp, và cả cái gọi là hành lang an toàn của cuộc sống cá nhân riêng tư.

Ngày nay, với sự giúp sức của công nghệ, con người ở khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận được các công cụ máy tính cầm tay với giá cực rẻ (tới mức chỉ còn vài chục USD), và với chi phí tiếp cận internet đang ngày càng rẻ đi trên khắp toàn cầu, mọi người, chỉ cần máy tính bảng, có thể tiếp cận được với kho thông tin chung. Nói cách khác, đặc quyền về thông tin ngày nay hầu như đã không còn.

Với việc xuất hiện các kho học liệu mở (open courseware), bất kỳ ai cũng có thể tự học với các tài liệu học tập tốt nhất trên thế giới, từ các trường đại học danh tiếng nhất thế giới như MIT hay HarvardKhan Academy, một dự án online phi lợi nhuận cho phép bất kỳ ai có thể tham gia học trực tuyến do Salman Khan, một sinh viên tốt nghiệp của MIT và Trường kinh doanh Harvard, mới chỉ thành lập chưa đầy 8 năm, hiện đang đào tạo khoảng 10 triệu sinh viên mỗi tháng và đã cung cấp hơn 300 triệu bài giảng cho công chúng.

Các dự án này đang, và sẽ tiếp tục, phá bỏ các rào cản đặc quyền giáo dục chất lượng cao dành cho những người nhiều tiền, và đưa giáo dục chất lượng cao đến với mọi người (theo đúng nghĩa của từ này).

Ở Việt Nam, sự có mặt của công nghệ trong giáo dục không chỉ dừng lại ở mức độ online. Các sản phẩm giáo dục số hiện nay đã len lỏi vào đến từng lớp học và đưa mức chi phí học tập xuống chỉ còn một phần rất nhỏ so với các giải pháp truyền thống. Thí dụ,Digiclass của Pearson Education đã có mặt ở nhiều trường phổ thông tư thục ở Hà Nội và Sài Gòn.

Về văn hoá và lối sống, sự tiến bộ của công nghệ hiện nay đã biến “thế giới ảo” dần trở thành “thế giới thực” khi thời gian của con người, nhất là thế hệ trẻ, dành cho “thế giới ảo” đang ngày càng lớn dần. Chi phí dành cho việc hưởng thụ văn hoá, giao tiếp, kết nối, và bày tỏ chính kiến giờ đang tiệm cận dần về con số không, đồng nghĩa với việc cánh cổng này mở toang cho tất cả mọi người.

Nếu Facebook năm năm trước đây chỉ là một trò chơi thời thượng của những người rảnh rỗi thì ngày nay đã trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống hiện đại đối với giới trẻ. Các mạng xã hội như Facebook không những làm cho thế giới “phẳng” hơn mà còn đóng vai trò xương sống trong việc định hình văn hoá, lối sống của giới trẻ toàn cầu, và là nơi khởi xướng và làm bùng nổ các phong trào xã hội.

Về cuộc sống cá nhân, với các công nghệ nhận dạng hình ảnh đang ngày càng tinh vi, công nghệ khai thác dữ liệu lớn (big data), và các sản phẩm công nghệ thế hệ mới nhưgoogle glass (và ở mức độ thấp hơn là các điện thoại cầm tay thông minh), cái gọi là tính riêng tư đang ngày càng bị thu hẹp. Bất kỳ ở đâu, vào bất kỳ thời điểm nào, hành vi của một cá nhân cũng có thể được chụp lại, lưu giữ và chia sẻ. Các thuật toán cho phép khai thác big data sẽ thống kê, lọc thông tin, và xây dựng chuỗi hành vi của từng cá nhân. Về mặt thương mại, nó giúp việc quảng cáo và bán sản phẩm đến những người thích hợp nhất. Về mặt quyền riêng tư cá nhân, nó làm cho cái gọi là quyền riêng tư của mỗi người đang ngày càng ít đi. “Nỗi khổ” trước đây chỉ dành riêng cho các ngôi sao và chính khách giờ đây đã trở thành của tất cả mọi người.

Tất cả các xu hướng mới này (chắc chắn là chưa đầy đủ) xuất hiện chỉ sau khi Friedman viết cuốn Thế giới phẳngchưa đến 9 năm. Các xu hướng tiếp sau sẽ là gì có lẽ không mấy người đoán được, nhưng một điều chắc chắn là sự thay đổi sẽ ngày càng nhanh hơn. Vì thế, có thể hình dung ra thế giới sẽ thực sự “phẳng” đến như thế nào sau vài thập kỷ nữa.


Trần Vinh Dự


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: