Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

THĂM THẲM ĐƯỜNG VỀ ( Chương 6 )


6.
 
V
ào những năm đói khổ nhất sau chiến tranh, ở làng Vân Du này đã dần hình thành một lớp trung lưu mới. Dù nó ở trong cái khung đói nghèo muôn thủa nơi thôn ổ, so với số đông dân chúng thì cũng đã đỡ hơn nhiều. Người ta có thể nhìn thấy qua bộ dạng bề ngoài: áo quần lành lặn không vá chằng vá đụp. Những chiếc xe đạp phượng hoàng, thống nhất... Đôi ba người có chiếc Môbilét, Hon đa ga.
Bữa ăn trong nhà họ thi thoảng có thịt, cá và phần ăn độn không cao tới bảy mươi phần trăm như trước đây. Gạo đỡ hôi mục, bột mì đỡ những con mọt đen xì cứ hễ mở miệng bao là bay ra tới tấp. Bữa sáng không đến nỗi phải " Bạch định " nghĩa là nhịn ăn, đã có lưng mì sợi, dăm củ khoai lang để cho bộ máy tiêu hoá có công ăn việc làm, không sôi sục biểu tình vì lòng chay dạ tịnh. Những vị chức sắc đương quyền ở các cấp, công chức các ngành không nói làm gì. Bổ sung vào tầng lớp ấy là một số thương phế binh từ mặt trận trở về, sau những ngày dài nằm vạ vật ở các trại an dưỡng. Thêm nữa là số cán bộ về hưu non, hưu già mất sức. Đã đến lúc bộ máy công quyền được tiểu tu, thay cũ đổi mới những chi tiết quá hạn sử dụng, hoặc được dùng một cách miễn cưỡng bởi nhiều tình thế, hoặc được dùng cố, dùng thêm quá lâu.
Thành phần xã hội mới mẻ này là lớp đầu tiên xuất hiện ở nơi thuần nông, nơi mà từng lớp tiểu thương mới chỉ manh nha chưa rõ hình hài vào năm 1983 này.
Lão Đởm cũng là một trong lớp trung lưu ấy. Nếu tính tuổi thì phải vài ba năm nữa lão mới được nghỉ. Nhưng có một việc không bình thường xảy ra trong gia đình lão khiến lão phải nghỉ sớm trước thời hạn. Sau ngày giải phóng Miền Nam thằng con cả của lão được cử vào Nam công tác. Việc đó cũng bình thường như hàng vạn cán bộ, nhân viên từ Miền Bắc bổ sung cho những ngành, những cơ quan đang thiếu người từ phía Nam.
Không bình thường là ở chỗ thằng con lão không hiểu suy tính thế nào, vào Nam chưa đầy nửa năm nó theo người ta vượt biên ra nước ngoài. Điều này ngoài sự suy đoán của lão. Nó là đứa được ăn học, sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, không có một áp lực nào khiến nó phải ra đi. Đời người không ai học hết chữ ngờ. Lão kể như mất một đứa con, không còn nó nữa. Đau hơn là bao nhiêu công sức của lão bấy lâu nay đổ xuống sông xuống biển. Còn ai người ta tin lão khi lão có đứa con trốn ra nước ngoài, phản bội tổ quốc? Trong việc lão phải về nghỉ sớm như thế này nó không thể là không có nguyên do chủ yếu. Mấy chục năm làm trưởng công an xã lão không lạ gì nguyên tắc làm việc theo ngành đó. Có những việc không thông qua hội đồng, thông qua uỷ ban, những người làm công tác an minh phải hiểu rất rõ.
Đứa con gái thứ hai lão cài cắm rất công phu, rút cuộc cũng không thành. Anh con rể đen như cột cháy, bề ngoài khoẻ như vâm đeo lon đại uý hẳn hoi nhưng lại rỗng ruột. Đi khám sức khoẻ bác sĩ nói anh bị nhiễm chất độc da cam. Vợ có mang mấy lần, cứ gần đến ngày sinh thai bị chết lưu. Đứa gần đây nhất nom như cục bột, ai cũng thích nhìn, Đùng một cái nó sốt li bì, rồi bị tháo lỏng, thuốc men kiểu gì cũng không cầm được. Người nó trông rõ từng mảnh sườn. Tóc trên đầu nó chỉ còn lơ vơ vài cái, trơ cái sọ xanh xám. Người ta cho uống thuốc chỉ tiếng đồng hồ sau nó đùn ra cả viên cùng thứ nước nhầy nhầy. Mẹ nó phát điên, đêm nào vào cữ gần sáng không còn ai thức trông là mò ra nghĩa địa. Bao nhiêu vòng hoa ở những ngôi mộ mới mẹ nó hăm hở ôm về chất lên mộ con. Người mẹ mất con cứ vừa múa vừa hát, nhảy xung quanh mộ con, cho đến khi khản tiếng lịm đi. Anh chồng chán nản xin chuyển ngành đi một tỉnh mãi trên Tây Bắc, vợ lão thương con gái, đón nó về nhà mình. Khi người ta thức thì nó ngủ, khi người ta ngủ thì nó hết khóc lóc, kêu gào lại la hét. Không khí trong gia đình lão không được lúc nào yên tĩnh. Lão bàn với vợ cho nó đi trại tâm thần, nhưng mụ không nghe.
Ngay cả thời chiến tranh mấy đẫn, đầu óc lão cũng không căng thẳng như lúc này. Đạn bom đe doạ còn có khi, có chừng, còn có lúc yên ắng. Nhưng đứa con điên dại không cho lão lấy một phút thảnh thơi.
Đứa con trai út lão đã bảo đi học lấy một nghề thiết thực. Làm Bác sĩ, ý tá cũng được. Hoặc đi làm công nhân công đồ kiếm miếng ăn cho chắc chắn, nó lại phởn lên. Tự dưng tự lành đòi đi cho bằng được vào cái trường văn hoá nghệ thuật. Mà học nghề gì cơ chứ? Học cái nghề hát chèo mới thật là vớ vẩn. Đàn ông con trai lại thích cái trò má phấn, môi son múa may trông đến là ngứa mắt. Đi đứng nói năng học ở đâu về, uốn éo véo von thực chẳng giống ai.
Đúng là cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha dạy có bao giờ khá được? Học hết khoá ra trường rồi đấy mà có nơi nào người ta nhận đâu? Người ta phân công lên miền núi thì lại không muốn đi.
Ngày ngày cứ đến bữa vác cái mặt về. Ăn xong mắt trước, mắt sau lủi mất. Không biết nó đi đâu? Xưa nay lão là người điềm tĩnh và lạnh tính, vậy mà có lúc cũng muốn phát điên phát rồ.
Lão ngơ ngác nhìn cây trái trong vườn mà nát từng khúc ruột. Hình như cảnh cũng tuỳ chủ mà nó úa tàn theo. Hàng cau trước nhà chết từ trong ruột, Đám lá rũ rượi, ban đêm nhìn giống hệt những bóng ma xoã tóc.
Mấy cây cam úa vàng, mùa này không có một quả nào đậu. Đám chuối buồng trổ ngang cây, ra đám quả còng quèo, quái dị. Còn trong nhà lúc nào cũng lạnh ngăn ngắt như có ma để lâu ngày không đem chôn. Ban đên cứ rậm rịch như có người trườn trên mái nhà.
Mới sớm hôm qua vợ lão khều ở trong gầm giường ra con cóc cụ to như cái ấm ủ. Mắt nó đỏ đòng đọc, miệng nó nghiến ken két. Vợ lão không dám đánh chết, cứ vái lạy nó lia lịa rồi kính cẩn đặt nó vào cái thúng mang ra mãi ngoài bờ sông cho nó đi nơi khác. Không hiểu bằng cách nào sáng nay ngủ dậy lão quờ chân tìm dép lại đụng ngay phải nó. Không biết da thịt nó bằng thứ gì mà chạm vào buốt như dẫm phải bọ nẹt. Chỗ ngứa của lão mỗi lúc mỗi xưng, ngứa không sao chịu nổi. Lão sực nhớ bên nhà lão Thước dạo nào có thứ rượu trị ngứa mang ở miền ngược về. Đã lâu lắm hai người không ngồi với nhau, nhưng vào lúc này cũng chẳng còn lòng dạ nào so vắn, đắn đo. Lão sai vợ sang hỏi. Mụ đã định đi, chợt nhớ mụ và vợ lão Thước mới to tiếng với nhau trong vụ gắp thăm chia phần phân phối chiếc lốp xe hôm vừa rồi, lão gọi giật lại.
- Bà ở nhà xử lý cái con cóc kỳ quái kia đi. Để tôi sang nhân tiện còn có việc. Cứ cho nó vào cái bao thật dày, loại bao gai ấy rồi lấy lạt cột chặt lại xem nó mò về được nữa không.
Lão tấp tểnh đi ra ngõ. Đức con gái điên ở trong buồng thấy bố đi khỏi vội chạy ra. Nó cứ chạy vòng quanh cái gầm giường múa hát: " Khỉ kho kho, ấy mấy khỏ khì khi. ới ... Chàng Hoàng tử kia ơi ... " Lão định quay trở lại lôi nhốt nó vào buồng. Nhưng bên chân ngứa quá, lão đánh liều. Đằng nào còn mụ ở nhà, mụ ấy sẽ lo được.
Nhà lão Thước không xa, nhưng gần nhà xa ngõ. Lão Thước ngõ trên, nhà lão ngõ dưới. Thông qua lối đi bờ ao là có thể đi tắt đến nhà nhau. Mùa này nước cạn có thể còn đi qua lòng ao mà vẫn khô ráo. Ngày còn làm việc trên xã, lối bờ ao là lối đi riêng của hai nhà. Bất kể nửa đêm gà gáy có công việc gì lão có thể đi theo lối đó không cần phải ý từ gì. Có những việc nhờ lối đi đó mà giữ được sự kín đáo thận trọng cần thiết. Việc làng xã có những việc vẫn cần tới sự thận trọng, tế nhị ấy. Nhưng từ ngày cả hai về nghỉ hưu, con đường ấy không còn đi lại được nữa. Cũng không hẳn là do đôi bên có va chạm mâu thuẫn. Đơn giản chỉ do tính lão Thước quá cẩn thận. Khu vườn nhà lão ba bề, bốn bên đã được rào kín như hồi rào làng kháng chiến. Lão mua vài trăm tre gai còn tươi về cắt ra chôn làm cọc rào. Người ta rào vườn thường buộc bằng lạt tre. Lão dùng toàn dây thép. Đến giờ thì đám cọc tre lên ánh xanh rờn. Chúng mọc vòi tới đâu lão vin buộc tới đó. Con gà con chó chui qua còn khó, huống chi con người. Cùng là ăn hương hoả nhà vợ, nhưng lão giữ còn hơn cả của tổ phụ nhà mình để lại. Cái mảnh vườn lão mua lại của bà chị dâu có đứa con đi tù, lão cũng rào dậu như thế. Suốt ngày lão cầm con dao đứng ở góc này một tý, góc kia một tẹo ngắm nghía. Chỉ một tàu lá chuối vàng vừa gục xuống là lão xén gọn, xếp vào gốc. Trong vườn mà sạch tinh tươm như ngoài sân. Có con chó nào mất nết đi ỉa sang vườn nhà lão lại lấy xẻng hốt ngay vào gốc cây lấp đất lại. Vườn sạch đến nỗi không có một thứ cỏ dại nào còn sót lại. Không biết giờ này mình tới nhà lão có ngồi nhà không, hay vẫn đang ở ngoài vườn.
Lão Đởm nghĩ: Con người ông ta chẳng coi muỗi dãn ra gì. Mình chỉ ở ngoài vườn chừng năm ba phút là không sao chịu nổi. Không bọ róm thì cũng bọ xít ngứa đến phát cuồng. Có gì hay ho ở cái vườn tạp ấy mà ông ta say mê đến vậy? Lâu thì mười, mười lăm năm. Chóng thì năm ba năm rồi tất cả cũng ra gốc đa còng. Đấy mới là miếng đất cuối cùng danh cho mỗi người ở cái làng này. Là nơi thiên niên vạn đại, không sợ mất phần. Dù chẳng ai muốn, thực ra cuộc đời rút cuộc vẫn là cõi tạm. Dung thân ở cõi người này phỏng được bao năm? Việc gì mà phải khư khư, chấp chấp nối nối để rồi cũng chẳng tới đâu?
Nếu không vì cái chân đang bị ngứa quái quỷ này lão đã quay về, từ lâu cả hai chẳng có gì để nói với nhau. Cái lối nghĩ một đằng làm một nẻo chỉ thích hợp khi còn cương vị. Khi cho riêng tâm tư mình, nó lại là món khó nuốt. Bụng dạ nhau thế nào biết cả, Nhưng trò chuyện thì lại khác hẳn. Nói đấy nhưng chưa hẳn là đúng. Y hệt những anh diễn trò biết hết bài bản của nhau. Ngoài miệng thì tâng bốc, nhưng trong dạ quá coi thường, coi kinh nhau.
Hình như hôm nay trong nhà lão Thước có khách. Ông ta cứ câu nhỏ câu to nhấm nhẳn không nghe rõ. Nhưng đích xác là có người. Nếu không giờ này ông ta không còn ngồi trong nhà, mà đã đứng ở cái xó nào trong vườn chuối rậm rì rồi. Lão Đởm lưỡng lự không biết có nên vào không? Nhưng rồi lão quả quyết: Nếu ông ấy có khách mình chỉ ngồi chơi một lát rồi về. Cốt nhất là xin ông ấy tý rượu thuốc bôi chỗ chân đau. Gần hết đời người lão chưa gặp tình trạng này bao giờ. Cũng có lần ở hầm thấy cặp rắn có chân như chân thằn lằn. Trong hầm tối om lão vô ý đụng phải. Nó chỉ trơn nhèo nhèo chứ vô hại. Thậm chí có một trong hai con ấy tợp một nhát vào cổ tay. Nó chỉ hơi nhói đau chứ không buốt như bây giờ. Lần đầu tiên lão thấy một con cóc to gớm ghiếc như vậy. Đúng là thời buổi lạ lùng, con vật người nuôi khổ công chăm sóc thì lại khó sống. Bọ hung, bọ xít chẳng ai nuôi thì lại phát triển hàng đàn. Những con vật không có ích cho con người hình như gặp thời phát triển sinh sôi...
Nhà cái ông Thước đến con chó cũng khác người. Có hai con một đen, một trắng. Con trắng dài như cái bơm, mõm nhọn như cái mũi dài ai ra vào không cắn chỉ ngửi ngửi rồi bỏ đi y như kẻ khinh người. Còn con đen ngắn một mẩu thì cực kỳ hung dữ. Vừa thoáng thấy lão Đởm bước vào sân nó đã phóng thẳng ra nhe răng gầm gừ. Nếu lão không có cây gậy ở tay thì chắc hẳn nó đã sơi cho một nhát rồi.
Ông Thước từ trong nhà vội chạy ra:
- Ông sang chơi! Ông không đánh tiếng, thành ra tôi sơ ý quá. Mọi khi thì chó tôi xích cả ngày, dạo này vườn có vài quả cam đám trẻ trộm ác quá mới thả để nó trông chừng... à cũng lâu rồi ông mới sang. Vẫn khoẻ chứ?
- Tôi cũng thường. Hôm nay vì cái chân này mới sang phiền ông đấy!
Ông Thước ngạc nhiên, nhìn bên chân bị ngứa của lão Đởm:
- Ông bị lâu chưa? Con gì cắn?
- Nào đâu có con gì, va phải con cóc thôi!
Lão Đởm bước lên hè không vào nhà ngay, ngồi luôn ở cửa. Ông Thước vội mở tủ lấy cái lọ nhỏ gói trong mấy lượt ni lông. Ông cẩn thận lấy một tý bông cuộn vào đầu tăm nhúng vào lọ, vừa đủ để thuốc ngấm vào đầu bông mà không rớt ra giọt nào. Lão Đởm lẩm nhẩm cám ơn rồi cầm đầu bông ấy miết nhẹ lên mu bàn chân. Lão hơi giật mình một cái vì xót. Cứ như thể chỗ đứt xát chanh hay muối vào. Chỗ bàn chân lão đang xưng, tự dưng lớp da bên ngoài nhăn lại. Có cảm giác chỗ ngứa đang dịu dần đi.
Bây giờ lão mới tĩnh trí để ý đến một người đang ngồi trong nhà. Anh ta ngồi trên chiếc ghế dựa xoay lưng ra phía lão. Tự dưng lão chột dạ: Đúng là nó rồi. Chính cái thằng mà cách đây sáu năm lão ký giấy cho nó đi cải tạo tập trung! Nghe nói nó trốn trại, bỏ ra nước ngoài rồi cơ mà? Nó đến đây không có gì làm lạ, vì ông Thước là chú ruột nó. Tốt xấu thế nào ruột thịt không bỏ nhau được. Nhưng gặp nó bất ngờ thế này là điều lão không tính đến. Liệu nó có biết chuyện mình xử lý với nó trước đây thế nào không? Nó có ý oán hận gì không? Nếu biết nó đang có mặt ở đây thì ban nãy mình đã không vào. Thôi thì cứ từ từ xem nó có biểu hiện thế nào. Lão không ngờ thằng này đứng lên, bắt tay lão bằng cả hai tay:
- Bác khoẻ không?
Đôi mắt lành lạnh như mắt cá của lão thản nhiên như không:
- Tôi vẫn thường, anh vừa về.
Gã đáp:
- Cháu cũng vừa về tới, chưa kịp đi đâu. Vào chỗ chú cháu trước đã.
Lão cười gượng:
- Thế là đúng quá rồi còn gì. Anh không đến đây thì còn đi đâu? Chán các chỗ rồi mới đều đến còn ra sao?
Ông Thước nhăn mặt, cái đầu lúi cua của ông tóc tựa hồ như dựng cả lên:
- Cái đó tuỳ các cháu, tôi không bó buộc. Ông ngồi vào bán uống chén nước đã. Cũng đã lâu mới gặp.
Lão Đởm toan kiếm cớ xin phép về, nghĩ thế cũng bất tiện đành ngồi lại. Trông lão thấp thỏm không yên.
Ông Thước rót đưa mời chén nước, lão nâng trên tay, còn chưa uống đã nghe ông Thước nói giật cục:
- Tôi cũng chẳng dấu ông. Thằng này nó là thằng có tài mà không có đức. Nó nghe tôi, giờ đâu đến nỗi phải lên mãi trên xó rừng. Khổ nỗi mẹ rong con, đòi gì cũng chiều. Giờ thì quá mù ra mưa...
Lão Đởm thoái dạ. Làm sao ông này lại nó vỗ vào mặt nó như thế? Con cháu thì con cháu thực, nhưng nó đâu còn trẻ con mà nói như vậy? Hay là ông ta có ý duỗi ra? Sợ thằng cháu về đòi lại mảnh vườn mà chính ông ép mẹ nó phải bán rẻ cho mình?
 Gã ngồi lặng người. Bao năm xa nhà mong mỏi gặp lại tình cảm ruột thịt, thế mà trước mặt người khác, ông chú lại nói như hắt nước đổ đi! gã đã định bỏ qua không nói. Gã không lạ gì tính nết ông chú ruột của mình. Lúc nào ông cũng đứng trên quan điểm lập trường, trong bụng một bồ nguyên tắc. Nhưng thử hỏi trong tình cảm ruột thịt ông đối xử với đứa cháu mồ côi là gã, ông đã làm được những gì ngoài việc chỉ trích, mạt sát? Từ khi gã còn bé dại cho tới giờ ông đã bao giờ để mắt xem nó no đói thế nào, cho nó được manh quần tấm áo hay quyển vở chưa? Ông lấy tư cách gì mà răn dạy? Nghĩ trong bụng như thế, gã vẫn nói:
- Hoàn cảnh của cháu ai nói thế nào chẳng được. Cơ cực từ tấm bé, oan trái cũng không phải lần đầu. Đối với cháu việc đó giờ không quan trọng nữa. Việc dù sao cũng đã qua, tốt xấu cháu cũng đã chịu đủ. Không phải cháu muốn thanh minh, trình bày vì bây giờ hai ông cũng đã về nghỉ cả rồi. Các ông cũng không thể thay đổi được điều gì trong quá khứ. Chỉ có điều từng ấy năm cháu cũng không hiểu cụ thể sự việc ngày đó như thế nào. Cháu muốn dù sao nó cũng được giải toả trong lòng. Nếu không gặp bác Đởm ở đây, mai cháu cũng sang bác chơi, hỏi bác câu chuyện...
Lão Đởm nhíu mày:
- Anh định hỏi tôi? Chẳng nhẽ hồi đó tự nhiên người ta bắt anh? Xử lý thế nào là do vụ việc anh gây nên, có quan hệ gì đến địa phương? Sau này người ta có thông báo về xã chúng tôi cũng chỉ biết thế thôi. Có chú anh đây, xã không làm gì nên tội cho anh...
Ông Thước cau mặt:
- Ông này hay thật. Việc gì ông phải trình bày với nó. Nó làm nó chịu. Làm gì thì nó biết. Thế bây giờ anh định về đây chất vấn chúng tôi có phải không? Thối như đống cứt đã lấp đi rồi, anh lại muốn bới lên à?
Lão Đởm vội đấu dịu:
- Thôi ông đừng nóng. Dù gì bây giờ cũng là chuyện trong nhà. Anh ấy thắc mắc thế cũng là đúng. Mình không nắm được mình không nói, mà nhân đây tôi cũng nói để anh rõ. Thực ra anh cũng không oan uổng gì. Nhiều đứa hồi ấy chỉ không có điểm ghi trong sổ chấm công hàng ngày ở hợp tác xã, bỏ làng đi lang thang cũng đủ điều kiện để cho đi cải tạo rồi. Không tội gà cũng tội vịt. Chẳng anh nào oan! Bây giờ Nhà nước cho về, tốt nhất là lo làm ăn đừng giở chuyện cũ mà rách việc!
Ông Thước hạ giọng, nói mát:
- Tôi cứ ngỡ anh đi học tập giờ về đã biết điều hay nhẽ dở. Ai biết anh vẫn giỏi lý sự như ngày trước, chẳng coi ai ra gì! Thôi thì cũng tuỳ. Đoạn rồi sau này, tự anh hãy lo, kẻo lại oán trách người khác!
Gã đắng ngắt trong miệng. Còn gì để nói với chú nữa đây. Từ lúc gã đến ông không một lời thăm hỏi cuộc sống gia đình trên Xuân Quang thế nào. Ông cũng không hỏi gã dự tính sinh sống làm ăn sắp tới ra sao. Lúc lão Đởm chưa đến, gã hỏi chuyện, ông chỉ ậm ừ cho xong việc. Bà thím thì cứ quanh ra quanh vào nghe chuyện. Có lẽ bà nghĩ gã về là để hỏi chuyện nhà cửa đất cát. Một hồi không thấy gã đả động gì đến bà mới cắp thúng đi chợ. Bà chỉ bảo: " Chú cháu ngồi chơi, tôi đi chợ một chốc ". Bà cũng không có ý mời gã ở lại ăn cơm. Giá như lúc đó bà có mời thì sau câu chuyện vừa rồi gã cũng sẽ không ở. Làm sao nuốt được miệng cơm vào bụng trước những lời lẽ của ông chú vừa rồi?
Ông Thước quay sang hỏi lão Đởm:
- Tháng này thực phẩm ông đã mua chưa? Tem của tôi vẫn còn nguyên. Đi từ đây lên huyện để mua vài ba lạng thịt, cân đậu thì thuốc chẳng nặng bằng thang!
Lão Đởm bảo:
- Tưởng hôm nọ cậu Cấn nói với ông rồi. Năm ba người gom vào với nhau, nhà anh nào có việc thì mua trước. Nếu không cắt lượt đi mua về chia nhau...
Ông Thước cười nhạt:
- Cái cậu ấy ngày trước không mấy ngày không có mặt ở nhà này. Mình về một cái, hàng tháng chẳng thấy mặt. Có gặp ngoài đường cứ lơ lơ... Tôi cũng không muốn nhờ!
Rồi hai người quay sang chuyện ban bệ, cơ cấu ở địa phương. Chuyện ông này, bà nọ làm như không có gã ngồi cùng. Gã thấy mình vô duyên nên đứng dậy xin phép đi mỗi nhà một chút. Ông chú mát mẻ:
- Vâng, anh đi!
Bà Thước đi chợ về hai ông già vẫn chưa dứt câu chuyện. Hai người nói vừa đủ nghe, như thể nói thầm với nhau. Bà cũng chỉ nghe câu được câu chăng. Hình như vẫn là câu chuỵên của thằng cháu trên ngược vừa về. Bà hỏi ông:
- Thế ông không bảo cháu nó ở lại ăn cơm à? Tôi cũng có mua được mớ cá đây để hai chú cháu uống rượu.
Ông hừ hừ:
- Vẽ chuỵên. Không bảo thì nó cũng ăn ở đâu được mà chả về đây? Bà cứ lo liệu việc của bà, việc ấy không phải lo.
- Là tôi bảo thế. Bảo nó một câu khỏi phải tội!
Ông lừ mắt không nói gì. Bụng dạ bà thế nào ông quá biết. Đúng là ngọt nó lọt tận xương. Tình cảnh chú cháu ông giờ ra nông nỗi này phải không có phần do từ ở bà?
Bà hiểu bà không nên góp chuyện vào lúc này. Cứ nhìn ý tứ của ông ấy là bà biết, bà lẳng lặng đi xuống bếp.
Lão Đởm nói tiếp câu chuyện còn dang dở:
- Ngày ấy nếu không được ông cho phép tôi đã không đưa nó vào danh sách đề nghị đưa đi cải tạo. Trên có chủ trương, nhưng các đối tượng cụ thể lại do địa phương, chắc ông còn nhớ?
Ông Thước nheo nheo mắt, ông có thói quen trước một vấn đề hóc búa hay phức tạp ông thường nhăn trán và nheo nheo mắt như thế:
- Ông nói thế chẳng hoá ra tôi muốn đưa thằng cháu đi tù chứ gì?
Lão Đởm cười nhạt:
- Không, tôi không có ý nói thế. Nhưng danh sách lập xong tôi có đưa ông xem. Thấy ông không ý kiến gì tôi mới gửi đi. Chẳng phải nghiễm nhiên ông đồng ý rồi sao?
Ông Thước phẩy tay:
- Tôi nhớ là ông có đưa. Nhưng hồi đó công việc bận tối mắt tôi có để ý xem kỹ đâu. Hơn nữa tôi nghĩ việc đó thuộc ngành dọc của các ông. Xã chỉ có ý kiến tham khảo...
Lão Đởm khoát tay:
- Mà thôi, những việc ấy giờ có ai truy cứu đâu. Đánh chuột đổ lúa cũng là chuyện thường, nếu bảo oan còn khối đứa oan hơn nó. Như cu Du nhà Du lành như củ, chả điều tiếng gì. Nó chỉ có mỗi tội có mặt ở nơi xảy ra vụ án. Thế mà cũng đi gần bốn năm mới được về. Còn thằng cháu ông đi chụp ảnh không phim, bị bắt đến mấy bận, người ta gửi giấy về xã. Còn việc nó quan hệ với bọn nhân văn giai phẩm đưa về nhà không báo cáo ai. Tụ tập với những thành phần khả nghi viết bài gửi các báo nói xấu địa phương, đả kích cán bộ. Tù thế còn là ít. Hơn nữa. Hồi ấy ông chả bảo nó chưa chắc đã là máu mủ nhà ông. Anh ông mất, tự dưng để người ngoài xen vào hương hoả của các cụ là điều ông cay cú lắm là gì?...
Ông Thước vội ngắt lời:
- Hồi ấy chẳng qua là tôi bức tôi nó thế. Cho nó đi một thời gian cũng được. Có thế nó mới tỉnh ngộ, còn nói không chưa chắc nó đã nghe. Tôi đã bảo nó: Chữ nghĩa nó ghê lắm. Đã bao bài học nhỡn tiến mà anh chưa thấy hay sao? Không gì bằng có ngành có nghề để đảm bảo cho bản thân. Còn thích thì chỉ nên làm chơi thôi, không ai cấm. Đằng này nó ham bỏ hết việc cơ quan. Thích đi thì đi, thích về thì về. Ông bảo liệu có cơ quan nào người ta chấp nhận người như nó? Họ hàng nhà tôi ông còn lạ gì, ông giáo Ngọ văn hay chữ tốt nổi tiếng cả vùng, mang danh là nhà văn nhà vẻ mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, công nợ tứ bề thì ông bảo ngôi gì?
Phải có duyên có phận mới theo được nghiệp chữ nghĩa văn chương, trăm vạn người may ra mới được vài người nên danh nên giá, có tước có vị. Đâu phải ai muốn cũng được? Nói cháu không nghe. Bây giờ về lại có ý oán trách. Nó nghĩ thế nào mặc nó. Tôi cứ thẳng tôi làm. Tôi không việc gì phải trình bày với nó.
Lão Đởm đỡ lời:
- Nhưng dù sao thì cũng máu mủ ruột thịt. Khi ông nằm xuống nó vẫn phải có mặt. Ông không nên để nó oán hận làm gì. ở nơi khác bắt nó, ta cứ bảo địa phương không dính dáng gì. Xử lý thế nào là do ở trên. Thế chẳng hay hơn ư? Nó đã có ý tìm hiểu thế nào nó chẳng có lúc hỏi lại ông. Ông cứ thế mà nói, khỏi rắc rối làm gì!
Ông Thước đột ngột đưa ánh mắt nhìn khuôn mặt gẫy, có hàng mi rậm của ông bạn già:
- Không lẽ hồi ấy xử lý oan tất cả mười mấy đứa?
Lão Đởm giật mình:
- Sao lại tất cả đều oan? Sau này đi trại trung ương chúng nó mới chịu nó ra. Người ta đã xử thằng Việt tù chung thân ông không nhớ sao? Ngay từ đầu chúng khai thì vụ việc đã không phức tạp thế. Bốn năm sau, khi ở trại người ta giáo dục chúng nó mới thành khẩn khai ra thì việc đã lỡ rồi. Cũng nhiều đứa thiệt, nhưng ai bảo chúng biết mà không nói? Nhiễm cho lắm chuyện kiếm hiệp, học thói quân tử Tần rồ điên thì khổ còn kêu ai? Mà thằng cháu ông là đứa đầu têu cho bọn thanh niên làng. Nó đón người về mở lò dạy võ đêm nào cũng tập huỳnh huỵch ở ngoài bãi cát, cả làng biết, không dẹp hồi ấy, sớm muộn lại không loạn với chúng à?
Ông Thước gật gù:
- Nhưng hồi đó xử lý cũng hơi nặng. Đáng lẽ chỉ nên gọi lên nhắc nhở, bảo ban chúng nó. Bọn trẻ người, non dạ thích học đòi. Ta lại dùng biện pháp hơi quá.
Lão Đởm có ý không hài lòng:
- Thời chiến, làm gì có thời gian. Chỉ riêng việc tuyển quân, chính sách hậu phương đã mệt rồi. Còn tuần canh gác thanh niên trai tráng có năng lực thì ra chiến trường cả. Cán bộ cơ sở thì không có chó bắt mèo ăn cứt. Ông bảo công an xã mà mấy cậu như thằng Khuê nói chẳng ra hơi, lòng không khập khiễng như thế, giữ nhà còn không xong, hỏi làm được việc gì? Vậy nên sai sót là không thể tránh khỏi. Chung quy tội lỗi sâu xa cũng bởi tự chiến tranh mà ra...
Ông Thước đã định cắt lời, xong ông lại thôi. Đổ tại chiến tranh và hoàn cảnh cũng chưa thật đúng. Thế còn lòng dạ con người, tính đố kỵ, ganh ghét kể cả sự nanh ác thì sao? Ông không lạ hồi bà Thức và lão Đởm là hai cánh vế đối địch. Cánh bà Thức phong trào ba đảm đam, đang lên như cồn, nắm giữ các công việc chủ yếu của xã, luôn làm lão Đởm hậm hực. Hai cánh này không bỏ qua cơ hội để lật đổ nhau. Hoặc ít ra cũng làm cho đối phương mất mặt. Cả chuyện thằng Huệ cháu ruột lão Đởm nữa. Nó mới ra trường làm cán bộ tư pháp huỵên. Hồi đi học nó theo đuổi con Vân bao nhiêu năm mà không lấy được vì nó nom xấu trai, học dốt. Khi còn Vân về làm cháu dâu ông rồi nó vẫn chưa từ bỏ ý định. Con Vân làm đơn bỏ chồng nếu không phải thằng Huệ lôi kéo thì còn ai vào đó? Thằng này chắc nghĩ không được ăn thì đạp đổ. Mà biết đâu trong việc thằng cháu ông đi tù lại chẳng có bàn tay nó nhúng vào? Nhiều lần ông định hỏi thẳng lão Đởm về chuyện này, nhưng lại nghĩ nó chẳng mang lợi ích gì, lại thôi. Tất cả mờ mịt trong nhiều định kiến, giờ có giở ra cũng không ích gì. Nhưng dù sao cũng đánh động để lão Đởm biết ông không phải ngây thơ đến mức nói thế nào cũng được, cũng tin.
- Cái anh Huệ nhà ông thế mà gớm. Nghe nói sắp tới đây sang làm Phó Chánh  án huyện phải không?
Có lẽ lão Đởm chưa rõ thâm ý của ông Thước. Thấy nói thế, đáp luôn:
- Vâng, tôi cũng có được nghe. Con giòng cháu giống mà lại. Bố nó ngày trước cán bộ tỉnh, giờ con cán bộ huỵên thì có gì lạ?
- Vận nhà nào cũng thế thôi. Thịnh mãi rồi cũng đến lúc suy. Phúc hoạ ở đời biết thế nào mà nói!
Đến đây lão Đởm hiểu ý ông Thước nói gì. Lão cũng mềm mỏng:
- Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy ông ạ. Biết đâu mà lo gần lo xa. Thôi cũng muộn tôi xin phép ông tôi về...
Ông Thước không giữ lại, ông cầm chiếc nón mê đội lên đầu ra vườn ngay. Miệng ông lẩm bẩm:
- Quân họ Đặng này vừa gian vừa đểu thật!...
Bà Đởm người cao ngỏng, đầu to như cái giành, mũi sư tử lông mày sâu róm. Tướng mạo của bà có dáng đàn ông, võ quan hơn là một mệnh phụ phu nhân. Nếu mẹ đẻ ra bà không có hơn mẫu vườn và sinh con một bề chưa chắc lão Đởm đã chịu lấy bà. Đấy là phần của nổi ai cũng nhìn thấy được. Cộng thêm vào năm gian nhà ngói. Phần của chìm người ra cũng chỉ đoán già đoán non. Nhưng chắc chắn là phải có, bởi vì ngay sau ngày ông Đởm làm đám cưới, bà mẹ vợ mua luôn cho chiếc xe đạp ngoại sít téc linh. Thời ấy cả vùng mới chỉ có hai chiếc của nhà Chánh tổng Lâm và ông Thừa phái làm việc chỗ dinh quan huyện.
Ông Đởm mẹ mất sớm, bố làm nghề đánh nhủi. Quanh năm ông cụ đánh độc cái quần đùi, áo cuộn trên đầu vảc nhủi đi khắp đồng trong, đồng ngoài lần mò tôm cá nuôi con, da mặt, da tay, da lưng lúc nào cũng đen bóng như thoa dầu. Chỉ có đôi mắt trắng nhợt nhạt là dễ nhận thấy từ xa. Hình như tóc cụ không mọc, hoặc mọc quá chậm vì không ai thấy ông cụ cắt tóc cạo râu bao giờ. Cho đến năm đã ngoài bảy mươi râu cụ cũng không hề có lấy một sợi.
Ngoài đôi mắt ra ông Đởm không có điểm nào giống bố. Ông thừa hưởng làn da trắng mịn của người mẹ và mái tóc loăn xoăn rất tự nhiên. Người trong làng kể rằng một đêm gió mưa có một người đàn bà trẻ đẹp, không rõ nguồn cơn từ đâu về ngất lịm trong cái miếu hoang ở ngoài đồng. Gần sáng như mọi bận, ông cụ Đang bố ông Đởm bây giờ vác nhủi đi ngang qua. Ông mang người đàn bà ấy về nhà. Ngôi nhà hẻo lánh gần mom sông nên ít người qua lại. Tám tháng sau người vợ nhặt này sinh cho ông một thằng con trai là ông Đởm bây giờ. Có người bảo đứa con ấy người mẹ kia mang sẵn trong bụng trước khi gặp ông Đang. Còn ông Đang bảo rằng con ông sinh thiếu tháng. Bí mật ấy chỉ người đàn bà này mới biết. Bà mang luôn nó xuống mồ sau đấy một năm vì bị rắn cắn, không kịp cứu chữa.
Xuất thân như thế, nên ông Đởm tính cách khác người. Ông tính toán cẩn trọng, tình cảm kín bưng. Không ai đoán được khi nào ông vui hay buồn. Cũng không ai biết ông dự tính điều gì trong đầu. Luôn luôn có vẻ mặt thờ ơ vô cảm với xung quanh. Nhưng đôi mắt có cái nhìn lành lạnh không bỏ sót một việc gì xung quanh. Như mắt cá nhìn thấy đáy nước.
Ông không yêu vợ đến đắm đuối mà cũng không phụ bạc. Vợ chồng ông sống tự nhiên như nhiên, như những viên gạch xếp chồng lên nhau. Không thú vị cũng không khó chịu.
Ông công tác xã hội thuận lợi một phần lớn do bà. Đúng là có thực mới vực được đạo. Cán bộ xã lúc bấy giờ nào đã có trợ cấp, lương bổng gì? Mỗi tháng vài đồng chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Nhiều người gia đình khó khăn xin nghỉ công tác. Những người còn theo đuổi là vì tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Cái ngày mà người ta có thể làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu! Mọi người bình đẳng, không có áp bức bất công, không có người bóc lột người. Không có hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Mọi người coi nhau như anh em, hoan ca trong thế giới đại đồng. v.v... Ngày đó là ngày nào? Bao giờ đến thì chưa ai chắc chắn, nhưng đều tin nó sẽ đến. Có thể là sau ngày đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất Nhà nước, hoặc sau đấy vài chục năm. Và ngày đó sẽ là người xứng đáng được hưởng ở những vị trí vinh quang, hãnh diện...
Nên bất cứ chủ trương, chính sách gì ông cũng áp dụng thẳng băng. Ông gạt mọi trở ngại trên con đường phấn đấu của mình. Có thể coi ông như lớp cán bộ mẫu mực của thời kỳ này. Ông cho là mình không có gì phải áy náy, phân vân vì những việc đã qua.
Cơm tối xong bà Đởm mang theo bọc trầu nói là đến khuya mới về. Bà không nó là đi đâu, ông cũng không hỏi. Vì ông bà không mấy khi trò chuyện với nhau. Nhưng ông biết bà đi đâu. Con mẹ Tú ở xã bên gần đây nổi đồng, người đến xem rất đông. Nhưng người ta chưa dám lên đồng ban ngày vì những đợt trấn áp dị đoan mấy năm trước đây chưa hết ám ảnh về nỗi sợ hãi.
Gia sự nhiều việc bấn loạn vừa rồi khiến bà Đởm không yên tâm, người trần mắt thịt, làm sao biết huyền cơ của tạo hoá? Bà muốn gọi hồn bà cụ thân sinh để hỏi về mồ mả, đất cát thế nào mà mấy năm liền toàn gặp những điều xui xẻo. Lại thêm sự việc con cóc kỳ lạ vừa rồi khiến bà hoang mang. Bà không hỏi ông vì trước nay ông luôn đã phá và không tin những chuyện đồng bóng, bói toán. Nếu ông không nghe lại nói những lời báng bổ thì bà có đi xem cũng không linh nghiệm.
Rất may là anh con trai út đi học hát chèo về, khéo mồm thế nào mà nó dỗ được chị nó đi trại tâm thần bên Gia Lâm. Bà mới rảnh tay mà đi được. Cũng thương con, dù sao sang đó nó được thuốc thang biết đâu khỏi bệnh? Bà biết ở đấy bệnh nhân được cai quản cũng không khác trại tù bao nhiêu. Nhưng dù sao cũng còn hơn để nó ở nhà, bệnh mỗi ngày thêm nặng.
Bà bấm đèn pin lom khom đi ra ngõ. Những người cao to quá cỡ thường có dáng như thế. Nhất là những người vừa cao lại vừa gầy. Ông Đởm trông theo thấy dáng vợ y hệt bà mẹ đẻ ra bà, trông giống một cây khô cụt ngọn hơn là một con người.
Ông chốt chặt then cổng đi vào trong nhà. Có lẽ cổng ngõ thế này cả vùng không ai có, nó được bao bọc trong lớp rào kín dày bằng những cây ôrô gai chĩa ra tua tủa. Có cảm tưởng một con chó con cũng không chui lọt.
Buổi gặp thằng cháu ông Thước sớm nay khiến ông nghĩ ngợi. Việc tưởng như đã quên đi rồi, hôm nay bỗng nhiên gợi dậy. Liệu nó có đến đây nói khinh nói rẻ hoặc gây sự với ông không? Ông tin là nó không dám như thế. Một thằng đã một lần va chạm, hiểu thế nào là luật pháp và sự trừng phạt, chắc không dại gì ra mặt trả thù cá nhân. Nhưng không lẽ nó cứ âm thầm chịu đựng sự oan trái suốt đời? Việc này ông lại không thể thổ lộ hoặc trao đổi với bất cứ người nào, kể cả ông Thước.
Ông cảm thấy sợ, nhưng cứ thấp thỏm trong lòng. Cả nhà đi vắng, ngôi nhà trong đêm lạnh như dưới mồ đá. Vì vườn nhà ông quá rộng nên sinh hoạt cách biệt với hàng xóm láng giềng. Mà lâu nay, từ ngày ông nghỉ công tác có còn ai lui tới nữa đâu? Người đời là thế đấy. Người ta phù thịnh chứ mấy ai phù suy? Ông hết đứng lại ngồi, không có chủ định, ông mở tủ lấy ra con dao nhỏ. Một con dao cán gỗ, dài chừng hơn hai mươi phân, lưỡi dao mỏng, bằng thép không rỉ. Nó chỉ tốt cho việc dọc giấy, ăn hoa quả. Người ta bán nó đầy các quầy tạp hoá, nom lành hiền vô hại không có dáng dấp gì là thứ hung khí giết người. Vậy mà nó đã có thời gian dài nằm trong kho lưu trữ tang vật vụ án. Mãi sau này, nhờ giám định vết thương, kết luận hình sự người ta mới loại bỏ nó và trả nó lại cho, hồi ông làm trưởng công an xã. Không ai bịa đặt, hoặc tang chứng giả. Đơn giản chỉ vì cái xà cột của ông bị thủng một lỗ, con dao rơi ra ngoài dây vào vũng máu. Một người nào đó tình cờ tìm thấy nó. Rồi người ta đưa nó vào tang vật vụ án. Nếu như lúc đó, ông cải chính lại xuất xứ của con dao thì vụ án đỡ phức tạp đi rất nhiều. Sẽ bớt đi số người bị bắt năm đó nằm trong diện khả nghi. Cháu lão Thước sẽ không dính dáng gì vào vụ án. Và nếu như thế, nó bị bắt vì một ngẫu nhiên nào đấy trên Lạng Sơn sẽ không bị người ta di lý về. Nó chính là chủ nhân của con dao rọc giấy mà một lần làm sổ sách kê khai hộ tịch hộ khẩu ở nhà nó bà Thức mẹ nó đưa ông mượn ông bỏ vào xà cột và quên luôn.
Vì sao ông không cải chính?
Lẽ thứ nhất không ông trưởng công an xã nào lại muốn người khác nhìn mình với con mắt coi thường. Đi khám nghiệm hiện trường đã không phát hiện được điều gì lại luộm thuộm rơi vãi đồ đạc vào nơi xảy ra vụ án! Nếu ông nhận con dao lúc đó là của mình rơi ra thì sẽ là trò nực cười cho những cái miệng ác ý thường hay xì xào sau lưng ông. Lẽ thứ hai, bà Thức bí thư gần đây tỏ vẻ không ưa ông ra mặt. Chuyện ngày xưa ông theo đuổi tán tỉnh bà không xong, quá khứ, không nói lại làm gì. Khi ông đã có vợ con và chồng bà mới mất. Tất cả hoạt động trong vùng tạm chiến nên thấy chiều hướng không thuận ông đã từ bỏ ý nghĩ ấy từ lâu. Cuộc sống cái chết bất kể lúc nào cũng có thể ụp xuống khiến người ta không mấy nặng về tình cảm, nhất là tình cảm trai gái. Mà nặng về lý trí hơn. Chỉ cần một quả moọc - Chê vu vơ nào đó rơi trúng hầm, hay một kẻ phản bội chịu không nổi tra tấn đột ngột chỉ hầm, là chấm dứt cuộc đời.
Hai bên mâu thuẫn hoàn toàn vì lý do khác mới xảy ra gần đây. Bà không hài lòng với thái độ coi thường phụ nữ của ông. Phong trào ba đảm đang của xã đang nổi như cồn do bà gây dựng luôn có cái nhìn chế nhạo của ông. Những lời nói của ông ở chỗ này, chỗ khác đã đến tai bà.
Khi không còn sự thông cảm đôi bên thì sự việc theo chiều hướng khác. Đã nhiều lần bà đưa ra cuộc họp chi bộ phê bình ông đã có những lời thiết xây dựng. Tệ hơn bà yêu cầu ông làm rõ vụ mất trộm kho phân đạm của hợp tác xã, vì sao điều tra gần đến nơi mà lại không tìm ra thủ phạm? Có phải ông nương nhẹ và che đậy cho người nhà dính vào vụ này dong túng, thậm trí làm tay trong cho kẻ xấu? Thanh tra trên huyện về, không rõ ông tác động thế nào người ta cho vụ án chìm luôn? Gần đây nhiều người trong xã còn có dự luận ông ăn của đút lót của những đối tượng đảo ngũ trốn về địa phương. Mỗi lần cấp giấy thông hành cho người trong xã đi làm ăn xa, chứng nhận hồ sơ giấy tờ cho con em trong xã đi học, ông đều vặt người ta một chút. Số tiền tuy không nhiều, nhưng với tư cách của người cán bộ, đảng viên trong hoàn cảnh thời chiến này là không thể được! Bà gọi đó là cách bòn rút xương máu, mồ hôi, nước mắt nhân dân. Nghe nói bà còn trực tiếp gặp bí thư huyện uỷ để phản ánh tình hình. Người ta chưa động đến ông là vì chưa có bằng chứng cụ thể. Và cái chính là chưa tìm được người thay ông làm việc này. Một công việc ngay thời bình cũng không mấy người đảm đương được ở một xã nhiều phức tạp, lại đông dân như xã này.
Có người nói bà đang tìm cách thay ông bằng người khác. Không ngờ con mẹ gái goá lại to gan! Không đời nào ông chịu tuân phục. Mặc dù bề ngoài luôn tỏ ra nhũn nhặn, sốt sắng. Ông tự nhủ đàn bà sâu sắc đến mấy cũng chỉ như cơi đựng trầu! Cứ trồng tre uốn gậy, thế nào rồi cũng có lúc. Cái ý định đưa ông em cậu bà thay vào vị trí của ông thì hãy chờ đấy! Bà có thế lực của bà ở địa phương, dây dợ trên huyện, thì ông đâu có kém? Ông đâu phải trên không chằng, dưới không rễ. Chẳng qua là không muốn phô trương thanh thế lộ liễu. Chính trị có luật chơi riêng. Không phải lúc nào cũng bày ngửa bài trước thiên hạ. Mà phải có quân đánh quân chờ. Một con mẹ chưa hết cấp II làm sao thi tài, đấu trí với ông được?
Khi người ta đưa ông con dao ông đã suýt buột miệng thốt ra là con dao của mình. Ma xui quỷ khiến thế nào ông đã lặng im, không nói gì khi ấy. Buổi sáng hôm sau ông lên huyện báo cáo tình hình. Ông gặp thằng Huệ cháu ông, Nó khi này đang ngúng nguẩy với vợ ở quê và ra mặt đi lại với con Vân vợ thằng Khải. Nó hỏi chuyện ông về vụ án. Nếu nó là người ngoài, không phải cán bộ phòng tư pháp ông đã không nói. Nghe xong nó bảo:
- Thằng Tăng trước đây có quan hệ với vợ nó, thằng này ghen kinh khủng. Hai bên đã to tiếng với nhau mấy lần. Vụ này nó dính vào không có gì khó hiểu. Có điều chú phải làm cho chắc, dù sao nó cũng là án mạng không vội kết luận được đâu!
- Thì tao cũng chỉ làm đúng phận sự của mình. Tao lợi lộc gì mà làm sai khác đi?
Nó nhếch mép cười rồi ghép tai ông thì thầm. Lão Đởm lúc ấy càng thêm tự tin vào việc mình làm.
Rồi vụ việc khuất lấp từ đó đế nay. Lão không ngờ gặp lại gã. Lão thấy nó có vẻ lầm lì rắn rỏi hơn ngày trước. Vẻ công tử, học trò ngày nào không còn dấu vết gì trong con người này. Lão đã từng nghe tiếng đồn thằng này một lần trốn trại, cầm đầu một băng cướp trên tàu Hà Nội - Lạng Sơn. Chúng nó bề ngoài giả dạng buôn thuốc lá sợi, kỳ thực chúng làm gì thì ai biết được? Miệng lưỡi thế gian, một đồn mười mười đồn trăm. Lão cứ hình dung ra gã có tướng mạo kỳ quái. Mặt nó phải sẹo chằng ngang, chéo dọc, săm trổ đầy người. Chứ không phải cái vẻ buồn ngẩu ra như thế kia. Hay nó rắn giả lươn, giả chết bắt quạ? Nó được tha về hay vẫn trốn tránh từ bấy lâu nay? Tốt nhất mình không dây với nó. Nó có tìm gặp mình cũng nên lựa lời. Và sớm mai bằng giá nào mình cũng phải gặp thằng Hoàng cháu họ lão hiện đang làm công an trưởng xã này. Nó phải nắm được việc này, xem thế nào.
Lão vặn nhỏ ngọn đèn leo lên giường không chờ vợ về. Không biết con cóc kềnh vợ lão đã mang đi đâu chưa mà vẫn thấy tiếng nghiến răng trèo trẹo dưới gầm giường. Hình như có làn khói xanh leo lét vương lên nóc góc tủ. Một mùi tanh tanh đến lộn mửa làm lão nôn thốc nôn tháo. Lão Đởm trống ngực đánh hơn trống làng kéo chăn chùm đầu kín min mít.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: